Một số điểm bất cập trong chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam

Nghiên cứu "Một số điểm bất cập trong chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam" do tác giả Trịnh Diệp Ly (Giảng viên Khoa Lý luận chính trị - Luật, Trường Đại học Hồng Đức) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những chính sách trong hệ thống an sinh xã hội. Đây là công cụ quan trọng của chính sách thị trường lao động (TTLĐ) nhằm góp phần điều tiết quan hệ cung - cầu trên TTLĐ. Việc triển khai các quy định về BHTN đã góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm; đồng thời cũng đưa ra các giải pháp để NLĐ tái nhập TTLĐ. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng các quy định, thực tế cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do vậy, việc tìm ra những biện pháp thích hợp nhằm khắc phục là hết sức cần thiết để bảo đảm quyền được BHTN cho người bị mất việc, góp phần củng cố niềm tin của NLĐ đối với chính sách, pháp luật của nhà nước, ổn định đời sống xã hội.

Từ khóa: bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, học nghề.

1. Khái niệm bảo hiểm thất nghiệp

Điều 20 Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra định nghĩa về thất nghiệp: “Thất nghiệp là sự ngừng thu nhập do NLĐ không có khả năng tìm được việc làm thích hợp trong trường hợp người đó có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc”. Như vậy, Công ước ILO đã xác định người thất nghiệp là hiện tượng để chỉ người ở độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật, không có việc làm, có khả năng làm việc, đang đi tìm việc làm. BHTN là một bộ phận của bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ người lao động trong trường hợp bị mất việc làm. Ngoài việc chi trả trợ cấp thất nghiệp BHTN còn gắn kết người thất nghiệp với TTLĐ như việc đào tạo, đào tạo lại, môi giới việc làm, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ kinh phí…

Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm năm 2013 nêu rõ chế độ BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tìm việc làm mới trên cơ sở khoản trích tiền lương đã đóng vào Quỹ BHTN. Mặt khác, Điều 42 Luật này cũng nêu rõ 4 chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: (i) Trợ cấp thất nghiệp; (ii) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; (iii) Hỗ trợ Học nghề,; (iv) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

2. Một số điểm bất cập trong chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành

Thứ nhất, quy định về đối tượng tham gia. Khoản 1 Điều 3, Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định chỉ những NLĐ là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời hạn từ 3 tháng trở lên với người sử dụng lao động mới là đối tượng của BHTN. Do đó, NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, giúp việc gia đình; người giao kết hợp đồng lao động dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Ngoài ra, các đối tượng là NLĐ thuộc khu vực phi chính thức cũng không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Điều này khiến cho khối lao động phi chính thức thiếu sự bảo vệ của xã hội, của pháp luật, cũng như hạn chế sự đảm bảo các quyền tại nơi làm việc và điều kiện lao động thỏa đáng. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 16 triệu (37% lực lượng lao động), trong khi số đóng BHTN là 14,3 triệu (31%) [4]. Có thể thấy gần 1,7 triệu lao động không được tham gia BHTN mặc dù là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, đối tượng tham gia BHTN tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động.

Thứ hai, quy định về điều kiện hưởng. Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm và Điều 11 Nghị định 28/2015/NĐ- CP thì một trong những điều kiện để NLĐ bị thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp đó là NLĐ đang đóng bảo hiểm bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. NLĐ đang đóng BHTN được hiểu là người có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Với việc quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong việc hưởng BHTN cho nhóm đối tượng là NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội. Vì theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 6/2022, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên cả nước hơn 24.500 tỷ đồng. Trong đó, hơn 3.500 tỷ đồng là nợ khó đòi thuộc các DN đã bị phá sản, giải thể, không có khả năng trả nợ khiến hơn 206.000 lao động bị ảnh hưởng quyền lợi [5]. Những đối tượng này không có việc làm, không được trả lương nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp do không đáp ứng điều kiện hưởng BHTN là người đang đóng BHTN. Người đang đóng BHTN là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN.

