Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa Việt Nam giai đoạn 2015 - 2024: thực trạng và khuyến nghị

Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa Việt Nam giai đoạn 2015 - 2024: thực trạng và khuyến nghị do Võ Đức Toàn (Trường Đại học Sài Gòn) thực hiện

TÓM TẮT:

Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là hai công cụ ổn định kinh tế vĩ mô quan trọng của một quốc gia và có mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau. Để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô tối ưu, gồm: tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả, hai chính sách này cần có sự phối hợp và bổ sung cho nhau. Bài nghiên cứu này phân tích sự phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa Việt Nam giai đoạn 2015-2024 và đề xuất một số khuyến nghị nhằm thực hiện tốt sự phối hợp chính sách tài tiền tệ và chính sách tài khóa trong thời gian tới.

Từ khóa: phối hợp, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã có sự phát triển tích cực, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới, nhờ có sự phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một cách linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ.

Chính sách tiền tệ là tổng hòa những phương thức mà Ngân hàng Nhà nước thông qua các hoạt động tác động đến khối lượng tiền trong lưu thông, nhằm phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ nhất định. Các mục tiêu đó là phát triển kinh tế, gia tăng sản lượng, tạo công ăn việc làm và kiểm soát lạm phát.

Chính sách tài khóa là hệ thống các quan điểm, chủ trương, biện pháp hình thành và sử dụng ngân sách nhà nước. Trong đó, chính sách thuế, phí và lệ phí đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, việc huy động ngân sách thông qua các hình thức phát hành giấy tờ có giá như tín phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước sẽ thu hút sự tham gia của công chúng và nhà đầu tư. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ và Bộ Tài chính thực thi chính sách tài khóa. Trong một nền kinh tế ngày càng hội nhập và đầy biến động, việc thực thi chính sách tài khóa có thể tác động xấu đến mục tiêu chính sách tiền tệ và ngược lại. Vì vậy, việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hết sức cần thiết để đạt được mục tiêu chung của quốc gia trong mỗi thời kỳ phát triển.

2. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa Việt Nam giai đoạn 2015 - 2024

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng được các mục tiêu đồng bộ, đúng hướng và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội: sử dụng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chặt chẽ nhằm kiềm chế lạm phát, ngăn chặn sự suy giảm phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cơ cấu hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế và đặc biệt là chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài.

Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát luôn thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên đến năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, lạm phát có nguy cơ tăng cao. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được thực hiện theo hướng thắt chặt thông qua các biện pháp như tăng lãi suất, tăng trần lãi suất huy động, tăng lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn; hạn chế tăng trưởng tín dụng và cung tiền; cắt giảm đầu tư chưa cần thiết, tiết kiệm chi tiêu, chỉ tập trung đầu tư những công trình mang tính cấp thiết, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Những biện pháp đó đã có tác động tích cực: tỷ lệ lạm phát luôn được kiềm chế thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP, đặc biệt là trong 2 năm 2020 và 2021, Việt Nam đã bị tác động rất nghiêm trọng do dịch bệnh, nhưng vẫn có tăng trưởng GDP dương, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, cho thấy những biện pháp trong áp dụng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có tác dụng tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới đối với nền kinh tế đất nước.

Hình 1: Chỉ tiêu lạm phát và tăng trưởng GDP của Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2024

Chính sách tiền tệ

Nguồn: Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính, (2015-2024b)

Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong thời gian qua đã giúp kiềm chế được lạm phát, lạm phát luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Tốc độ tăng GDP từ năm 2015 đến năm 2019 dao động từ mức 6,68% đến 7,02%, nhờ sử dụng linh hoạt và hiệu quả sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa  của Chính phủ. Đến năm 2022, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng ở mức 8,02%, tỷ lệ lạm phát 3,15% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng GDP. Dự kiến, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 7,09% và tỷ lệ lạm phát ở mức dưới 4%. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tương đương với giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2019. Dự báo trong thời gian tới, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt từ 7,5% trở lên, đánh dấu một thời kỳ tăng trưởng mới.

