Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ logistics tại các Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam

ThS. NGUYỄN THANH BÌNH - ThS. LÊ CÔNG ĐOÀN - TS. MAI THANH HÙNG (Khoa Thương mại - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ, các trang web trở nên phổ biến và xuất hiện nhiều trang mạng xã hội đã làm cho việc trao đổi nhanh chóng dễ dàng. Thêm vào đó, nền kinh tế thị trường luôn xuất hiện nhiều biến đổi mạnh mẽ và đặc biệt trong năm 2021 - 2022, thế giới đang phải ứng phó với đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạng sống của cả nhân loại và nền kinh tế toàn cầu. Nhờ sự chỉ đạo kiên quyết và chính sách chống dịch của Chính phủ, Việt Nam đã bước đầu vượt qua đại dịch, từng bước mở cửa lại thị trường. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao nhận, vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước cạnh tranh ngày càng gay gắt nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

Thông qua kết quả khảo sát chất lượng dịch vụ Logistics tại các Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, nhóm tác giả đã đánh giá được thang điểm chất lượng dịch vụ của Công ty về thời gian giao hàng, độ an toàn của hàng hóa, giá cả, cơ sở vật chất, cách thức phục vụ,... Theo đó, Chăm sóc khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong mô hình hồi quy, thứ tự tiếp theo lần lượt là Độ an toàn hàng hóa; Giá cả; Thời gian giao hàng; Hình ảnh thương hiệu; Sự tin cậy; Cơ sở vật chất.

Từ khóa: Chất lượng dịch vụ logistics, Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Logistics là một lĩnh vực không còn xa lạ ở Việt Nam nhưng đòi hỏi khả năng nắm bắt thị trường tốt và tính chuyên nghiệp cao. Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đây là một con số khá lớn nhưng đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt cùng với sự xuất hiện càng nhiều công ty mới gia nhập vào ngành. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện tất cả các quy trình từ lúc nhận đơn hàng đến khi giao tới cho khách hàng.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy chất lượng dịch vụ của công ty là một điều rất đáng quan tâm. Các doanh nghiệp luôn muốn đẩy mạnh phát triển chất lượng dịch vụ ngành nhưng chưa có một phương án nào cụ thể để hoàn thiện chất lượng dịch vụ. Vì thế, nhóm tác giả quyết định chọn đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ logistics tại các Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam” để làm nghiên cứu khoa học của nhóm.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Từ việc phân tích các ưu điểm và khuyết điểm của các mô hình, cũng như tình hình chất lượng dịch vụ Logistics của Công ty, nhóm tác giả nhận thấy được Mô hình tiền đề và trung gian của Dabholkar và cộng sự (2000) là mô hình có tính bao quát và phù hợp nhất, mô hình đã phân tích nhằm xác định được chất lượng dịch vụ các biến số tác động đến dịch vụ công ty cung cấp và các yếu tố dịch vụ liên quan đến khách hàng.

Trong nền dịch vụ Logistics của Công ty, sự hài lòng của khách hàng là yếu tố tác động để xây dựng nhằm đánh giá chất lượng. Từ đó, đưa ra các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp tốt hơn. Dựa trên mô hình tiền đề và trung gian của Dabholkar và cộng sự (2000), nhóm tác giả điều chỉnh nội dung thành 7 yếu tố cơ bản để phù hợp với đề tài nghiên cứu. (Hình 1)

Hình 1: Mô hình nghiên cứu chính thức

mo_hinh_nghien_cuu_chinh_thuc

Là nhóm khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp thương mại, các doanh nghiệp sản xuất và các công ty Forwarder đã và đang làm việc, cũng như sử dụng dịch vụ của các Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu, Qui Nhơn, Hải Phòng, Hà Nội.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên mô hình trong nghiên cứu gồm 1 biến phụ thuộc, 7 biến độc lập và 35 biến quan sát. Do đó, số lượng mẫu cần thiết là từ 35 x 5 = 175 mẫu trở lên. Vậy nên, nhóm tác giả tiến hành khảo sát 220 khách hàng, lựa chọn được 199 khách hàng nhưng có 2 phiếu khảo sát không hợp lệ do khách hàng không điền đầy đủ thông tin, từ đó n = 197 mẫu, tương ứng với 197 phiếu khảo sát của 197 khách hàng.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả nghiên cứu

