Đánh giá sự tương thích của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và pháp luật quốc tế về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, một số kiến nghị hoàn thiện

ThS. ĐINH THỊ HẢI YẾN (Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân)

TÓM TẮT:

Bài viết đưa ra một số quy định của pháp luật quốc tế về tư pháp hình sự người chưa thành niên, đồng thời có sự so sánh, đối chiếu, đánh giá, nhận xét sự tương thích của pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam về thủ tục tố tụng (TTTT) đối với người dưới 18 tuổi phạm tội so với pháp luật quốc tế. Từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm đảm bảo sự phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Từ khóa: người dưới 18 tuổi phạm tội, tố tụng hình sự, pháp luật quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em.

1. Khung pháp lý của Liên Hợp quốc về tư pháp hình sự người chưa thành niên

Các văn bản pháp lý của Liên Hợp quốc rất đa dạng về hình thức, nội dung và có sự ràng buộc về mặt pháp lý, không chỉ giới hạn việc ghi nhận và đề cao quyền con người nói chung, quyền của người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng khi tham gia vào quá trình tố tụng hình sự, đặc biệt trong các văn kiện này còn có những định hướng về hoạt động tố tụng mang tính thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó phải kể đến các văn kiện quốc tế quan trọng như:

- Công ước của Liên hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 (United Nations Convention on the rights of the child);

- Quy tắc về Tiêu chuẩn tối thiểu về Quản lý tư pháp người chưa thành niên, được ban hành bởi Đại hội đồng Liên hợp Quốc năm 1985 (thường gọi là Quy tắc Bắc Kinh); Quy tắc về Bảo vệ trẻ em bị tước tự do, được Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành năm 1990 (thường gọi là Quy tắc Havana); Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về các biện pháp không giam giữ năm 1990 (Quy tắc Tokyo);

- Bình luận Chung số 10 (2007) về Quyền trẻ em trong Tư pháp người chưa thành niên, được Ủy ban Quyền trẻ em đưa ra năm 2007; Bình luận Chung số 12 (2009) về Quyền được lắng nghe của trẻ em; Bình luận Chung số 14 năm 2013 về những lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Luật mẫu về tư pháp người chưa thành niên (Model Law on Juvenile Justice) được ban hành bởi Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm năm 2013.

Trong số các văn bản trên, Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 2989 là trung tâm và có giá trị pháp lý, có tính ràng buộc đối với các thành viên, những văn bản còn lại là tập hợp các quy tắc, hướng dẫn đã được cộng đồng quốc tế thông qua để quy định chi tiết, hướng dẫn việc áp dụng pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Đây là nhóm đối tượng rất dễ bị xâm phạm về các quyền cơ bản và lợi ích chính đáng. Hệ thống các chuẩn mực quốc tế đòi hỏi mỗi quốc gia không chỉ chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật, mà còn cần xây dựng cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người khi tiến hành tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trên cơ sở yêu cầu chung đó, các văn kiện quốc tế cũng đặt ra những nguyên tắc chung khi áp dụng TTTT hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung làm rõ những nguyên tắc đặc trưng, cơ bản liên quan trực tiếp đến TTTT hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, từ đó đánh giá sự tương thích của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về các nguyên tắc tiến hành tố tụng, cơ bản là các nguyên tắc sau: Nguyên tắc đảm bảo lợi ích tốt nhất; nguyên tắc không phân biệt đối xử; nguyên tắc bảo đảm bí mật cá nhân và quyền riêng tư; nguyên tắc bảo đảm quyền của người dưới 18 tuổi phạm tội được hỗ trợ từ gia đình, nhà trường, người giám hộ và luật sư/người trợ giúp pháp lý ở tất cả các giai đoạn của tiến trình tố tụng; nguyên tắc tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người chưa thành niên.