Hình 2: Chỉ tiêu lãi suất của Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2024

Chính sách tiền tệ

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, (2015-2024b)

Hình 2 cho thấy giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2024, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn có xu hướng điều chỉnh giảm. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu từ 4,5% năm 2015 giảm còn 3% năm 2024; lãi suất tái cấp vốn cũng được điều chỉnh giảm từ 6,5% năm 2015 giảm còn 4,5% năm 2024. Như vậy, khi đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Hình 3: Chỉ tiêu tăng trưởng cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng,
tăng trưởng huy động vốn của Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2024

Chính sách tiền tệ

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, (2015 - 2024a)

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê (Hình 3) cho thấy tăng trưởng cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng là một trong những nguyên nhân làm cho lạm phát tăng. Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tăng trưởng cung tiền M2 từ mức 15% năm 2015 xuống còn 6,2% năm 2022. Tuy nhiên, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh, từ năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng M2.

Tăng trưởng tín dụng từ năm 2015 đến năm 2017 ở mức trên 17%, là mức cao đối với nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng trưởng tín dụng dao động trong phạm vi từ mức 12% đến 15%. Tiếp đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng, năm 2023 là 13,71%, tính đến tháng 11/2024 đạt 11,9%. Đây là mức phù hợp đối với thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đảm bảo được kiềm chế lạm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tăng trưởng huy động vốn có xu hướng tương tự như tăng trưởng M2, trong đó, năm 2021 và 2022, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, đặc biệt năm 2022, tăng trưởng huy động vốn là 5,99% nhưng tăng trưởng tín dụng lại đạt tới 14,5%. Điều này cho thấy có sự tác động của dịch bệnh và thị trường vàng, dịch bệnh năm 2021 đã làm cho các doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nên nhu cầu vốn thấp. Sang năm 2022, dịch bệnh đã kiểm soát tốt, người dân, doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại bình thường làm tăng nhu cầu vốn. Ngoài ra, thị trường vàng cũng tác động không nhỏ đến thị trường huy động vốn của các ngân hàng thương mại khi nhu cầu mua vàng của người dân tăng cao. Số liệu thống kê cũng cho thấy năm 2023 và 2024, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục cao hơn tăng trưởng huy động vốn. Nếu tình hình này kéo dài có thể gây ra rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại, vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có sự can thiệp phù hợp để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng diễn ra mạnh mẽ từ năm 2015 đến nay, nhằm lành mạnh hóa và tăng cường năng lực tài chính cho hệ thống ngân hàng, tránh đổ vỡ hệ thống ngân hàng, từ đó góp phần phát triển kinh tế Việt Nam. Điều này thể hiện qua một số thương vụ hợp nhất, sáp nhập và mua lại như sau:

- Ngày 05/5/2015, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chính thức nhận sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long và tăng vốn điều lệ lên gần 31.500 tỷ đồng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2015a).

- Ngày 21/7/2015, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 1391/QĐ-NHNN chấp thuận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2015b). Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/8/2015, tăng vốn điều lệ của Ngân hàng lên 11.750 tỷ đồng (HP, 2015).

- Từ ngày 01 tháng 10 năm 2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín hoàn tất nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam, tăng vốn điều lệ lên 18.853 tỷ đồng (Xuân Thân, 2015).

- Trong năm 2015, các ngân hàng: Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu cũng đã hoàn toàn thuộc về Nhà nước sau những thương vụ mua lại bắt buộc, với giá 0 đồng và chuyển thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên. (Huy Thắng, 2015)

- Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng thương mại, gồm: Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Quân đội. Trong thời gian tới, hai Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu và Ngân hàng TMCP Đông Á cũng sẽ tiếp tục được chuyển giao cho các ngân hàng khác. (Anh Minh, 2024)

Như vậy, tính đến nay, cả nước có 35 ngân hàng thương mại, trong đó có 2 ngân hàng thương mại Nhà nước sở hữu 100% vốn, 2 ngân hàng thương mại TNHH và 31 ngân hàng TMCP. Hiện nay, vẫn còn một vài ngân hàng (ngân hàng bị mua 0 đồng, ngân hàng kiểm soát đặc biệt) cần tiếp tục cơ cấu lại theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, nhằm tăng năng lực tài chính và đảm bảo an toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