Theo bảng kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo, hệ số Cronbach’s Alpha của các nhân tố: Giá cả; Thời gian giao hàng; An toàn hàng hóa; Cơ sở vật chất; Chăm sóc khách hàng; Sự tin cậy; Hình ảnh thương hiệu lần lượt là: 0,799; 0,780; 0,873; 0,810; 0,797; 0,678; 0,831. Theo đó, tất cả đều có hệ số lớn hơn 0,6; thậm chí có nhân tố có hệ số gần 0,9 nên các nhân tố này đạt được sự tin cậy cao, chứng tỏ đây là những thang đo tốt, có thể sử dụng để đánh giá Chất lượng dịch vụ logistics tại các công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam.

Phân tích EFA

Phân tích nhân tố khám phá EFA qua thực hiện phương pháp rút trích principal components và phép quay varimax. Kết quả phân tích EFA lần cuối như sau:

Kết quả kiểm định Barlett cho thấy, giữa các biến trong tổng thể có mối tương quan với nhau (sig = 0,000 < 0,05 bác bỏ H0, nhận H1). Đồng thời, hệ số KMO = 0,753 > 0,5. Phương sai trích đạt 63,992% (> 50%). Hệ số tải nhân tố (factor loading) của các biến đều đạt yêu cầu (> 0,5). Đây cũng là lần phân tích nhân tố cuối cùng và 32 biến này được xem xét kết quả rút trích nhân tố ở các bước tiếp theo.

Kết quả bảng cho thấy, theo tiêu chuẩn Eigenvalue > 1 có 7 nhân tố được rút ra và 7 nhân tố này sẽ giải thích được 63,992% biến thiên của dữ liệu. Phương pháp trích nhân tố chính, phép xoay varimax để xoay nhân tố: Xoay nguyên góc nhân tố để tối thiểu hóa số lượng biến có hệ số lớn tại cùng một nhân tố, vì vậy sẽ tăng cường khả năng giải thích nhân tố. (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc 2008). 

Bảng 1. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến

danh_gia_muc_do_phu_hop_cua_mo_hinh_hoi_quy_tuyen_tinh_da_bien

Bảng 1 cho thấy, giá trị hệ số tương quan là 0,808a > 0,5. Hệ số xác định của mô hình hồi quy R2 điều chỉnh là 0,639. Điều này cho biết khoảng 63,9% sự biến thiên các yếu tố ảnh hưởng đến Chất lượng dịch vụ logistics tại các công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, có thể giải thích được từ mối quan hệ tuyến tính giữa biến Y với các biến độc lập. 

Bảng 2. Thông số thống kê trong mô hình hồi quy

thong_so_thong_ke_trong_mo_hinh_hoi_quy Trong Bảng 2, khi xét tstat và tα/2 của các biến để đo độ tin cậy thì gồm 7 biến là Giá cả, Thời gian giao hàng, Độ an toàn của hàng hóa, Cơ sở vật chất, Chăm sóc khách hàng, Sự tin cậy, Hình ảnh thương hiệu. Đều đạt yêu cầu do tstat > tα/2(7,197) = 1,967 (nhỏ nhất là 3,105) và các giá trị Sig. thể hiện độ tin cậy khá cao, đều < 0,05 (lớn nhất là 0,000). Ngoài ra, hệ số VIF của các hệ số Beta đều < 10 (lớn nhất là 1,242) và hệ số Tolerance đều > 0,5 (nhỏ nhất là 0,791) cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra (Hoàng Trọng - Mộng Ngọc, 2008). Mặt khác, mức ý nghĩa kiểm định 2 phía giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc đều thỏa mãn điều kiện (Sig. 2-tailed = 0,000 < 0,05).

