Khả năng FED hạ lãi suất xuống dưới 0%?
Vào cuối tháng trước, một báo cáo của nhà kinh tế học Yi Wen và Brian Reinbold tại chi nhánh St.Louis của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã cho biết “việc kết hợp các chính sách tài khoá và tiền tệ theo hướng đặc biệt là điều cần thiết để giúp nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi theo mô hình chữ V. Chính sách đặc biệt đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ cần cân nhắc áp dụng mức lãi suất âm và đẩy mạnh chi tiêu công như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng”. Các nhà kinh tế học tại St.Louis của FED cũng cho biết việc áp dụng mức lãi suất âm sẽ cần kéo dài trong nhiều năm để đạt hiệu quả thực sự.
Về mặt lý thuyết, việc áp dụng mức lãi suất âm sẽ thúc đẩy người tiêu dùng và các doanh nghiệp vay tiền, qua đó kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế. Giới phê bình nhận định việc áp dụng mức lãi suất âm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến những người có xu hướng tiết kiệm tiền thay vì tiêu dùng cũng như các ngân hàng lớn buộc phải thực hiện các khoản cho vay không có lợi nhuận.
Chủ tịch FED Jerome Powell đã liên tục khẳng định FED sẽ không theo đuổi chính sách lãi suất âm như cách mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang thực hiện. Ông Jerome Powell cũng nhiều lần đối đầu gay gắt với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để bảo vệ quan điểm không áp dụng mức lãi suất dưới 0%.
Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, FED đã tung ra những biện pháp chưa từng có nhằm giúp nền kinh tế Hoa Kỳ vượt qua các tác động của dịch bệnh, bao gồm tung ra gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD để giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính quyền các tiểu bang cũng như cắt giảm khẩn cấp mức lãi suất về mức 0%.
Hầu hết các nhà kinh tế học đều dự báo FED sẽ không hạ mức lãi suất xuống dưới 0% nhưng một số chuyên gia phân tích vẫn cho biết FED có thể cuối cùng sẽ làm như cách mà ECB và BOJ đang làm trong bối cảnh Hoa Kỳ đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế và các hoạt động kinh tế tại Hoa Kỳ suy giảm nghiêm trọng với tốc độ chưa từng có.
Trong khi đó, John Briggs, trưởng ban chiến lược tại NatWest Markets, nhận định thị trường nên nhìn vào các dự báo lãi suất trong quá khứ trong bối cảnh triển vọng kinh tế tương lai còn nhiều điều không chắc chắn và các dự báo lãi suất trong dài hạn rất dễ có thể thay đổi.
Lãi suất âm không phải liều thuốc thần
Chủ tịch FED Jerome Powell đã kêu gọi cần đẩy mạnh các biện pháp kích thích tài khoá nhưng phản đối ý tưởng áp dụng lãi suất âm vì nhiều lý do. Trong đó, việc áp dụng mức lãi suất âm trong thời gian dài tại Nhật Bản vẫn không thể giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới hồi sinh sau gần 30 năm tăng trưởng yếu.
Khu vực Châu Âu cũng duy trì mức lãi suất âm kể từ năm 2014 nhưng chính sách này đã ảnh hưởng tiêu cực đến những người tiết kiệm và tạo ra những vấn đề nghiêm trọng đến các định chế tài chính khổng lồ tại đây như Ngân hàng Deutsche Bank (Đức).
Các nỗ lực kích thích kinh tế của FED hiện nay đều nhắm đến việc khuyến khích các ngân hàng nước này cho vay nhiều hơn và các ngân hàng Hoa Kỳ đang được đánh giá có vị thế tốt hơn nhiều so với thời điểm bùng phát khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, việc áp dụng mức lãi suất âm có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các tập đoàn ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, bóp hẹp biên lợi nhuận từ việc cho vay của các ngân hàng và cuối cùng dẫn đến việc giảm cho vay – điều này sẽ là thảm hoạ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.
Việc nền kinh tế Hoa Kỳ bất ngờ ghi nhận số việc làm mới tăng cao đột ngột trong tháng 5 vừa qua có thể khiến FED tin rằng các biện pháp kích thích kinh tế đang bắt đầu cho ra kết quả, do đó việc áp dụng mức lãi suất âm sẽ là điều không cần thiết. Thậm chí một số nhà kinh tế học bắt đầu bàn về khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bật tăng nhanh trở lại, theo mô hình chữ V, sau khi các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 được nới lỏng.
Một số chuyên gia nhận định FED sẽ không muốn bị mắc kẹp trong tình huống duy trì mức lãi suất cực thấp trong thời gian dài như đã từng làm đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tại thời điểm đó, FED đã duy trì mức lãi suất 0% kể từ tháng 12/2008 đến tận tháng 12/2015. Vẫn chưa có những dấu hiệu cho thấy FED sẽ cần tiếp tục giữ mức lãi suất 0% hiện nay trong khoảng thời gian dài như vậy nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ đang đối mặt với các thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008.
Đại dịch Covid-19 vẫn là rủi ro sức khoẻ cộng đồng lớn nhất, đặc biệt là khi nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu tái mở cửa với việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết FED vẫn còn nhiều công cụ để triển khai nhằm giúp nền kinh tế Hoa Kỳ chống đỡ trước các tác động của đại dịch Covid-19.
Hiện nay, FED cam kết mua vào không giới hạn trái phiếu và đưa ra một loạt các chương trình cho vay khẩn cấp. Thậm chí, FED lần đầu tiên trong lịch sử trực tiếp mua vào các loại trái phiếu doanh nghiệp bao gồm cả các loại trái phiếu rác – trái phiếu được phân loại không đáng đầu tư
Sự bùng phát lần hai của dịch bệnh sẽ gây ra các tác động nghiêm trọng hơn đến nền kinh tế và FED có thể sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp tiền tệ đặc biệt bao gồm việc áp dụng lãi suất âm.