Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh với tỷ lệ 97,37% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Với nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt là cho phép thí điểm những mô hình mới, cách làm mới, TP.HCM có cơ hội tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc.
7 lĩnh vực được áp dụng các cơ chế vượt trội
Nghị quyết 98 thay thế Nghị quyết 54 gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách: Nhóm thứ nhất gồm những nội dung cơ chế, chính sách mà TP.HCM kế thừa từ Nghị quyết 54; nhóm thứ 2 là những nội dung cơ chế, chính sách đã được quy định tại các cơ chế đặc thù ở các địa phương khác; nhóm thứ 3 là những nội dung cơ chế, chính sách đang được đưa vào các dự thảo sửa đổi luật; nhóm thứ 4 là nhóm những nội dung cơ chế, chính sách mới lần đầu tiên được áp dụng cho TP.HCM.
Với 4 nhóm này, có 44 nội dung cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực: Quản lý đầu tư; Tài chính - ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Phát triển khoa học và công nghệ; Phân cấp phân quyền, tổ chức bộ máy; Cơ chế chính sách cho TP.Thủ Đức.
Đặc biệt, nhóm chính sách mới lần đầu được quy định tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: Đầu tư; Tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.
Những việc cần làm ngay
Những kết quả khởi sắc của bức tranh kinh tế - xã hội TP.HCM trong quý II/2023 đang tạo ra động lực cho Thành phố bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 98. Nếu trong quý I/2023 tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chỉ ở mức 0,7% thì đến quý II/2023, mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố đã vươn lên mạnh mẽ, đạt 5,87%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế TP.HCM đạt mức tăng trưởng 3,55%.
Tuy nhiên, với một hệ thống cơ chế chính sách lớn, bao trùm như Nghị quyết 98, cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để hiện thực hóa những mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Những ngày gần đây, thông qua các hội thảo và văn bản đề xuất, nhiều chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đã “hiến kế” một số giải pháp.
TS.Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: 3 việc quan trọng cần làm ngay
Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là cú đột phá cho một hình mẫu phát triển mới, mở ra một hình mẫu của cả nước về đổi mới. Để hiện thực hóa Nghị quyết 98, có 3 việc quan trọng cần làm ngay.
Thứ nhất là công tác con người. Một trong những cơ chế vượt trội trong Nghị quyết chính là cách tổ chức bộ máy phù hợp với vai trò, tầm vóc của TP.HCM, cho phép Thành phố có cơ quan chức năng phù hợp với mình; cho phép chủ động biên chế cấp cơ sở. Do đó, TP.HCM cần tập trung sắp xếp lại bộ máy để hoạt động hiệu quả, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cá nhân, chịu trách nhiệm cá nhân, công việc có đầu mối rõ ràng... Đây chính là điều kiện hàng đầu để hiện thực hóa Nghị quyết này.
Thứ hai, phải thống nhất quan điểm, nhận thức là thực hiện Nghị quyết mới hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của TPHCM, là việc riêng của TP.HCM mà phải là sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ Trung ương. Trung ương phải có một sự đảm bảo mạnh mẽ để TP.HCM thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết.
Thứ ba là phối hợp hành động. Cơ chế, chính sách này cần được mở ra cho cả 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các địa phương này đã liên kết trên nhiều lĩnh vực, giờ nếu được liên kết thể chế thì sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn, tạo đà cho sự phát triển cho cả 4 địa phương.
TS.Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Cần tạo sự đồng bộ về thể chế, tổ chức bộ máy vận hành
Đến nay quá trình chuẩn bị để hiện thực hóa ngay các cơ chế trong Nghị quyết là khá tốt. Tuy nhiên để nâng chất lượng nền công vụ về hành chính cần tạo sự đồng bộ về thể chế, tổ chức bộ máy vận hành và cán bộ công chức. Sự đồng bộ này cần triển khai để nâng cao năng lực, bởi chế độ đãi ngộ hiện nay vẫn chưa đủ, cần tính toán lại. Như TP.Thủ Đức, cần bộ máy tương ứng với quy mô, đây là vấn đề khó vì đầu tư nguồn lực vào cán bộ công chức rất khó. Cần triển khai làm rõ, để quá trình vận hành trôi chảy, thể chế, bộ máy con người vận hành trôi chảy.
