Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn thiết kế và xây dựng

Nguyễn Thành Nam (Học viên cao học Trường Đại học Quy Nhơn) - Hà Tuấn Kiệt (Học viên cao học Trường Đại học Quy Nhơn và Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Huy Hoàng)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm đo lường ảnh hưởng của các nhân tố đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn thiết kế và xây dựng, thông qua khảo sát thực nghiệm tại Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Huy Hoàng. Kết quả phân tích cho thấy: Nguồn nhân lực, Trình độ trang thiết bị và công nghệ là các yếu tố tác động mạnh đến năng lực cạnh tranh, Mối quan hệ được xác định không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của công ty. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm giúp công ty nâng cao khả năng cạnh tranh.

Từ khóa: năng lực cạnh tranh, tư vấn thiết kế, doanh nghiệp, các yếu tố ảnh hưởng.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, nền kinh tế tỉnh Bình Định nói chung, thành phố Quy Nhơn nói riêng phát triển với tốc độ rất nhanh, nhất là phát triển về du lịch, bất động sản,… Hiện nay, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đã có những công trình nghỉ dưỡng Resort đẳng cấp 4 sao, 5 sao, như: Anantara Quy Nhon Villas, Maia Resort Quy Nhon, Avani Quy Nhon Resort, FLC,… Bên cạnh đó là những tòa nhà cao tầng đã mọc lên tại thành phố Quy Nhơn, như: tòa nhà TMS (42 tầng), chung cư Phú Tài (33 tầng), Khách sạn ANYA (33 tầng), Chung cư Altara (36 tầng) và rất nhiều dự án cao tầng khác. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng hiện tại, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án có tầm quan trọng rất lớn. Chính vì vậy, nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư vấn trên địa bàn là một việc làm cấp thiết để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.

Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Huy Hoàng là một doanh nghiệp tư vấn thiết kế xây dựng trên địa bàn Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Công ty là một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn đấu thầu, quản lý dự án, có uy tín trên thương trường địa phương và khu vực. Hiện nay, Công ty được Bộ Xây dựng cấp các chứng nhận hoạt động những công trình lớn, như: tư vấn quản lý dự án cấp 1, tư vấn giám sát, thiết kế các công trình cấp 1,… và được đánh giá là một trong những công ty mạnh trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, trong tỉnh Bình Định và một số tỉnh lân cận. Vì vậy, nhóm tác giả đã chọn đơn vị này để khảo sát và thực hiện nghiên cứu.

Mặc dù có nhiều nghiên cứu liên quan đến năng lực cạnh tranh được thực hiện trên thế giới (Weisheng Lu và cộng sự, 2008; Panagiotis và Konstantinos, 2010, Li V., 2011; Shigang Yan, 2017) và tại Việt Nam (Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, 2009; Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên, 2015; Huỳnh Đông Cường, 2016; Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Hải Văn, 2021), tuy nhiên, theo tìm hiểu của nhóm tác giả, vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn thiết kế và xây dựng.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

2.1. Khái niệm năng lực cạnh tranh

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năng lực cạnh tranh là khả năng của doanh nghiệp, ngành, quốc gia, khu vực trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện kinh tế quốc tế. Năng lực cạnh tranh là một khái niệm đa chiều, nó có thể được xem xét từ 3 cấp độ khác nhau: (1) cấp quốc gia; (2) cấp ngành và (3) cấp doanh nghiệp. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tiếp cận năng lực cạnh tranh theo cấp độ doanh nghiệp. Hiện nay, năng lực cạnh tranh theo cấp độ doanh nghiệp có một số quan điểm khác nhau, cụ thể:

Theo tác giả Porter (1980), năng lực cạnh tranh là khả năng tạo dựng, duy trì, sử dụng và sáng tạo mới các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp để tạo ra năng suất, chất lượng cao hơn đối thủ, chiếm lĩnh thị phần lớn, tạo ra thu nhập cao và phát triển bền vững. Theo Dunning (1993), năng lực cạnh tranh là khả năng cung ứng sản phẩm của chính doanh nghiệp trên các thị trường khác nhau mà không phân biệt nơi bố trí của doanh nghiệp đó. Gần đây, Poter (2010) cho rằng, năng lực cạnh tranh của công ty có thể hiểu là khả năng chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ các sản phẩm cùng loại (hay sản phẩm thay thế) của công ty đó. Năng lực giành giật và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ cao thì doanh nghiệp đó có năng lực cạnh tranh cao.

