Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận

MAI NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆP - NGUYỄN THỊ ĐỨC LOAN (Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu - BVU)

TÓM TẮT:

Qua quá trình phân tích và nghiên cứu, kết quả chứng tỏ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận (Agribank Đức Linh) đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19 áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do đó, Agribank Đức Linh cần phải xem xét các yếu tố mang tính cạnh tranh, như: lãi suất, thương hiệu, công nghệ,… để đứng vững trên thị trường hiện nay.

Từ khóa: giải pháp, năng lực cạnh tranh, Agribank Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

1. Đặt vấn đề

Sau đại dịch Covid-19, Agribank Đức Linh đối mặt với nhiều tác động và áp lực cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước ngày càng gia tăng, nhất là sự lớn mạnh từ các NHTM cổ phần liên doanh, nước ngoài lớn mạnh về mạng lưới, quy mô, năng lực tài chính, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý chuyên nghiệp. Rủi ro thị trường ngày càng gia tăng cùng với việc tự do hóa thị trường tài chính, lãi suất,… Xuất phát từ những đòi hỏi mang tính thực tiễn nói trên, tác giả quyết định chọn chủ đề bài viết “Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận”, với mong muốn phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh hiện tại của Agribank Đức Linh, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm cạnh tranh

Cạnh tranh là đua tranh giữa các doanh nghiệp cùng kinh doanh một loại sản phẩm, trên cùng một thị trường, sử dụng các hành động và biện pháp để giành lợi thế, thỏa mãn mục tiêu. Các mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến gồm: thị phần, lợi nhuận, danh tiếng thương hiệu, hiệu quả lao động hoặc an toàn,…

Cạnh tranh luôn tồn tại 2 mặt tích cực và tiêu cực. Xét về mặt tích cực, cạnh tranh giúp doanh nghiệp phân bổ hợp lý các nguồn lực, hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, giúp tăng năng suất xã hội, sử dụng hiệu quả các yếu tố trong sản xuất để thỏa mãn tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Xét về mặt tiêu cực, khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận một cách bất chấp,sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, như ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, vi phạm đạo đức, nhân cách,… khiến cho nền kinh tế đất nước bị sai lệch.

2.2. Khái niệm về nguồn lực

Nguồn lực là những yếu tố hữu hình và vô hình mà doanh nghiệp có thể kiểm soát, giúp duy trì hoạt động và nâng cao giá trị khách hàng; đồng thời những yếu tố nguồn lực độc đáo chính là chìa khóa để tạo ra lợi thế cạnh tranh và là nền tảng để doanh nghiệp xây dựng mục tiêu, các chiến lược khả thi nhằm đạt được mục đích kinh doanh của mình.

2.3. Năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh được nhiều người công nhận và sử dụng, thể hiện toàn diện và đầy đủ nhất ý nghĩa của năng lực cạnh tranh chính là khái niệm của Michael Porter (1980). Theo đó, ông cho rằng, năng lực cạnh tranh là khả năng sáng tạo ra những sản phẩm có quy trình công nghệ độc đáo để tạo ra giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu khách hàng, hoặc sản phẩm có chi phí thấp, năng suất cao, nhằm tăng lợi nhuận. Khái niệm này thể hiện một cách đầy đủ mục tiêu của năng lực cạnh tranh, được cho là hoàn toàn phù hợp để áp dụng vào thực tiễn.

2.4. Lợi thế cạnh tranh

Lợi thế cạnh tranh xuất phát từ việc công ty nào có thể tạo ra được giá trị vượt trội nhằm mang đến lợi nhuận cao hơn, trong đó cách thức để tạo ra giá trị này có thể là giảm chi phí kinh doanh hoặc tạo sự khác biệt đến từ sản phẩm, vì thế mà được khách hàng đánh giá cao và sẵn sàng trả một mức phí cao hơn để sở hữu chúng. Có thể thấy Chi phí thấp và Khác biệt hóa là 2 chiến lược căn bản để doanh nghiệp giành lợi thế cạnh tranh trong ngành (Porter, 1985).