Phương trình hồi quy bội được thể hiện dưới dạng sau:

Y= 0,285* GC + 0,267* TGGH + 0,296* ATHH + 0,135* CSVC + 0,326* CSKH + 0,148* STC + 0,209* HATH

3.2. Kết luận và giải pháp

  • Chăm sóc khách hàng

Xây dựng một đội ngũ nhân viên hùng hậu có kinh nghiệm và nhiệt huyết có thể đáp ứng các thắc mắc của khách hàng, luôn bảo mật thông tin khách hàng. Thông báo kịp thời cho khách hàng về tiến độ hành trình vận chuyển và báo lịch trình cụ thể về lô hàng cho khách hàng nắm bắt thông qua phần mềm công nghệ 4.0.

Để làm nên một công ty có chỗ đứng trên thị trường, việc tư vấn khách hàng không chỉ đơn thuần là những phương pháp được lập trình sẵn và có đôi chút “máy móc” mà còn là sự linh hoạt và hết sức khéo léo, tinh tế trong từng trường hợp khác nhau. Do đó, trong quá trình trao đổi thông tin với khách hàng, nhân viên phải luôn giữ thái độ tích cực, hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc của khách hàng một cách nhanh chóng.

Nhân viên cần giải thích chi tiết hơn nữa về thủ tục xuất - nhập khẩu hàng: Khi một khách hàng không nắm rõ về quy trình xuất - nhập khẩu của công ty thì nhân viên sẽ tư vấn và giải thích cụ thể từng quy trình mà khách hàng quan tâm.

Tạo mối quan hệ thân thiết với khách hàng. Có các chính sách ưu đãi cho khách hàng. Chính sách tặng quà ngày lễ tết, sinh nhật, để nâng cao mối quan hệ.

Xây dựng cơ sở thông tin khách hàng, dựa vào đó để phân loại thành các nhóm như khách hàng trung thành, khách hàng cảm tính, khách hàng tiềm năng. Đối với từng nhóm nên đề ra các chính sách khác nhau để phù hợp với mỗi nhóm khách hàng. Đối với các khách hàng VIP, Công ty nên có các chính sách ưu đãi, cung cấp gói dịch vụ logistics tốt nhất, vì đây là nhóm khách hàng mang lại lợi nhuận khá lớn và ổn định cho doanh nghiệp.

Để phát triển nâng cao tính cạnh tranh của mình, các công ty cần tập trung cho việc đào tạo nguồn nhân lực trung thực và chuyên nghiệp, đáp ứng sự phát triển của logistic cũng như yêu cầu càng ngày càng khắt khe của khách hàng.

Tiếp nhận những ý kiến đóng góp của khách hàng bằng cách tạo một hộp thư qua email để họ có thể đóng góp ý kiến, phản ánh chất lượng dịch vụ để công ty dựa vào đó, xem xét và đưa ra những cách giải quyết tốt nhất cho khách hàng.

  • Độ an toàn hàng hóa

Khi xảy ra tổn thất, các công ty cần thông báo ngay với khách hàng về tình hình để đưa ra phương án khắc phục kịp thời. Nếu không thể khắc phục, tùy theo thiệt hại thực tế phát sinh mà công ty xem xét để đền bù.

Đảm bảo các quy định về đóng gói cũng như quy định về vận chuyển hàng hóa để hạn chế những rủi ro về hư hỏng, mất mát hàng hóa có thể gây thiệt hại kinh tế cho cả công ty và khách hàng.

Bảo quản hàng hóa tốt trong quá trình xếp dỡ, di chuyển phải nhẹ nhàng, tránh va chạm, đổ vỡ, méo thùng cartons.

