TÓM TẮT:
Trong những năm vừa qua, đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu đã tác động rất lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống vật chất của người dân, các quốc gia trên thế giới đã và đang phải đối mặt với nguy cơ nợ công tăng cao khi có những điều chỉnh trong chính sách tài khóa nhằm ứng phó với dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế. Bài viết này nghiên cứu những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhằm nhận thức rõ tác động của nó đến chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tài khóa; trên cơ sở kinh nghiệm của các nước trên thế giới về điều chỉnh chính sách tài chính và tài khóa hỗ trợ nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có một số gợi ý đối với Việt Nam.
Từ khóa: chính sách tài chính, chính sách tài khóa, kinh nghiệm, phục hồi, đại dịch Covid-19.
1. Khái quát về chính sách tài chính và chính sách tài khóa
1.1. Khái quát về chính sách tài chính
Có thể khái quát chính sách tài chính như sau: Trong điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường, với chức năng và vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế, Nhà nước phải có định hướng sử dụng toàn bộ các khâu của hệ thống tài chính để phục vụ cho việc thực hiện các chức năng nói trên, đó là các chính sách kinh tế vĩ mô liên quan để sự vận động của các dòng vốn, tiền tệ và các nguồn lực tài chính, qua đó tác động vào các hoạt động của nền kinh tế theo định hướng của Nhà nước đã xác định.
Chính sách ngân sách là công cụ hữu hiệu để điều tiết thu nhập, hướng dẫn tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời việc chi tiêu của ngân sách cũng sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu của xã hội trong ngắn hạn và tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng trong dài hạn. Bên cạnh đó, về mặt xã hội, chính sách ngân sách góp phần thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội, chương trình việc làm, từ đó giảm bớt tình trạng đói nghèo và khắc phục tình trạng không công bằng trong phân phối do cơ chế thị trường đưa đến.
Chính sách tiền tệ mà trong đó phần quan trọng là chính sách lãi suất sẽ quyết định đến khuynh hướng đầu tư của các doanh nghiệp. Do đó, một chính sách lãi suất đúng đắn một mặt sẽ có tác dụng thúc đẩy các nhà đầu tư mạnh dạn lựa chọn phương án có lợi để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, mặt khác cũng khuyến khích tiết kiệm, tạo nguồn vốn cho tăng trưởng trong dài hạn.
Chính sách tỷ giá có vị trí quan trọng trong chính sách tài chính, nó sẽ tác động đến tình hình xuất nhập khẩu, đến tình trạng nợ nần của doanh nghiệp và Chính phủ. Sự biến động của tỷ giá sẽ gây ra những xáo trộn về giá cả tương đối giữa đồng ngoại tệ và đồng nội tệ, ảnh hưởng đến tích lũy ngoại tệ của dân cư. Một chính sách tỷ giá linh hoạt là điều kiện quan trọng giúp nền kinh tế điều chỉnh nhanh nhạy trước những biến động của tình hình kinh tế - tài chính của thế giới.
Thị trường vốn là thị trường nhằm tạo ra vốn trung và dài hạn. Ở nước ta, việc hình thành và phát triển thị trường vốn là một nhu cầu bức thiết nhằm cung ứng vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp cũng như cho các dự án đầu tư và phát triển kinh tế. Chính sách tài chính liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế thị trường. Đó là một công cụ quan trọng của Nhà nước nhằm điều tiết và quản lý hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.
Một chính sách tài chính linh hoạt, trong điều kiện phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế và cơ chế tài chính của đất nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nước ta trong những năm tới.
1.2. Khái quát về chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa Chính sách tài khóa (fiscal policy) là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tác động vào quy mô hoạt động kinh tế thông qua biện pháp thay đổi chi tiêu và/hoặc thuế của chính phủ.
Về mặt lý thuyết, chính sách tăng chi tiêu hay cắt giảm thuế làm tăng tổng cầu thông qua hiệu ứng nhãn tử, qua đó tạo thêm việc làm để đáp ứng mức tổng cầu tăng thêm và làm tăng thu nhập quốc dân từ Y* lên Y1. Nếu mức hoạt động kinh tế quá cao, hay nền kinh tế quá nóng, chính phủ có thể cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế để cắt giảm tổng cầu.
