Ly trích tinh dầu từ quả đại hồi khô (Illicium verum)

ThS. LÝ THỊ THANH THẢO (Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu là ly trích tinh dầu quả Đại hồi khô thu ở TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước. Sau đó, tiến hành khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chưng cất tinh dầu như lượng nước chưng cất và khối lượng mẫu chưng cất. Tinh dầu thu được sau khi chưng cất được xử lý loại bỏ nước và tạp chất, sau đó tiến hành xác định một số chỉ số hóa lý và hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu suất tinh dầu thu được cao nhất 1,18% khi chưng cất quả Đại hồi khô với khối lượng mẫu 80 g, lượng nước chưng cất 350 mL (hàm lượng nước/nguyên liệu với tỉ lệ 4,4/1 w/v) trong 3 giờ. Tinh dầu thu được có các chỉ số lí hóa: chỉ số acid là 6,92 (mgKOH/g); chỉ số xà phòng là 7,94 (mgKOH/g) và chỉ số este là 1,02 (mgKOH/g). Mặt khác, tinh dầu Đại hồi khô có khả năng ức chế được chủng vi khuẩn Escherichia coli.

Từ khóa: Illicium verum, chưng cất hơi nước, tinh dầu, hóa lý, kháng khuẩn.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, nhu cầu sử dụng những sản phẩm tự nhiên ngày càng được nâng cao, đặc biệt tinh dầu có nguồn nguyên liệu tự nhiên lại càng được ưa chuộng. Mỗi loại tinh dầu sẽ có những mùi hương, công dụng và giá trị thành phẩm khác nhau. Nhưng tất cả đều có một mục tiêu chung là mang lại sự thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng từ nguồn nguyên liệu được chiết xuất từ tự nhiên.

Điều kiện tự nhiên ở Việt Nam rất thuận lợi cho sự phát triển của các loài thực vật - sự đa dạng sinh học trong tự nhiên, trong đó các loại thực vật chứa tinh dầu đã và đang được sử dụng, khai thác triệt để những giá trị của chúng mang lại. Điển hình chính là cây Đại hồi, một loại cây vô cùng tiềm năng về mặt tinh dầu, nhưng chưa được khai thác và tận dụng đúng mức.

Bên cạnh lợi ích được sử dụng làm nguồn thực phẩm, một số loài cây đang được nghiên cứu có khả năng về trị bệnh trong y học. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, việc tận dụng nguồn thực vật làm thuốc sẽ hạn chế được rất nhiều tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Ưu việt hơn, các loài thực vật này lại thường rất dễ tìm kiếm trong tự nhiên.

Đại hồi có nguồn gốc ở phía Nam Trung Quốc và ở phía Bắc Việt Nam. Hiện nay, hai khu vực này vẫn là nơi cung cấp tinh dầu hồi chủ yếu cho thế giới. Đại hồi là một quả nhỏ, hình sao thuộc họ Illiciaceae, một loại cây xanh quanh năm (Chempakam et al; 2008). Quả này là một loại gia vị, trông giống như một ngôi sao 8 cánh đối xứng (Ong et al; 2008). Tinh dầu của Đại hồi có vị ngọt, hương hồi và mùi rất thơm. Về mặt y học, Đại hồi có tác dụng sát trùng, giúp tiêu hóa, lợi sữa, giảm đau, giảm co bóp trong đau dạ dày (Đỗ Huy Bích và cs, 2006). Dịch trích từ Illicium verum sử dụng làm thuốc dạ dày, lợi tiểu, được sử dụng như dược phẩm chức năng (Lee et al; 2003). Acid shikimic chiết xuất từ I.verum là một trong những thành phần chính trong thuốc kháng virus Tamiflu, dùng để chống lại cúm gia cầm (Ohira et al; 2009), có chứa chất kháng khuẩn (Singh et al; 2006; Yang et al; 2010), chống oxy hóa (Padmashree et al; 2007) và có tiềm năng chống ung thư (Shu et al; 2010). Hiện tại, các nghiên cứu về Illicium verum chỉ tập trung về lĩnh vực thực phẩm và y tế (Ohira et al; 2009).

