Các trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội trong tố tụng hình sự Việt Nam

ThS. Nguyễn Chí Hiếu (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ), Phan Hoàng Phúc (Kiểm sát viên sơ cấp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), Đặng Văn Vũ Lâm (Chuyên viên nghiệp vụ Công ty Đấu giá hợp danh Đông Nam, Thành phố Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Bài viết phân tích quy định pháp luật về các trường hợp bắt buộc chỉ định bào chữa cho người bị buộc tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành, mục đích góp phần làm rõ tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đánh giá những hạn chế đang tồn tại trong quy định này, đồng thời đề xuất giải pháp hoàn thiện.

Từ khóa: người bào chữa, người bị buộc tội, Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Quyền có người bào chữa của người bị buộc tội là một quyền tố tụng cơ bản được ghi nhận trong hầu hết các văn bản pháp lý về quyền con người1. Bảo đảm quyền bào chữa đồng nghĩa với việc bảo đảm sự công bằng trong quá trình giải quyết vụ án.

Trong các quy định về bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành thì quy định về chỉ định người bào chữa thể hiện rõ nét nhất việc đảm bảo quyền con người của người bị buộc tội. Chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong một số trường hợp luật định đảm bảo cho người bị buộc tội có được người bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ trong quá trình giải quyết vụ án khi người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp bắt buộc phải chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội khi họ không có người bào chữa được mời tại khoản 1 Điều 76 căn cứ vào tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội bị truy cứu hoặc do hạn chế về tư duy, lập luận của người bị buộc tội từ các yếu tố như: độ tuổi, nhược điểm về tinh thần, thể chất. Tuy được đánh giá là đã có sự sửa đổi, bổ sung “thể chế hóa chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước và phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta” 2, nhưng với mục đích đảm bảo hơn nữa quyền của người bị buộc tội, quy định về các trường hợp chỉ người bào chữa cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc.

2. Quy định pháp luật về các trường hợp chỉ định người bào chữa trong tố tụng hình sự

Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 quy định các trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa tại khoản 1 Điều 76, cụ thể: Thứ nhất, đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; Thứ hai, đối với người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc người người dưới 18 tuổi.

2.1. Trường hợp bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình và không có người bào chữa được mời

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nếu bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình và đồng thời không có người bào chữa được mời thì được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa để bảo vệ bị can, bị cáo về mặt pháp lý trong quá trình giải quyết vụ án. So sánh với quy định về chỉ định người bào chữa trong các Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam trước đây thì đối tượng được chỉ định người bào chữa theo mức tối đa của khung hình phạt bị áp dụng ở Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được mở rộng hơn. Cụ thể, nếu như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định bào chữa đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình khi không có người bào chữa được mời3 thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ngoài việc tiếp tục kế thừa, ghi nhận trường hợp trên còn quy định bắt buộc chỉ định đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù và tù chung thân mà không có người bào chữa được mời.

Có thể thấy quy định mở rộng các trường hợp chỉ định người bào chữa trên là cần thiết, hợp lý, bởi hành vi phạm tội mà bị can, bị cáo đang bị truy cứu thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mức độ ảnh hưởng của hình phạt tương ứng đối với họ là đặc biệt lớn, tác động trực tiếp đối với quyền tự do thân thể, tự do đi lại hoặc quyền sống của người bị buộc tội nếu họ bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

2.2. Trường hợp người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc người dưới 18 tuổi và không có người bào chữa được mời

Điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi” mà người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thuộc nhóm chủ thể được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa. So sánh với quy định về trường hợp chỉ định người bào chữa căn cứ vào đặc điểm về thể chất hoặc tâm thần, độ tuổi của người bị buộc tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 trước đây, quy định hiện hành có sự mở rộng và chi tiết hơn:

Thứ nhất, đối tượng được chỉ định người bào chữa không chỉ có bị can, bị cáo mà còn có người bị bắt, người bị tạm giữ4 nhằm đảm bảo việc chỉ định cho người bị buộc tội được thực hiện sớm nhất ở giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng từ khi có người bị buộc tội chứ không phải đến khi người bị buộc tội bị khởi tố về hình sự (bị can) hoặc bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử (bị cáo).

Thứ hai, trường hợp chỉ định người bào chữa người đối với người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất thì người này phải trong tình trạng “không thể tự bào chữa” thay vì chỉ quy định chung chung“có nhược điểm về thể chất” như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 20035. Việc quy định cụ thể tình trạng “không thể tự bào chữa” là hợp lý bởi lẽ có rất nhiều trường hợp trên thực tế, tuy người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng lớn đến khả năng tự bào chữa, ví dụ như bị khuyết tật về thân thể (mất tay, chân hoặc khuyết tật nhẹ khác).

Ngoài ra điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng dùng cụm từ “người dưới 18 tuổi” thay thế cụm từ “người chưa thành niên” trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trước đây6, giúp các chủ thể quan tâm nội dung điều luật dễ dàng xác định được ngay độ tuổi của người bị buộc tội được chỉ định người bào chữa mà không cần phải tra cứu thêm quy định độ tuổi nào là người thành niên trong quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện hành7.

