Doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo sang EU có phải đăng ký hạn ngạch?

Với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho, Việt Nam không phân bổ, mà do phía EU phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu bên EU. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần tìm, liên hệ với các nhà nhập khẩu EU để giao dịch, chào bán.

Việt Nam không phân bổ hạn ngạch 80.000 tấn gạo

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định EVFTA mở ra một ô cửa nhỏ, khi dành lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan.

Cụ thể, theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm.

“Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới", Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, hiện nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU còn đang ở mức thấp, đạt khoảng 20.000 tấn, trị giá đạt 10,7 triệu USD năm 2019, trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của EU trong khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gạo Việt khó tìm đường sang EU là bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175EUR/tấn với gạo xay xát, 65EUR/tấn với gạo tấm, 211EUR/tấn với lúa...

“Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên rất khó cạnh tranh được với gạo của các nước khác như Thái Lan, Hoa Kỳ, Úc được phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan (HNTQ) lớn và các nước kém phát triển như Lào, Campuchia, Myanmar được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

hạn ngạch gạo
Với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho, Việt Nam không phân bổ, mà do phía EU phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu bên EU

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cũng lưu ý, với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho, Việt Nam không phân bổ hạn ngạch trên, mà do phía EU phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu bên EU.

Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần tìm, liên hệ doanh nghiệp EU nào được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán cho họ.

Riêng với gạo thơm, EVFTA yêu cầu phải có thêm xác nhận của chính quyền Việt Nam, điều này làm phát sinh thêm một thủ tục hành chính, mà đã thủ tục hành chính thì phải quy định ở mức Nghị định. Do vậy, hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đang gấp rút hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm.

EVFTA không thể hoàn toàn là cứu cánh

Những cam kết trong EVFTA được kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ... Việt Nam cũng tiếp cận các sản phẩm ôtô, dược phẩm, hóa chất, máy móc, thiết bị phụ trợ... của EU.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), EVFTA dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 56,45 tỉ USD năm 2019. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỉ USD lên 41,54 tỉ USD.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN; đồng thời là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.

xuất khẩu gạo
EVFTA không thể hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ; tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới chính mình

Tại Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các chuyên gia phân tích, EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phát triển bền vững đối với hàng hóa nhập khẩu.

“EVFTA không thể hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ; tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới chính mình.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, cải thiện khả năng tham gia thương mại quốc tế để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, chinh phục thành công thị trường EU, tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế”, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định, việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bộ Công Thương, cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại EU sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp hai Bên khai thác tối đa lợi thế từ Hiệp định, tích cực triển khai chương trình hành động thực thi EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường.

Bộ Công Thương khuyến khích những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với doanh nghiệp châu Âu”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

 

Hạ An