Với những khái quát về chính sách tài chính và chính sách tài khóa nhằm mục tiêu là sự định hướng cho các hoạt động tài chính cần phải đạt tới trong một thời gian nhất định nhằm thực hiện nhanh các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tương ứng. Mục tiêu này bao gồm mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể và làm giảm quy mô biến động của sản lượng trong chu kỳ kinh doanh. Mục tiêu này dẫn tới quan điểm cho rằng chính phủ cần điều chỉnh hoạt động của nền kinh tế.
2. Tác động của đại dịch Covid-19 và kinh nghiệm của các nước trên thế giới điều chỉnh trong chính sách tài khóa nhằm ứng phó với dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế
2.1. Một số tác động của đại dịch Covid-19
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với tăng trưởng thế giới là rất nặng nề. Theo số liệu của IMF, GDP thế giới năm 2019 là 87.345 tỷ USD. Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, GDP thế giới đã giảm xuống còn 84.537 tỷ USD, mức giảm là -3,21%GDP, lớn hơn toàn bộ GDP của Ấn Độ so với thế giới năm 2020 là 3,1%. Liên hợp quốc dự báo, đại dịch Covid-19 sẽ đẩy số lượng người thất nghiệp trên toàn thế giới lên hơn 200 triệu người vào năm 2022. Tác động của đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ kéo dài chứ không dừng lại ở năm 2022. Theo dự báo của IMF, GDP thế giới năm 2024 sẽ thấp hơn 3% (6% đối với các quốc gia thu nhập thấp) so với trường hợp không có đại dịch Covid-19.
2.2. Kinh nghiệm cửa một số quốc gia
Thứ nhất, tại Mỹ và Bắc Mỹ. Mỹ đã đưa ra 5 gói kích thích kinh tế lớn với tổng trị giá lên đến gần 5.000 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ các bang và lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, trong tháng 11/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD. Đây là luật cải tổ cơ sở hạ tầng lớn nhất của Mỹ trong hơn một nửa thế kỷ qua. Ở Bắc Mỹ, chính phủ Canada cũng đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá tới 100 tỷ CAD (77 tỷ USD) trong vòng 3 năm để vực dậy nền kinh tế Bắc Mỹ này sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Thứ hai, tại châu Âu, vào tháng 3/2020, Thụy Điển đã công bố gói hơn 30 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Italy cũng thông qua sắc lệnh chi khoảng 28 tỷ USD nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nước Anh công bố 7 gói hỗ trợ nền kinh tế với gần 1.000 tỷ USD, trong đó, gói cho vay và bảo lãnh các doanh nghiệp nhỏ là 379 tỷ USD.
Thứ ba, Trung Quốc đã đưa ra hai gói hỗ trợ, gói 1: 506 tỷ USD, hỗ trợ ngân sách địa phương và bù đắp giảm thu thuế của doanh nghiệp nhỏ; gói 2: trị giá 766 tỷ USD, tăng chi cho chống dịch, giảm thuế, mua sắm thiết bị y tế, tăng lương thất nghiệp và BHXH. Ngoài ra, Trung Quốc áp dụng miễn thuế GTGT cho DN, cá nhân trong các trường hợp: DN sản xuất thiết bị bảo hộ giúp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh; người nộp thuế cung cấp hoặc vận chuyển các thiết bị bảo hộ giúp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh; người nộp thuế cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ sinh hoạt và vật liệu sinh hoạt thiết yếu cho người dân, dịch vụ chuyển phát nhanh.
Thứ tư, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra 3 gói kích thích kinh tế với tổng trị giá gần 3.000 tỷ USD trong năm tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021). Nhật Bản chi 6 nghìn tỷ yên hỗ trợ tiền mặt cho hộ gia đình và DN vừa và nhỏ; 26 nghìn tỷ yên cho các biện pháp giảm đóng góp an sinh xã hội và thuế của DN; 13,9 nghìn tỷ yên cho vật tư y tế phòng chống dịch, thực hiện chi cho hỗ trợ kiểm soát và phòng ngừa bệnh; cung cấp khẩu trang cho người dân; giúp các thương nhân nhỏ và DN vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh; hỗ trợ việc làm; hỗ trợ địa phương. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cho phép gia hạn thời gian nộp tờ khai thuế và các khoản nộp thuế liên quan đến năm tính thuế 2019 của người nộp thuế TNCN (thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế TNCN, thuế quà tặng và thuế tiêu dùng vào quý I của năm sau - năm tính thuế).