2.5. Các chiến lược cạnh tranh

Để phát huy tốt những yếu tố, năng lực của lợi thế cạnh tranh vốn có, doanh nghiệp cần nắm vững các chiến lược cạnh tranh nhằm phát triển công ty bền vững, hiệu quả trên thị trường. Michael Porter (1985) đã chỉ ra 3 chiến lược cạnh tranh, gồm: Chiến lược dẫn đầu về chi phí (cost leadership); Chiến lược khác biệt hoá (differentiation); Chiến lược tập trung (focus).

2.6. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Mỗi một doanh nghiệp hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải chịu sự tác động của môi trường xung quanh và chịu sự tác động từ chính bản thân doanh nghiệp. Do đó, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào bản thân doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan khác của môi trường xung quanh doanh nghiệp. Nhìn chung, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, song tóm gọn lại đều có 3 nhóm nhân tố cơ bản sau: Môi trường vĩ mô; Môi trường ngành: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter; Doanh nghiệp. Các nhân tố gồm: Môi trường vĩ mô; Nhân tố kinh tế; Nhân tố chính trị và pháp luật; Nhân tố xã hội; Nhân tố tự nhiên; Nhân tố công nghệ; Môi trường ngành.

3. Tình hình phát triển của Agribank Đức Linh

Agribank Đức Linh thuộc hệ thống ngân hàng Agribank Việt Nam. Tính đến ngày 30/11/2020, Agribank có tổng tài sản đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,42 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,183 triệu tỷ đồng. Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam và chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành Ngân hàng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. 

Với chặng đường trên 32 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn khẳng định vị thế, vai trò của một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, đi đầu thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, luôn khẳng định vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cung ứng tín dụng và sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Agribank tự hào là “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2020”, giai đoạn 2020 - 2025.

Tháng 7/2020, ghi nhận sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của Agribank, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã đưa Agribank vào danh sách “Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020”.

Theo Bảng xếp hạng VNR500 - TOP500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020, Agribank được vinh danh vị trí thứ 8. Đây là lần thứ 11, Agribank được xếp hạng TOP10 VNR500 và giữ vị trí quán quân trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Trong danh sách xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2019 (V1000) được Tổng cục Thuế công bố, Agribank đã xuất sắc vươn lên vị trí thứ 3.

Năm 2020, thương hiệu Agribank đã xuất sắc đứng thứ hạng 190 và cũng là xếp hạng cao nhất trong số 9 ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam trong bảng xếp hạng 500 Thương hiệu Ngân hàng giá trị lớn nhất toàn cầu (Brand Finance Banking 500) năm 2020, do Công ty Brand Finance công bố.

Những năm gần đây, thương hiệu và chất lượng dịch vụ của Agribank trên thị trường quốc tế, nhất là trong hoạt động thanh toán quốc tế luôn được các ngân hàng toàn cầu hàng đầu thế giới đánh giá cao. Agribank liên tục nhận được nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực thanh toán quốc tế do các ngân hàng trao tặng, như: Wells Fargo, JPMorgan Chase, Citibank, Standard Chartered Bank,... Trong năm 2020, Ngân hàng The Bank of New York Mellon (BNY Mellon) đã trao tặng Agribank giải thưởng “Tỷ lệ điện thanh toán chuẩn xuất sắc". Bên cạnh đó, Agribank cũng nhận được giải thưởng “Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc” của J.P. Morgan.

Ngân hàng tự động Agribank AutoBank CDM 24/7 có khả năng hoạt động ổn định và bền bỉ cao, giúp phục vụ khách hàng thuận tiện và an toàn nhất. Bên cạnh đó, hệ thống hoạt động với hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường. Với chức năng ưu việt trên, Ngân hàng tự động Agribank AutoBank CDM 24/7 đã xuất sắc đạt giải thưởng Sao Khuê cho phần mềm/hệ thống xuất sắc nhất trong lĩnh vực Ngân hàng - Tài chính năm 2020. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Agribank có phần mềm/hệ thống xuất sắc trong lĩnh vực này.