Đại hồi có rất nhiều tiềm năng về mặt tinh dầu, nhưng hiện vẫn chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, việc nghiên cứu “Ly trích tinh dầu từ quả Đại hồi khô (Illicium verum)” được thực hiện với mục đích tìm ra điều kiện tối ưu trong quá trình ly trích, khảo sát một số chỉ số lý hóa và hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu quả Đại hồi, từ đó làm cơ sở khoa học cho những nghiên cứu ứng dụng loại dược liệu quý này.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương tiện nghiên cứu

Thu mua quả Đại hồi khô tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Mẫu quả Đại hồi khô được lưu trữ trong túi nhựa và được vận chuyển về Phòng Thí nghiệm Bộ môn Công nghệ Sinh học - Trường Đại học An Giang. Trữ mẫu ở nhiệt độ phòng.

2.2. Phương pháp ly trích

Quả Đại hồi được ngâm với nước cất khoảng từ 12 - 14 giờ. Sau đó tiến hành chưng cất lôi cuốn hơi nước. Khi bắt đầu chưng cất, mở van hơi cho hơi vào thiết bị, lúc đầu mở từ từ để đuổi không khí trong thiết bị và làm cho hơi phân phối đều trong toàn bộ khối nguyên liệu. Ngoài ra, mở từ từ van hơi để nguyên liệu không bị cuốn theo hơi, gây tắc ống dẫn hỗn hợp hơi. Trong quá trình chưng cất, cần chú ý điều chỉnh nhiệt độ sao cho hỗn hợp được đun sôi liên tục (chú ý điều chỉnh tốc độ nước làm lạnh), vì nếu dịch ngưng quá nóng sẽ làm tăng độ hòa tan của tinh dầu vào nước và làm bay hơi tinh dầu. Để kiểm tra quá trình chưng cất đã kết thúc chưa, người ta có thể dùng một tấm kính hứng một ít dịch ngưng, nếu thấy trên tấm kính còn váng dầu thì quá trình chưng cất chưa kết thúc.

Hỗn hợp tinh dầu và nước được cho vào thiết bị phân ly. Sau phân ly ta được tinh dầu thô và nước chưng. Tinh dầu thô được xử lý thành tinh dầu thành phẩm, nước chưng cho ra bể tiếp tục phân ly để thu tinh dầu loại II. Làm khan tinh dầu bằng Na2SO4 khan, thu được tinh dầu tinh khiết.

2.3. Bố trí thí nghiệm

2.3.1. Khảo sát hàm lượng nước ảnh hưởng đến quá trình chưng cất

Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm: 1 nhân tố (thể tích nước cất), 3 mức độ (A1: 250 mL, A2: 300 mL và A3: 350 mL) và 3 lần lặp lại.

Cho 100 gram quả Đại hồi đã được ngâm với 250 mL nước vào bình cầu đáy tròn có nhánh 1 L → Lắp bình cầu vào bộ chưng cất lôi cuốn hơi nước. Đun sôi nước để hơi nước sang bình cất → Đun đều lửa và theo dõi hệ thống qua ống thuỷ tinh bình nước sôi. Theo dõi lượng tinh dầu được chưng cất ra. Thời gian thực hiện là 3 giờ thì dừng lại. Sau đó, cho hỗn hợp tinh dầu và nước vào bình và làm khan bằng Na2SO4 → Lặp lại thí nghiệm với khối lượng mẫu là 100 gram và quá trình chưng cất thực hiện trong 3 giờ, với lượng nước thay đổi theo mỗi lần thực hiện là 300 mL và 350 mL.

2.3.2. Khảo sát khối lượng mẫu chưng cất

Mục đích khảo sát khối lượng quả Đại hồi chưng cất nhằm xác định khối lượng tốt nhất để thu được lượng tinh dầu tối ưu với thời gian chưng cất như nhau. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm: 1 nhân tố (khối lượng mẫu chưng cất), 3 mức độ (B1: 80 g, B2: 100 g, B3: 120 g) và 3 lần lặp lại.

