Giải pháp thu hút vốn đầu tư FDI đối với phát triển kinh tế Vĩnh Phúc

NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG (Giảng viên Bộ môn Cơ sở ngành Kinh tế, Khoa Kinh tế Vận tải, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những tác động tích cực đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng. Tuy nhiên đi kèm với nó là những khó khăn, thách thức đối với những địa phương tiếp cận nguồn vốn này. Bài viết này bàn về việc Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh khác trong cả nước đã tích cực đẩy mạnh công tác đối ngoại, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hút các dự án FDI và đạt được những kết quả nhất định.

Từ khóa: FDI, phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc.

1. Đặt vấn đề

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và các cân đối vĩ mô trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trên 80%; đóng góp vào thu ngân sách chiếm 80-85%; đóng góp vào giá trị xuất khẩu chiếm từ 85-90%. Nhờ đẩy mạnh thu hút FDI, Vĩnh Phúc đã thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong tỉnh. Tỉnh đã phát triển được một số ngành kinh tế chủ lực như sản xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử.

Cũng nhờ đẩy mạnh công tác thu hút FDI, Vĩnh Phúc đã từng bước hình thành và phát triển hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tương đối đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa phát triển. Đồng thời, FDI góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực. FDI cũng đã góp phần hỗ trợ địa phương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác hữu nghị với với một số vùng, thành phố của các quốc gia có dự án đầu tư trên địa bàn.

Sau 23 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 1997-2020 đạt 13,5%/năm; tỷ trọng khu vực công nghiệp - dịch vụ năm 2020 chiếm trên 91% trong cơ cấu kinh tế. Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, Vĩnh Phúc vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật. GRDP ước đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 cả nước. Bình quân thu nhập đầu người năm 2021 ước đạt 114 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7 triệu đồng/người so với năm 2020. Tỉnh cũnguôn đứng tốp đầu cả nước về thu nội địa và là 1/16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương (47%). Nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo diện mạo đô thị, giao thông khang trang, hiện đại cho Vĩnh Phúc.

2. Tình hình thu hút FDI tại Vĩnh Phúc

2.1. Hoạt động xúc tiến đầu tư

Công tác vận động xúc tiến đầu tư được ban quản lý các khu công nghiệp xác định là nhiệm vụ cần thiết, vì thế ban quản lý đã tham mưu, giúp cho UBND tỉnh tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến đầu tư, gặp mặt các đối tác trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã tiếp và làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ nhiều vùng lãnh thổ khác nhau đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, như: Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan,... và một số tập đoàn lớn khác. Những hoạt động thu hút đầu tư như: hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế về đầu tư, biên tập tài liệu giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc, xây dựng trang web cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thu hút đầu tư của tỉnh và cả nước, giới thiệu các khu công nghiệp trên địa bàn, các văn bản pháp luật mới về cơ chế chính sách thu hút đầu tư,…

Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc, trong tháng 10/2021, Ban đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) mới cho 1 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 22 tỷ đồng; cấp GCNĐKĐT điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 1,5 triệu USD; tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm dự án DDI là 796,83 tỷ đồng và dự án FDI là 1,5 triệu USD.

Tính đến 10 tháng đầu năm 2021, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 36 dự án đầu tư mới, bao gồm: 24 dự án FDI và 21 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký 930,49 triệu USD, gấp 3,5 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 100% kế hoạch năm; thu hút 12 dự án DDI và 2 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.812,24 tỷ đồng, gấp 8 lần về số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 125% so với kế hoạch năm.

Tính đến ngày 15/10/2021, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 406 dự án, gồm 77 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 20.342,44 tỷ đồng và 329 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.379,93 triệu USD. Trong đó, có 334 dự án đang hoạt động SXKD, chiếm 82% tổng số dự án; 28 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng, chiếm 7% tổng số dự án; 40 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án, chiếm 10% tổng số dự án; 4 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động, chiếm 1% tổng số dự án. Vốn thực hiện tháng 10/2021 của các dự án đạt 31,4 triệu USD và 297 tỷ đồng.

2.2. Công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp

Đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 19 KCN với tổng diện tích 5.487,31 ha.

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mới 2 KCN là: KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Sơn Lôi. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn Tỉnh có 9 KCN được thành lập và cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tổng diện tích đất quy hoạch là 1.838,75 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 1.353,72 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký là 8.231,87 tỷ đồng và 117,42 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 64,2%.

Nhìn chung, giai đoạn 2015-2020, các KCN được xây dựng trên địa bàn đã tạo ra quỹ đất sạch, có hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cơ bản phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư. Các KCN đã thu hút được nhiều dự án, sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực của Tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2.773,948 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 2.041,07 ha; có 8 KCN đã đi vào hoạt động cụ thể là: KCN Khai Quang (216,24 ha), KCN Bình Xuyên (286,98 ha), KCN Kim Hoa (50 ha), KCN Bá Thiện (325,75 ha), KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21 ha), KCN Bá Thiện II (308,83 ha), KCN Tam Dương II - khu A (135,17 ha), KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha).

