Doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

ThS. ĐỖ MINH NAM - ThS. ĐỖ VĂN DŨNG - ThS. TRƯƠNG THỊ THANH LOAN (Trường Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh)

TÓM TẮT:

Logistics là một ngành kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, tham gia ngày càng sâu rộng vào mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, đồng thời là mắt xích quan trọng trong việc hoàn tất quy trình đơn hàng thương mại điện tử (TMĐT). Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp E-logistics đã ra đời và nhanh chóng lan rộng trên thế giới. Bài viết phân tích các hoạt động của doanh nghiệp E-logistics trong việc hỗ trợ di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch mua bán điện tử.

Từ khóa: thương mại điện tử, logistics, doanh nghiệp E-logistics.

1. Vai trò của doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam

Hiện nay, nền kinh tế của các nước trên thế giới đã và đang tạo ra xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử, ngành Logistics cũng đã có những thay đổi nhanh chóng để bắt kịp. Đó chính là sự ra đời của logistics điện tử hay còn gọi là logistics trong TMĐT (E-logistics). Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ E-logistics được gọi là các doanh nghiệp E-logistics.

Logistics trong TMĐT là sự kết hợp giữa logistics và TMĐT, theo đó các hoạt động quản lý kinh doanh và sản xuất được số hóa và thông qua môi trường trên internet theo cơ chế tự động hóa, hành vi mua bán hàng hóa/dịch vụ được thực hiện trên những trang điện tử và thường tập trung vào các nghiệp vụ sau trong TMĐT như hoàn tất đơn hàng qua các khâu: đóng gói, phân phối, vận chuyển, thu tiền của khách hàng phục vụ các giao dịch thông suốt trong kinh doanh và sản xuất.

Điều này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ và hỗ trợ nhau giữa 2 lĩnh vực TMĐT và logistics, TMĐT không thể thiếu logistics, còn logistics phát triển nhanh và mạnh nhờ TMĐT. Đặc biệt, trong khoảng thời gian phòng chống dịch Covid-19, hoạt động mua/bán hàng hóa có sự thay đổi nhanh, chuyển từ mua/bán trực tiếp sang mua/bán trực tuyến, doanh thu thông qua giao dịch qua các kênh trực tuyến tăng nhanh khoảng 18%/năm [4] khiến nhu cầu dịch vụ logistics cho TMĐT tăng cao. Theo đó, hàng loạt các doanh nghiệp E-logistics ra đời để đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi của người tiêu dùng.

Có thể khẳng định, E-logistics là một công cụ liên kết mọi hoạt động của chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm: sản xuất, cung cấp, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường. Nó có vai trò vô cùng to lớn trong việc tối ưu hóa chu trình lưu chuyển từ khâu đầu vào đến đầu ra trong sản xuất của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, nó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế hiện nay.

Khi doanh nghiệp E-logistics dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, có thể khai thác những lợi ích về thuật toán xếp lịch tối ưu, khai phá dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và mạng toàn cầu để tạo lợi thế về phạm vi thị trường rộng, mật độ lưu thông hàng hóa cao, tần suất mua lớn, mặt hàng đa dạng và phong phú, thời gian giao hàng nhanh chóng và có thể thu tiền trực tiếp hoặc giao dịch điện tử.

Điều này tạo ra cho các doanh nghiệp đó có khả năng hoạt động không hạn chế về thời gian và địa điểm, tạo nhiều cơ hội mở rộng thị trường ở các vùng miền, khu vực khác nhau đặc biệt là những địa phương không thuận lợi về vị trí địa lý, theo đó thúc đẩy phát triển toàn bộ nền kinh tế.

Mặt khác, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, doanh nghiệp E-logistics có thể tăng khả năng kiểm soát đơn hàng và giải quyết tốt các bài toán về nguồn nguyên liệu đầu vào, số lượng sản phẩm sản xuất ra, hành trình vận tải nhanh gọn, vấn đề kho bãi, giao hàng, lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu, đặc biệt là sử dụng bên thứ 3 trong khâu vận tải một cách hợp lý, cắt giảm chí phí các khâu trung gian. Những điều này khiến cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đó tăng lên, thúc đẩy phát triển thương mại trong nước và quốc tế, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế nước nhà.