Với Nghị quyết mới này, cộng với tất cả sự chuẩn bị đầu tư, về hạ tầng đô thị, nhất là giao thông thì 2 điểm nghẽn lớn nhất của TP.HCM là thể chế và hạ tầng sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới để hướng tới sự phát triển.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Chế độ đãi ngộ cho cán bộ thỏa đáng để phục vụ người dân tốt hơn
Cơ chế về nguồn lực được nêu trong Nghị quyết 98 đang mở ra những cơ hội và nếu khai thác được thì TP.HCM sẽ mở ra sự phát triển mới. Do đó, Thành phố cần xây dựng cơ chế để vận hành chính quyền đô thị cho đô thị lớn. Việc phân cấp, phân quyền không phải là để trao quyền nhiều hơn mà phân định quyền hạn, trách nhiệm từ người thực thi và người quản lý.
TP.HCM cần trở thành sandbox (cơ chế thí điểm) vì đây là môi trường năng động, sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm những cái mới. Đi kèm với việc đó là giao quyền, trách nhiệm, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đúng tầm để cán bộ phục vụ người dân tốt hơn.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA): Công khai minh bạch thông tin về các dự án
Tại Văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu một số đề xuất để bảo đảm thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất và được sự thấu hiểu, ủng hộ, đồng thuận của người dân.
Đơn cử, Nghị quyết cho phép Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT để nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa một số tuyến đường chính hiện hữu đang bị "thắt cổ chai", thường xuyên bị ùn tắc giao thông, nhưng để tránh xảy ra tình trạng "xung đột lợi ích" giữa nhà đầu tư với người dân, đề nghị UBND Thành phố có các giải pháp để các dự án đầu tư theo hình thức này phải đảm bảo quyền lợi của người dân và HĐND tổ chức giám sát để đảm bảo quyền lợi của người dân. Cùng với đó, UBND Thành phố thực hiện đầy đủ, công khai minh bạch các thông tin về dự án để thuận lợi cho người dân giám sát.
Về việc Nghị quyết cho phép Thành phố được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố, tại thời điểm hiện nay, do một số quy định pháp luật hiện hành chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất nên bảng giá đất của Thành phố chưa thu thập được thông tin thị trường đầy đủ, chính xác, cập nhật theo thời gian thực, chưa xây dựng được giá đất đến từng thửa đất nên rất khó đáp ứng yêu cầu "Bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất" của Nghị quyết.
Do đó, đề nghị UBND tiếp tục đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép Thành phố được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố để "công thức hóa" việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các dự án có sử dụng đất, vừa đảm bảo không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, vừa tránh được "rủi ro pháp lý" trong thi hành công vụ cho cán bộ, công chức và người liên quan.
Dự kiến ngày 7/7 tới, Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị cán bộ toàn Thành phố để triển khai, quán triệt Nghị quyết, đồng thời triển khai chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của UBND, HĐND Thành phố. Sau Hội nghị này, Thành phố sẽ phân công cụ thể cho từng sở, ngành, đồng thời theo dõi, đôn đốc, khen thưởng, kỷ luật và có các biện pháp về công tác cán bộ để sắp xếp, điều chỉnh hợp lý nhằm thực hiện Nghị quyết.
Thành ủy TP.HCM cũng dự kiến sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết do Lãnh đạo Thành ủy làm Trưởng Ban, với các tổ công tác như tổ tư vấn, tổ thư ký… để huy động được trí tuệ, nguồn lực từ ngoài nước, trong nước, trong Thành phố nhằm góp ý thực hiện Nghị quyết đạt kết quả tốt nhất.