Hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư Việt Nam – Trung Quốc

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển ổn định và đi vào chiều sâu, 10 tháng 2022, thương mại 2 chiều đạt 147,7 tỷ USD, Việt Nam nhập siêu 53,7 tỷ USD.

Tình hình kinh tế, xã hội Trung Quốc trong quý III năm 2022

Các cơ quan tài chính uy tín của thế giới đều đã hạ mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay xuống mức thấp hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng kinh tế mà Trung Quốc đề ra từ đầu năm. Cụ thể, đầu quý III năm nay, IMF đã dự đoán GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống mức 3%; ngày 27/9/2022, Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 chỉ đạt khoảng 2,8% (thấp hơn nhiều so với dự báo ở mức 4% được đưa ra trong tháng 4 năm nay); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Báo cáo triển vọng phát triển châu Á đưa ra dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 ở mức khả quan hơn với 3,3%.

Cùng với các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, Trung Quốc cũng đưa ra những chính sách nhằm ổn định ngoại thương. Trong đó, đáng chú ý có chính sách hỗ trợ phát triển và ổn định ngoại thương được Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành ngày 27/9 vừa qua.

Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội của Trung Quốc 8 tháng năm 2022:

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng năm 2022 tăng 1,9%, riêng tháng 8 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá thực phẩm trong tháng vẫn tăng 6,1%.

- Chỉ số giá sản xuất (PPI): chỉ số giá sản xuất tháng 8 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá tư liệu sản xuất tăng 2,4% và là động lực chính tác động lên mức tăng của PPI.

- Sản xuất công nghiệp phục hồi, ngành chế tạo tăng trưởng nhanh hơn: giá trị gia tăng công nghiệp trong tháng 8 tăng 4,2% so với cùng kỳ, lũy kế 8 tháng tăng 3,6%.

- Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp và giảm ở khu vực thành thị: lũy kế 8 tháng đầu năm, Trung Quốc có thêm 8,9 triệu việc làm mới. Trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố chỉ đạt 5,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

Tình hình ngoại thương Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2022

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với thế giới đạt 5.256,8 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 2.992,2 tỷ USD, tăng 11,1%; nhập khẩu đạt 2.264,6 tỷ USD, tăng 3,5%. Trung Quốc xuất siêu có giá trị 727,6 tỷ USD.

Tình hình thương mại Việt Nam – Trung Quốc

- Năm 2021, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,64% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 56 tỷ USD, tăng 14,53%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 109,8 tỷ USD, tăng 30,51%; nhập siêu ở mức 53,8 tỷ USD, tăng 52,68%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

- Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu Trung – Việt năm 2021 đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7%. Trong đó, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 137,9 tỷ USD, tăng 21,2%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 92,2 tỷ USD, tăng 17,6%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc ở mức 45,7 tỷ USD.

Như vậy, năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới (giảm 02 bậc so với năm 2020), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 (giảm 01 bậc so với năm 2020), đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn thứ 8 của Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.

- 10 tháng năm 2022, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc đạt 147,1 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 47,1 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu từ Trung 100 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 52,9 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.

-10 tháng năm 2022, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Trung Quốc - Việt Nam đạt 192,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Việt Nam đạt 121 tỷ USD, tăng 7,5%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 71,9 tỷ USD, giảm 2,5%.

Về xuất khẩu:

Cửa khẩu quốc tế
Danh sách các cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc
Cửa khẩu chính
Danh sách các cửa khẩu chính trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc

10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 47,1 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 15% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Trong đó:

+ Nhóm hàng chế biến, chế tạo: đạt 38,35 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam ra thế giới và chiếm 81,5% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chính gồm: điện thoại các loại và linh kiện (đạt 13 tỷ USD, tăng 9,5%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 9,8 tỷ USD, tăng 12,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 3 tỷ USD, tăng 34,8%); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (đạt 3,1 tỷ USD, tăng 38,8%); xơ, sợi dệt các loại (đạt 1,89 tỷ USD, giảm 23,2%).

+ Nhóm mặt hàng nông thủy sản: đạt 6,2 tỷ USD, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 24,26% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam ra thế giới và chiếm 13,27% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Trong đó: hàng thủy sản (đạt 1,35 tỷ USD, tăng 82,1%); hàng rau quả (đạt 1,2 tỷ USD, giảm 25,8%); sắn và các sản phẩm từ sắn (đạt 1 tỷ USD, tăng 17,3%); cao su (đạt 1,8 tỷ USD, tăng 6,76%); gạo (đạt 382,7 triệu USD, giảm 16,8%); hạt điều (đạt 356,2 triệu USD, giảm 29,1%).

+ Nhóm hàng vật liệu xây dựng: đạt 1,27 tỷ USD, giảm 57,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó mặt hàng Clanhke và xi măng (đạt 325,1 triệu USD, giảm 54,7%); dây điện và dây cáp điện (đạt 796,9 triệu USD, tăng 13,4%); sản phẩm từ sắt thép (đạt 88,1 triệu USD, tăng 32,3%); sắt thép các loại (đạt 60,5 triệu USD, giảm 96%).

Về nhập khẩu

10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 100 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 33% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 20,6 tỷ USD; tăng 17,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (20,5 tỷ USD, giảm 0,6%); nguyên phụ liệu dệt may da giày (2,9 tỷ USD, tăng 11,7%); điện thoại các loại và linh kiện (đạt 6,85 tỷ USD, giảm 6%); hóa chất (2,86 tỷ USD, tăng 46%); chất dẻo nguyên liệu (2,1 tỷ USD, tăng 10,1%); ô tô nguyên chiếc (649,8 triệu USD, tăng 7,8%); linh kiện, phụ tùng ô tô (1,07 tỷ USD, tăng 43%); hàng rau quả (665 triệu USD, tăng 83,3%).

Hợp tác công nghiệp

Trung Quốc hiện đang là đối tác hợp tác quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam. Trong đó, bao thầu công trình hiện đang là hình thức hợp tác chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp nặng và hóa chất; hợp tác về thương mại và đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ.

Về đầu tư

Năm 2021, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng trong năm 2021, đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 1.738 dự án cấp mới, tổng số vốn đăng ký cấp mới đạt 15,2 tỷ USD, tổng vốn đăng ký đạt 31,15 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đứng thứ 4 sau Xinh-ga-po, Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 2,92 tỷ USD (với 204 dự án cấp mới), chiếm 9,37% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. (Xinh-ga-po dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 10,7 tỷ USD, chiếm 34,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam).

Lũy kế đến hết ngày 20/10/2022, trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc đứng vị trí thứ 6 với 3.512 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt 22,59 tỷ USD.

Tường Vy