Thông tin mới nhất từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, song song với kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo tinh thần chung tại Công điện 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ Công Thương, lực lượng QLTT trên cả nước cũng triển khai ký cam kết trong việc đảm bảo cung ứng xăng dầu, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá không đúng quy định.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục, tính từ ngày 28/1-20/2/2022, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với hàng ngàn cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước.
Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh trong ngày 20/2, Cục QLTT thành phố tiến hành giám sát trên 100 điểm kinh doanh xăng dầu. Qua kiểm tra một số cửa hàng xăng dầu ở quận Gò Vấp, quận 12, TP.Thủ Đức, hầu hết các cửa hàng đều hoạt động ổn định, chỉ có vài cây xăng tạm ngưng bán do nguồn cung giảm, không nhập hàng về đúng tiến độ.
Cụ thể, có 1 cây xăng ở đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp của Công ty TNHH TM DV Biên Khoa ngưng bán, treo biển “hết xăng”. Kiểm tra thực tế, lực lượng QLTT ghi nhận, tại các bồn chứa, lượng xăng còn quá ít, gần cạn đáy bồn. Theo cửa hàng, mỗi bồn chỉ còn khoảng một, hai trăm lít nên không thể nào bơm lên được để bán cho khách. “Cửa hàng ngưng bán do chưa nhập hàng về kịp. Công ty nhập xăng về bán 1-2 ngày là hết do nhiều người mua thường đổ đầy bình”, nhân viên tại cây xăng chia sẻ.
Còn cây xăng trên giao lộ Phạm Văn Chiêu - Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, cả trăm người dân xếp hàng để chờ tới lượt đổ xăng, do 3 trụ xăng tại đây chỉ mở bán 1 trụ vì chỉ có một nhân viên đứng bán.
Lãnh đạo Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh nhận định, qua công tác kiểm tra, cơ bản việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố vẫn được đảm bảo. Việc một số cây xăng treo biển hết hàng không phản ánh tình trạng thiếu xăng mà do các cây xăng này chưa kịp nhập hàng.
“Đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp Sở Công Thương thành phố kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cây xăng, mọi hành vi vi phạm quy định pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Tương tự, tại Gia Lai, để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho người sử dụng, Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo, mỗi Đội QLTT thành lập hai Đoàn kiểm tra tiến hành ký cam kết “không đóng cửa, bán hàng đúng thời gian niêm yết, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết…”.
Trong ngày 20/2, các Đội đã ký kết được 120/421 cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Số còn lại dự kiến sẽ kết thúc trong ngày 21/2/2022.
Ông Lê Hồng Hà - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, đơn vị ưu tiên dồn toàn lực cho nội dung đảm bảo ổn định, đầy đủ xăng dầu để cung cấp cho người sử dụng, kiểm soát chặt không để cửa hàng xăng dầu nào trên địa bàn tỉnh đóng cửa hay găm hàng, tăng giá để trục lợi.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Bình Định, tính từ ngày 10/2 đến ngày 20/2, lực lượng QLTT tỉnh Bình Định đã kiểm tra, giám sát và ký cam kết đối với 290 cửa hàng. Chỉ tính riêng trong ngày 20/2, đơn vị đã kiểm tra và giám sát đối với 44 cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh. 100% các cửa hàng kiểm tra trong ngày đều mở cửa bán hàng và chấp hàng tốt các quy định trong kinh doanh xăng dầu.
Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của các Đội QLTT trên địa bàn tỉnh và Đoàn kiểm tra liên ngành 389/ĐP tỉnh do Cục QLTT chủ trì đã thực hiện giám sát thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ ngày 28/01/2022 đến ngày 20/02/2022, các Đoàn kiểm tra thuộc các Đội QLTT và Đoàn kiểm tra liên ngành 389/ĐP tỉnh do Cục QLTT chủ trì đã làm việc với 60 Trạm xăng dầu tại thời điểm kiểm tra có tình trạng ngưng hoạt động kinh doanh hoặc có hoạt động kinh doanh nhưng treo bảng hết xăng. Các Đoàn kiểm tra ghi nhận, xác minh và xử lý theo quy định.
Hiện nay, 100% lực lượng QLTT tại 63 tỉnh thành phố đều thành lập các Đoàn kiểm tra, giám sát thị trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Theo Lãnh đạo Tổng cục QLTT, việc triển khai việc tăng cường kiểm tra, giám các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn địa phương quản lý để kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng, nâng giá bất hợp lý và dừng hoạt động kinh doanh không thông báo, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Tất cả những hành vi vi phạm nếu bị phát hiện sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, trong cuộc họp khẩn bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, người đứng đầu ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên từng chỉ đạo, trước hết, các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành; Niêm yết, bán đúng giá; Công khai nguồn cung.
Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, Bộ trưởng yêu cầu phải lên kế hoạch nhập khẩu bảm đảm nguồn cung trong mọi tình huống. Dứt khoát không để thiếu xăng dầu.
Đối với lực lượng QLTT, Bộ trưởng đề nghị, Tổng cục QLTT chỉ đạo Cục QLTT các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên, đột xuất với tần suất dày 1-2ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm.
Kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo Nghị định 95; phối hợp với cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Vụ TTTN, UBND các tỉnh thành phố, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý.
“Cần kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu như đầu cơ, găm hàng, bán nhỏ giọt... Nếu không có lý do chính đáng, cần đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép của các cửa hàng vi phạm và xử lý các thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối liên quan”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.