Đổi mới phương pháp dạy và học các môn học chuyên ngành Kế toán tại Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

NCS. ThS. TRẦN NAM TRUNG (Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh - Hutech)

TÓM TẮT:

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại mới, yêu cầu đặt ra với các cơ sở đào tạo phải có sự thay đổi, cập nhật để thích ứng với nhu cầu của thị trường, trong đó Khoa Tài chính - Thương mại của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech) cũng không phải ngoại lệ. Bài viết trình bày những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến phương pháp dạy và học các môn học chuyên ngành Kế toán tại Khoa Tài chính - Thương mại trường Hutech. Từ đó, đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các môn học chuyên ngành Kế toán nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực kế toán trong bối cảnh hội nhập và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, phương pháp dạy và học, kế toán.

1. Đặt vấn đề

Mục tiêu của Trường Hutech nói chung và của Khoa Tài chính - Thương mại nói riêng, là đào tạo lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của nghề nghiệp, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo cao, ứng dụng công nghệ vào công việc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây là một vấn đề hết sức cần thiết với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của Nhà trường với mục tiêu đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tri thức chuyên ngành Kế toán, Tài chính, Ngân hàng,... theo yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các bước tiến về công nghệ của CMCN 4.0 có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kế toán đòi hỏi công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán cũng cần có những thay đổi phù hợp. Do đó, nảy sinh ra những thách thức vô cùng to lớn cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo chất lượng nhân lực ngành Kế toán đáp ứng được yêu cầu phát triển của thời đại, trong bối cảnh CMCN 4.0 đã, đang và sẽ tham gia vào mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Từ những yêu cầu và đòi hỏi trên là động lực để tác giả nghiên cứu tiến hành điều tra, khảo sát và phân tích các dữ liệu thu thập được, nhằm có cái nhìn tổng quan và cụ thể của các yếu tố tác động, từ đó đề ra các giải pháp cải tiến và nâng cao chất lượng.

2. Cơ sở lý thuyết về phương pháp dạy và học

Theo Trần Khánh Đức (2013), phương pháp dạy và học là một phạm trù của khoa học giáo dục. Việc đổi mới phương pháp dạy học cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn giáo dục. Trong thực tiễn, cần xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể để xác định và áp dụng những định hướng, biện pháp thích hợp.

Phương pháp dạy và học là những hình thức, cách thức của giảng viên và sinh viên nhằm thực hiện những mục tiêu dạy học xác định, phù hợp với những nội dung và điều kiện dạy học cụ thể.

Đổi mới phương pháp dạy và học là cải tiến những hình thức và cách thức làm việc kém hiệu quả của người dạy và người học, sử dụng những hình thức và cách thức hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phát huy tích tự lực và sáng tạo năng lực của người học.

Bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống, lấy giảng viên làm trung tâm, thuyết giảng kiến thức qua các bài giảng dựa vào giáo trình có sẵn. Tuy nhiên, phương pháp đó không mang lại nhiều cơ hội cho sinh viên tham gia vào quá trình học dẫn đến sự thụ động làm hạn chế khả năng tập trung của người học, không khuyến khích trao đổi thông tin đa chiều.

3. Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính như phương pháp thống kê mô tả, phương pháp so sánh tổng hợp để đánh giá quá trình thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu.

Dữ liệu nghiên cứu được sử dụng chủ yếu là dữ liệu thứ cấp, bao gồm: các môn học trong chương trình đào tạo ngành Kế toán năm 2018, sĩ số lớp học lý thuyết, sĩ số lớp học thực hành.

Ngoài ra, tác giả cũng thu thập thông tin về cách thức sắp xếp các học phần trong chương trình đào tạo ngành Kế toán và triển khai thực hiện tại một số trường đại học, cao đẳng để tham khảo.

4. Kết quả nghiên cứu

Tại Khoa Tài chính - Thương mại (Hutech) hiện tại đang đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Kế toán và đào tạo trình độ Đại học 4 ngành gồm: Kế toán; Tài chính - Ngân hàng; Kinh doanh Thương mại; Thương mại điện tử. Đối với hệ đại học, sinh viên chuyên ngành Kế toán phải thực hiện 82 tín chỉ kiến thức chuyên ngành, trong đó có 70 tín chỉ kiến thức bắt buộc và 12 tín chỉ kiến thức tự chọn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các môn học chuyên ngành Kế toán tại Khoa đang thực hiện phương pháp dạy học chủ động nhằm giúp sinh viên học tập chủ động và học tập trải nghiệm, như:

 - Phương pháp động não: là cách thức vận dụng kinh nghiệm và sáng kiến mỗi người trong thời gian tối thiểu, tùy vấn đề đưa ra để có được tối đa những dữ kiện tốt nhất.