2.2. Lý thuyết về nguồn lực

Lý thuyết về nguồn lực của doanh nghiệp tập trung vào phân tích cạnh tranh dựa vào các yếu tố nội tại. Nguồn lực của doanh nghiệp thể hiện ở nhiều dạng khác nhau. Grant (1991) chia chúng ra thành 2 nhóm: nguồn lực hữu hình và nguồn lực vô hình. Nguồn lực hữu hình bao gồm nguồn lực về tài chính và vật chất hữu hình. Trong đó, nguồn lực về tài chính như vốn tự có và khả năng vay vốn của doanh nghiệp. Nguồn vật chất hữu hình bao gồm những tài sản sản xuất hữu hình của doanh nghiệp có thể đem lại lợi thế về chi phí sản xuất như quy mô, vị trí, độ tinh vi về kỹ thuật, tính linh hoạt của  nhà máy sản xuất, trang thiết bị, nguyên vật  liệu đầu vào,…; Nguồn lực vô hình bao gồm công nghệ, danh tiếng và nhân lực của doanh nghiệp. Trong đó, nguồn lực về công nghệ bao gồm sở hữu trí tuệ, bằng phát minh, sáng chế,…; Nguồn lực về danh tiếng bao gồm việc sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng về dịch vụ, chất lượng, độ tin cậy, thiết lập được mối quan hệ tốt với khách hàng, nhà cung cấp, ngân hàng và chính quyền,…

2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của công ty

Lý thuyết về nguồn lực được nhiều tác giả vận dụng nghiên cứu năng lực cạnh tranh của công ty, tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên (2015) đề xuất các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân. Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập bằng cách khảo sát 456 doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Cần Thơ. Kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy đa biến đã được sử dụng. Kết quả nghiên cứu đã xác định 7 yếu tố bên trong ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân ở Cần Thơ, cụ thể là: mối quan hệ, năng lực tiếp thị, nguồn nhân lực, năng lực quản lý, năng lực tài chính, nghiên cứu và phát triển sản phẩm và danh tiếng. Trong đó, mối quan hệ, năng lực tài chính, năng lực quản lý là các yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến năng lực cạnh tranh. Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Hải Văn (2021) đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong đấu thầu xây lắp của Công ty 59 - Bộ Quốc phòng. Dựa trên các nghiên cứu trước đây và kết quả thảo luận của nhóm chuyên gia, nghiên cứu đã xác định được 20 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong đấu thầu xây lắp của Công ty 59. Các yếu tố ảnh hưởng mạnh được nhóm chuyên gia thảo luận đánh giá là giá dự thầu, chất lượng nhân viên, máy móc thiết bị, tài chính công ty, kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự trong quá khứ. Liên quan đến lĩnh vực tư vấn và xây dựng, Nguyễn Trọng Hà (2016) đã đánh giá năng lực cạnh tranh của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng miền Trung so với các đối thủ cạnh tranh khác thông qua các chỉ tiêu: uy tín thương hiệu, thị phần, am hiểu thị trường và khách hàng, máy móc thiết bị, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh về giá, khả năng tài chính, nghiên cứu và phát triển, quản lý nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực, lợi thế vị trí. Huỳnh Đông Cường (2016) thực hiện nghiên cứu năng lực cạnh tranh của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư thiết kế - xây dựng Đông Cường. Trên cơ sở tổng quan tài liệu nghiên cứu, đề tài xác định các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng chuyên ngành tư vấn đầu tư thiết kế xây dựng. Từ thực trạng phân tích, nhóm tác giả tìm ra các yếu tố nguồn nhân lực, tài chính, trình độ trang thiết bị và công nghệ, năng lực nghiên cứu và phát triển, năng lực marketing và năng lực quản trị là các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Dựa trên các nghiên cứu trên, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Huy Hoàng có 7 yếu tố gồm: (1) Nguồn nhân lực, (2) Năng lực tài chính, (3) Năng lực nghiên cứu và phát triển, (4) Năng lực quản trị, (5) Trình độ trang thiết bị và công nghệ, (6) Năng lực marketing và (7) Mối quan hệ.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện qua 2 giai đoạn, gồm: nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng.