Tư vấn mua bảo hiểm hàng hóa trong quá trình vận chuyển.

Mọi hàng hóa lưu kho chuyên nghiệp, giúp dễ dàng vận chuyển - lấy hàng ra khỏi kho mà không tốn nhiều thời gian cho công ty.

  • Giá cả

Giá cả là yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động dịch vụ logistics. Đối với khách hàng, giá cả là cơ sở để quyết định có nên mua sản phẩm hay không, nên mua sản phẩm này hay sản phẩm khác. Giá cả chính là đòn bẩy kích thích ham muốn mua của người tiêu dùng. Đối sánh giá trên web so sánh cho khách hàng xem, và cho thấy những điểm mạnh vượt trội của công ty so với các công ty cùng ngành khác. Nếu công ty nào có những chính sách bảo hành tốt thì giá cao vẫn được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Các công ty cần có một bảng mức giá cụ thể, niêm yết rõ ràng, chi tiết về các loại dịch vụ để khách hàng có thể thuận tiện xem xét, đưa ra các lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó phải có bảng giá của các dịch vụ kèm theo hoặc các dịch vụ có liên quan mà khách hàng đang quan tâm.

Các công ty cần vạch ra mục tiêu cụ thể cho việc định giá: Định giá tăng doanh số (gia tăng khối lượng dịch vụ, thâm nhập thị trường mới), tăng lợi nhuận (tối đa háo lợi nhuận, đạt lợi nhuận mục tiêu) hoặc giữ vị thế ổn định (chấp nhận giá cạnh tranh). Việc lựa chọn một trong ba mục tiêu giúp công ty đưa ra giải pháp phù hợp nhất.

Các công ty cần tìm ra hình thức vận chuyển tốt nhất, tiết kiệm nhất, cải tiến rút ngắn các quy trình thủ tục thông quan rườm rà làm tốn nhiều chi phí.

Xây dựng một hệ thống kho bãi riêng một cách khoa học, tính toán kỹ lưỡng. Có hệ thống kho bãi, công ty sẽ giảm được một khoản chi phí cho các thủ tục rườm rà.

Xây dựng các phương án, các kế hoạch về hoạch định toàn cầu, định giá sản phẩm, tìm kiếm nguồn tiêu thụ hàng hóa, thu mua, phân phối các đơn hàng, quy trình giao hàng, quy trình sản xuất, thiết kế sản phẩm,… Với mục tiêu là nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

  • Thời gian giao hàng

Với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ thông tin, thời gian ngày càng được chú trọng hơn, đòi hỏi nhu cầu chính xác về thời gian không chỉ dành riêng cho bất kì ngành nào. Đặc biệt đối với dịch vụ logistics - dịch vụ vận tải giao nhận, thì vấn đề thời gian được chú trọng nhiều hơn.

Cần vạch ra thời gian giao hàng cụ thể, đảm bảo giao hàng nhanh, hợp lý, chính xác, đúng thời điểm. Cần tuyển dụng, đào tạo đội ngũ vận chuyển có tác phong và thái độ làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ, có phương tiện đi lại thuận tiện cho việc giao hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng dịch vụ và không làm ảnh hưởng đến kế hoạch định sẵn của khách hàng. Cần đơn giản hóa các quy trình thủ tục nội bộ, các công ty sử dụng một chương trình hoặc hệ thống là một quy trình quản lý nội bộ, điều này biến một nhiệm vụ đơn giản thành một quá trình phức tạp và chậm chạp.

Cần tạo danh sách các dịch vụ chuyển phát nhanh: Tùy thuộc vào địa điểm và phương thức giao hàng, công ty phải cung cấp một số dịch vụ tốt hơn đối thủ khác. Kiểm tra tất cả dịch vụ chuyển phát nhanh có sẵn trong cơ sở dữ liệu của công ty, bảng giá theo trọng lượng và điểm đến. Như vậy, công ty chỉ cần kiểm tra danh sách nhà cung cấp dịch vụ và sử dụng các dịch vụ phù hợp nhất.

