Việt Nam đã tham gia cùng các nước ASEAN để mở cửa thị trường với Trung Quốc thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010.
Với tỉ lệ tự do hóa thuế quan mà Việt Nam cam kết với Trung Quốc theo Hiệp định RCEP không cao hơn so với Hiệp định ACFTA, việc thực thi Hiệp định RCEP về cơ bản sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh mới và gia tăng cam kết mở cửa thị trường với Việt Nam.
Ngoài ra, với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP bao gồm Trung Quốc với sức cạnh tranh cao hơn khi chỉ khai thác Hiệp định ACFTA , do đó có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Như vậy, Hiệp định RCEP về cơ bản có thể coi là việc các nước ASEAN “đa phương hóa” quan hệ thương mại song phương trước đây đã có với Trung Quốc dựa trên các quy định của WTO có được các nước cập nhật cho phù hợp với tình hình mới.
Do vậy, không thể nói Hiệp định RCEP là ASEAN phụ thuộc hơn vào bất cứ thị trường nào, có phụ thuộc ở đây thì là phụ thuộc vào các quy định mang tính đa phương, minh bạch và đã được quốc tế công nhận trong nhiều năm qua.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra là, các nền kinh tế trong RCEP có mối tương đồng và cạnh tranh rất cao, làm sao để hàng hoá VN có tính cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong nội khối?
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh do đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.
Tuy nhiên trên thực tế, Hiệp định RCEP về cơ bản là một khuôn khổ mang tính kết nối các cam kết hiện hành của ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trong một Hiệp định FTA theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hơn .
Do đó, về cơ bản Hiệp định RCEP sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường cao hơn đối với Việt Nam hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho doanh nghiệp.
Theo đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.
Doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.