Cho 80 gram quả Đại hồi đã được nghiền với kết quả hàm lượng nước tối ưu được tính ở thí nghiệm 1 vào bình cầu đáy tròn có nhánh 1 L, chưng cất trong 3 giờ. Lắp bình cầu vào bộ chưng cất lôi cuốn hơi nước → Đun sôi nước để hơi nước sang bình cất. Đun đều lửa và theo dõi hệ thống qua ống thủy tinh bình nước sôi. Theo dõi lượng tinh dầu được chưng cất ra. Thời gian thực hiện là 3 giờ thì ngừng lại → Sau đó, cho hỗn hợp tinh dầu và nước vào bình và làm khan bằng Na2SO4 →Lặp lại thí nghiệm với khối lượng mẫu lần lượt là 100 gram và 120 gram với kết quả hàm lượng nước tối ưu được tính ở thí nghiệm 1 và quá trình chưng cất thực hiện với thời gian là 3 giờ. Sau đó, làm khan bằng Na2SO4.

2.3.3. Xác định hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu bằng phương pháp đo đường kính vòng kháng khuẩn

Mục đích: Khảo sát hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu quả Đại hồi gây ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn E.coli. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm: 1 nhân tố (tinh dầu Đại hồi); 4 mức độ với C1, C2, C3, C4 là tỉ lệ % phối trộn tinh dầu quả Đại hồi và DMSO (C1: 100%, C2: 70:30, C3: 50:50, C4: 30:70); và 3 lần lặp lại.

Chuẩn bị môi trường LB đặc, dung dịch tinh dầu quả Đại hồi →Pha tinh dầu vừa ly trích với DMSO theo tỉ lệ C1, C2, C3, C4, cho dung dịch tinh dầu vào eppendorf → Cho khoanh giấy thấm, đường kính 6 mm, vô trùng vào eppendorf ngâm. Đối chứng dương là kháng sinh, đối chứng âm là DMSO → Trải vi khuẩn gây bệnh E.coli lên bề mặt đĩa môi trường LB đặc, sao cho đạt khoảng 108 CFU trên 1 mL→ Đặt giấy thấm lên bề mặt môi trường đã trải vi khuẩn E.coli → Ủ mẫu ở nhiệt độ phòng khoảng 30 phút cho dịch từ khoanh giấy khuếch tán ra bề mặt môi trường nuôi cấy vi khuẩn. Sau đó, mẫu được ủ ở nhiệt độ 300C trong 24 - 48 giờ → Quan sát và ghi nhận kết quả về khả năng ức chế sự phát triển ở vi khuẩn gây bệnh E.coli của tinh dầu quả Đại hồi thông qua hình thành vòng vô khuẩn quanh giấy thấm trên môi trường → Ghi nhận khả năng gây ức chế của tinh dầu quả Đại hồi với vi khuẩn gây bệnh E.coli.

Vòng vô khuẩn được xác định như sau:

Vòng vô khuẩn (mm) = Đường kính vòng sáng - Đường kính giấy thấm

2.3.4. Xác định chỉ số hóa lý: Chỉ số acid, chỉ số xà phòng, chỉ số este.  

2.4. Xử lý số liệu

Số liệu trong các thí nghiệm được xử lý bằng Microsoft Office Excel 2010 và phần mềm thống kê Statgraphics Centurion XVI.II.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả khảo sát hàm lượng nước ảnh hưởng đến quá trình chưng cất

Bảng 1. Ảnh hưởng của hàm lượng nước đến khối lượng tinh dầu thu được sau chưng cất

Ảnh hưởng của hàm lượng nước

*Ghi chú: các giá trị trung bình trong cùng một cột theo sau có các mẫu tự giống nhau, biểu thị sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5% theo phép thử Duncan.

Qua Bảng 1 cho thấy, cùng khối lượng nguyên liệu và thời gian chưng cất,lượng tinh dầu thu được sau chưng cất tăng khi lượng nước chưng cất tăng.

Khối lượng tinh dầu thu được cao nhất ở hàm lượng nước A3 (350 mL), bởi vì nước sẽ có tác dụng thẩm thấu qua màng tế bào và xâm nhập vào trong các tế bào chứa tinh dầu, làm chúng trương lên cho đến khi màng tế bào bị phá vỡ và phóng thích tinh dầu ra ngoài, sau đó sẽ bị lôi cuốn theo hơi nước.

Khối lượng tinh dầu thu được ở hàm lượng A1 và A2 (250 mL và 300 mL) thấp hơn, do lượng nước đem chưng cất không đủ để hòa tan lượng chất keo có trong màng tế bào, làm giảm độ thẩm thấu và độ khuếch tán của tinh dầu. Đồng thời, khi nước quá ít sẽ không phá vỡ được các tế bào chứa tinh dầu để lôi cuốn theo hơi nước ra ngoài. Do đó, lượng tinh dầu thu được sẽ ít hơn. Theo kết quả trên, ta chọn hàm lượng nước chưng cất A3 (350 mL) có triển vọng tạo ra khối lượng tinh dầu tối ưu.