Thứ hai, những yếu tố cần thiết khác cho việc áp dụng có hiệu quả TTTT đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, bao gồm:

- Về hệ thống tư pháp riêng cho trẻ em: Công ước quốc tế về quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên phải thúc đẩy việc thành lập một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng và đặc biệt là ban hành các đạo luật quy định riêng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự. Mặt khác, trong các văn kiện quốc tế đều nhấn mạnh việc quy định chủ thể tiến hành các TTTT hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cần phải được chuyên môn hóa và đào tạo đặc biệt; bảo đảm giải quyết kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội.

- Về xử lý chuyển hướng: Điều 37 của Công ước về Quyền trẻ em quy định: “Người chưa thành niên phải được bảo vệ tránh khỏi bị tra tấn, phân biệt đối xử hoặc trừng phạt tồi tệ, vô nhân đạo cũng như những hành vi làm mất phẩm giá. Người chưa thành niên chỉ bị bắt, bị giam giữ và áp dụng hình phạt khi không thể áp dụng các biện pháp thay thế”.

2. Sự tương thích của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam so với chuẩn mực quốc tế về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Thứ nhất, về các nguyên tắc tiến hành tố tụng:

- Nguyên tắc đảm bảo lợi ích tốt nhất: Tuân thủ theo tinh thần của Công ước quốc tế, ở Việt Nam, so với Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và BLHS năm 1985, BLHS năm 2015 có nhiều quy định mới tiến bộ hơn, nhân đạo hơn trong chính sách xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể, khoản 1 Điều 69 BLHS năm 1999 quy định nguyên tắc: “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”. Đến Điều 91 BLHS năm 2015 vẫn giữ đường lối xử lý thể hiện tính nhân văn này, đồng thời bổ sung thêm nội dung “đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”. Việc bổ sung nguyên tắc này đã thể hiện sự nỗ lực trong việc nội luật hóa cũng như ghi nhận một cách đầy đủ hơn nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội đã được quy định trong Công ước quốc tế. Nguyên tắc này được nội luật hóa trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS năm 2015), trở thành nguyên tắc đầu tiên đòi hỏi khi tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: “Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (Khoản 1 Điều 414 BLTTHS năm 2015). 

- Nguyên tắc không phân biệt đối xử: Đối với Việt Nam, nguyên tắc này đã được nội luật hóa tại Điều 9 BLTTHS năm 2015: “tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật”. Sự nội luật hóa nguyên tắc này góp phần xây dựng mô hình tố tụng thân thiện và giúp đỡ người dưới 18 tuổi phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.

Nguyên tắc bảo đảm bí mật cá nhân và quyền riêng tư: Tại Việt Nam, nguyên tắc này được thể hiện rất rõ tại khoản 2 Điều 414 BLTTHS năm 2015: “Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi”. Tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổithuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên quy định: Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của BLTTHS năm 2015.

Thứ hai, những yếu tố cần thiết khác cho việc áp dụng có hiệu quả TTTT đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:

Nhằm nội luật hóa các quy định trong pháp luật quốc tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cóxu hướng phổ biến hiện nay là ban hành một đạo luật toàn diện về tư pháp cho người chưa thành niên. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có luật chuyên biệt về tư pháp cho người dưới 18 tuổi, mới chỉ đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề cương Luật Tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, xây dựng đạo luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên cho thấy, Việt Nam đang từng bước thực hiện triệt để những cam kết quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển chung và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ trẻ em trong nước.

Ngoài ra, ở Việt Nam, việc thành lập Tòa chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên đã chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa Gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013.

Về xử lý chuyển hướng: Vấn đề này được thể hiện rất rõ nét bằng việc BLTTHS năm 2015 quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo hướng chặt chẽ để ngăn ngừa vi phạm quyền tự do của cá nhân. Cụ thể, Điều 419 BLTTHS quy định chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết. Trường hợp thật cần thiết được hiểu là việc áp dụng các biện pháp này là cuối cùng, khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không đạt hiệu quả. Quy định này xuất phát từ việc người dưới 18 tuổi phạm tội nếu bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn mang tính giam, giữ thì những ảnh hưởng của các biện pháp này nghiêm trọng hơn so với người thành niên.