Cần có nhân viên hỗ trợ trực tiếp khách hàng thông qua phần mềm công nghệ trí tuệ nhân tạo 4.0. Thường xuyên thông báo cho khách hàng về tình trạng giao - nhận hàng của công ty. Khách hàng có thể giảm thời gian chờ đợi và chú tâm làm những việc cần thiết hơn vì họ đã biết được thông tin liên lạc về việc vận chuyển hàng hóa.

  • Về hình ảnh thương hiệu

Một thương hiệu chỉ có thể duy trì ấn tượng lâu dài trong tâm trí của khách hàng nếu như thương hiệu đó kèm với một dịch vụ tốt và chất lượng. Chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo uy tín thương hiệu. Để làm được điều đó, các công ty cần tuyển dụng các nhân viên có trình độ chuyên môn cao, thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ, cập nhật những công văn mới nhất, cách giải quyết vấn đề với hải quan và với khách hàng.

Cần xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp với từng thời điểm và với mức chi phí phù hợp với năng lực của công ty. Nên tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông như TVC, banner, mạng xã hội,… để quảng bá hình ảnh thương hiệu. Qua đó, có thể tìm kiếm nhiều khách hàng tiềm năng, liên lạc trao đổi, tư vấn trực tiếp với khách hàng để phát hiện được điểm yếu, điểm mạnh của công ty, từ đó cải thiện và nâng cao hiệu quả. Các công ty nên niêm yết giá cụ thể trên thị trường chứng khoán một cách minh bạch trong báo cáo tài chính của mình. Cần tuyển thêm các chuyên viên thương mại điện tử để phát triển nâng cấp trang web của công ty thêm chuyên nghiệp, thu hút hơn và bổ sung thêm những thiếu sót mà trên website chưa đề cập đến và tiến hành đăng nhiều bài viết bổ ích để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức. Để website là một nơi lý tưởng giúp khách hàng giải đáp các thắc mắc của mình. Nếu như khách hàng thấy được thương hiệu chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn thật nhiều, thì khi có nhu cầu khách hàng sẽ ngay lập tức nhớ đến.

Logo của các Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam chưa thật sự nổi bật và gây ấn tượng nhiều đến thị giác của khách hàng. Đây có thể được xem là một điểm bất lợi, vì khách hàng thường nhớ đến một thương hiệu thông qua logo của công ty đó.

  • Sự tin cậy

Trong quá trình các công ty cung cấp dịch vụ cho các khách hàng, đối tác lớn đã tạo được ấn tượng về danh tiếng của thương hiệu bằng cách giới thiệu về các khách hàng VIP của công ty để chứng minh sự uy tín, chất lượng và khả năng cung ứng sản phẩm. Việc sở hữu khách hàng nổi tiếng và uy tín sẽ tạo nên cảm giác an tâm cho các khách hàng mới nói riêng cũng như khách hàng thân quen nói chung.

Các công ty phải luôn đưa ra lời khuyên tốt nhất cho khách hàng đi theo cách nhanh chóng và tiết kiệm. Điều đầu tiên các nhân viên cần làm đó là tìm hiểu tâm lý khách hàng, đặt mình vào vị trí của họ. Đóng vai là khách hàng, dùng thử và trải nghiệm thực tế các sản phẩm, dịch vụ mà công ty đang cung cấp.

Các Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam nên chú trọng việc bảo đảm cho sản phẩm, dịch vụ công ty cung cấp sẽ không gặp phải lỗi, hỏng hay trục trặc gì trong quá trình sử dụng. Công ty luôn cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa khi khách hàng có nhu cầu. Điều đó khiến các Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam làm cho khách hàng cảm thấy an tâm khi lựa chọn.

Các công ty phải kiểm soát và hạn chế tối đa rủi ro xảy ra trong quá trình hợp tác. Chia sẻ rủi ro với khách hàng khi có các tình huống rủi ro không mong muốn xảy ra.