Hiện nay, cơ sở hạ tầng các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng cơ bản đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư (bao gồm cả nhà máy xử lý nước thải). Một số KCN đã cho thuê hết 100% đất công nghiệp, như: KCN Kim Hoa, KCN Khai Quang, KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1. Các KCN còn lại đang tiếp tục triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Đối với 6 KCN mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong quý I/2021, gồm: KCN Sông Lô II, KCN Tam Dương I - KV2, KCN Sông Lô I, KCN Nam Bình Xuyên, KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - giai đoạn 1), đang thực hiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, KCN Bá Thiện - phân khu I đang được nhà đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (KCN Bá Thiện - phân khu I là KCN đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư).

Dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch từ 23-25 KCN với tổng quỹ đất công nghiệp dự kiến khoảng 7.000 ha. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang lập Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ tích hợp nội dung Quy hoạch các KCN tỉnh Vĩnh Phúc.

FDI vào địa phương trong năm 2021 tăng mạnh, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước và tại địa phương, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, bên cạnh chính sách kịp thời của Chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, còn có sự chủ động, linh hoạt của địa phương trong thay đổi phương thức quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá. Nhờ đó, các nhà đầu tư đến từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu,… đều có hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Điển hình trong số đó phải kể đến là: Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Italia), Công ty TNHH North Stair Precision (Hoa Kỳ), Công ty TNHH De Heus (Hà Lan),…

3. Một số giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc

Năm 2022, tập trung xúc tiến đầu tư có trọng tâm và tạo thêm nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn. Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, như: Áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm với các công ty sản xuất phần mềm, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch,... Hoặc, tùy theo ngành nghề, dự án mà các doanh nghiệp có thể áp dụng chế độ miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2-4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp từ 4-9 năm tiếp theo. Thực hiện miễn giảm tiền thuế đất, thuê mặt bằng cho một số trường hợp.

- Ưu đãi giá thuê đất: Giá thuê đất đối với các dự án có vốn FDI là mức giá thấp nhất theo khung giá quy định hiện hành của Nhà nước. Còn giá thuê đất đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước là mức giá theo tỷ lệ phần trăm quy định cho sản xuất và dịch vụ áp dụng giá thuê đất theo quy định hiện hành của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

- Hỗ trợ đền bù, san lấp giải phóng mặt bằng: Dự án thỏa mãn một trong các điều kiện sau đây sẽ được ngân sách Tỉnh hỗ trợ theo tỷ lệ phần trăm của tổng số tiền đền bù (không tính giá trị các công trình kiến trúc như nhà cửa, cầu cống, đường điện, đường nước,...) theo chính sách hiện hành của Nhà nước được các cấp có thẩm quyền phê duyệt như:

+ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN, CCN được hỗ trợ 8%.

+ Sử dụng công nghệ cao và sử dụng từ 50 lao động trở lên được hỗ trợ 10%.

+ Có vốn đầu tư từ 10 tỷ VND trở lên và sử dụng từ 50 lao động trở lên được hỗ trợ 10%.

+ Chế biến nông sản thực phẩm sử dụng trên 30% nguồn nguyên liệu tại Vĩnh Phúc và sử dụng từ 50 lao động trở lên được hỗ trợ 15%.

+ Đầu tư xây dựng khu chung cư cao tầng (từ 3 tầng trở lên) cho thuê ở đô thị, phục vụ KCN, CCN ở thành phố Vĩnh Yên, các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch và các công trình văn hóa, thể thao vui chơi giải trí, y tế, giáo dục được hỗ trợ từ 50% - 100%.

+ Đầu tư sản xuất ở huyện Lập Thạch, các xã miền núi của các huyện Tam Dương, Bình Xuyên và các CCN ở thành phố Vĩnh Yên được hỗ trợ 100% (không tính đất trồng lúa).

Mức hỗ trợ nêu ở các mục trên không vượt quá 2 tỷ VNĐ.

Trường hợp dự án đáp ứng được nhiều điều kiện thì chỉ được hưởng ưu đãi của điều kiện có mức ưu đãi cao nhất,...

(i) - Ưu đãi đầu tư, tài chính tín dụng: Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư cho các đối tượng là chủ các doanh nghiệp ở tỉnh ngoài hoặc các nghệ nhân, thợ giỏi đến lập nghiệp ở Vĩnh Phúc có đóng góp tích cực cho phát triển CN - TTCN được khuyến khích giao đất làm nhà ở như công dân tỉnh.

(ii) - Hỗ trợ lãi suất tiền vay: Dự án đầu tư xây dựng chung cư cao tầng (từ 3 tầng chở lên), nhà cho thuê ở đô thị, KCN, CCN và các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh có thể được UBND tỉnh xem xét hỗ trợ lãi xuất tiền vay của các tổ chức tín dụng cho từng dự án cụ thể.