Kết luận: Hàm lượng A3 có triển vọng tạo ra lượng tinh dầu tối ưu với hiệu suất 1,09%. Từ kết quả thí nghiệm 1 tiến hành cố định lượng nước cất là 350 mL và thay đổi khối lượng mẫu chưng cất ở thí nghiệm tiếp theo.

Hình 1: Tinh dầu Đại hồi thu được

Tinh dầu Đại hồi

3.2. Kết quả khảo sát khối lượng mẫu chưng cất

Bảng 2. Ảnh hưởng của khối lượng mẫu đến khối lượng tinh dầu thu được sau chưng cất

Ảnh hưởng của khối lượng mẫu

Kết quả Bảng 2 cho thấy, khối lượng mẫu ảnh hưởng đến lượng tinh dầu thu được trong quá trình chưng cất và hiệu suất thu hồi tinh dầu.

Ở cùng thời gian và lượng nước chưng cất, hiệu suất thu hồi tinh dầu ở các mẫu khác nhau về khối lượng khác biệt có ý nghĩa thống kê. Ở mẫu B1, hiệu suất thu hồi tinh dầu cao hơn 2 mẫu còn lại và khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Mẫu B1 và B2 có khối lượng tinh dầu thu được khác biệt không có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên hiệu suất thu hồi tinh dầu của B1 cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với B2. Điều này cho thấy, trong cùng thời gian và lượng nước chưng cất, với khối lượng mẫu 80 g, hiệu suất thu hồi tinh dầu là tối đa. Nếu tăng khối lượng mẫu thì hiệu suất giảm, tốn nhiều kinh phí mua mẫu nhưng không đạt hiệu quả kinh tế cao.

Kết luận: Khối lượng B1 có triển vọng tạo ra khối lượng tinh dầu tối ưu với hiệu suất 1,18%.

Theo Nguyễn Thiện Chí và các cộng sự (2016), tinh dầu lá trầu không được ly trích thành công bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước đạt hiệu suất 0,63%. Trần Hữu Anh và cs (1999) đã chưng cất lôi cuối hơi nước 300g tía tô trong 3 giờ, hiệu suất thu hồi 0,17%. Điều này cho thấy, sau khi tiến hành chưng cất, hiệu suất thu hồi tinh dầu Đại hồi khô khá cao so với tinh dầu của các nguyên liệu khác.

3.3. Kết quả khảo sát hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu bằng phương pháp đo đường kính vòng kháng khuẩn

Mục đích: Tìm ra ứng dụng mới của tinh dầu trong y học, tiến hành thử hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu. Kết quả ghi nhận ở Bảng 3.

Bảng 3. Khả năng kháng khuẩn của tinh dầu quả Đại hồi ở các nồng độ pha loãng khác nhau

Khả năng kháng khuẩn của tinh dầu quả Đại hồi

Trong đó, nồng độ C2, C3 và C4 ( 1,00 mm; 0,83 mm và 0,87 mm) khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, nồng độ C1 và C2, C3, C4 (3,00 mm và 1,00 mm; 0,83 mm; 0,87 mm) có sự khác biệt ở mức ý nghĩa thống kê.

Ở nồng độ C1 (100% tinh dầu) có sự kháng khuẩn mạnh, gấp 3 lần so với nồng độ C2 (70:30), gấp khoảng hơn 3 lần so với nồng độ C3 và C4 (50:50, 30:70). Điều này chứng tỏ, nồng độ tinh dầu nguyên chất có khả năng kháng khuẩn mạnh hơn so với các nồng độ tinh dầu được pha loãng với DMSO. Theo kết quả trên, nồng độ C1 (100% tinh dầu) có khả năng kháng khuẩn tốt nhất.

