Một số đề xuất pháp lý về tiền kỹ thuật số

NGUYỄN THỊ CÁT TƯỜNG (Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Sự ra đời của đồng bitcoin vào năm 2009 đã mở đầu cho hàng loạt các khái niệm về loại tiền mới, như: tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo,… Trong bối cảnh chung của toàn thế giới, Việt Nam cũng “đang nghiên cứu và sẽ bổ sung quy định về một số đồng tiền mới1”.

Bài viết tập trung giới thiệu về tiền kỹ thuật số, một số khác biệt giữa các loại tiền này, một số quan niệm pháp lý của các quốc gia về tiền kỹ thuật số, đồng thời đề xuất một số vấn đề về mặt pháp lý đối với loại tiền này.

Từ khóa: tiền kỹ thuật số, ngân hàng trung ương, phương tiện thanh toán.

1. Khái niệm tiền kỹ thuật số

Trong thập kỷ vừa qua, sự ra đời của các công nghệ và hệ thống thông tin mới đã làm rung chuyển mạnh mẽ hệ sinh thái tài chính và ngân hàng. Một thế giới dịch vụ tài chính, ngân hàng mới đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng kỹ thuật số chưa từng có. Các loại tiền kỹ thuật số bằng mã hóa và khả năng lập trình ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán giữa những người tiêu dùng hàng ngày như một công cụ thay thế cho tiền mặt, cả trong nước và vượt qua biên giới quốc gia.

Tiền kỹ thuật số (digital currency) là thuật ngữ khá phổ biến hiện nay, nó đề cập đến hình thức tiền tệ mới trong thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Theo đó, đây là hình thức tiền tệ dựa trên công nghệ chuỗi khối. Đó là một bản ghi phi tập trung, phân tán, được đảm bảo bởi các mật mã. Tiền kỹ thuật số có 2 nguồn phát hành: từ ngân hàng trung ương và/hoặc từ khối tư nhân (doanh nghiệp/cá nhân).

Ý tưởng về việc các ngân hàng trung ương phát hành tiền kỹ thuật số (Central Bank Digital Currency - CBDC) có thể được phân loại thành "Tiền kỹ thuật số bán lẻ" (được cấp/phát hành cho công chúng) và “Tiền kỹ thuật số bán buôn” (được phát hành cho các tổ chức tài chính có dự trữ tiền gửi với ngân hàng trung ương).

Tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng trung ương phát hành (“Central Bank Digital Currency - CBDC”) sẽ là một dạng tiền điện tử được phát hành dựa trên công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology - DLT), hoặc công nghệ khác. Tiền kỹ thuật số được các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng trong các giao dịch thanh toán, hoặc được phát hành cho đối tượng là các tổ chức tài chính - ngân hàng sử dụng trong các nghiệp vụ ngân hàng2. Nếu được phát hành, tiền kỹ thuật số được hiểu là một dạng hình thức mới của tiền tệ, tồn tại song song, bên cạnh các hình thức tiền tệ hiện hữu là tiền giấy, tiền kim loại. Tiền kỹ thuật số cũng mang giá trị như tiền giấy, tiền kim loại và được sử dụng như một phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.

Tiền kỹ thuật số ra đời đòi hỏi cần có sự đổi mới lớn trong phương thức phát hành tiền và hệ thống thanh toán liên ngân hàng của ngân hàng trung ương.

Tiền kỹ thuật số bán buôn được các ngân hàng trung ương ưu tiên hơn, vì tiềm năng làm cho các hệ thống tài chính bán buôn hiện có nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cũng chia sẻ quan điểm, bán buôn tiền kỹ thuật số có thể mang lại lợi ích cho hệ thống thanh toán và quyết toán.

Tiền kỹ thuật số bán buôn được phát hành dựa theo công nghệ DLT. Theo đó, ngân hàng trung ương dự định chỉ phát hành tiền kỹ thuật số cho các chủ tài khoản hiện tại của ngân hàng trung ương và những người tham gia vào hệ thống thanh toán Real Time Gross Settlement - RTGS của họ. Đây chủ yếu là các ngân hàng (“thanh toán bù trừ” lớn) và các cơ quan công quyền ("bán buôn").