Agribank cũng là ngân hàng luôn tích cực thể hiện trách nhiệm xã hội với đất nước và cộng đồng thông qua nhiều chương trình an sinh xã hội. Trên khắp dải đất hình chữ S, nơi đâu, Agribank cũng đều phát huy truyền thống “Ngân hàng vì cộng đồng

Đảng bộ Agribank được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phòng chống Covid-19.

Mặc dù được đánh giá là ngân hàng có những đột phá trong cho vay phát triển kinh tế hộ, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng hiện nay, Agribank vẫn gặp phải một số khó khăn và hạn chế, như: Chịu sự chi phối nhiều từ phía hoạt động hoàn toàn không vì mục đích thương mại; Ngành nghề đầu tư chủ yếu là lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Đây là thị trường chịu nhiều tác động của yếu tố tự nhiên (thiên tai, hạn hán, lũ lụt) nên rủi ro thất thoát là rất lớn.

Bên cạnh đó, doanh số cho trong lĩnh vực này tuy nhỏ, nhưng số lượng khách hàng lại rất lớn, nên khó theo dõi, quản lý và tốn kém. Chưa kể, trình độ công nghệ, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh còn giới hạn, đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; Công tác quản trị rủi ro còn thấp, chưa có khả năng dự đoán và dự báo rủi ro; Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ (do sự rộng khắp của mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch), nên quá trình cải tiến và đầu tư công nghệ cao còn hạn chế,…

Bước sang giai đoạn phát triển mới, Agribank đang phải đối mặt với nhiều tác động và áp lực cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước ngày càng gia tăng, nhất là sự lớn mạnh từ các NHTM cổ phần liên doanh, nước ngoài lớn mạnh về mạng lưới, quy mô, năng lực tài chính, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý chuyên nghiệp. Rủi ro thị trường ngày càng gia tăng cùng với việc tự do hóa thị trường tài chính, lãi suất,…

4. Nâng cao năng lực cạnh tranh Agribank Đức Linh

nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững thị phần trong bối cảnh hội nhập, trước mắt, Agribank Đức Linh cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau.

Thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ song hành giữa công nghệ số hóa và kinh tế số đã tạo nên sự biến đổi to lớn, nhanh chóng đối với kinh tế, xã hội và mọi mặt của đời sống con người. Kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn với xu thế ngày càng tăng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trước sự phát triển lớn mạnh không ngừng của công nghệ số, Agribank đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển và chuyển đổi mô hình ngân hàng số để bắt nhịp xu hướng thời đại. 

Công nghệ số góp phần quan trọng trong việc triển khai các dịch vụ ngân hàng mới hiện đại, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng, cung cấp các sản phẩm ngân hàng mang tính cá nhân hóa cao đến người dùng đúng thời điểm, đúng nhu cầu. Những tiến bộ từ cuộc cách mạng cộng nghệ 4.0 đã giúp các ngân hàng Việt Nam có cơ hội đi tắt đón đầu, thu hút vốn đầu tư, tiếp cận thị trường quốc tế, đổi mới công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, bắt kịp xu thế công nghệ để xây dựng các sản phẩm dịch vụ mở rộng thị trường. Ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí quản lý, chi phí đầu tư chi nhánh truyền thống, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ 4.0, thu hút tiếp cận khách hàng rộng hơn, tận dụng kinh tế quy mô, kinh tế chia sẻ để phát triển. 

Thứ hai, Agribank tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới,... theo Thông tư số 01, 03 của Ngân hàng Nhà nước; trong đó thực hiện cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí cho 12.500 khách hàng với dư nợ 30.109 tỷ đồng, cho vay mới hơn 203.000 tỷ đồng cho trên 50.000 khách hàng.