- Phương pháp suy nghĩ - từng cặp - chia sẻ: Phương pháp này được thực hiện bằng cách cho các sinh viên cùng đọc tài liệu hoặc suy nghĩ về một chủ đề, sau đó các sinh viên ngồi có thể trao đổi với nhau về ý kiến và kinh nghiệm của mỗi người một khoảng thời gian nhất định (khoảng vài phút), sau đó chia sẻ với cả lớp.

- Phương pháp học dựa trên vấn đề: Mục tiêu của học dựa trên vấn đề (được định nghĩa là việc nghiên cứu có chiều sâu về một chủ đề học tập) là để học nhiều hơn về một chủ đề,  chứ không phải là chỉ tìm ra những câu trả lời đúng cho những câu hỏi được giáo viên đưa ra.

- Phương pháp hoạt động nhóm: Lớp học được chia thành từng nhóm nhỏ từ 5 đến 7 người. Tùy mục đích, yêu cầu của vấn đề học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay cố chủ định, được duy trì ổn định hay thay đổi trong từng phần của môn học, được giao cùng một nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau. Khi làm việc nhóm, các thành viên phải làm việc theo quy định do giảng viên đặt ra hoặc do chính nhóm đặt ra. Các thành viên đều phải làm việc chủ động, không thể ỷ lại vào một vài người hiểu biết và năng động hơn.

- Phương pháp đóng vai: là phương pháp tổ chức cho sinh viên thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định.

- Phương pháp học dựa vào dự án: là tổ chức việc dạy và học thông qua các dự án hay công trình thực tế. Dự án ở đây được hiểu là những nhiệm vụ phức tạp từ các câu hỏi hay vấn đề mang tính chất kích thích người học tìm hiểu, khám phá. Giải pháp đó có thể bao gồm các trải nghiệm thiết kế - triển khai.

- Phương pháp mô phỏng: phương pháp này thường được dùng trong nghiên cứu khoa học, là quá trình phát triển mô hình hóa rồi mô phỏng một đối tượng cần nghiên cứu. Thay cho việc phải nghiên cứu đối tượng cụ thể, nhiều khi là không thể hoặc rất tốn kém tiền của, chúng ta xây dựng những mô hình hóa của đối tượng đó trong phòng thí nghiệm và tiến hành nghiên cứu đối tượng đó dựa trên mô hình hóa này.

- Nghiên cứu tình huống: yếu tố cấu thành chủ yếu của phương pháp đào tạo mới này dựa trên các tình huống thực tế của cả học viên và giảng viên. Mục đích chính của các tình huống là để miêu tả, trao đổi kinh nghiệm về cách thức giải quyết vấn đề và những mâu thuẫn trong khi thực hiện công việc được giao.

- Phương pháp học tập phục vụ cộng đồng: học tập phục vụ cộng đồng (Service - Learning) là một phương pháp dạy và học mà thông qua đó người học áp dụng được những kiến thức học được trong lớp vào điều kiện thực tế, đồng thời kết quả của quá trình học đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và được cộng đồng sử dụng.

Thống kê khảo sát của sinh viên ngành Kế toán về phương pháp dạy và học đối với những môn học đã và đang học có kết quả khảo sát cho thấy, giảng viên dạy học tại Khoa hiện nay đã sử dụng phương pháp dạy học tích cực, vận dụng thường xuyên phương pháp dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong khi đó phương pháp dạy học theo dự án lại không thường xuyên. Với chuyên ngành Kế toán, việc dạy học theo dự án chưa được chú trọng, giảng viên ít áp dụng, trong khi đó phương pháp dạy học này giúp sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, tư duy, từ đó người học tham gia vào thiết kế đưa ra quyết định. Ngoài ra, vận dụng phương pháp dạy học theo dự án sẽ giúp cho sinh viên nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, khám phá những vấn đề gắn liền với cuộc sống, giúp sinh viên theo đuổi những ước mơ, sở thích của mình.