Đối với tiền kỹ thuật số do khối tư nhân phát hành như đồng Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), DigiByte (DGB), thường được phát hành bởi các “thợ đào” (hoặc các nút) độc lập dựa trên công nghệ DLT, ghi lại giao dịch giữa hai bên, chia sẻ thông tin giữa những người tham gia mạng và đồng bộ hóa dữ liệu điện tử theo cách có thể truy nguyên và không thể xác minh. Việc thanh toán hoặc chuyển tiền kỹ thuật số được xác minh bởi các bên thứ ba độc lập, không xác định, mà không cần phụ thuộc vào người quản lý trung tâm hoặc đăng ký (chẳng hạn như ngân hàng trung ương hoặc ngân hàng thương mại).

2. Sự khác biệt giữa tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành và tiền kỹ thuật số do khối tư nhân phát hành

Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành và tiền kỹ thuật số do khối tư nhân phát hành đều tồn tại dưới dạng số/dãy số. Tuy nhiên, nếu tiền kỹ thuật số được định vị và định lượng giá trị tương đương với các đồng tiền truyền thống và được pháp luật của quốc gia thừa nhận, thì tiền kỹ thuật số do khối tư nhân phát hành không được pháp luật thừa nhận. Vì được pháp luật quốc gia thừa nhận, nên các loại tiền kỹ thuật số có thể sử dụng thanh toán tại những tổ chức không phải là tổ chức phát hành, có thể được hoàn trả lại bằng tiền tệ truyền thống, cũng như chịu sự giám sát từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các loại tiền kỹ thuật số sẽ được phát hành thường xuyên tùy theo nhu cầu của thị trường, của nền kinh tế. Người sở hữu các loại tiền kỹ thuật số có thể gặp rủi ro trong quá trình vận hành của tiền kỹ thuật số. Trong khi đó, tiền kỹ thuật số do khối tư nhân phát hành chỉ được thanh toán trong cộng đồng mạng xác định, không chịu sự quản lý từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nguồn cung tiền dạng này phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của người phát hành - “thợ đào”. Giá trị của tiền dạng này không được đảm bảo bởi tiền tệ truyền thống. Do vậy, sở hữu loại tiền này gặp phải nhiều rủi ro như rủi ro pháp lý, tín dụng, thanh khoản và vận hành. 

3. Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành ở một số quốc gia trên thế giới

Tại Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (The Peoples Bank of China - PBOC) - ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã thành lập Viện Tiền kỹ thuật số vào năm 2017 và đang kiểm tra khả năng phát hành tiền kỹ thuật số cùng với đồng nhân dân tệ thông qua các ngân hàng thương mại trong một hệ thống được gọi là 2 tầng. Theo đó, tiền kỹ thuật số được phát hành dựa theo công nghệ sổ cái phân tán, có tính năng ẩn danh, truy xuất nguồn gốc, khả dụng trong ngày hoặc trong năm, có thể được tích hợp vào hệ thống ngân hàng hiện tại. Tiền kỹ thuật số sẽ được phát hành rộng rãi đến người dân, với mục đích khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt. Các giao dịch thanh toán bằng tiền kỹ thuật số có thể thực hiện các giao dịch ngang hàng như với tiền mặt.

Tại Thụy Điển, tiền kỹ thuật số (e-krona) được phát hành không theo công nghệ DLT. Ngân hàng Riksbank - ngân hàng trung ương của Thụy Điển là phát hành tiền kỹ thuật số dưới 2 hình thức.

Thứ nhất là, tiền kỹ thuật số bán lẻ dựa trên tài khoản (account-based retail CBDC). Theo đó, tiền kỹ thuật số được phát hành trực tiếp cho người dân thông qua tài khoản ngân hàng của người dân tại Riksbank.