Nhân viên công ty sẽ liên hệ với khách hàng sớm nhất khi có hàng và thông báo cụ thể về thời gian nhận hàng để khách hàng không mất thời gian chờ đợi.

  • Cơ sở vật chất

Phát triển hoạt động kinh doanh logistics, các công ty cần đảm bảo hệ thống kho bãi rộng, kho đủ điều kiện bảo quản hàng hóa tốt về số lượng và chất lượng. Phát triển đa dạng các loại hình kho bãi để đáp ứng nhu cầu xuất - nhập khẩu đa dạng của khách hàng.

Các công ty nên có phòng nghỉ ngơi riêng cho khách hàng trong quá trình chờ đợi các thủ tục từ phía công ty.

Dịch vụ giao - nhận hàng hóa có xu hướng ngày càng tăng, công ty cần đầu tư, trang bị thêm xe nâng, các xe chuyển chở, container mới để đảm bảo an toàn của hàng hóa cũng như đáp ứng kịp thời trong việc giao - nhận hàng hóa và giảm chi phí thuê ngoài giúp công ty có lợi nhuận cao hơn.

Các công ty nên chú trọng đầu tư phát triển các trang thiết bị điện tử tiên tiến, hiện đại để đáp ứng được tốc độ phát triển của dịch vụ Logistics cũng như có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân viên trong quá trình xử lý, giải quyết công việc.

Các công ty nên sử dụng phần mềm ERP trong quản lý giao - nhận vận tải quốc tế, chuẩn hóa các dữ liệu, tạo cơ sở cho sự quản lý của doanh nghiệp một cách triệt để hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Trọng - Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2005), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Thống Kê, Hà Nội.
  2. Nguyễn Huy Phong và Phạm Ngọc Thúy (2007). SERVQUAL hay SERVPERF - Một nghiên cứu so sánh trong ngành hàng siêu thị bán lẻ Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Phát triển Công nghệ, số 10.
  3. Nguyễn Thị Thảo Nguyên (2018). Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ Logistics ở Việt Nam.
  4. Vũ Đình Chuẩn - Khoa Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (2019). Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Logistics Việt Nam.
  5. Lê Văn Hỷ (2020). Tác động của công nghệ thông tin tới hoạt động logistics.
  6. Parasuraman, A., Zeithaml, V.A. and Berry, L.L., (1988). SERVQUAL: A multiple-item scale for measuring consumer perception of service quality. Journal of Retailing, 64, 12-40.
  7. Brogowicz, A. A., Delene, L. M., Lyth, D. M. (1990). A synthesised service quality model with managerial implications. International Journal of Service Industry Management, 27-44.
  8. Gronroos, C. (1984). A service quality model and its marketing implications. European Journal of Marketing, 18 (4), 36-44.
  9. Dabholkar, P. A., Shepherd, C. D., Thorpe, D. I. (2000). A comprehensive framework for service quality: An investigation of critical conceptual and measurement issues through a longitudinal study. Journal of Retailing, 131-9.

 

FACTORS AFFECTING THE QUALITY OF

LOGISTICS SERVICES PROVIDED BY THE SUPPLY CHAINS AND

AGENCY SERVICES JOINT STOCK COMPANY

Master. NGUYEN THANH BINH

Master. LE CONG DOAN

Ph.D MAI THANH HUNG

Faculty of Commerce - Tourism

Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Logistics enterprises in Vietnam are facing a fierce competition in the context of the Covid-19 pandemic. This study assesses the quality of logistics services provided by the Supply Chains and Agency Services Joint Stock Company in terms of delivery time, safety, cost, facilities and services. This study finds out that the customer care is the most important factor in the study’s regression model. It is followed by the factors of safety, cost, delivery time, brand image, trust and facilities.

Keywords: quality of logistics services, Supply Chains and Agency Services Joint Stock Company.