Thứ ba, mức đóng hưởng BHTN. Pháp luật về BHTN quy định mức đóng góp vào quỹ BHTN dựa trên mức tiền lương, tiền công hàng tháng theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Song quy định này còn lỏng lẻo, có nhiều trường hợp NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ)  thỏa thuận kê khai mức đóng bảo hiểm thấp hơn mức lương thực tế do cả 2 bên đều không có ý thức thực sự muốn đóng BHTN. Đây là hành vi không trung thực, không đảm bảo tính công bằng trong quyền lợi của tất cả NLĐ cùng tham gia. Một hậu quả khác của hành vi này là việc dẫn đến còn tồn tại tình trạng nợ đọng BHTN. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp, sau khi đóng đủ 12 tháng vào quỹ BHTN thì NLĐ tìm cách nghỉ việc để được hưởng trợ cấp (bởi có đóng hơn thì họ cũng chỉ được hưởng như người đóng đủ 12 tháng).

Trong tháng đầu tiên nhận trợ cấp họ sẽ xin làm việc ở doanh nghiệp khác. Cũng có không ít người lao động bỏ việc ở doanh nghiệp này để đi làm cho một doanh nghiệp khác, trong thời gian di chuyển họ đăng ký thất nghiệp và được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Có trường hợp NLĐ và NSDLĐ móc nối với nhau cùng chiếm dụng BHTN thông qua việc chấm dứt hợp đồng lao động để NLĐ được hưởng trợ cấp, sau đó họ lại quay trở về làm việc cho chính doanh nghiệp đã nghi việc. Thậm chí còn xuất hiện tình trạng làm giả hồ sơ để hưởng bảo hiểm hay NLĐ tăng mức đóng BHTN trong 6 tháng cuối trước khi nghi việc để hưởng trợ cấp ở mức cao, gây thất thoát nguồn thu quỹ BHTN... Các trường hợp trên đã làm cho chế độ trợ cấp thất nghiệp bị biến tướng trở thành trợ cấp thôi việc, ngừng việc mà các khoản chi được lấy từ bảo hiểm xã hội thay vì từ doanh nghiệp (không đúng với bản chất của BHTN).

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Một trong những nguyên tắc của BHTN (quy định tại Điều 41 Luật Việc làm năm 2013) là được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHTN. Như vậy, việc quy định mức hưởng tối đa của người tham gia là 12 tháng TCTN đang vi phạm nguyên tắc này khi giới hạn thời gian tính hưởng chỉ dưới 12 năm đóng. Ngoài ra, người có thời gian đóng đủ 12 tháng và 35 tháng đều có mức trợ cấp như nhau là được 12 tháng[6]. Khoảng thời gian này chênh lệch khá lớn, khiến cho nhiều lao động cảm thấy chưa được thỏa đáng và công bằng.

Thứ tư, quy định về các chế độ trong BHTN. Theo quy định tại Điều 42 Luật Việc làm 2013 thì BHTN bao gồm 4 chế độ, trong đó trợ cấp thất nghiệp về bản chất là giải pháp bù đắp tạm thời, mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề thất nghiệp. Trong khi đó, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm mới là giải quyết phần gốc, giúp cho người lao động nhanh chóng có được công việc mới. Tuy nhiên, quy định về việc thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm còn chưa cụ thể, dẫn đến việc thực hiện còn mang tính hình thức. Chi phí hỗ trợ cho người lao động học nghề còn chưa phù hợp.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, mức hỗ trợ nghề cho người lao động không quá 1 triệu đồng/người/tháng. Đối với người lao động tham gia BHTN tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả. Điều này khiến cho nhiều người thất nghiệp không mặn mà với việc tham gia các lớp hỗ trợ, đào tạo nghề cho họ. Ngoài ra, điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động còn chưa phù hợp với tình hình thực tế. Để được nhận kinh phí hỗ trợ theo chế độ này, doanh nghiệp cần đáp rất nhiều điều kiện về thời gian đóng BHTN; trường hợp được hưởng, số lao động bị cắt giảm, kinh phí, phương án đào tạo nghề… dẫn đến từ khi triển khai Luật Việc làm đến nay có rất ít đơn vị sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị và đủ điều kiện được thụ hưởng chế độ này.