Nhìn chung, quy định về các trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành có sự mở rộng, thay đổi theo hướng phát huy hơn nữa tính chất nhân đạo của Nhà nước ta, mong muốn người bị buộc tội có được sự bảo vệ sớm nhất, tốt nhất từ người bào chữa.

3. Hạn chế và đề xuất hướng hoàn thiện quy định pháp luật về các trường hợp chỉ định người bào chữa trong tố tụng hình sự Việt Nam

3.1. Trường hợp chỉ định người bào chữa căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt được Bộ luật Hình sự quy định đối với hành vi phạm tội của bị can, bị cáo

a. Hạn chế

Điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình mà họ, người đại diện hoặc người thân thích không mời người bào chữa thuộc trường hợp được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa. Trong các trường hợp này, có thể thấy pháp luật mong muốn đảm bảo cho bị can, bị cáo bị buộc tội về tội đặc biệt nghiêm trọng có được người bào chữa để bảo vệ cho họ, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét thận trọng hơn trong mối tương quan so sánh giữa các chứng cứ của bên buộc tội và gỡ tội, cân nhắc ra quyết định phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Vấn đề đặt ra là liệu bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng trong cùng điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà cá nhân bị truy cứu có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình8 và không có người bào chữa được mời thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có chỉ định người bào chữa hay không?

Xét về câu chữ của quy định thì bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại thuộc trường hợp trên phải được chỉ định người bào chữa vì bản chất họ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở cùng điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà cá nhân bị truy cứu có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 tù, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, xuất phát từ việc kế thừa quy định về chỉ định người bào chữa của các Bộ luật Tố tụng hình sự trước đây, nhiều ý kiến cho rằng quy định này chỉ nên áp dụng đối với cá nhân, vì suy cho cùng phần đông bị can, bị cáo là cá nhân bị hạn chế tài chính hay kiến thức về quyền của người bị buộc tội trong việc mời người bào chữa. Ngược lại bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại thường có tiềm lực tài chính tốt, am hiểu pháp luật nên luật không cần thiết phải được chỉ định bào chữa.

b. Đề xuất hướng hoàn thiện

Theo nhóm tác giả, nội dung quy định này cần được hiểu theo hướng mở rộng chỉ định cho cả bị can, bị cáo là pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng trong cùng điều, khoản đối với cá nhân bị truy cứu mà có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Bởi lẽ, 33 tội danh mà pháp nhân thương mại bị truy cứu theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự hiện hành thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng9, nếu pháp nhân bị truy cứu về một tội ở mức đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà không mời được người bào chữa (pháp nhân không có khả năng chi trả mức chi phí bào chữa phía luật sư đưa ra hoặc không luật sư nào muốn nhận bào chữa vụ án vì ngại dư luận xã hội). Và vì thế, mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với pháp nhân là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của nhiều người lao động thuộc pháp nhân đó, kéo theo những hệ lụy tiêu cực về mặt xã hội. Cho nên trong những trường hợp này, việc chỉ định người bào chữa cho pháp nhân là cần thiết để pháp nhân có được cơ chế bảo vệ tốt cho mình, đồng thời cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng xem xét được đầy đủ các yếu tố gỡ tội, giảm trách nhiệm hình sự cho pháp nhân từ chứng cứ do người bào chữa cung cấp.

3.2. Trường hợp chỉ định bào chữa căn cứ vào đặc điểm về thể chất hoặc tâm thần, độ tuổi người bị buộc tội

a. Hạn chế

Thứ nhất, điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa là một trong những trường hợp được chỉ định người bào chữa bắt buộc nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa. Tuy nội dung quy định này cụ thể hơn quy định của các Bộ luật Tố tụng hình sự trước đây ở việc đòi hỏi người bị buộc tội “có nhược điểm về thể chất” phải trong tình trạng “không thể tự bào chữa” cho mình, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản dưới luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết như thế nào là người có nhược điểm về thể chất mà không có khả năng tự bào chữa. Việc chậm trễ này có thể dẫn đến sự không đồng nhất về quan điểm giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi đánh giá tình trạng không có khả năng tự bào chữa của người bị buộc tội để có thể kịp thời chỉ định người bào chữa cho họ.

Thứ hai, căn cứ vào đặc điểm về thể chất, tinh thần hoặc độ tuổi của người bị buộc tội, điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi mà không có người bào chữa được mời thuộc trường hợp được chỉ định người bào chữa. Quy định này hoàn toàn hợp lý và nhân đạo đối với bị buộc tội vì dễ dàng nhận thấy trong các trường hợp này họ không có khả năng tự bào chữa tốt cho mình trước sự buộc tội của cơ quan công tố (Viện kiểm sát). Tuy nhiên, theo chúng tôi, nội dung điều luật là thiết sót, hạn chế khi chưa quy định những trường hợp mà người bị buộc tội có tính chất tương tự, bị hạn chế khả năng tự bào chữa tốt cho mình, cụ thể là người bị buộc tội là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người trên 60 tuổi10 và không có người bào chữa được mời. Thiết nghĩ người bị buộc tội trong các trường hợp này, tinh thần của họ dễ bị căng thẳng, không ổn định do đang mang thai hoặc khủng hoảng nuôi con đang còn nhỏ chưa đủ 36 tháng tuổi; hoặc sức khỏe không ổn định, suy nghĩ, lập luận của họ không còn nhanh nhẹn, nhạy bén, khả năng tiếp cận pháp lý thấp do tuổi cao (chưa đến mức độ được xem là người có nhược điểm về tâm thần), cộng với áp lực đang trong tình trạng bị buộc tội, họ trở thành người yếu thế, không có khả năng tự bảo vệ tốt cho mình.

