Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: Doanh nghiệp tích cực xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, nông dân huyện Mường Khương đã mạnh dạn liên kết tạo thành các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, nhằm chia sẻ, hỗ trợ nhau và tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao bán ra thị trường.

Huyện Mường Khương có 4 cây trồng chủ lực với tổng diện tích 8.157 ha, trong đó cây chè chiếm gần 50% diện tích, tương đương với 2/3 diện tích chè của toàn tỉnh Lào Cai. Giống Chè được Mường Khương trồng đại trà chủ yếu: Chè San, Chè Kim Tuyên, Chè Bát Tiên, Chè Trung du.

Sản lượng Chè của Mường Khương đạt 24.200 tấn/năm với giá bán bình quân 7.000 đồng/kg chè búp tươi, mỗi năm giá trị thu được từ sản xuất chè búp tươi khoảng 194 tỷ đồng. Sản lượng chè được các nhà máy sơ chế, chế biên thu mua ổn định. Thay vì làm ăn riêng lẻ, thời gian qua, nông dân huyện Mường Khương đã mạnh dạn liên kết tạo thành các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, nhằm chia sẻ, hỗ trợ nhau và tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao bán ra thị trường.

Chè Mường Khương

Nông dân thu hoạch chè búp tươi ở xã Bản Sen, huyện Mường Khương (Nguồn: Ban TĐKT Lào Cai)

 

Là 1 trong 3 cơ sở ký kết hợp đồng thu mua chè búp tươi của các tổ hợp tác trồng chè tại xã Lùng Vai, Hợp tác xã chè Mường Khương đã ký hợp đồng liên kết với các hộ nông dân trồng chè trồng chè trên địa bàn các xã khu vực lân cận về tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV). Thông qua các Tổ hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, tạo ra sản phẩm chè đồng nhất có chất lượng cao đáp ứng các thị trường tiêu thụ cao cấp (EU, Trung đông...).

Hợp tác xã chè Mường Khương ký hợp đồng liên kết với 14 Tổ hợp tác trồng chè trên địa bàn xã Lùng Vai, Thanh Bình, Bản Lầu với trên 800 thành viên tham gia thông qua đại diện là tổ trưởng tổ hợp tác, thống nhất giá thu mua và không mua chè búp tươi giá thấp hơn 6.000đ/kg, hướng dẫn các thành viên của các tổ hợp tác cơ bản thực hiện đúng cam kết. Hợp tác xã cung ứng trước cho các hộ dân trên địa bàn về giống, phân bón nếu có nhu cầu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân thông qua việc thành lập các tổ hợp tác trồng chè trên địa bàn; đồng thời cử cán bộ kĩ thuật hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo hướng VietGap và hữu cơ.

Việc xây dựng vùng sản xuất chè trên địa bàn huyện theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp chế biến và người sản xuất.

Với mô hình hoạt động hiệu quả, Hợp tác xã chè Mường Khương đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 25-30 lao động thường xuyên với thu nhập đạt từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, việc phát triển và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm của vùng nguyên liệu chè với quy mô từ  900 - 1.000 ha đã giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho khoảng 1.200 lao động tại địa phương. Ngoài ra còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho các cá nhân tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bảo Lâm