Thứ hai là, tiền kỹ thuật số bán lẻ dựa trên giá trị. Theo đó, giá trị tiền kỹ thuật số phát hành được trả trước có thể được lưu trữ cục bộ trên thẻ hoặc trong ứng dụng điện thoại di động (ví kỹ thuật số).

Tất cả các giao dịch của cả 2 hình thức này đều có thể theo dõi được từ một sổ đăng ký cơ bản cho phép ghi lại tất cả các giao dịch và xác định chủ sở hữu. Kỹ thuật này giúp các ngân hàng trung ương có thể ngăn chặn rửa tiền và các hoạt động tội phạm. Trong hệ thống dựa trên giá trị, thông tin lưu trữ trên sổ đăng ký có thể giúp kiểm tra xem người thanh toán có đủ e-krona để thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền hay không. Đồng thời, tất cả các thẻ và ví kỹ thuật số của người thanh toán và người được thanh toán đều đã đăng ký, nên dễ dàng xác định danh tính theo cùng một cách người dùng thẻ ngân hàng khu vực tư nhân và “Swish” (hệ thống thanh toán di động nhanh) có thể xác định. Do đó, các giao dịch theo 2 hình thức này không ẩn danh.

Tại Canada và Singapore, Ngân hàng Canada và Cơ quan Tiền tệ của Singapore đã thử nghiệm phát hành tiền kỹ thuật số bán buôn trong năm 2016 - 2017 tại các lĩnh vực của hệ thống thanh toán và quyết toán liên ngân hàng (thanh toán gộp thời gian thực hệ thống) và phân phối so với hệ thống chứng khoán. Kết quả thử nghiệm của 2 quốc gia này đã chuyển thành công mã thông báo kỹ thuật số trên một sổ cái theo thời gian thực và với khối lượng hợp lý. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương này có không thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện, vì họ cho rằng hiện tại công nghệ vẫn chưa thể bảo vệ quyền riêng tư. Ngoài ra, việc phát hành các CBDC bán buôn này không ưu việt hơn hệ thống hiện hành. Vì vậy, cả 2 quốc gia này cũng không hưởng ứng mạnh mẽ việc thực hiện phát hành tiền kỹ thuật số trên thực tế.

4. Một số đề xuất về mặt pháp lý với tiền kỹ thuật số

Tại Việt Nam, trong bối cảnh chung một số nước trên thế giới đã và đang bắt đầu quá trình nghiên cứu, thử nghiệm tiền kỹ thuật số, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập một ban nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, nhằm nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xem xét áp dụng tại Việt Nam. Với nội dung trình bày trên, tác giả đưa ra một số đề xuất về mặt pháp lý với tiền kỹ thuật số như sau:

Một là về khái niệm tiền kỹ thuật số do Ngân hàng trung ương phát hành. Tiền kỹ thuật số rất đa dạng, cơ chế vận hành cũng có nhiều khác biệt. Do vậy, pháp luật về tiền kỹ thuật số phải định nghĩa rõ ràng về tư cách pháp lý của tiền kỹ thuật số. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến các tính năng hoạt động và thiết kế kỹ thuật của tiền kỹ thuật số.

Hai là xem xét bổ sung về quyền phát hành tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo quy định hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan duy nhất phát hành tiền. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành mới được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam3.

Do vậy, nếu xem tiền kỹ thuật số là tiền tệ được pháp luật thừa nhận và là phương tiện thanh toán tại Việt Nam, thì luật về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bổ sung các quy định về loại tiền tệ mới mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được phép phát hành, bên cạnh tiền giấy và tiền kim loại. Đồng thời, cũng quy định bổ sung các loại tiền tệ mới, đó là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Ba là xem xét bổ sung các quy định về nghiệp vụ ngân hàng liên quan đến tiền kỹ thuật số. Do tiền kỹ thuật số được lưu hành trong một hệ thống thanh toán khác với hệ thống truyền thống đang được áp dụng hiện nay, vì vậy các quốc gia cũng nên quan tâm đến việc xây dựng các quy tắc mới, điều chỉnh các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng liên quan đến tiền kỹ thuật số.

