Để "lá chắn" phòng vệ vững chắc

Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ cũng như nỗ lực của Bộ Công Thương và doanh nghiệp, Việt Nam đã và đang ứng phó hiệu quả, đồng thời phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ như một công cụ để bảo đảm môi trường thuơng mại công bằng, một mặt bảo vệ hàng hóa xuất khẩu tại thị trường nước ngoài, mặt khác giúp doanh nghiệp đứng vững tại "sân nhà" trong nước.

Sẵn sàng ứng phó

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, chính sách thương mại của các nước thời gian vừa qua đang chứng kiến các xu thế có phần trái ngược nhau. Một mặt nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đẩy mạnh việc tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết, gia nhập các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Mặt khác, xu thế bảo hộ trên thế giới đang gia tăng, đặc biệt là việc sử dụng các biện pháp bảo hộ dưới hình thức phòng vệ thương mại truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ hay những hình thức mới như chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm ngăn cản hàng nhập khẩu, bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, thời gian qua số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của ta tiếp tục gia tăng.

Tính đến hết tháng 9/2020, đã có 193 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam bao gồm nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thuỷ sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ…

Trong đó, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2020, số lượng vụ việc đã đạt 29 vụ, cao gấp 1,8 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.

Xu hướng bảo hộ trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, khiến hàng hóa của Việt nam xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài cũng gặp thêm nhiều khó khăn
Xu hướng bảo hộ trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, khiến hàng hóa của Việt nam xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài cũng gặp thêm nhiều khó khăn

Ngày 1/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” (Đề án 316) với mục đích ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị các phương án, nhằm tránh tối đa việc bị các quốc gia khác sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng quý Cục phòng vệ thương mại đã cập nhật danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh thuế và được đăng tải trên website của Cục.

Du vậy, Cục Phòng vệ thương mại cũng lưu ý, muốn giảm thiểu nguy cơ đối mặt các vụ điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chủ động trang bị kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại, quy định phòng vệ thương mại trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩ vụ của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, thực hiện lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ, rõ ràng, đồng thời xây dựng bộ phận pháp chế, nghiên cứu các quy định về thương mại, phòng vệ thương mại quốc tế hoặc cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết.

Bảo vệ thị trường trong nước

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 tuy góp phần mở rộng thị trường đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thương mại như gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế…

Cũng như các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới khác, EVFTA đã có điều khoản về phòng vệ thương mại. Hầu hết các FTA đều có mục tiêu xóa bỏ toàn bộ rào cản đối với thương mại và hạn chế hoặc không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, việc loại bỏ rào cản thuế quan trong FTA đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, vì các ngành sản xuất trong nước vẫn tiếp tục tìm kiếm sự bảo vệ khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

EVFTA giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về gian lận thương mại
Không thể phủ nhận EVFTA giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về gian lận thương mại

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Đề án 824) vào ngày 4/7/2019.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ cũng như nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một "lá chắn" vững chắc để bảo đảm môi trường thuơng mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Tính đến nay, Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc phòng vệ thương mại và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hoá chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường.

Các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần bảo vệ việc làm của hơn 150.000 người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng như bảo vệ cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước trong các vụ việc chống bán phá giá.

Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.

Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019 cho thấy, chỉ có 11% doanh nghiệp không biết gì về phòng vệ thương mại; 36% có nghe nhưng không biết sâu; 36% doanh nghiệp đã từng tìm hiểu sơ sơ; 17% doanh nghiệp đã tìm hiểu kỹ về phòng vệ thương mại.

Mới đây nhất, ngày 2/10/2020, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Biện pháp phòng vệ thương mại: Tác động và xu hướng sau EVFTA”, với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan Ban, ngành tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; các Hội, Hiệp hội; cộng đồng doanh nghiệp; các Viện - Trường và các cơ quan báo chí & truyền thông.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội, góp phần nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, đưa ra cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam tránh nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cũng như ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế cũng như bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính đồng thời tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là EVFTA.

Thy Thảo