Như vậy, có thể thấy, BLTTHS năm 2015 tiếp tục ghi nhận những quy định về TTTT đối với người 18 tuổi phạm tội từ BLTTHS năm 2003, đồng thời có những sửa đổi, bổ sung quan trọng là thể hiện sự thực thi nghiêm túc, nội luật hóa các định hướng của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên, góp phần xây dựng mô hình tố tụng thân thiện ở Việt Nam hiện nay.

3. Một số kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Nghiên cứu về thái độ tâm lý của người dưới 18 tuổi phạm tội thông qua các phiên tòa xét xử cho thấy, có những đối tượng sau khi phạm tội thì tỏ ra rất sợ hãi, rất hối hận đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình. Song ngược lại, cũng có những đối tượng sau khi phạm tội thì cố tỏ vẻ “chất anh hùng” của mình, tạo ra vẻ bất cần, không có chút sợ hãi, cố tình cười cợt,… Thực chất, đây là những phản ứng rất bình thường của lứa tuổi đang trong quá trình hình thành nhân cách, đòi hỏi các quy định của pháp luật phải làm sao vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục hiệu quả nhất và một trong những biểu hiện quan trọng nhất đó là từ việc thay đổi các quy định của BLTTHS. BLTTHS hiện hành, mặc dù đã dành hẳn một chương riêng tại Phần thứ bảy, Chương XXVIII của BLTTHS năm 2015 quy định về TTTT đối với người dưới 18 tuổi, là một trong những loại thủ tục đặc biệt. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những quy định mang tính chung nhất, khát quát nhất, chưa cụ thể và phù hợp với hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế và phù hợp với hoạt động tối tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với nhóm đối tượng này, trong thời gian tới, BLTTHS cần phải được quy định cụ thể, chi tiết và riêng biệt hơn nữa đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Trong phạm vi bài viết, tác giả kiến nghị, sửa đổi một số quy định của BLTTHS hiện hành như sau:

3.1. Về tên gọi của Chương và Điều 413 (Phạm vi áp dụng) trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Cần bổ sung cụm từ “thân thiện” vào tên chương XXVIII là “Thủ tục tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi” và vào Điều 413 (Phạm vi áp dụng) của BLTTHS năm 2015. Hiện nay, trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự hầu như chưa dùng cụm từ “thân thiện” để quy định về thủ tục tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi (trừ khoản 1 Điều 414 BLTTHS năm 2015 quy định: “bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện” và khoản 4 Điều 423 BLTTHS quy định: “... Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi”). Thủ tục tố tụng hình sự sự thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là cách thức mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thực hiện các hoạt động tố tụng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi, nhằm đáp ứng những nhu cầu đặc thù của lứa tuổi, bảo vệ quyền của họ và đáp ứng các chính sách nhân đạo của Nhà nước trong bảo vệ và chăm sóc người chưa thành niên. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của cụm từ “thân thiện” trong thủ tục tố tụng hình sự sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tác giả cho rằng cần bổ sung cụm từ “thân thiện” này vào tên chương XXVIII để nhấn mạnh và làm rõ về phạm vi áp dụng của các TTTT trong chương này là TTTT thân thiện đối với người dưới 18 tuổi, chứ không chỉ là “bảo đảm TTTT thân thiện” như khoản 1 Điều 414 đã quy định. Như vậy, tên Chương XXVIII là: “TTTT đối với người dưới 18 tuổi” được sửa đổi thành: “TTTT thân thiện đối với người dưới 18 tuổi”. Và Điều 413 BLTTHS sẽ được bổ sung như sau: “TTTT than thiện đối với,…”.