2. Thực trạng phát triển doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam

            Từ năm 2018 đến nay, thị trường TMĐT ở Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, quy mô năm 2018 đạt 8,06 tỷ USD, năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD và ước tính năm 2021 đạt 13,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 18%, trong đó chi phí logistics chiếm khoảng 10% doanh thu [4], đây là nền tảng cơ sở cho sự phát triển doanh nghiệp logistics.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, “năm 2017, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ E-logistics, đến nay con số đã lên đến hơn 3000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong mảng logistics, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp nước ngoài” [8]. Trong đó, phải kể đến các doanh nghiệp lớn như: DHL Express, FedEx, UPS, Maersk Logistics, APL Logistics, Schenker, Nippon Express, KWE, CJ Logistics, KMTC Logistics, Log Win, Lazada, Tiki Shopee, Thế giới Di động, Viettel Post, Vietnam Post, Sen Đỏ, FPT Shop, Điện máy Xanh, Adayroi, Amazon,... Phần lớn các doanh nghiệp đó giao dịch theo mô hình B2C, mọi công đoạn trong logistics từ đầu vào đến đầu ra đều được xử lý bằng công nghệ thông tin, các quy trình được số hóa và tự động (xem Hình 1) để đáp ứng số lượng đơn hàng lớn lên đến hàng triệu đơn mỗi ngày, đa dạng chủng loại hàng hóa, tiến độ giao hàng chỉ trong một vài giờ.

Hình: Các thành phần của hệ thống E-logistic

cac-thanh-phan-cua-he-thong-e-logistic

Nguồn: Tác giả tổng hợp

- Các hình thức E-logistics ở Việt Nam gồm:

+ Dịch vụ chuyển phát nhanh (CPN): Những năm gần đây, dịch vụ này tương đối phát triển, số lượng doanh nghiệp đăng ký thực hiện dịch vụ loại này đã tăng lên đáng kể, năm 2016 chỉ có khoảng hơn 200 công ty, hiện có 362 công ty đăng ký, trong đó có CPN quốc tế là 198 công ty và CPN trong nước là 164 công ty [1]. Mặt khác, số lượng đơn hàng tăng trưởng ở mức trung bình 45% giai đoạn 2015 - 2020 và có thể đạt tới 530 triệu đơn hàng vào năm 2020.

+ Dịch vụ giao hàng thu tiền (giao hàng tức thời): Dịch vụ này cũng được các đơn vị bán lẻ, kinh doanh online sử dụng nhiều, đặc biệt là các mặt hàng mua số lượng ít, giá trị không lớn. Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ logistics đảm nhiệm vai trò giao hàng và thu tiền hộ người bán hàng.

+ Dịch vụ giao hàng chặng cuối: Dịch vụ này liên quan đến hai tác nghiệp quan trọng đó là vận tải - giao hàng và trung tâm phân loại - chia chọn được tích hợp với nhau. Trong đó, việc tổ chức hoạt động phân loại - chia chọn đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng và năng lực thực hiện dịch vụ của các hãng. Trong những năm qua, một số công ty lớn đã thực hiện thành công dịch vụ này, như: Lazada, Vietnam Post, GHN.

- Các mô hình E-logistics ở Việt Nam, bao gồm:

+ 1 PL (First party logistics): Là logistic tự cấp, tự chủ trong cung cấp dịch vụ logistics của doanh nghiệp và sử dụng cơ sở vật chất của chính doanh nghiệp đó.

+ 2 PL (Second party logistics): Là mô hình mà doanh nghiệp đi thuê một phần dịch vụ logistics của đối tác trong ngành.

+ 3 PL (Logistic theo hợp đồng): Là mô hình mà doanh nghiệp thuê logistics ngoài, được bên thứ 3 cung cấp, nhưng hoàn toàn đơn lẻ.

+ 4 PL (Cung cấp dịch vụ logistic thứ 4): Theo mô hình này, doanh nghiệp sẽ cung cấp đầy đủ một chuỗi trong dịch vụ logistics.

+ 5 PL (Cung cấp logistic cho bên thứ 5): Theo mô hình này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên nền thương mại điện tử.

Trong 5 mô hình trên, hiện nay các doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam chủ yếu áp dụng mô hình thứ 2 và thứ 3.