Thứ ba, Agribank đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, bao gồm: Tăng gấp 2 lần hạn mức chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm; Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ mức phí tối đa 2%; Cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất nhập khẩu quy mô 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD; Cho vay khách hàng lớn quy mô 15.000 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tiêu dùng quy mô 20.000 tỷ đồng.

Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kể từ ngày 15/7/2021, Agribank tiếp tục thực hiện chính sách giảm 10% lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, giảm 10% lãi suất đối với dư nợ cho vay mới. Theo đó, Agribank dự kiến sẽ cắt giảm khoảng hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế chịu ảnh hưởng của Covid-19.

Thứ năm, phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, Agribank luôn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh thông qua ủng hộ bằng tiền và hiện vật cho các địa phương, bệnh viện tuyến đầu, lực lượng phòng chống dịch với tổng số tiền hỗ trợ vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 nhằm tăng nguồn lực để Chính phủ mua và sản xuất vắc-xin phục vụ chiến lược tiêm phòng cho toàn dân; ủng hộ công tác phòng, chống dịch covid-19 các địa phương có dịch số tiền trên 83 tỷ đồng; tài trợ cho lĩnh vực y tế, bệnh viện; lĩnh vực giáo dục và làm nhà cho người nghèo,…

Thứ sáu, để nâng cao chất lượng, thu hút khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp như tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng thanh toán điện tử; nâng cao chất lượng và mở rộng tiện ích, loại hình thanh toán; tăng cường hợp tác thu hộ, chi hộ với nhiều đối tác, cung cấp tài khoản số đẹp cho khách hàng,... Đặc biệt, Agribank còn tiên phong triển khai chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước với khách hàng mở tài khoản tại Agribank trên tất cả các kênh giao dịch, phát triển khách hàng mở tài khoản thanh toán, sử dụng dịch vụ của Agribank để ngày càng thu hút đông đảo khách hàng tham gia các dịch vụ của ngân hàng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Hoài Thu (2013). Mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ. Học viện Ngân hàng.
  2. Nguyễn Thị Quy (2005). Năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại trong thời kỳ hội nhập. Hà Nội: Nhà xuất bản Lý luận chính trị.
  3. Nguyễn Văn Thụy (2007). Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng TMCP Á Châu trong quá trình hội nhập quốc tế. Luận văn Thạc sĩ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí
  4. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Truy cập tại: https://agribank.ngan-hang.com/chinhanh/binh-thuan/duc-linh
  5. Thái Anh (2020). Agribank cùng ngành Ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Truy cập tại: https://www.agribank.com.vn/vn/ve-agribank/tin-tuc-su-kien/tai-chinh-ngan-hang/agribank-nganh-ngan-hang-hien-thuc-hoa-chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-quoc-gia
  6. Trần Minh Tuấn (2020). Agribank Bình Thuận triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2020. Truy cập tại: https://www.agribank.com.vn/vn/ve-agribank/tin-tuc-su-kien/cac-tin-khac/don-vi-thanh-vien/agribank-binh-thuan-to-chuc-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-kinh-doanh-6-thang-cuoi-nam-2021.
  7. Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Việt Nam. Truy cập tại: https://agribank.ngan-hang.com/

 

SOLUTIONS TO IMPROVE THE COMPETITIVENESS OF THE VIETNAM BANK FOR AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT– DUC LINH DISTRICT BRANCH, BINH THUAN PROVINCE

MAI NGUYEN THI NGOC DIEP 1

 NGUYEN THI DUC LOAN 1

1 Ba Ria - Vung Tau University

ABSTRACT:

This study’s results show that the Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development– Duc Linh District branch in Binh Thuan Province (Agribank Duc Linh) is growing strongly. However, as the competition has become more intense in the post-COVID-19 era, it is essential for Agribank Duc Linh to assess competitive factors such as interest rates, brand name, technology, etc to stand out from competitors.

Keywords: solution, competitiveness, Agribank Duc Linh, Binh Thuan Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 27, tháng 12 năm 2021]