Mặt khác, nghiên cứu Điều 413 quy định về phạm vi áp dụng của thủ tục này cho thấy có điểm còn bất cập. Theo quy định tại Điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”. Như trên đã chỉ rõ, TTTT đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là TTTT đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, bao gồm người bị bắt, người bị tam giữ, bị can, bị cáo. Trong khi đó, Điều 421 của Bộ luật có quy định về lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Và loại người này cũng có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa nhưng lại không được quy định trong Điều 413 về phạm vi áp dụng của TTTT đối vời người dưới 18 tuổi. Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 413 về phạm vi áp dụng như sau: “TTTT thân thiện đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.

3.2. Về nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích giữa BLTTHS của Việt Nam với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đồng bộ với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, Điều 414 BLTTHS đã quy định 7 nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Các nguyên tắc này được BLTTHS đề ra nhằm thể hiện quan điểm, chính sách nhân đạo của Nhà nước, tạo điều kiện tối đa bảo vệ quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi trong hoạt động giải quyết vụ án hình sự, vốn là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, có tính cưỡng chế và nghiêm khắc. Trên cơ sở tham khảo các nguyên tắc tố tụng được quy định trong các văn kiện quốc tế, tác giả đề xuất sửa đổi, sắp xếp Điều 414 BLTTHS năm 2015 theo một trật tự như sau:

“Điều 414. Nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

  1. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
  2. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
  3. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng pháp luật các vụ án hình sự liên quan đến người dưới 18 tuổi.
  4. Ưu tiên áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục.
  5. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.
  6. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
  7. Tôn trọng quyền tự bào chữa, quyền được tham gia tố tụng, trình bày ý kiến cá nhân về những vấn đề liên quan đến vụ án hình sự.
  8. Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi sinh sống, học tập.
  9. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”.

3.3. Về chủ thể tiến hành thủ tụng tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Điều 415 của BLTTHS năm 2015 và Điều 5 của Thông tư 06/2018 quy định về tiêu chuẩn của người tiến hành tố tụng trong các vụ án có người tham gia là người dưới 18 tuổi, Tuy nhiên, tên điều luật của 2 văn bản này chưa thống nhất. Cần sửa đổi tên Điều 415 của BLTTHS năm 2015 là: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. BLTTHS năm 2015 mới chỉ quy định về tiêu chuẩn của người tiến hành tố tụng là “người có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi” và “có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”. Đây là quy định có tính định tính, chưa thể định lượng được như thế nào là “người có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi” và “có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”. Việc chưa quy định cụ thể hay giải thích rõ những vấn đề này sẽ khiến cho nhiều địa phương, nhiều người có những cách hiểu, cách áp dụng khác nhau vào thực tiễn, không bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất. Cụ thể, người có kinh nghiệm điều tra cũng có thể hiểu là người học qua trung cấp, đã trải qua thực tiễn điều tra một số vụ án. Tuy nhiên, với những người như vậy, khi tiếp nhận, giải quyết vụ việc, vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi liệu có bảo đảm quyền và trình tự thủ tục của người dưới 18 tuổi hay không? Bên cạnh đó, thế nào là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi thì BLTTHS năm 2015 cũng chưa quy định cụ thể. Vì nếu cán bộ điều tra chưa qua đào tạo về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi thì có được tham gia tiếp nhận giải quyết vụ án hình sự liên quan đến người dưới 18 tuổi hay không? Do đó, BLTTHS năm 2015 cần hoàn thiện, quy định cụ thể như thế nào là “người có kinh nghiệm” và “có hiểu biết cần thiết” về chủ thể tiến hành TTTT trong các vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia. Theo đó, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 415 BLTTHS năm 2015 như sau:

“Điều 415. Chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo, có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi,…”.