- Phương pháp nghiên cứu định tính được dùng để khám phá, điều chỉnh, bổ sung các thành phần thang đo. Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia ngành xây dựng và giảng viên dạy chuyên ngành quản trị kinh doanh.

Nghiên cứu định lượng chính thức được thực hiện thông qua phát phiếu điều tra 195 đối tượng am hiểu về Công ty và các đối thủ cạnh tranh của Công ty, cụ thể là các nhà đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, đơn vị quản lý vận hành, nhà kinh doanh,… dùng để phân tích chính thức, bao gồm điều tra trực tiếp và điều tra qua mạng internet. Dữ liệu sau khi tổng hợp được sàng lọc, làm sạch, loại bỏ các câu trả lời không phù hợp và không có độ tin cậy, tiến hành mã hóa, sau đó phân tích bằng phần mềm định lượng SPSS. Nội dung phân tích gồm: phân tích độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích tương quan, phân tích hồi quy đa biến để kiểm tra các giả thuyết nghiên cứu.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kiểm định thang đo và mô hình

Kết quả kiểm định độ tin cậy của các thang đo cho thấy tất cả các thang đo đều có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đều > 0,3. Do đó, các thang đo đạt độ tin cậy cho phép, được sử dụng trong các bước phân tích EFA và phân tích hồi quy tiếp theo.

Bảng 1. Kiểm định Cronbach’Alpha

kiem-inh-cronbachalpha Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

4.2. Phân tích nhân tố

Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA) các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh cho thấy KMO = 0,862> 0.5 và kiểm định Bartlett’s với mức ý nghĩa < 0.005, có 7 nhân tố được rút trích tại Eigenvalue là 1.185>1 và phương sai trích được là 69.970% > 50%. So với các yếu tố dự kiến ban đầu các yếu tố không thay đổi với thành phần ban đầu. Kết quả phân tích được thể hiện như Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả phân tích EFA thang đo các yếu tố ảnh hưởng

đến năng lực cạnh tranh

ket-qua-phan-tich-efa Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Phân tích EFA với thang đo năng lực cạnh tranh

Kết quả phân tích EFA, 3 biến quan sát của thang đo năng lực cạnh tranh được nhóm thành 1 nhân tố. Không có biến quan sát nào bị loại. EFA phù hợp với hệ số KMO = 0.747, phương sai trích 81.679%; các biến quan sát có hệ số tải nhân tố trên 0.5, mức ý nghĩa kiểm định của Bartlett là 0.000. 

4.3. Phân tích tương quan

Kiểm định hệ số tương quan Pearson dùng để kiểm tra mối liên hệ tuyến tính giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc. Theo ma trận tương quan với mức ý nghĩa 5%, các biến độc lập: NL, TC, NC, TB, MK, QT có sự tương quan chặt chẽ với biến phụ thuộc năng lực cạnh tranh (sig = 0.000). Biến mối quan hệ không có quan hệ với biến phụ thuộc năng lực cạnh tranh, vì có hệ số Sig > 0.05. Như vậy, nhóm tác giả đã loại biến này khỏi mô hình khi phân tích hồi quy. 

