Doanh nghiệp cần ưu tiên đổi mới công nghệ, thiết bị, quy trình quản lý

Ngày 21 tháng 12 năm 2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức “Diễn đàn năng suất, chất lượng ngành Công Thương năm 2020”. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng tới dự và phát biểu kết luận. Dưới đây là ý kiến của Thứ trưởng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng

 

Chúng ta đã có một buổi sáng làm việc hết sức hiệu quả và có ý nghĩa; cùng lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp, các chuyên gia với nhiều phương diện khác nhau.

Mở đầu, thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định, từ phía các doanh nghiệp sản xuất, chúng ta nhìn thấy nỗ lực cải tiến không ngừng của các doanh nghiệp và những kết quả rất rõ ràng gắn với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp; chung ta cũng đã thấy được Phong trào năng suất đang dần phát triển và lan tỏa;

Nhìn từ yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, của các nhà sản xuất đầu chuỗi, của thị trường nhập khẩu,.. chúng ta thấy thách thức và đòi hỏi ngày càng lớn hơn, … buộc mỗi doanh nghiệp cần một chiến lược tiếp cận chủ động và toàn diện hơn trong vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào trong nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp của chúng ta đang phải đương đầu với những đối thủ cạnh tranh lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có trình độ quản lý hiện đại.

Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào các chuỗi ung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới về công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại, các công cụ cải tiến, mô hình kinh doanh tiến tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.

Nâng cao năng suất, chất lượng cũng là vấn đề cốt lõi gắn với quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Tôi cho rằng, để đẩy mạnh các hoạt động cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp công thương nói riêng, cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các đơn vị có liên quan từ cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn hỗ trợ, các Tập đoàn, Tổng Công ty, Hiệp hội và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, Trong đó:

Về phía Bộ Công Thương: Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc báo cáo Thủ tướng và triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Các hoạt động hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương sẽ tập trung vào nâng cao năng lực thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng của các doanh nghiệp, tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng áp dụng một cách toàn diện các công nghệ quản trị cũng như nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, đặc biệt gắn với việc ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số; phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động đổi mới, phát triển sản phẩm, công nghệ cho các doanh nghiệp.

Đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Bộ: Tôi cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Cần sớm xây dựng và triển khai các Kế hoạch/Chương trình cụ thể về thúc đẩy cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp trong ngành, trong đó, phải đưa ra được chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể trong thời gian tới liên quan tới vấn đề năng suất, chất lượng từ đó định hướng những ưu tiên về đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình trong giai đoạn tới, về phía Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp và hỗ trợ để lồng ghép các hoạt động triển khai một cách phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Đối với các Viện, Trường, đơn vị nghiên cứu: Tôi cho rằng chúng ta có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng hỗ trợ, tư vấn và triển khai các hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, có lẽ đây chưa phải là một lĩnh vực mà chúng ta quan tâm và ưu tiên trong thời gian qua. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường năng lực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động này thông qua đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực và đội ngũ chuyên gia.

Với nhu cầu hiện có của doanh nghiệp liên quan tới việc tư vấn cải tiến năng suất chất lượng, chúng ta cần xây dựng một mạng lưới các đơn vị tư vấn, chuyên gia tư vấn có năng lực, trình độ cao.

Riêng với khối trường, hiện nay Bộ Công Thương đang có chủ trương đưa nội dung đào tạo về cải tiến năng suất và chất lượng trong chương trình đào tạo sinh viên khối kỹ thuật, nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên của chúng ta khi ra trường, làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất.

Đối với các Hiệp hội, tổ chức quốc tế: chúng tôi hy vọng có được sự tham gia, phối hợp nhiều hơn nữa để triển khai các hoạt động; tăng cường gắn kết với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy cộng đồng các doanh nghiệp cùng phát triển.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp: Tôi cho rằng chúng ta cần tích cực,  chủ động và mạnh mẽ hơn nữa trong các chiến lược đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp ưu tiên đến vấn đề đổi mới công nghệ, thiết bị, quy trình quản lý nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.

Đà Bắc