3.4. Kết quả xác định chỉ số lí hóa của tinh dầu

Để phân tích sơ bộ tinh dầu thu được, ta tiến hành xác định một số chỉ số lí hóa:

Kết quả xác định chỉ số acid: IA = 6,92 (mgKOH/g)

Kết quả xác định chỉ số xà phòng: IX = 7,94 (mgKOH/g)

Kết quả xác định chỉ số este: IE = 1,02 (mgKOH/g)

So sánh chỉ số lí hóa tinh dầu quả Đại hồ khô với chỉ số lí hóa tinh dầu của một số loại dược liệu:

(1) So sánh chỉ số lí hóa của tinh dầu quả Đại hồi khô với tinh dầu củ Sả:

Các chỉ số lí hóa của tinh dầu củ Sả: IA = 5,75 (mgKOH/g); IX = 35,43 (mgKOH/g); IE = 29,66 (mgKOH/g) (Hoàng Thị Kim Vân và cs, 2017).

So với tinh dầu củ Sả, chỉ số acid của tinh dầu quả Đại hồi khô (6,92 mgKOH/g) lớn hơn so với chỉ số acid của tinh dầu củ Sả (5,75 mgKOH/g). Điều này chứng tỏ lượng acid tự do có trong tinh dầu quả Đại hồi khô nhiều hơn so với tinh dầu củ Sả. Tuy nhiên, chỉ số xà phòng và chỉ số este của tinh dầu quả Đại hồi khô (7,94 mgKOH/g và 1,02 mgKOH/g) nhỏ hơn chỉ số xà phòng và chỉ số este của tinh dầu củ Sả (35,43 mgKOH/g và 29,66 mgKOH/g). Điều này chứng tỏ, tinh dầu củ Sả có các acid phân tử khối nhỏ và tinh dầu quả Đại hồi khô có các acid phân tử khối lớn.

(2) So sánh chỉ số lí hóa của tinh dầu quả Đại hồi khô với tinh dầu tinh dầu củ Gừng:

Các chỉ số lí hóa của tinh dầu củ Gừng:  IA = 0,82 (mgKOH/g); IX = 9,83 (mgKOH/g); IE = 9,01 (mgKOH/g) (Hồ Thị Nguyệt Linh và Lê Văn Mười, 2015).

So với tinh dầu củ Gừng, chỉ số acid của tinh dầu quả Đại hồi khô (6,92 mgKOH/g) lớn hơn so với chỉ số acid của tinh dầu củ Gừng (0,82 mgKOH/g). Điều này chứng tỏ lượng acid tự do có trong tinh dầu quả Đại hồi khô nhiều hơn so với tinh dầu củ Gừng. Tuy nhiên, chỉ số xà phòng và chỉ số este của tinh dầu quả Đại hồi khô (7,94 mgKOH/g và 1,02 mgKOH/g) nhỏ hơn chỉ số xà phòng và chỉ số este của tinh dầu củ Gừng (9,83 mgKOH/g và 9,010 mgKOH/g). Điều này chứng tỏ, tinh dầu củ Gừng có các acid phân tử khối nhỏ còn tinh dầu quả Đại hồi khô có các acid phân tử khối lớn.