Hình 4: Chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách và nợ công so với GDP

Chính sách tiền tệ

Nguồn: Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính (2015-2024a)

Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Hình 4) cho thấy tỷ lệ nợ công so với GDP có xu hướng tích cực, năm 2015 là 64% và có xu hướng giảm dần, đến năm 2023, 2024 là 37%, thấp hơn nhiều trần nợ công cho phép của Quốc hội Việt Nam. Tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP năm 2015 là 5,3%, đến năm 2024 là 3,4% có xu hướng đi ngang và giảm, đảm bảo tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP không vượt quá 5% theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, những con số chúng ta đưa ra cũng chỉ mang tính cảnh báo, chưa khẳng định được điều gì. Theo quan điểm của tác giả, con số tỷ lệ nợ công và tỷ lệ bội chi ngân sách bao nhiêu không quan trọng, mà vấn đề là hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách. Nếu chúng ta có công cụ hữu hiệu để đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách thì hoàn toàn có thể điều chỉnh tăng tỷ lệ nợ công và tỷ lệ bội chi ngân sách một cách linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế ở Việt Nam. Với thực trạng kinh tế hiện nay, việc tăng đầu tư vào nền kinh tế là hết sức cần thiết để kích thích tăng trưởng kinh tế sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh. Và với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao cho những năm sau, việc tăng tỷ lệ nợ công và tỷ lệ bội chi ngân sách trong thời gian tới cần được xem xét, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chỉ tiêu của chính sách tiền tệ để làm động lực cho một kỷ nguyên phát triển mới.

Trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh và tăng tổng cầu trong nền kinh tế. Trong đó đáng chú ý là chính sách miễn giảm, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đã giảm mức thuế suất phổ thông từ 22% xuống 20% từ ngày 01/01/2016, áp dụng mức thuế suất 20% từ ngày 01/7/2013 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ (Bộ Tài chính, 2014); thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8% từ năm 2022 đến ngày 30/6/2025 (Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2022 và 2024). Đối với người lao động, thuế thu nhập cá nhân cũng đã được nâng mức khởi điểm chịu thuế cho bản thân từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, nâng mức khấu trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ mức 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng, quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2020). Tác giả cho rằng, việc hỗ trợ này đã có ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, đây là quyết định đúng và có tác dụng nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách trong tương lai.

3. Một số khuyến nghị

Qua nghiên cứu chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa Việt Nam giai đoạn 2015 - 2024 và thực tế phát triển kinh tế đất nước, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, cần kiềm chế lạm phát luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP; duy trì tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,5% năm trở lên; giảm lãi suất thị trường; tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển, trong đó chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp để góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân. Trên cơ sở các mục tiêu đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và chặt chẽ hơn nữa.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng để giúp cho các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn, đồng thời đảm bảo đủ nguồn vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.

Thứ ba, tiếp tục cơ cấu hệ thống ngân hàng, đẩy nhanh quá trình xử lý các ngân hàng bị mua 0 đồng và các ngân hàng kiểm soát đặc biệt, tập trung công tác xử lý tài sản đảm bảo để giảm nợ xấu, đưa dòng vốn vào nền kinh tế phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, kiểm soát thu, chi ngân sách kết hợp với chính sách tín dụng nhà nước để đảm bảo tỷ lệ nợ công và tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP ở mức hợp lý. Chính sách tín dụng nhà nước cần tính toán kỹ, phải đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả. Chính phủ nên đề xuất tăng tỷ lệ nợ công và bội chi ngân sách gần với mức Quốc hội cho phép để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.

Thứ năm, cần ổn định và minh bạch các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, chính sách sau phải tạo điều kiện thuận lợi hơn chính sách trước, để đảm bảo sự yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và dân doanh.

Thứ sáu, Chính phủ cần tăng cường giám sát dòng vốn tín dụng và đầu tư để đảm bảo tính cân đối từ đó ổn định được môi trường kinh tế vĩ mô, tránh những biến động bất lợi đối với thị trường chứng khoán, tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán quốc tế.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và các đơn vị công lập, những đơn vị không hiệu quả nên cho giải thể hoặc sáp nhập, các đơn vị hoạt động tốt nên chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính.