Đồng thời, xem xét Điều 5, Thông tư 06/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về TTTT đối với người dưới 18 tuổi (gọi tắt là Thông tư số 06/2018) có quy định về việc phân công người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi “phải có ít nhất một trong các điều kiện,…” là chưa thỏa mãn về tiêu chuẩn của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do đó, để đảm bảo đủ tiêu chí, điều kiện, nâng cao chất lượng nghề nghiệp, uy tín của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tác giả kiến nghị thay từ “phải có ít nhất một trong các điều kiện” thành “phải có đủ các điều kiện”. Có nghĩa là, để đảm bảo quá trình tố tụng được tiến hành thân thiện và đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi phạm tội, nhất là người dưới 18 tuổi phạm tội, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đáp ứng đủ các điều kiện về tiêu chuẩn như trong Thông tư đã quy định. Mặt khác, cần bổ sung “Kiểm tra viên, Thẩm tra viên” là người tiến hành tố tụng và phải có đầy đủ những tiêu chuẩn, điều kiện khi tham gia giải quyết vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia.

3.4. Về áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế và tiến hành một số hoạt động điều tra

BLTTHS năm 2015 đã có những quy định nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi phạm tội về: “thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này” (Điều 419). Tuy nhiên, trên tinh thần Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các cơ quan tiến hành tố tụng và hành chính hay cơ quan lập pháp trong hoạt động của mình, cần quan tâm hàng đầu đến lợi ích tốt nhất của trẻ em, cần: Quy định về thời hạn tiến hành các hoạt động tố tụng khác như thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án người dưới 18 tuổi phạm tội cần được rút ngắn, có thể bằng một phần hai thời hạn đối với những người đã thành niên để nhằm tạo cơ hội cho người dưới 18 tuổi phạm tội sớm tái hòa nhập cộng.

Mặt khác, về áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế và một số hoạt động điều tra khác, cần sửa đổi BLTTHS năm 2015, xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết theo hướng rà soát để bảo đảm mọi hoạt động tố tụng phải được điều chỉnh chi tiết về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, trình tự, thời hạn tiến hành, khắc phục cách quy định chung chung, thiếu tính cụ thể của một số hoạt động tố tụng trong Bộ Luật hiện hành, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thân thiện đối với việc giải quyết các vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tóm lại, BLTTHS năm 2015 xây dựng các quy định về thủ tục tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được đánh giá có nhiều bước tiến mới, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên. Việc nghiên cứu khung pháp lý của Liên hợp quốc là cơ sở vững chắc để tiến hành so sánh, đối chiếu, đánh giá việc chuẩn hóa những quy định pháp lý mang tính nền tảng này vào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam - một trong những quốc gia thành viên của Công ước về Quyền trẻ em. Từ đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện mô hình tố tụng cho pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và tình hình tội phạm dưới 18 tuổi phạm tội ở nước ta hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Luật số 100/2015/QH13: Bộ luật Hình sự, ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.
  2. Quốc hội (2015). Luật số 101/2015/QH13: Bộ luật Tố tụng hình sự, ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.
  3. Quốc hội (2017). Luật số 12/2017/QH14: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  4. Liên hợp quốc (1989). Công ước về quyền trẻ em, ban hành 20 tháng 11 năm 1989.
  5. Quốc hội (2013). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013.
  6. Quốc hội (2014). Luật số 62/2014/QH13: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2014.
  7. Tòa án nhân dân tối cao (2018). Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổithuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
  8. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động - Thương Binh và xã hội (2018). Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

ASSESSING THE COMPATIBILITY OF VIETNAM’S

CRIMINAL PROCEEDINGS AGAINST OFFENDERS AGED

UNDER 18 YEARS WITH INTERNATIONAL LAWS

Master. DINH THI HAI YEN

Vice Dean, Faculty of Law

People's Police University of Technology and Logistics

ABSTRACT:

This paper presents a number of provisions of international laws on juvenile criminal justice. The paper also compares, evaluates and discusses the compatibility of Vietnam’s criminal proceedings against offenders aged under 18 years with international laws. Based on the paper’s findings, some proposals and recommendations are made to improve Vietnam’s criminal proceedings to better ensure the conformity with international laws.

Keywords: offenders aged under 18 years, criminal proceedings, international law, the United Nation's Convention on the Rights of the Child.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2022]