(iii) - Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động của tỉnh:

+ Dự án được hưởng ưu đãi theo quy định này là dự án đầu tư mới, sử dụng lao động chưa qua đào tạo là người của tỉnh Vĩnh Phúc được ngân sách của tỉnh hỗ trợ kinh phí một lần để đào tạo nghề là 500.000 VND/người. Trường hợp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đào tạo nghề ở mức cơ bản thì doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ 200.000 VND/người.

+ Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nêu trên được thanh toán cho doanh nghiệp vào thời điểm sau 12 tháng kể từ khi dự án đi vào sản xuất trên cơ sở số lao động thực tế mà chủ đầu tư cam kết (bằng văn bản) sử dụng ổn định ít nhất 36 tháng kể từ ngày ký hợp đồng lao động.

(iv) - Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng:

+ Tỉnh đảm bảo xây dựng hạ tầng gồm đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến hàng rào của KCN, CCN, khu sử lý chất thải, rắn công nghiệp tập trung khi quy hoạch chi tiết của KCN, CCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Dự án đầu tư vào địa bàn ngoài KCN, CCN theo yêu cầu của tỉnh để gắn với vùng nguyên liệu được hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng đường giao thông, đường cấp nước ngoài hàng ròa khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(v) - Thủ tục hành chính: Thời gian tối đa để được cấp giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư:

+ 5 ngày đối với dự án thuộc diện đăng kí cấp phép đầu tư.

+ 10 ngày đối với dự án thuộc diện cấp ưu đãi đầu tư.

+ 20 ngày đối với dự án thuộc diện phải thẩm định cấp phép đầu tư.

(vi)- Triển khai dự án: sau khi được cấp phép đầu tư, thời gian tối đa (không kể ngày nghỉ), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đến khi hoàn thành các công việc sau đây cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng của tỉnh được quy định:

+ 50 ngày hoàn thiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng đối với dự án ngoài KCN, CCN hoặc trong KCN, CCN nhưng chưa giải phóng mặt bằng.

+ 10 ngày hoàn thanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kể cả khâu đo đạc, lập bản đồ địa chính tại các điểm giải phóng xong mặt bằng.

+ 8 ngày hoàn thành việc cấp mã số thuế, mã số hải quan, xác nhận kế hoạch xuất nhập khẩu.

+ 5 ngày hoàn thành việc khắc con dấu.

+ 10 ngày đối với việc giải quyết xong thủ tục xây dựng.

Nhằm tạo thuận lợi, thu hút được nhiều nhà đầu tư có chất lượng, có sự lan toả đối với khu vực doanh nghiệp nội địa, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ triển khai chương trình xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung xúc tiến đầu tư theo đúng quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển và định hướng chung của quốc gia, khu vực và của tỉnh, bảo đảm mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững; tập trung thu hút vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0, các ngành thương mại dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, dịch vụ tài chính quốc tế, logistics và các dịch vụ hiện đại khác, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trung tâm thương mại, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế Hiệp định Thương mại tự do đem lại, nắm bắt cơ hội vàng, đón làn sóng đầu tư dịch chuyển, tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Trong đó, các đối tác đầu tư chiến lược mà tỉnh hướng tới là: Nhật Bản, Hàn Quốc, mở rộng các đối tác đầu tư thuộc khu vực Đông Âu, Mỹ La Tinh và châu Phi, đẩy mạnh thu hút đầu tư với đối tác là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thông qua các tập đoàn đa quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

  1. UBND tỉnh Vĩnh Phúc (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
  2. Trung tâm Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc (2021). Báo cáo của Trung tâm Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10/2021 về thu hút vốn FDI tỉnh Vĩnh Phúc.
  3. Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (2022). Số liệu thống kê các doanh nghiệp FDI tỉnh Vĩnh Phúc từ Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc, tính tới hết quý I/2022.
  4. Đỗ Đức Bình (2016). Giáo trình Kinh tế quốc tế. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
  5. Ngô Thị Tuyết Mai, Nguyễn Như Bình (2016). Giáo trình Hội nhập Kinh tế quốc tế. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.

SOLUTIONS OF VINH PHUC PROVINCE TO ATTRACT  FDI FOR THE PROVINCIAL ECONOMIC  DEVELOPMENT

Nguyen Thi Thu Phuong

Lecturer, Department of Basic Economics

Faculty of Transport Economics, University of Transport Technology

Abstract:

Foreign direct investment (FDI) has positively contributed to the economic development  of Vietnam in general  and of Vinh Phuc province in particular. However, Vietnamese localities face some difficulties and challenges in attracting FDI. This paper  discusses how Vinh Phuc province and other provinces have actively promoted foreign relations, and implemented many measures to attract FDI projects, leading to certain results.

Keywords: FDI, economic development, Vinh Phuc province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]