Bảng 3. Ma trận tương quan giữa các biến

ma-tran-tuong-quan-giua-cac-bien Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

4.4. Phân tích hồi quy

Để kiểm định giả thuyết trong mô hình nghiên cứu, hồi quy bội đã được sử dụng. Kết quả cho thấy mô hình hồi quy đưa ra tương đối phù hợp với mức ý nghĩa 0.05. Hệ số R2 hiệu chỉnh = 0.611 có nghĩa là có khoảng 61,1% phương sai năng lực cạnh tranh của công ty được giải thích bởi 6 biến độc lập là: Nguồn nhân lực, Năng lực tài chính, Trình độ trang thiết bị và công nghệ, Năng lực nghiên cứu và phát triển, Năng lực marketing, Năng lực quản trị. Còn lại 38,9% năng lực cạnh tranh của công ty được giải thích bằng các yếu tố khác.

Giá trị F = 48.353 với p = 0,000; kiểm định hiện tượng tự tương quan bằng hệ số Durbin - Watson (1 < 1, 659 < 3); như vậy, dữ liệu thu được phù hợp với mô hình kiểm định.

Bảng 4. Mô hình hồi quy bội đầy đủ

mo-hinh-hoi-quy-boi-ay-u

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Bảng 5. Bảng ANOVA

bang-anova

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Bảng 6. Các thông số của biến trong mô hình

cac-thong-so-cua-bien-trong-mo-hinh

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Như vậy, các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mô hình hồi quy tuyến tính như sau:

CT = 0.225* NL + 0.183* TC + 0.190* NC + 0.197* TB + 0.165* MK + 0.132* QT

Kiểm tra mức độ phù hợp của hệ số hồi quy riêng bằng kiểm định t cũng cho thấy mức ý nghĩa Sig. của cả 6 nhân tố đều ở dưới mức 0,05 nên tất cả các nhân tố này đều có ý nghĩa thống kê. Hiện tượng đa cộng tuyến cũng được kiểm tra thông qua hệ số VIF và được xác nhận là không có hiện tượng đa cộng tuyến.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động

đến năng lực cạnh tranh của Công ty

mo-hinh-nghien-cuu-cac-yeu-to-tac-ong-en-nang-luc-canh-tranh-cua-cong-ty Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

5. Kết luận

Dựa trên kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy 6 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Công ty theo mức độ giảm dần, đó là: (1) Nguồn nhân lực; (2) Trình độ trang thiết bị và công nghệ; (3) Năng lực nghiên cứu và phát triển; (4) Năng lực tài chính; (5) Năng lực marketing và (6) Năng lực quản trị tác động tích cực đến năng lực cạnh tranh của công ty. Kết quả này tương đồng với các nghiên cứu của Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên (2015), Nguyễn Trọng Hà (2016), Huỳnh Đông Cường (2016). Tuy nhiên, dữ liệu nghiên cứu không cho thấy ảnh hưởng của mối quan hệ đến năng lực cạnh tranh của Công ty. Kết quả này mâu thuẫn với nghiên cứu của Nguyễn Thị Mai Trang và cộng sự (2004) và nghiên cứu Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên (2015) cho rằng mối quan hệ là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Điều này có thể giải thích mối quan hệ liên quan đến kỹ năng của Công ty và không được công bố rộng rãi, các đối tượng trả lời không am hiểu và nắm rõ các mối quan hệ mà Công ty thực hiện với các đối tác chiến lược như khách hàng, nhà cung cấp, các đơn vị liên kết, cũng như các mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền địa phương.

Kết quả nghiên cứu này đem lại một số hàm ý cho Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Huy Hoàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng. Thực hiện chính sách đãi ngộ, tạo động lực làm việc cho người lao động tại công ty.

Thứ hai: Hiện đại hóa thiết bị và công nghệ. Đầu tư hệ thống phần mềm hỗ trợ công việc, nắm bắt kịp thời về công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, công cụ giúp cho công tác của các kỹ sư, kiến trúc sư nhanh chóng, tiện ích và chính xác. Bắt kịp xu thế về công nghệ, Đào tạo nhân sự ứng dụng công nghệ, liên kết với các đối tác, công ty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm để cung cấp, đào tạo thường xuyên định kỳ cho cán bộ Công ty.