Thứ năm, một số nước ở Đông Nam Á như Malaysia đã công bố gói hỗ trợ dịch Covid-19 trị giá 150 tỷ ringgit (48,6 tỷ USD) (ngày 28/6), sau khi triển khai 7 gói kích thích kinh tế với tổng giá trị 380 tỷ ringgit trước đó. Miễn thuế được áp dụng đặc biệt là đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch. Cụ thể, Singapore áp dụng miễn thuế đối với chi phí lưu trú kéo dài ở nước ngoài của người lao động bị tác động do dịch bệnh Covid- 19. Tại Malaysia, kinh doanh khách sạn được miễn thuế dịch vụ từ ngày 01/3/2020 đến ngày 30/6/2021.
Những điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của các nước được cho là linh hoạt và kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, trong dài hạn, các nước cần cam kết thực hiện các nguyên tắc tài khóa, hướng tới nền tài khóa minh bạch và ổn định.
3. Ý nghĩa của việc điều chỉnh chính sách tài khóa vào các đối tượng chủ yếu của một số nước trên thế giới
Thông qua chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của các nước, có thể thấy rõ trong điều kiện suy giảm kinh tế kéo dài, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc làm, mất thu nhập, các giải pháp tiền tệ và tài khóa của các Chính phủ có nhiều nét tương đồng, mặc dù, quy mô và tính chất có khác nhau, tập trung vào hỗ trợ 7 đối tượng sau:
Thứ nhất, hỗ trợ người lao động bị mất và giảm việc làm, để họ có thể sống được và tiếp tục gắn bó với các doanh nghiệp mà họ đang làm việc.
Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp, từ quy mô lớn (ngành hàng không) đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (người tự kinh doanh, hộ nông dân) để họ không bị phá sản (không có khả năng trả nợ đến hạn, không trả được tiền thuê đất, thuê mặt bằng, không trả được tiền cho người lao động nghỉ ốm vì Covid-19, không có tiền để duy trì hoạt động vì không trả được tiền lương cho người lao động…) có đủ điều kiện tiếp tục sản xuất - kinh doanh khi dịch bệnh giảm và kết thúc.
Thứ ba, hỗ trợ người dân (người đã nghỉ hưu, trẻ em, người không đi làm việc, người vô gia cư, người nuôi con nhỏ) có được thu nhập cần thiết để duy trì cuộc sống, nuôi dạy trẻ em, không bị tống ra khỏi nhà đang thuê vì không có khả năng trả tiền nhà.
Thứ tư, hỗ trợ ngành Y tế và các nhân viên y tế để có thể mua sắm thiết bị, thuốc men, vật tư phục vụ chống dịch, hỗ trợ người trực tiếp làm công tác chống dịch.
Thứ năm, hỗ trợ các trường học để có kinh phí mua thiết bị, vật tư để phòng, chống dịch ở các nhà trường và tiền lương cho các giáo viên.
Thứ sáu, hỗ trợ các cơ sở văn hóa, các tổ chức hoạt động phúc lợi xã hội.
Thứ bảy, hỗ trợ chính quyền các bang, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ ngân sách để phòng, chống dịch và duy trì các hoạt động khi thu ngân sách không đạt kế hoạch vì các đơn vị sản xuất-kinh doanh phải ngừng hoạt động, người lao động không có lương đóng thuế thu nhập như bình thường.
4. Một số dự báo và gợi ý đối với nước ta trong điều chỉnh chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế khi dịch bệnh suy giảm, cần kết hợp mối quan hệ hữu cơ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, một trong những gợi ý chính sách hữu hiệu cho sự phục hồi nền kinh tế. Có thể dự báo, điều chỉnh chính sách tài khóa của các nước nêu trên dẫn đến gia tăng nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước. Những vấn đề đặt ra đối với nước ta là:
Thứ nhất, đảm bảo điều hành và điều chính mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa. Chính sách tài khóa bao gồm tất cả những biện pháp dẫn đến việc thu/chi của Nhà nước. Vì lợi ích thiết lập một đồng tiền có hiệu lực, chính sách tài khóa cần phải đảm bảo cân bằng được ngân sách. Vấn đề này trong thực tiễn rất khó thực hiện, ví dụ như trong tình trạng bất khả kháng - như đại dịch Covid-19 xảy ra thì cân bằng ngân sách là công việc không đơn giản. Ngoài những biện pháp trong phạm vi quản lý, kiểm soát của chính sách tài khóa như tăng thu, tiết kiệm chi… thì chính sách tài khóa là biện pháp mà hầu hết các quốc gia đều phải sử dụng khi có sự thâm hụt ngân sách.