Mặc dù hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực E-logistics bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố (chất lượng nguồn nhân lực, giá dầu, các hiệp định thương mại, tình hình kinh tế vĩ mô, sự phát triển của xuất nhập khẩu và cách mạng công nghệ 4.0) [8], tuy nhiên trong những năm qua, doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam đã có nhiều bước tiến và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng nền kinh tế đất nước. Cụ thể:

- Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy mở rộng liên kết kinh tế giữa các ngành hàng, các vùng kinh tế: Nhờ có sự kết hợp giữa logistics và TMĐT, ngành Dịch vụ logistics đem lại giá trị gia tăng ngày càng nhiều, hàng năm đóng góp khoảng 4-5% GDP [9] và tạo khoảng 20.000 việc làm cho người lao động với mức lương hàng tháng tương đối cao từ 500 - 1500USD [3]. Đồng thời, các doanh nghiệp E-logistics với ưu thế vượt trội là hỗ trợ tốt trong công tác lưu kho, chuẩn bị đơn hàng, giao hàng tại kho người bán và tại địa chỉ người mua mà không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm cung cấp, nên rất thuận tiện trong việc làm cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp, các lĩnh vực, các vùng miền và các ngành kinh tế cùng nhau hỗ trợ, phát triển.

- Lĩnh vực hoạt động, kênh phân phối và các loại hình vận tải của doanh nghiệp E-logistics tương đối đa dạng, tạo điều kiện rộng phạm vi kinh doanh ra các thị trường bên ngoài Việt Nam.

- Năng lực logistics của các doanh nghiệp nhìn chung đều được đánh giá tương đối tốt về đáp ứng thời gian phản hồi và xử lý nhanh, đảm bảo độ tin cậy cho khách hàng.

Bên cạnh kết quả đạt được, doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế sau:

- Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, ít vốn, kéo theo việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin ở các doanh nghiệp bị hạn chế, hoạt động ở các khâu chủ yếu vẫn là thủ công, dẫn đến sai sót, chi phí cao. Ngoài ra, logistics chuỗi lạnh rất cần thiết với lĩnh vực nông sản của Việt Nam, tuy nhiên chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư cho hệ thống này. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp logistics và chuyển phát nhanh tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, trong đó 90% số doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỉ đồng, 5% doanh nghiệp có vốn từ 10 - 20 tỉ đồng. Đối với những doanh nghiệp này, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng E-logistics là vô cùng gian nan. Điều này khiến cho thị trường logistics của Việt Nam tương đối lớn, nhưng 80% thị phần rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài [7].

- Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thị trường: Mặc dù nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực logistics chủ yếu là trẻ, năng động, nhiệt tình. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn sâu, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, hạn chế về ngoại ngữ và phải đảm nhiệm nhiều công việc hành chính khác.

- Chi phí logistics cao, tương đương khoảng 20,9% GDP [2] và chiếm khoảng 30-40% giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, trong khi ở các nước như Thái Lan chiếm 6%, Malaysia 12%, so với Singapore thì chi phí cao hơn gấp 3 lần [5].

- Do hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin nên ở nhiều khâu doanh nghiệp E-logistics thực hiện thủ công làm ảnh hưởng đến thời gian giao hàng, kiểm đếm sai sót, tiếp nhận ý kiến khách hàng chậm,…

3. Giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam

Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Về phía Nhà nước:

- Hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động logistics và loại hình mới E-logistics: Nhà nước cần tiếp tục xúc tiến nhanh việc cải cách các thủ tục hành chính, cần được đơn giản và minh bạch, nhất là việc công khai thông tin thủ tục và số hóa các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh dịch vụ E-logitsics thuận lợi, thông thoáng nhằm mục đích cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics, tiếp tục tạo hành lang pháp lý hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp E-logistics ứng dụng công nghệ thông tin để giảm giá dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, tạo điều kiện và hỗ trợ để thanh toán điện tử được triển khai rộng rãi, hạn chế giao dịch tiền mặt.

Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, ưu đãi về thuế, thuê đất, lãi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia kinh doanh lĩnh vực E-logistics có điều kiện đầu tư hệ thống kho bãi, hệ thống phân loại hàng hóa, nâng cấp trang thiết bị bốc dỡ hàng, ứng dụng công nghệ thông tin,… đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và giảm chi phí, năng cao năng lực cạnh tranh.

- Đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng cho logistics như giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin: Nhà nước cùng với Hiệp hội logistics cần rà soát quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics và E-logistics để điều phối, vận hành và kết nối hiệu quả với các hệ thống cảng biển, kho bãi, đường giao thông trong nước và khu vực tạo thành những con đường vận tải hàng hóa thuận lợi, hiệu quả cao và đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, không gian, sự kết hợp đa dạng các phương tiện vận tải và nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xúc tiến nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức, cơ quan liên quan đến lĩnh vực E-logistics để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về logistics: Nhà nước cần có cơ chế phân cấp quản lý linh hoạt giữa Trung ương và địa phương nhằm nâng cao hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành hoạt động logistics. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực này có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tin học ngoại ngữ giỏi, am hiểu pháp luật đáp ứng với yêu cầu công việc.