4. Kết luận

Từ kết quả nghiên cứu trên cho thấy, điều kiện thích hợp để ly trích tinh dầu quả Đại hồi khô như sau: Hàm lượng nước chưng cất là 350 mL (hàm lượng nước/nguyên liệu với tỉ lệ 4,4/1 w/v), khối lượng quả Đại hồi khô chưng cất là 80 g. Thời gian chưng cất cố định 3 giờ. Hiệu suất tinh dầu thu được cao nhất khoảng 1,18%. Tinh dầu thu được có khả năng kháng được chủng vi khuẩn E.coli. Ngoài ra, tinh dầu thu được có các chỉ số lí hóa: chỉ số acid là 6,92 (mgKOH/g); chỉ số xà phòng là 7,94 (mgKOH/g) và chỉ số este là 1,02 (mgKOH/g). Tinh dầu quả Đại hồi khô thu được có một số đặc tính sau: trong suốt, màu vàng nhạt, có mùi thơm đặc trưng của quả Đại hồi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chempakam, B; Balaji, S, 2008. Star Anise. In Chemistry of spices. United Kingdom: CAB International., 319-330.
  2. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn, Viện Dược liệu. (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc - Tập 1. Nxb Khoa học và Kĩ thuật Hà Nội, Hà Nội.
  3. Hồ Thị Nguyệt Linh và Lê Văn Mười, 2015. Khảo sát thành phần hoá học của tinh dầu trong củ Gừng (Zingiber Officinale Roscoe.) trồng tại TP. Bạc Liêu. Tạp chí Khoa học - Đại học Cần Thơ, Cần Thơ. 17:16-19.
  4. Hoàng Thị Kim Vân, Hoàng Thị Lý, Trần Thị Hằng, Nguyễn Minh Quý, Quách Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Tiến Đạt và Nguyễn Hải Đăng, 2017. Nghiên cứu thành phần hóa học và khảo sát hoạt tính sinh học của tinh dầu sả chanh Cymbopogon citrate, Tạp chí Phân tích hóa lý và sinh học, 22-1:134-139.
  5. Lee, S.W; Li, G; Lee, K.S; Jung, J.S; Xu, M.L; Seo, C.S; Chang, H.W; Kim, S.K; Song, D.K; Son, J.K, 2003. Preventive agents against sepsis and new phenylpropanoid glucosides from the fruits of Illicium verum, Planta Medica 69: 861-864.
  6. Ohira, H; Torii, N; Aida, T.M; Watanabe, M; Smith, R.L.J, 2009. Rapid separation of shikimic acid from Chinese star anise Illicium verum (Hook f) with hot water extraction. Separation and Purification Technology 69: 102-108.
  7. Ong, H.C., BungaLawang, 2008. Rempah-ratus: KhasiatMakanan & Ubatan. Malaysia: Utusan Publication & Distributors Sdn. Bhd. In H.C., Ong (Ed.) 94.
  8. Padmashree, A; Roopa, N; Semwal, A.D; Sharma, G.K; Agathian, G; Bawa, A.S, 2007. Star anise (Illicium verum) and black caraway (Carum nigrum) as natural antioxidants. Food Chemistry 104: 59-66.
  9. Shu, X; Liu, X.M; Fu, C.L; Liang, Q.X, 2010. Extraction, characterization and antitumor effect of the polysaccharides from star anise Illicium verum (Hook f). Journal of Medicinal Plants Research, 4: 2666-2673.
  10. Singh, G; Maurya, S; de Lampasona, M.P,;Catalan, C, 2006. Chemical constituents, antimicrobial investigations and antioxidative potential of volatile oil and acetone extract of star anise fruits. Journal of the Science of Food and Agriculture, 86: 111-121.
  11. Trần Hữu Anh, Phạm Đình Hùng, Lê Ngọc Thạch, Nguyễn Trình Cao Sơn, 1999. Khảo sát tinh dầu tía tô Perilla frutescens (L.) Britt. Đề tài cấp trường Đại học Khoa học tự nhiên. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  12. Yang, J.F; Yang, C.H; Chang, H.W; Yang, C.S; Wang, S.M; Hsieh, M.C; Chuang, L.Y, 2010. Chemical composition and antibacterial activities of Illicium verum against antibiotic-resistant pathogens. Journal of Medicinal Food, 13: 1254-1262.

EXTRACTION OF ESSENTIAL OIL FROM STAR ANISE (Illicium verum)

• MA. LY THI THANH THAO

Faculty of Agriculture and Natural Resources,

An Giang University, An Giang, Việt Nam

Vietnam National University Ho Chi Minh City, Vietnam

ABSTRACT:

This study is to extract the essential oil by steam distillation from Star anise dried fruits (Illicium verum) collected in Chau Doc City, An Giang province and analyse factors affecting the distillation process such as the amount of distilled water and the volume of distilled sample. The essential oil obtained by the distillation process was removed water and impurities, then its indices of physicochemical and antibacterial activity were identified. The results showed that the highest yield of essential oil was 1,18 % when distilling Star anise with the weight of the sample of 80 gram; the ratio of water to the Star anise was 4,4/1(w/v) and the total time of distillation was 3 hours. The physicochemical properties of the essential oil were determined and the results showed that the essential oil’s acid value, saponification value and ester value were 6,92 (mgKOH/g oil); 7,94 (mgKOH/g oil) and 1,02 (mgKOH/g oil), respectively. On the other hand, Star anise (Illicium verum) essential oil had activity against Escherichia coli.

Keywords: Illicium verum, steam distillation, essential oil, physicochemical, antibacterial activity.

Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 6 tháng 4/2020