Bốn là về yếu tố bảo mật thông tin. Do tiền kỹ thuật số có thể thanh toán không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, có thể thực hiện việc chuyển tiền trong và ngoài nước một cách nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp...4. Điều này cũng sẽ đặt ra các vấn đề về quản lý ngoại hối, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân,…

5. Kết luận

Tiền kỹ thuật số là một vấn đề mới và chắc chắn sẽ là một xu hướng phát triển mà hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới phải tính đến. Bên cạnh những ưu điểm như hệ thống thanh toán thuận tiện, nhanh chóng, cũng như sự thuận tiện trong hành chính, tiền kỹ thuật số có một số nhược điểm, đáng phải lưu tâm, như: vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, bảo mật hệ thống thanh toán,... Sự phổ biến của tiền kỹ thuật số sẽ diễn ra trong tương lai gần và các quốc gia cần tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết cho nó, bao gồm việc xem xét áp dụng các công nghệ mới và thực hiện các cải cách quy định pháp lý cần thiết, phù hợp với điều kiện của từng quốc gia và thông lệ quốc tế.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Văn Toản (2022). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Việt Nam đang nghiên cứu về đồng tiền kỹ thuật số. Truy cập tại https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam-dang-nghien-cuu-ve-dong-tien-ky-thuat-so-700520/

2Sayuri Shirai, (2019). Money and Central Bank Digital Currency. [Online] Availabile at https://www.adb.org/ sites/default/files/publication/485856/adbi-wp922.pdf, page 13.

3Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.

4Nguyễn Đức Việt (2021). Tiền điện tử pháp định và một số đề xuất cho Việt Nam. Truy cập tại http://vjst.vn/vn/ tin-tuc/ 5062/tien-dien-tu-phap-dinh-va-mot-so-de-xuat-cho-viet-nam--.aspx

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2010). Luật số 46/2010/QH12: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ban hành ngày 16/6/2010.
  2. PwC. (2020). Central Bank Digital Currency. [Online] Availabile at https://www.pwc.com/vn/en/publications/ vietnam-publications/central-bank-digital-currencies.html
  3. Bank of England. (2020). Central Bank Digital Currency: opportunities, challenges and design. [Online] Availabile at https://www.bankofengland.co.uk/paper/2020/central-bank-digital-currency-opportunities-challenges-and-design-discussion-paper
  4. Steven L. Schwarcz. (2021). Regulating Digital Currencies: Towards an Analytical Framework. Boston University Law Review, 102, 1037-1081.
  5. Global Legal Insights. (2021). Blockchain and Crytocurrency Regulation. [Online] Availabile at https://www.globallegalinsights.com/practice-areas/blockchain-laws-and-regulations/usa
  6. Malcolm Campbell - Verdyun. (2018). Bitcoin and Beyond: Crytocurrencies, Blockchains and Global Governance. [Online] Availabile at https://www.econstor.eu/bitstream/10419/181975/1/645088.pdf
  7. The Law Library of Congress, Global Legal Research Center. (2018). Regulation of Cryptocurrency Around the World. USA.
  8. Georgios Dimitropoulos. (2020). The Law of Blockchain. Washington Law Review, 95(3), 1117-1192.
  9. IMF Working Paper. (2020). Legal Aspects of Central Bank Digital Currency: Central Bank and Monetary Law Considerations. Working Paper No. 2020/254, USA.

SOME LEGAL RECOMMENDATIONS

FOR CYPRTOCURRENCIES

• NGUYEN THI CAT TUONG

Faculty of Law, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

The launch of Bitcoin in 2009 has formulated many new concepts including digital currency and cryptocurrency. In the general context of the world, Vietnam is also “studying regulations on a number of new currencies". This paper is to present an overview of cyprtocurrencies, outline some of the differences among these cyprtocurrencies, and introduce some countries' legal approach to cyprtocurrencies.

Keywords: digital currency, central bank, means of payment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]