- Mở rộng mạng lưới đào tạo nhân lực E-logistics: Lĩnh vực E-logistics còn khá mới mẻ, đòi hỏi nhiều kỹ năng, nên nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu rất hạn chế. Vì vậy, Nhà nước cần định hướng các trường đại học phối hợp với các Hiệp hội, các doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu, chất lượng cao để có thể vận hành tốt hệ thống E-logistics.

Về phía các Hiệp hội trong lĩnh vực logistics: Tiếp tục phát huy vai trò trong việc xây dựng cơ chế, chính sách một cách phù hợp và hiệu quả. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như công tác quảng bá, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm, thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các ngành nghề, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics cho các doanh nghiệp trong ngành.

Về phía doanh nghiệp logistics: Cần chủ động và nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới nhất của cách mạng công nghiệp 4.0, tích hợp nhiều ứng dụng, như: phần mềm hệ thống quản lý đơn hàng, quản lý kho, tự động phân loại hàng hóa, quản lý vận tải,… để có thể kết nối, tra cứu đơn hàng ở mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu thời gian kiểm đếm, lưu kho, dễ truy xuất, tiếp nhận xử lý phản hồi khách hàng, nâng cao uy tín và hiệu quả trong công tác quản lý, từ đó có thể giảm chi phí, giảm thiểu sai sót trong quy trình logistics cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần chủ động cập nhật nắm bắt thông tin, cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật, chia sẻ, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong ngành, các doanh nghiệp là đối tác nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện năng lực phục vụ. M

ặt khác, doanh nghiệp E-logistics nên tích cực tham gia sàn giao dịch vận tải nhằm tiếp cận được đầy đủ thông tin hữu ích trong việc sử dụng phương tiện vận tải và cung đường đi hợp lý, giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí quản lý và vận tải, theo đó nâng cao hiệu suất vận tải cho các doanh nghiệp E-logistics. Ngoài ra, cần chủ động liên doanh, liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ logistics, với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics của chính mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp E-logistics cũng cần phải coi trọng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, am hiểu luật pháp đáp ứng đòi hỏi của công việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tất cả những điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp E-logistics.

Trên đây là toàn cảnh bức tranh về doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam trong những năm qua. Để phát huy thế mạnh, khai thác và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, đòi hỏi hỏi cần có sự vào cuộc của cả hệ thống, đồng thời cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp, kịp thời để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp E-logistics, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2019). Báo cáo logistics Việt Nam năm 2019. NXB Công Thương, Hà Nội.
  2. Bộ Công Thương (2020), Báo cáo logistics Việt Nam năm 2020. NXB Công Thương, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2013). Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử.
  4. E-logistics: Khó có chỗ cho doanh nghiệp nhỏ. Truy cập tại: https://www.vla.com.vn/-e-logistics-kho-co-cho-cho-doanh-nghiep-nho.html
  5. Thực trạng chi phí logistics Việt Nam năm 2020. Truy cập tại: https://vilas.edu.vn/chi-phi-logistics-tai-viet-nam-2020.html.
  6. Hiệp hội Logistic Việt Nam (2018). Diễn đàn logistics Việt Nam lần thứ 6, “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế”. Hạ Long, Việt Nam.
  7. Chi phí logistics cao làm giảm sức hút đầu tư của Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/chi-phi-logistics-cao-lam-giam-suc-hut-dau-tu-cua-viet-nam-323011.html
  8. Cao Cẩm Linh (2021). Phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số. Tạp chí Tài chính. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phat-trien-dich-vu-logistics-o-viet-nam-trong-boi-canh-kinh-te-so-331297.html

 

E-LOGISTICS ENTERPRIES IN VIETNAM:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Master. DO MINH NAM

Master. DO VAN DUNG

Master. TRUONG THI THANH LOAN

University of Finance - Business Administration

ABSTRACT:

Logistics industry has experienced a rapid growth and has played an increasing role in many socio - economic aspects. Logistics is also an essential part in the e - commerce sector. In that context, e-logistics businesses have grown quickly around the world. This paper analyzes the operations of e - logistics enterprises in transporting goods from suppliers to consumers via online transactions.

Keywords: e - commerce, logistics, e - logistics enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 22, tháng 9 năm 2021]