Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tình hình sản xuất công nghiệp trong cả nước đã có những bước phục hồi mạnh mẽ, từng bước khắc phục và nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới điều gia tăng.
Do vậy, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng 2021 tăng 5,74%).
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%.
Trong phạm vi cả nước, có tới 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng và nhiều địa phương tăng ở mức rất cao như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Phước...
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Ngô Khải Hoàn cho rằng, sản xuất công nghiệp trong nước vẫn có những khó khăn nhất định với các ”điểm nghẽn”, mặc dù đã từng bước được khắc phục nhưng còn chậm, chưa có đủ đột phá, gồm có 4 điểm nghẽn chính:
Thứ nhất, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI.
Thứ hai, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao. Các công đoạn có giá trị gia tăng cao như sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế, marketing vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI nắm giữ.
Thứ ba, năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp còn ở mức thấp, năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế.
Thứ tư, trình độ công nghệ còn chậm được cải thiện trong thời gian gần đây, mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nước đối với cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn còn ở mức thấp.
Một trong những nguyên nhân của các điểm nghẽn này được chỉ ra là hệ thống pháp luật hiện hành đang có nhiều khoảng trống trong thể chế hóa thành văn bản pháp quy của nhà nước. Hệ thống pháp luật phục vụ phát triển công nghiệp còn chậm được nâng cấp, hoàn thiện so với bối cảnh, xu thế phát triển.
Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngoài các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, Cục Công nghiệp cho biết Bộ Công Thương đã chú trọng triển khai công tác tham mưu, xây dựng nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trình các cấp có thẩm quyền.
Điểm qua một số chính sách, Bộ Công Thương cho biết đã hoàn thiện Báo cáo tổng kết và phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu ban hành Kết luận số 31-KL/TW ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển công nghiệp bô-xít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở tổng kết Thông báo số 245-TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.
Đây là Kết luận có tính chất quan trọng đối với việc phát triển ngành công nghiệp bô xít - vật liệu nhôm tại Việt Nam trong giai đoạn tới, cho phép triển khai tiếp công nghiệp bô xít. Trên cơ sở Kết luận, riêng tỉnh Đắk Nông hiện đã thu hút được khoảng 200.000 tỷ vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp trong nước để thực hiện các dự án khai thác, chế biến bô-xít trên địa bàn tỉnh.
Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện Báo cáo tổng kết và các Chuyên đề chuyên sâu về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gửi Ban Kinh tế Trung ương để tổng hợp, xây dựng Đề án Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công nghiệp hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Nghị quyết Trung ương về công nghiệp hóa sẽ là văn bản đầu tiên có tính chất định hướng toàn diện, đầy đủ nhất về đường lối, chủ trương, định hướng và các giải pháp phát triển công nghiệp của đất nước trong thời kỳ mới, là cơ sở để Nhà nước hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.
Hiện, Bộ Công Thương đã hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, Dự thảo Nghị định xây dựng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm hỗ trợ có hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá cũng đã được xây dựng, trong đó có xem xét chính sách quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước đối với mặt hàng này. Hiện Cục Công nghiệp đang đôn đốc và tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành để trình Chính phủ trong tháng 7/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã hoàn thiện trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050.
Bộ Công Thương đã xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và được Chính phủ thông qua chủ trương. Chính phủ cũng đã thông qua các chính sách dự kiến quy định tại Dự án Luật và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2023. Hiện Cục Công nghiệp đang tiến hành tiếp thu ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội để báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2022.
Cục Công nghiệp xác định việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, dài hạn trong năm 2022 và 2023. Đây là đạo Luật quan trọng, là nền tảng pháp lý để Chính phủ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên như công nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, công nghiệp nền tảng... trong tương lai. Từ đó, hoàn thiện hệ thống thể chế về phát triển công nghiệp nhằm hiện thực hóa các định hướng, mục tiêu về công nghiệp hóa tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Dự kiến trong quý III/2022, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, đối với một số địa phương có tiềm năng về khoáng sản, Cục Công nghiệp đề nghị phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đẩy nhanh các dự án khai thác chế biến khoáng sản có tiềm năng như bô-xít, ti tan, sắt, cromit, niken, đất hiếm để sản xuất các loại vật liệu cơ bản cho công nghiệp.