Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về việc chọn ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Việc công nhận Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và nền kinh tế đất nước. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác này; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.
Theo Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (Consumers International - CI), có 66% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có thể mua được sản phẩm, dịch vụ bền vững. Tuy nhiên, 37% người tiêu dùng không biết cách giải quyết những vẫn đề môi trường, biến đổi khí hậu và hơn 50% cảm thấy không có đủ hỗ trợ từ chính phủ và người tiêu dùng.
Trong khi đó, Nghiên cứu về sản xuất và tiêu dùng bền vững của Liên hợp quốc cho thấy, mọi hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng đều ảnh hưởng tới môi trường và kinh tế - xã hội.
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng bền vững đã được Chính phủ và nhiều tổ chức quan tâm, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nhằm kêu gọi người dân tham gia hưởng ứng.
Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 và các tác động tiêu cực của thay đổi môi trường khí hậu, vấn đề tiêu dùng bền vững ngày càng là nội dung quan trọng trong nhiều chương trình thảo luận và hành động của các cơ quan. Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn do đại dịch, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, hướng tới việc khai thác và bảo vệ các nguồn tài nguyên một cách kinh tế và hiệu quả hơn, giảm lượng chất thải và bảo vệ môi trường.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã lựa chọn "Kinh doanh trách nhiệm - Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới" là chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021.
“Việc lựa chọn chủ đề trên cho thấy sự quan tâm cũng như khuyến khích của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và tiêu dùng bền vững cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh” - ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định.
Giải thích rõ hơn về chủ đề này, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, có nhiều cách để hiểu về tiêu dùng bền vững, tuy nhiên, hiểu một cách tổng quan nhất đó là sử dụng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của con người trong khi giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguyên liệu độc hại, phát thải các chất ô nhiễm; đồng thời không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai.
Tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn mới, tuy nhiên, chúng ta có thể tiếp cận từ những hoạt động đơn giản.
Đối với tổ chức, cá nhân, sản xuất kinh doanh sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường; tạo lợi thế cạnh tranh dựa trên các sản phẩm bền vững; phát động các chiến dịch tiêu dùng bền vững.
Đối với người tiêu dùng, thực hiện tiêu dùng bền vững ngay từ những hoạt động thường ngày như hạn chế sử dụng túi nilon, thay vào đó là túi vải thân thiện với môi trường; sử dụng ống hút tre, kim loại thay cho ống hút nhựa; tiết kiệm điện, nước và sử dụng phương tiện giao thông công cộng,...
“Mỗi người tiêu dùng với hành động nhỏ sẽ tạo nên đóng góp to lớn cho việc bảo vệ môi trường sống cũng như việc biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Vì vậy, quan niệm và định của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện tiêu dùng bền vững tại Việt Nam” - ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo bà Diana Torres - Trợ lý Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, chủ đề này cho thấy sự quan tâm của nhà nước Việt Nam về môi trường và chất lượng sống của người dân thông qua khía cạnh kinh doanh - tiêu dùng.
“Cụ thể, với tư cách là người tiêu dùng, bạn có rất nhiều quyền để thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đối với doanh nghiệp. Người tiêu dùng có thể yêu cầu các sản phẩm và dịch vụ thể hiện tác động xã hội và môi trường tốt hơn”, bà Diana Torres nhấn mạnh.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp hoạt động thiếu trách nhiệm và tạo ra tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường, người tiêu dùng có thể từ chối, tẩy chay hoặc báo cáo các sản phẩm và dịch vụ tới các cơ quan quản lý.
Còn đối với doanh nghiệp, trước tiên phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, đảm bảo và hoàn thành trách nhiệm đó với người tiêu dùng.
Mặt khác, người dân cũng cần có trách nhiệm trong tiêu dùng bền vững, như cân nhắc đến lượng chất thải mà mình tạo ra sau khi tiêu dùng, hay sử dụng cẩn thận để kéo dài vòng đời của sản phẩm, tái sử dụng và sửa chữa các sản phẩm có thể sửa chữa được và tái chế khi chúng không còn giá trị.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quang Hà - Phó Giám đốc Ban Khách hàng cá nhân, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone cho biết, kể từ khi có Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực đồng hành cùng các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng trong các ngành hàng thay đổi, nhưng kéo theo đó là sự phát triển và ứng dụng của công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
“Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp phải có ý thức chủ động trong việc ứng phó với tình hình dịch bệnh, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng, bao gồm việc xây dựng nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng trong giai đoạn dịch bệnh, thúc đẩy kinh doanh bằng hình thức thương mại điện tử,… nhằm đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng và tính hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ”, ông Lê Quang Hà chia sẻ.
Đại diện Vinaphone cũng cho rằng, để hưởng ứng chủ đề “Kinh doanh trách nhiệm - tiêu dùng bền vững”, các doanh nghiệp nên phát triển tính cộng đồng, hướng tới lợi ích xã hội nhiều hơn nữa, như triển khai các chiến dịch sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao sức khỏe người tiêu dùng, tập trung vào đối tượng người yếu thế như người già, trẻ em, người có thu nhập thấp, người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa…
Tọa đàm trực tuyến là một trong tổng thể các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 theo Kế hoạch đã được Bộ Công Thương ban hành. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan để thực hiện các hoạt động hưởng ứng khác trên phạm vi cả nước.