Thứ hai, khai thác và áp dụng công cụ lãi suất một cách hợp lý. Lãi suất là công cụ của chính sách tiền tệ, gián tiếp điều tiết khối lượng tiền tệ. Trong tình hình hoạt động kinh tế sau đại dịch như hiện nay, việc điều chỉnh lãi suất luôn cần có sự linh hoạt, nhạy bén vì trên thực tế, những dao động hàng ngày và thời vụ của nhu cầu tiền tệ, cũng như những cơn sốc từ bên ngoài và nhiều yếu tố khác luôn đòi hỏi phải có sự thay đổi tương ứng trong việc cung ứng tiền tệ. Mặt khác, cũng không thể bỏ qua nguyên tắc chênh lệch lãi suất dương đối với các tổ chức tín dụng. Những quy định của chính sách tiền tệ phải đảm bảo cho tổ chức tín dụng phải có chênh lệch lãi suất dương. Lãi suất dương hợp lý tạo điều kiện cho cả tổ chức tín dụng cũng như người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh, để ngăn ngừa tác động xấu cho nền kinh tế.
Thứ ba, đảm bảo nguyên tắc điều hành, điều chỉnh kịp thời thông suốt hoạt động tín dụng, linh hoạt trong nới lỏng và thắt chặt chính sách tiền tệ. Thực tế trong những năm đại dịch bùng phát ở Việt Nam đã có những kêu ca phàn nàn về khó khăn khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn từ gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng. Muốn cho vay thì phải huy động được nguồn vốn, nhưng huy động với lãi suất thấp sẽ rất khó khăn (nguyên tắc chênh lệch lãi suất dương chi phối); và khi có nguồn vốn rồi thì không phải cho vay với đối tượng nào cũng được. Điều chỉnh phân loại nợ, giãn nợ… cũng đều là những bài toán khó cho việc duy trì nguyên tắc an toàn trong hoạt động tín dụng. Chắc chắn trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn- lãi suất không thể giảm tiếp tục; việc giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ… để hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh có nhiều khả năng làm rủi ro gia tăng và suy yếu hệ thống. Điều đó, đòi hỏi ngành Ngân hàng cần có một sự chuẩn bị tích cực và toàn diện, vừa là để “ứng phó” kịp thời cho những tình huống xấu sau dịch bệnh và vừa duy trì và nâng cao khả năng điều tiết, cung ứng vốn linh hoạt, chủ động cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.
5. Kết luận
Trong bối cảnh tập trung mọi nguồn lực, với sự nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ/ngành và các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế. Điều chỉnh và điều hành linh hoạt kịp thời chính sách tài chính, tiền tệ, trong đó chính sách tài khoá chủ động sáng tạo, có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới nhằm ứng phó với dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, từ đó đã có những kết quả bước đầu khả quan trong tình trạng phát triển kinh tế - xã hội với trạng thái bình thường mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chiến Thắng, (2022). Kinh nghiệm thực hiện chính sách tài khóa của các nước Châu Á ứng phó với đại dịch Covid-19. Báo Quân đội Nhân dân.
2. Anh Minh, (2022). Chính sách tài khóa sẽ tham gia tích cực hơn vào quá trình phục hồi kinh tế. Báo điện tử Chính phủ.
3. Khánh Ly (2022). Chính sách tài khóa thời Covid-19 và tác động tới nợ công. Báo Điện tử Vietnam+.
4. Vũ Vân Dung (2022). Dịch Covid-19 và chính sách tài khóa của Việt Nam. Tạp chí Cộng sản.
5. Nguyễn Văn Cương (2022). Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong đại dịch Covid-19. Cổng TTĐT Viện Chiến lược và Chính sách tài chính.
The experience of some countries in using fiscal policies to support the econmy during the COVID-19 pandemic and suggestions for Vietnam
Master. Bui Thi hue
Lecturer, Faculty of Foreign Languages - Informatics, National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus
Abstract:
The COVID-19 pandemic has had a huge impact on the macroeconomic situation and the lives of people around the world. Countries had to use fiscal policies to respond and support the economy during the pandemic, leading to public debt risks. This study analyzes the COVID-19 pandemic’s impacts to clearly understand its impact on macroeconomic and fiscal policies. Based on the experience of countries around the world in using fiscal policies to support socio-economic recovery and development during and after the COVID-19 pandemic, this study points out lessons learned for Vietnam.
Keywords: financial policy, fiscal policy, experience, recovery, COVID-19 pandemic.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2023]