5. Kết luận và khuyến nghị

5.1. Khuyến nghị phương pháp dạy

Trong xu thế hiện nay, phương pháp giảng dạy cần kết hợp sử dụng các công cụ như internet, giáo dục trực tuyến, sử dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu cho người học và thu thập lại kết quả của người học trong quá trình dạy học một cách linh hoạt và liên tục. Ngoài ra, phương pháp giảng dạy này sẽ linh hoạt về thời gian cũng như tạo ra một không gian phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người học. Ngoài việc vận dụng công nghệ thông tin còn cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận để tận dụng hết những cơ hội mà công nghệ 4.0 mang lại.

Để việc dạy đuổi kịp theo xu thế, người dạy còn phải sử dụng các nguồn lực thư viện điện tử, tài nguyên mở, khéo léo trong việc lựa chọn tài liệu, phát triển và làm giàu tư liệu dạy học với cấu trúc số hóa theo phương thức mọi lúc, mọi nơi. Việc này sẽ giúp cho sinh viên lấy được thông tin và tri thức qua cửa sổ kỹ thuật số, nên việc đánh giá học tập của người học không còn nằm trong khuôn khổ của lớp học, vai trò của người dạy trở thành cộng tác với người học.

Như vậy, quá trình dạy cần phải chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và kỹ năng phát triển năng lực người học, tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, phát triển giáo dục theo hướng chú trọng về chất lượng và hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng của cá nhân.

5.2. Khuyến nghị phương pháp học

Ngoài việc đổi mới việc dạy, cần phải đổi mới cả việc học. Từ cách lắng nghe, ghi chép, học thuộc, nhớ nhiều và lặp lại sang hình thành phương pháp học mới năng động hơn, mang tính vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Học không chỉ trong sách vở, mà còn học qua các trò chơi, liên hệ tương tác, học mô phỏng, học theo dự án.

Với thời đại công nghệ 4.0: thị trường việc làm sẽ thay đổi, do đó người học cũng phải cần thay đổi để thích nghi, cần phải trang bị đầy đủ những kiến thức nền tảng, chuyên môn vững vàng, khả năng tự học, tự sáng tạo, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ các kỹ năng mềm, hiểu biết văn hóa rộng, khả năng ứng xử trong môi trường quốc tế mới đáp ứng được nhu cầu nguồn lực lao động trong thời kỳ công nghệ số hóa. Do đó, việc học không chỉ gói gọn trong những giờ ngồi trên giảng đường mà phải học mọi lúc, mọi nơi, học thông qua trải nghiệm, nghiên cứu khoa học. Để thực hiện tốt vai trò học, người học cần phải có sự tương tác với người dạy, tích cực ứng dụng công nghệ để tìm kiếm thông tin, tài liệu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đinh Văn Tiến, Ulrich Lipp (2003). Cẩm nang phương pháp sư phạm. NXB TP. Hồ Chí Minh.
  2. Lê Công Triêm (chủ biên), Nguyễn Đức Vũ, Trần Thị Tú Anh (2002). Một số vấn đề hiện nay của phương pháp dạy học Đại học. NXB Giáo dục, Hà Nội.
  3. Phan Trọng Ngọ (2005). Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường. NXB Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
  4. Trần Khánh Đức (2013). Lý luận và phương pháp dạy học hiện đại. NXB Giáo dục, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thanh Hải, Phùng Thúy Phượng, Đồng Thị Bích Thủy (2010). Một số giải pháp giảng dạy cải tiến giúp sinh viên học tập chủ động và trải nghiệm đạt các chuẩn đầu ra theo CDIO. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - Hội thảo CDIO 2010.

 

CHANGING AND UPGRADING ACCOUNTING TEACHING METHODS OF

THE FACULTY OF FINANCE AND COMMERCE,

HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF TECHNOLOGY

Ph.D student TRAN NAM TRUNG

Faculty of Finance and Commerce, Ho Chi Minh City University of Technology (Hutech)

ABSTRACT:

The strong growth of information technology in the new development era has set new requirements for training institutions including the Faculty of Finance and Commerce, Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH) to change and update their teaching methods. This paper presents the impacts of the industrial revolution 4.0 on the teaching accounting subjects of the Faculty of Finance and Commerce (HUTECH). Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the quality of accounting teaching of the Faculty of Finance and Commerce to meet new requirements about accounting human resources in the context of Industry 4.0.

Keywords: industrial revolution 4.0, teaching and learning methods, accounting.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 21, tháng 9 năm 2021]