Thứ tám, đối với thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ cần xem xét sớm nâng mức khởi điểm chịu thuế và mức khấu trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nhằm kích cầu và tăng tích lũy cho người dân.

Thứ chín, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, sớm nghiên cứu và phát hành đồng tiền kỹ thuật số cho nền kinh tế Việt Nam để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới.

4. Kết luận

Những phân tích ở trên cho thấy chính sách tài chính của Việt Nam, cụ thể là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa từ năm 2015 đến năm 2024 đã đạt được những thành quả nhất định, đó là:

(1) đã giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển trở lại;

(2) đã kiểm soát được tỷ lệ lạm phát luôn thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP;

(3) tốc độ tăng trưởng huy động vốn đã tăng gần bằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng;

(4) tỷ lệ nợ công và tỷ lệ bội chi ngân sách được kiểm soát trong giới hạn an toàn.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán chưa phát triển như kỳ vọng, Vì vậy, trong thời gian tới, cần chú trọng sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những phát triển vượt bậc, trở thành một nền kinh tế lớn trong khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anh Minh (2024). Chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/chinh-thuc-chuyen-giao-bat-buoc-2-ngan-hang-0-dong-102241017171958141.htm

2. Bộ Tài chính (2014). Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

3. Bộ Tài chính (2015-2024). Một số chỉ tiêu tổng hợp từ năm 2015-2024. Truy cập tại https://ckns.mof.gov.vn/ SitePages/khaithacdulieu.aspx

4. HO (2015). Maritime Bank tăng vốn điều lệ lên 11.750 tỷ đồng. Truy cập tại https://thoibaonganhang.vn/ maritime-bank-tang-von-dieu-le-len-11750-ty-dong-43609.html

5. Huy Thắng (2015). NHNN chính thức mua lại GPBank. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/nhnn-chinh-thuc-mua-lai-gpbank-102186480.htm

6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015a). Ngân hàng MHB sáp nhập vào Ngân hàng BIDV. Truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/links/cm100?dDocName=SBVWEBAPP01SBV074219&dID=235257

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015b). Quyết định số 1391/QĐ-NHNN ngày 21/7/2015 về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam.

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015-2024a). Tốc độ tăng trưởng và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế các năm 2015-2024. Vụ Dự báo, Thống kê, Hà Nội.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015-2024b). Chỉ tiêu lãi suất qua các năm 2015-2024.

10. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2022). Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

11. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2024). Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 - Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.

12. Tổng cục Thống kê (2015-2024a). Công văn công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách cả năm các năm 2015 đến 2024.

13. Tổng cục Thống kê (2015-2024b). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các năm 2015 đến 2024.

14. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2020). Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 V/v điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

15. Võ Đức Toàn (2021). Chính sách tài chính Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020: Thực trạng và khuyến nghị. Tạp chí Công Thương, 24, 300-306.

16. Xuân Thân (2015). Ngân hàng Phương Nam chính thức sáp nhập vào Sacombank từ 1/10. Truy cập tại https://vov.vn/kinh-te/ngan-hang-phuong-nam-chinh-thuc-sap-nhap-vao-sacombank-tu-110-435185.vov

COORDINATION OF MONETARY POLICY

AND FISCAL POLICY IN VIETNAM FROM 2015 TO 2024:

ASSESSMENT AND RECOMMENDATIONS

• VO DUC TOAN

Sai Gon University

ABSTRACT:

Monetary and fiscal policies are fundamental macroeconomic stabilization tools that are inherently interdependent. Effective coordination between these policies is essential for achieving key macroeconomic objectives, including sustainable economic growth and price stability. This study examines the coordination of monetary and fiscal policies in Vietnam from 2015 to 2024, assessing their interactions and impacts on the economy. Based on the analysis, the study provides policy recommendations to enhance the effectiveness of monetary-fiscal coordination in the future.

Keywords: coordination, monetary policy, fiscal policy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 1 năm 2025]

DOI: https://doi.org/10.62831/202503025

Tạp chí Công Thương