b. Đề xuất hướng hoàn thiện

Một là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết những trường hợp người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không có khả năng tự bào chữa để tạo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Chúng tôi đề xuất nhà làm luật tham khảo kinh nghiệm pháp luật tố tụng hình sự các nước trên thế giới, đơn cử là pháp luật tố tụng hình sự của Nhật Bản và Trung Quốc, xem xét đưa vào văn bản hướng dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về trường hợp người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không có khả năng bào chữa là người câm, điếc, mù11 vì trên thực tế, người bị buộc tội có các nhược điểm về thể chất kể trên rất khó khăn để tự bào chữa tốt cho mình trong quá trình giải quyết vụ án. Việc ban hành văn bản hướng dẫn mang tính liệt kê các trường hợp có nhược điểm về thể chất mà không có khả năng tự bào chữa giúp cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định nhanh chóng các trường hợp buộc phải chỉ định người bào chữa, tiến hành việc chỉ định người bào chữa kịp thời cho người bị buộc tội.

Hai là, xem xét bổ sung vào khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng chỉ định người bào chữa cho cả các trường hợp người bị buộc tội là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người trên 60 tuổi”. Việc bổ sung này là hoàn toàn phù hợp nguyên tắc nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần bảo đảm hơn nữa quyền có người bào chữa của nhóm người bị buộc tội bị hạn chế khả năng tự bào chữa do tình trạng thể chất, tâm thần hoặc độ tuổi.

Tài liệu trích dẫn:

1 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948; Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước Châu Âu về quyền con người năm 1950; Công ước Châu Mỹ về quyền con người năm 1969.

2 Nguyễn Hòa Bình (Chủ biên), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, trang 173.

3 Xem: Điểm a khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và điểm a khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

4 So sánh điểm b khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định chỉ định bào chữa đối với “bi can, bị cáo…”  Thì điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ định bào chữa đối với “người bị buộc tội…” mà người bị buộc tội theo luật bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. (xem điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

5 Xem: điểm b khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

6 Xem: điểm b khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

7 Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 quy định “người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên”.

8 Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại chỉ bị xem xét ở một số hành vi phạm tội nhất định, cụ thể là các tội danh được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các tội do pháp nhân thực hiện cũng có thể được thực hiện bởi cá nhân. Tuy hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại bao gồm phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, pháp nhân không thể bị áp dụng hình phạt tù hay tử hình nhưng việc phân loại tội phạm do pháp nhân thực hiện cũng dựa vào quy định tương ứng như phân loại tội phạm đối với cá nhân, tức dựa mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với cá nhân. (xem khoản 2 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

9 Xem chi tiết các tội danh được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

10 Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Người cao tuổi thuộc đối tượng được nhà nước quan tâm, bảo vệ, chăm sóc.

11 Khoản (iii) Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản quy định “bị cáo bị câm hoặc điếc” thuộc một trong các trường hợp được Tòa án chỉ định bào chữa; Điều 35 Luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng quy định “bị can, bị cáo là người mù, điếc, câm” mà chưa có người bào chữa thì được Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan công an chỉ định người bào chữa cho họ.

Tài liệu tham khảo:

Văn bản pháp luật Việt Nam:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015;
  2. Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  3. Quốc hội (1988), Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 1988;
  4. Quốc hội (2003), Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003;
  5. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015;
  6. Quốc hội (2009), Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2009.

Văn bản pháp lý quốc tế, văn bản pháp luật nước ngoài:

  1. Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
  2. Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản;
  3. Công ước Châu Âu về quyền con người năm 1950;
  4. Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966;
  5. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948;

Sách:

  1. Nguyễn Hòa Bình (Chủ biên), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.

MANDATORY APPOINTMENT OF DEFENSE COUNSELS FOR THE ACCUSED IN VIETNAM CRIMINAL PROCEDURE CODE

Master. Nguyen Chi Hieu

Lecturer at Faculty of Law, Can Tho University

Phan Hoang Phuc

Primary Procurator of the People's Procuracy of Chau Thanh District, Hau Giang Province

Dang Van Vu Lam

  Auctioneer at Dong Nam Auction Partnership Company, Ho Chi Minh City

Abstract:

The article analyzes the legal provisions on the mandatory appointment of defense counsels for the accused in the current Vietnam Criminal Procedure Code, with the aim of contributing to clarifying the Vietnam’s socialist humanitarianism. In addition, the authors also assessed the existing limitations in this regulation, and propose some solutions for improvement.

Keywords: mandatory appointment of defense counsels, for the accused Vietnam Criminal Procedure Code.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]