Thứ ba: Đầu tư phương tiện và thiết bị dành cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát triển. Xây dựng nguồn nhân lực cho đội ngũ nghiên cứu và phát triển, thành lập bộ phận chuyên trách về nghiên cứu và phát triển cho Công ty, đồng thời có những chính sách về thu hút và hỗ trợ nhà nghiên cứu tài năng, chính sách phát triển nguồn nhân lực.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Huỳnh Đông Cường (2016). Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư thiết kế xây dựng Đông Cường. Luận văn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.

2. Grant RM. (1991). A resource-based theory of competitive advantage: implications for strategy formulation. California Management Review, 33(3), 114-35l.

3. Hair J.F, Anderson, R.E., Tatham, R.L., and Black, W.C. (2006), Multivariate data analysis. USA: Prentice-Hall, International, Inc.

4. Huỳnh Thị Thúy Hoa (2009). Nghiên cứu mô hình năng lực cạnh tranh động của Công ty TNHH Siemens Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Kinh tế.

5. Li, V. (2011). The methodology to assess the competitiveness of real estate developers in China. Queensland University of Technology.

6. Nguyen Thi Mai Trang et al. (2004). Cultural sensitivity, information exchange, and relationship quality. Journal of Customer Behaviour, 3(3), 281-303.

7. Nguyễn Trọng Hà (2016) .Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng miền Trung. Luận văn Thạc sĩ.

8. Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên (2015). Các nhân tố nội tại ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân tại thành phố Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, trang 72-80.

9. Nguyễn Thành Long (2017). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Bến Tre. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Số 12 (1).

10. Shigang Yan. (2017). Strategic Analysis of International Competitiveness for Construction, Advances in Social Science. Education and Humanities Research,

11. Panagiotis Liargovas and Konstantinos Skandalis. (2010). Factors Affecting Firm Competitiveness: The Case of Greek Industry. European institute Journal.

12. Porter, M.E. (1980). Competitive Strategy: Techniques for Analysing Industries and Competitors [M]. New York, NY: Free Press.

13. Phan Thị Hải Yến, Trần Đình Chất (2015). Nâng cao năng lực cạnh tranh Công ty Cổ phần Phát triển nhà và đô thị Hud Nha Trang. Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản, số 4.

14. Nguyễn Đình Thọ, Nguyễn Thị Mai Trang (2009). Một số yếu tố tạo thành năng lực động doanh nghiệp và giải pháp nuôi dưỡng. Kỷ yếu Hội thảo Năng lực cạnh tranh động của doanh nghiệp. Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển TP. Hồ Chí Minh tháng 4/2009, 1-21.

15. Shigang Yan. (2017). Strategic Analysis of International Competitiveness for Construction Firms in China, Advances in Social Science. Education and Humanities Research, 120.

16. Tuan Anh Nguyen, Hai Van Bui. (2021). Determination of Factors Affecting Capabilities of Competitiveness in Construction Auction of Company 59 - Ministry of Defense. International Journal of Engineering Research and Technology, 10(1), January-2021.

17. Weisheng Lu, Liyin Shen, M.ASCE and Michael C. H. Yam, M.ASCE. (2008). Critical Success Factors for Competitiveness of Contractors: China Study. Journal of construction engineering and management, 972-982.

 

A study on the factors affecting the competitiveness of design

and construction consulting enterprises

Nguyen Thanh Nam1

Ha Tuan Kiet1,2

1 Master’s student, Quy Nhon University

2 Huy Hoang Design and Construction Consulting Co.,Ltd

Abstract:

This study is to measure the influence of factors on the competitiveness of design and construction consulting enterprises through an empirical survey at Huy Hoang Design and Construction Consulting Co., Ltd. The study’s results show that factors of human resources, and equipment and technology level strongly affect the competitiveness of design and construction consulting enterprises. Meanwhile, the factor of relationship does not affect the competitiveness of enterprises. Based on the study’s results, some recommendations are made to help Huy Hoang Design and Construction Consulting Co., Ltd improve its competitiveness.

Keywords: competitiveness, design consultancy, enterprise, influencing factors.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18(1), tháng 8 năm 2022]