3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp

Thứ nhất, Mở rộng phạm vi đối tượng BHTN được đầy đủ, đảm bảo công bằng và phù hợp với quy định chung của pháp luật quốc tế. Cụ thể đó là bổ sung đối tượng người lao động bắt buộc tham gia BHTN gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên. Cùng với đó, cần xây dựng chế độ BHTN tự nguyện đối với người lao động nước ngoài đang làm việc theo hợp đồng lao động tại Việt Nam để đảm bảo sự bình đẳng giữa lao động trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác và phát triển thị trường lao động chung đồng thời cũng góp phần bổ sung vào nguồn quỹ BHTN.

Thứ hai, hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về BHTN (do gặp khó khăn về tài chính, phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, không có người đại diện theo pháp luật… dẫn đến chậm đóng, thiếu đóng hoặc không có khả năng đóng đầy đủ BHTN cho người lao động, người lao động gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng BHTN do không đủ điều kiện về đóng BHTN. Do đó cần bổ quy định theo hướng trong trường hợp NLĐ gặp trường hợp bị chậm đóng BHTN mà không do lỗi của người lao động thì vẫn đủ điều kiện được hưởng BHTN.

Thứ ba, sửa đổi về quy định tiền lương đóng BHTN. Mức đóng BHTN, nên tính trên tổng thu nhập hàng tháng của người lao động, bao gồm các khoản tiền lương và phụ cấp thực lĩnh. Bởi trên thực tế, NLĐ thường có thu nhập hàng tháng cao hơn rất nhiều so với mức tiền lương đóng BHTN. Nếu vẫn giữ nguyên quy định cũ, e rằng do thiếu hiểu biết về quyền lợi được hưởng nếu xảy ra thất nghiệp của NLĐ; hoặc NSDLĐ tìm cách thỏa thuận với NLĐ đóng BHTN ở mức lương thấp để trục lợi thì sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách của Nhà nước. Thêm vào đó, cần điều chỉnh khung thời gian để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hợp lý, cần có sự phân biệt về mức hưởng BHTN tương ứng với thời gian đóng BHTN. Pháp luật có thể điều chỉnh thành 2 mức hưởng: những trường hợp đóng BHTN từ đủ 12 tháng đến 24 tháng và từ 25 tháng đến 36 tháng có thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với các mức khác nhau.

Thứ tư, sửa tên chế độ “hỗ trợ học nghề” thành “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”; nâng mức hỗ trợ học nghề và hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề. Mức bồi dưỡng không nên đưa vào luật mà chỉ nên đưa vào các văn bản hướng dẫn chi tiết cho luật để có thể nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp về phạm vi hỗ trợ, người lao động cần được hỗ trợ cả chi phí ăn ở, đi lại, mua tài liệu, dụng cụ học nghề cho người lao động. Đồng thời quy định rõ NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động hoặc trong trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng.

4. Kết luận

BHTN là một trong những trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp là vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, hoàn thiện pháp luật BHTN phải phù hợp với quan điểm chung của Đảng về xây dựng chính sách an sinh xã hội nói chung, BHTN nói riêng để đảm bảo yêu cầu về chính trị. Bên cạnh đó, pháp luật BHTN cũng cần thể chế hóa được các điều ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập, phù hợp với pháp luật lao động, việc làm, BHXH để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013), Luật Việc làm.
  2. Chính phủ (2015), Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
  3. Tổ chức Lao động quốc tế (1952), Công ước 102 về Quy phạm tối thiểu an toàn xã hội.
  4. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2022), Báo cáo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022.
  5. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2022), Báo cáo Quyết toán tài chính hàng năm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
  6. Trương Thị Thu Hiền, (2017), Những hạn chế và kiến nghị hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 21, 349.

Some difficulties in enforcing unemployment insurance under current Vietnam’s laws

Trinh Diep Ly

Lecturer, Faculty of Political Theories - Law, Hong Duc University

Abstract:

Unemployment insurance is one of social security policies. It is an important tool to regulate the supply - demand in the labour market. Unemployment insurance helps people stabilize their lives when they lose their jobs, and provides people with solutions to re-enter the labour market. However, the enforcement of unemployment insurance regulations is facing many difficulties. Hence, it is necessary to find appropriate measures to overcome these difficulties in order to enssure the benefits from unemployment insurance for those who lose their jobs, contributing to strengthening employees' confidence in the state’s policies and helping unemployed people to stabilize their lives.

Keywords: unemployment insurance, unemployment benefits, vocational training.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương