Nghiên cứu thực thi chính sách giảm nghèo đa chiều (giai đoạn (2018 - 2022) tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

LÂM HỒNG TUYÊN1 - TS. HOÀNG THANH LIÊM2 - TS. TRẦN NHẬT DUẬT3 (1 Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận - 2 Phó Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận - 3 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn giảm nghèo bền vững từ năm 2016, tiếp cận đa chiều theo xu hướng chung của thế giới. Đây là phương pháp tiếp cận mới, tiến bộ hơn, có tính nhân văn, tác động toàn diện hơn đến người nghèo, nhưng cũng là thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo là một trong những câu chuyện thành công nhất trong quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách này cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là những địa phương ở các vùng núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Bài viết hệ thống hóa cơ sở lý luận, thực tiễn; phân tích, đánh giá thực trạng việc thực thi các chính sách về giảm nghèo đa chiều tại một địa phương cụ thể và khuyến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách giảm nghèo đa chiều.

Từ khóa: giảm nghèo đa chiều, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, chính sách giảm nghèo đa chiều 2018 - 2022.

1. Đặt vấn đề

Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, là một trong những biện pháp cơ bản để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Giải quyết tình trạng nghèo đói không những nâng cao đời sống kinh tế, mà còn cải thiện những vấn đề xã hội, đặc biệt là sự bình đẳng của các tầng lớp cư dân, nhất là cư dân nông thôn so với thành thị.

Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn về giảm nghèo, được các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá cao về kết quả và quyết tâm chống đói nghèo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số hộ nghèo ở Việt Nam vẫn còn nhiều, tình trạng tái nghèo thường xuyên diễn ra, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng, chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực, giữa các dân tộc còn cao… Đây là những thách thức lớn cho công tác giảm nghèo của Việt Nam nói chung và của từng địa phương nói riêng trong những năm tới. Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, toàn huyện có 17 xã, thị trấn, gồm: 4 xã vùng cao, 8 xã miền núi, 3 xã đồng bằng và 2 thị trấn; trong đó có 3 xã thuần và 5 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2019, dân số toàn huyện có 184.315 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 7,94%, chủ yếu là đồng bào K’ Ho, Chăm và Rai. Mặc dù nguồn lực để đầu tư kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưng địa phương luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển. Song, việc giảm nghèo đối với một huyện nghèo thuần nông gặp không ít khó khăn, trở ngại, như: nhận thức của người dân, cán bộ về công tác giảm nghèo đa chiều còn hạn chế; việc phân bổ nguồn lực đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư… còn bất cập.

2. Thực trạng việc thực thi chính sách giảm nghèo tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

2.1. Kết quả giảm nghèo giai đoạn 2018 - 2021

Năm 2018, toàn Huyện có 1.473 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,02%) và 2.667 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,47%) so với tổng số hộ toàn Huyện (48.742 hộ); đến cuối năm 2021, toàn Huyện còn 585 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,18%) và 2.527 hộ cận nghèo, (chiếm tỷ lệ 5,10%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả trong giai đoạn này số lượng hộ nghèo và cận nghèo đã giảm liên tục từ 4.140 hộ (chiếm 8,49%) năm 2018 xuống 3.112 hộ (chiếm 6,28%) năm 2021. Trong đó, giảm nhiều nhất là số hộ nghèo với khoảng gần 1.000 hộ, từ 1.473 hộ (chiếm 3,02%) năm 2018 xuống 585 hộ (chiếm 1,18%) năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm rất chậm, chỉ từ 2.667 hộ (chiếm 5,47%) năm 2018 xuống 2.527 hộ (chiếm 5,1%) năm 2021, tức là chỉ giảm được 140 hộ và 0,37%. (Bảng 1)

Bảng 1. Thực trạng nghèo đa chiều tính theo số hộ nghèo và hộ cận nghèo tại huyện Hàm Thuận Bắc giai đoạn 2018 - 2021

STT

 

Năm

 

Hộ nghèo

Hộ cận nghèo

Tổng

Số lượng (hộ)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (hộ)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (hộ)

Tỷ lệ (%)

1

2018

1.473

3,02

2.667

5,47

4.140

8,49

2

2019

1.187

2,48

2.635

5,22

3.822

7,70

3

2020

987

2,02

2.555

5,19

3.542

7,21

4

2021

585

1,18

2.527

5,1

3.112

6,28

Nguồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận

2.2. Về nguyên nhân nghèo

Nguyên nhân của tình trạng nghèo tại huyện Hàm Thuận Bắc hiện nay có nhiều, trong đó chủ yếu nhất là do không có vốn sản xuất, kinh doanh với 1.006 hộ (chiếm 36,7%), do không có đất sản xuất là 918 hộ (chiếm 33,4%), do không có lao động là 639 hộ (chiếm 23,3%), do có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn là 625 hộ (chiếm 22,8%), do không có kỹ năng lao động, sản xuất là 394 hộ (chiếm 14,3%), do không có công cụ/phương tiện sản xuất là 301 hộ (chiếm 11%), do không có kiến thức về sản xuất là 251 hộ (chiếm 9,2%) và do các nguyên nhân khác là 59 hộ (chiếm 2,2%). (Bảng 2)     

Bảng 2. Tổng hợp số liệu về nguyên nhân nghèo

STT

Nguyên nhân

Số lượng (Hộ)

Tỷ lệ (%)

1

Không có vốn sản xuất, kinh doanh

1.206

36,7

2

Không có đất sản xuất

1.018

33,4

3

Không có lao động

639

23,3

4

Có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn

625

22,8

5

Không có kỹ năng lao động, sản xuất

394

14,3

6

Không có kỹ năng lao động, sản xuất

301

11

7

Không có kiến thức về sản xuất

251

9,2

8

Nguyên nhân khác

59

2,2

9

Tổng

5.054

 

2.3. Việc thực thi chính sách giảm nghèo

Xác định công tác giảm nghèo đa chiều là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, nên cả hệ thống chính trị Huyện tham gia rất tích cực. Việc ban hành văn bản triển khai khá đầy đủ và triển khai khá bài bản, như đã thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Xác định mục tiêu, đối tượng giảm nghèo phù hợp. Tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm đảm bảo đạt kế hoạch đề ra, các chính sách giảm nghèo đã được các ngành, các cấp từ huyện đến cấp xã triển khai đồng bộ, đầy đủ, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, giúp người nghèo dần ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Công tác phổ biến, tuyên truyền vận động được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong huyện tập trung đẩy mạnh. Đã làm tốt công tác vận động và thực hiện có hiệu quả nguồn xã hội hóa công tác giảm nghèo theo hướng Nhà nước, cộng đồng xã hội hỗ trợ và bản thân hộ gia đình nghèo, người nghèo tự vươn lên nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Việc huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo khá tốt: Mặc dù còn khó khăn, nhưng trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, Huyện đã được phân bổ 17.253,5 triệu đồng để thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo (chưa tính các nguồn huy động khác). Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 16.461,5 triệu đồng (trong đó: vốn đầu tư phát triển là 13.234 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 3.227,5 triệu đồng); đã thực hiện đầu tư xây dựng 46 công trình cơ sở hạ tầng (trong đó duy tu bảo dưỡng 4 công trình) tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135: Ngân sách Trung ương phân bổ 2.951,5 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 (năm 2016 có 3 xã, 2 thôn; năm 2017-2019 có 3 xã, 1 thôn). Đã triển khai hỗ trợ 24.000 giống cây điều ghép cao sản PNI cho 138 hộ nghèo, hộ cận nghèo, diện tích 60 ha, với kinh phí 256,8 triệu đồng; hỗ trợ phân N-P-K 20-20-15TE cho 138 hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh phí 13,2 triệu đồng; Hỗ trợ giống bò sinh sản lai sind 158 con/158 hộ, kinh phí 1.819,5 triệu đồng; hỗ trợ chuồng trại cho 56 hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh phí 853 triệu đồng.

Ngoài ra, địa phương còn dành kinh phí thỏa đáng cho dự án Truyền thông và giảm nghèo; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình Ngân sách Trung ương phân bổ 171 triệu đồng, đã triển khai 4 lớp tập huấn cho hơn 948 lượt học viên là cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến xã, thôn, khu phố; thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia huyện đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo tại các xã trên địa bàn huyện, nhất là các xã được thụ hưởng từ các Dự án của Chương trình (xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135). Trong quá trình thực hiện công tác này, công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và kiểm tra, giám sát luôn được chú trọng.

2.4. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân chủ yếu

Một là, việc ban hành hệ thống văn bản đầy đủ, bài bản nhưng vẫn có lúc còn bị động; Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo ở địa phương tuy có quan tâm, nhưng chưa được thường xuyên, nên có nơi người dân chưa nắm bắt được thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách giảm nghèo đa chiều; nhận thức, trách nhiệm của người dân tham gia vào công tác giảm nghèo tuy có chuyển biến nhưng còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn biểu hiện tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm còn nhiều bất cập, do tiêu chí xác định thu nhập của hộ theo phương pháp đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, dẫn tới còn một số hộ thuộc diện nghèo nhưng không được công nhận là hộ nghèo, gây sự bất bình, thắc mắc trong nhân dân.

Hai là, trong việc phân công phối hợp triển khai ở một số xã, thị trấn chưa quyết liệt, thiếu các giải pháp cụ thể trong quản lý, điều hành. Kết quả giảm nghèo còn biểu hiện thiếu vững chắc, tính bền vững chưa cao, các hộ thoát nghèo chủ yếu nằm trong danh sách hộ cận nghèo nên có nguy cơ tái nghèo. Năng lực của cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế trong công tác tham mưu triển khai thực hiện các dự án, chính sách thuộc kế hoạch thực hiện chương trình.

Ba là, việc huy động nguồn lực khó khăn, nguồn vốn Trung ương đầu tư cho từng dự án của chương trình còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu; việc giải ngân chậm đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương khó khăn nên nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án của Chương trình còn thấp, chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao chủ yếu là lồng ghép từ chương trình nông thôn mới; chưa được phân khai kinh phí thực hiện việc mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác và việc huy động nguồn lực trong xã hội tập trung cho công tác giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn.

3. Một số khuyến nghị để nâng cao hiệu quả việc thực thi chính sách giảm nghèo

3.1. Nhóm giải pháp về xây dựng, lập kế hoạch, hoạch định, triển khai chính sách

Việc xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa các kế hoạch của Ban chỉ đạo giảm nghèo cần kịp thời, đầy đủ; các chủ trương chính sách của Trung ương, cấp trên phải bảo đảm được triển khai hiệu quả và sát thực tế địa phương, cụ thể: Ủy ban nhân dân các cấp phải  xây dựng Kế hoạch giảm nghèo hàng năm và của cả giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương, trong đó phân tích nguyên nhân hộ nghèo theo từng nhóm đối tượng, nhóm hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và hộ nghèo thiếu các điều kiện sản xuất (đất sản xuất, vốn sản xuất) để có giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia. Khi xây dựng chính sách hỗ trợ mới cần có chính sách ưu đãi với đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo đa chiều một cách bền vững; quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều phải bảo đảm sự thống nhất và có lồng ghép; những chính sách đang phát huy hiệu quả cần được tiếp tục thực hiện; các chính sách còn hạn chế, có vướng mắc cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; cần rà soát, đánh giá để lồng ghép các chính sách về giảm nghèo từ khâu ban hành chính sách, khâu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình, đề án, đến khâu tổ chức thực hiện, thanh tra và kiểm tra, giám sát cộng đồng, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương…, để tránh tình trạng chồng chéo về chính sách tác động đến đối tượng thụ hưởng là người nghèo, hộ nghèo; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đa chiều phải đặc biệt quan tâm đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đồng thời cần rà soát, sắp xếp lại chính sách giảm nghèo mang tính hệ thống, giảm bớt số lượng văn bản chính sách. 

Khi ban hành văn bản chính sách cần phải có sự phân loại ưu tiên thực hiện theo nhóm đối tượng (hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó mới đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo), có lộ trình cụ thể; giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính “cho không” sang thực hiện các chính sách “cho vay” như hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người nghèo tự chủ, phát huy nội lực, từng bước vươn lên thoát nghèo.

3.2. Nhóm giải pháp phổ biến, tuyên truyền

Làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo; giáo dục, tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các bản tin phát thanh hàng ngày, các buổi sinh hoạt của tổ chức chính trị xã hội về tầm quan trọng thay đổi nhận thức để thay đổi hành vi, nâng cao trình độ hiểu biết, tạo sự chuyển biến trong tư duy mỗi người đặc biệt là ông bà, cha mẹ trong các hộ gia đình nghèo; phổ biến các chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo của Đảng và Nhà nước để các hộ gia đình nghèo biết nhằm khắc phục tình trạng bỏ học của học sinh hộ nghèo để các em tiếp tục theo học.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phong phú và đa dạng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Đặc biệt, cần tăng cường các bản tin phát thanh, in tờ rơi, áp phích bằng các tiếng dân tộc để bà con có thể đọc được, nghe hiểu được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách giảm nghèo đa chiều.

Trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều thì vẫn còn không ít người có tâm lý “ăn nhờ” chính sách. Nghịch lý này đã được nêu lên tại nhiều hội nghị từ cấp thôn đến tỉnh, nhưng chưa thay đổi được nhiều trong thực tế. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo. Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo, lấy ý kiến của người dân để thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Đặc biệt, phải đẩy mạnh truyền thông thực sự hiệu quả để thay đổi rào cản tâm lý của một bộ phận người dân “sợ” thoát nghèo, không muốn thoát nghèo, bởi quyền lợi họ được thụ hưởng rất nhiều như miễn phí 100% tiền mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn khi đi khám chữa bệnh, giảm tiền khám chữa bệnh, tiền điện thắp sáng, miễn học phí cho học sinh - sinh viên, giảm lãi suất khi vay vốn ngân hàng… Bên cạnh đó, tư tưởng trông chờ, ỷ lại này không chỉ tồn tại trong một bộ phận nhân dân, mà còn ở cả một bộ phận cán bộ, lãnh đạo, công chức thực hiện công tác quản lý, điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo vẫn chưa khách quan, trung thực, chưa đúng quy định, đưa người thân vào danh sách hộ nghèo để hưởng quyền lợi… Đặc biệt, để nâng cao năng lực và nhận thức của các chủ thể về công tác giảm nghèo, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình giảm nghèo; nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo, nâng cao ý thức tự lực vươn lên cho hộ nghèo, người nghèo; Vận động sự chung tay, góp sức trách nhiệm của cộng đồng về công tác giảm nghèo; Lấy ý kiến của người dân để thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo.

3.3. Nhóm giải pháp phân công, phối hợp

Một trong số các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều trên huyện Hàm Thuận Bắc đó là do sự phân công, phối hợp và nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều của địa phương. Do vậy, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều của huyện Hàm Thuận Bắc trong thời gian tới, cần thực hiện tốt việc phân công, phối hợp trong thực tiễn quá trình thực thi chính sách giảm nghèo đa chiều tại địa phương, muốn vậy cần:

  • Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu và cơ quan Thường trực trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách.
  • Các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo cần thật sự quan tâm đến công tác giảm nghèo của địa phương, để xây dựng được các kế hoạch riêng nhằm thực hiện vai trò được phân công trong quá trình tuyên truyền về những chính sách giảm nghèo, cũng như thể hiện vai trò, trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo được phân công theo dõi giám sát điều tra hộ nghèo hằng năm.
  • Địa phương cần đảm bảo tính ổn định trong tổ chức nhân sự của Ban chỉ đạo giảm nghèo, cần tổ chức hoặc cử các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện và các phường, xã chưa tham gia các lớp tập huấn về điều tra rà soát hộ nghèo để nắm được chuyên môn, nghiệp vụ và quy trình trong việc rà soát hộ nghèo nói riêng, cũng như thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều nói chung.
  • Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong công tác thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn, nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong thực tiễn quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị đoàn thể có trách nhiệm liên quan đến quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều trên địa bàn cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều theo sự phân công của Ban chỉ đạo, tránh tư tưởng bị động và sự trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
  • Cấp ủy, chính quyền cấp trên và trực tiếp là huyện Hàm Thuận Bắc cần quan tâm hơn nữa đến công tác giảm nghèo, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo Ban giảm nghèo địa phương đến việc thực hiện nghiêm túc việc tổ chức tổng kết về công tác giảm nghèo định kỳ hàng năm, trong đó yêu cầu phải tổ chức theo hình thức hội nghị riêng, để kịp thời rút ra được những hạn chế, bất cập và điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn.

- Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phân cấp trao quyền cho địa phương, cơ sở để tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều. Tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện chương trình từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng đến lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện đảm bảo tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện công tác giảm nghèo. Phân công trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo, tạo điều kiện và động viên, khuyến khích các hộ tham gia đăng ký thoát nghèo; tập trung các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn những hộ đăng ký thoát nghèo phát triển sản xuất, có việc làm bền vững, thu nhập ổn định.

3.4. Nhóm giải pháp huy động nguồn lực

Phải đa dạng hóa các nguồn lực, nhất là nguồn vốn huy động từ các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội khác để đầu tư cho chương trình giảm nghèo đa chiều của địa phương. Tăng cường công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức. Gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm tạo điều kiện cho lao động sau đào tạo tìm được việc làm.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất sản xuất, như thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tốc độ phát triển kinh tế khu vực phi nông nghiệp; đồng thời lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả, thâm canh tăng năng suất, nâng cao giá trị thu nhập nhằm giảm bớt những khó khăn giúp các hộ do thiếu đất sản xuất thoát nghèo.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để các phường, xã, thôn, xóm, tổ dân phố có số lượng hộ nghèo cao quyết tâm phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động nguồn lực để hỗ trợ, đỡ đầu giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao hoàn thành mục tiêu giảm nghèo. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch giảm nghèo hằng năm, có giải pháp giảm nghèo đến từng thôn, bản và hộ gia đình; phân công trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ khá theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo.

Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác giảm nghèo đa chiều, cần tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các địa phương trong huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ có định mức cao hơn; đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, chính quyền huyện cần lựa chọn và ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh tế của các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các nội dung hỗ trợ khác phù hợp với tính chất của hoạt động sinh kế định hướng thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã cam kết tham gia bao tiêu sản phẩm; thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

3.5. Nhóm giải pháp kiểm tra, giám sát, tổng kết kinh nghiệm

Việc giám sát, kiểm tra, đánh giá nhân rộng mô hình giảm nghèo phải được tiến hành thường xuyên, hiệu quả, tránh sự nể nang, né tránh trong quá trình tổ chức thực hiện công tác rà soát hộ nghèo. Đặc biệt, trong việc theo dõi kiểm tra, đôn đốc, việc thực hiện chính sách cần chú ý đến tình trạng một số cán bộ được phân công giám sát từng khóm chưa thực hiện hết trách nhiệm để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.

Cùng với đó, cần công khai các chương trình, dự án, kế hoạch, nhất là nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách. Việc công khai sẽ giúp cho các cơ quan thực hiện quyền kiểm tra, giám sát dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin làm nền tảng cho việc đưa ra các kết luận kiểm tra, giám sát. Đồng thời, việc công khai, minh bạch cần phải gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực hiện, đây là tiền đề để xác định quyền hạn, cũng như trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quá trình thực hiện chính sách.

Đặc biệt, quá trình thực hiện kiểm tra giám sát, nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương, nhất là sự tham gia của đại diện người nghèo, hộ nghèo. Sự tham gia này sẽ làm cho việc thực hiện chính sách trở nên minh bạch hơn, tránh bao biện hoặc hạn chế những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Đồng thời, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và đối tượng chính sách trong quá trình kiểm tra, giám sát sẽ giúp cho các cấp chính quyền có thể tìm kiếm được những biện pháp, cơ chế thực hiện chính sách phù hợp hơn với những điều kiện cụ thể của địa phương. Bởi lẽ hơn ai hết, đối tượng thụ hưởng chính sách biết được họ đang cần gì và những biện pháp tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương cho phù hợp, đem lại hiệu quả với tình hình thực tế, có làm thay đổi cuộc sống của người nghèo theo chiều hướng tích cực và bền vững như các mục tiêu đề ra hay không. Ngoài ra, đổi mới trong việc đánh giá quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều. Muốn kiểm tra, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều đang thực hiện trên địa bàn, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện phải phối hợp với nhau trong việc thu thập và xử lý thông tin về những kết quả mà chính sách tạo ra, những hạn chế còn mắc phải trong quá trình thực hiện và tìm ra nguyên nhân của những hạn chế đó, để cùng bàn bạc, trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện các chính sách tốt hơn. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều hiện nay. Đây không chỉ từ thực tiễn sinh động để tổng kết thành lý luận, giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, mà còn là điều kiện kiên quyết cung cấp các cơ sở và luận cứ khoa học để các cấp hoạch định chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Vì vậy, trong quá trình tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều, huyện Hàm Thuận Bắc cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo đa chiều trên địa bàn. Đặc biệt, coi trọng vai trò của các Ban điều hành thôn, khu phố, vai trò của trưởng thôn, khu phố để đảm bảo sự tham gia của người dân trong giám sát và đánh giá.

Tập trung đánh giá những việc làm được, chưa được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều để rút ra những kinh nghiệm thực tiễn làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo tiếp theo.

Phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều để kịp thời sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung những chính sách thuộc cấp mình quản lý. Trên cơ sở đó, có kiến nghị và đề xuất những chính sách thuộc cấp trên ban hành.

Chủ động tìm kiếm, phát hiện những điển hình tiên tiến, nhân tố mới, cách làm hay trong thực hiện giảm nghèo đa chiều để phát huy nhân rộng.

Việc sơ kết, tổng kết cần được tiến hành theo định kỳ, thường xuyên. Những kinh nghiệm đúc kết cần được phổ biến rộng rãi và nghiên cứu, trao đổi kỹ kinh nghiệm trong lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều, từ đó đề ra phương hướng, giải pháp phát huy những kinh nghiệm thành công và khắc phục những yếu kém trong lãnh đạo thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều của địa phương./.

Tài liệu tham khảo:

  1. ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Oxfam (2012). Theo dõi nghèo theo phương pháp cùng tham gia tại một số cộng đồng dân cư nông thôn Việt Nam, Việt Nam.
  2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017). Thông tư số 17/2016/TT- BLĐTBXH hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn đa chiều 2016 - 2020, ban hành ngày 28/6/2016, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2008). Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và đa chiều đối với 61 huyện nghèo.
  4. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015). Quyết định số 59/2015/Qđ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, ban hành ngày 19/11/2015, Hà Nội.
  5. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2021). Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, ban hành ngày 27/01/2021, Hà Nội.
  6. Lê Thanh Cường (2017). Thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Luận văn Thạc sỹ quản lý công. Học viện Hành chính Quốc gia.
  7. Trần Ngọc Hiên (2011). Về thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Hà Nội.
  8. Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn (2011). Giảm nghèo ở Việt Nam, thành tựu và thách thức, Hà Nội.
  9. Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (2016). Nghị quyết số 06/2016/NQ­HĐND về Chương trình Giảm nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
  10. Ủy Ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc (2019). Báo cáo Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
  11. Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc (2020). Báo cáo Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.
  12. Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc (2021). Báo cáo Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
  13. Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc (2021). Báo cáo Tổng kết Chương trình giảm nghèo đa chiều huyện Hàm Thuận Bắc giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 12/01/2018 về thực hiện phong trào thi đua “Hàm Thuận Bắc chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2018 - 2020.
  14. Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc (2021). Kế hoạch thực hiện các giải pháp giảm nghèo đa chiều huyện Hàm Thuận Bắc giai đoạn 2021 - 2025.

 A study on the implementation of multi-dimensional poverty reduction policy at Ham Thuan Bac district, Binh Thuan provine in the period from 2018 to 2022

Lam Hong Tuyen1

Ph.D Hoang Thanh Liem2

Ph.D Tran Nhat Duat3

1Deputy Head, Economics - Budget Department, Binh Thuan Provincial People's Council

2Deputy Head, Legal Department, Binh Thuan Provincial People's Council

3Ho Chi Minh National Academy of Politics

ABSTRACT:

Since 2016, Vietnam have shifted to the sustainable poverty reduction with the multi-dimensional poverty reduction approach. It is a new and progressive approach that has a more comprehensive impact on the poor. However, this approach poses challenges to Vietnam, especially in mountainous areas, islands, and ethnic minority areas. Achievements in poverty reduction are some of Vietnam’s most successful socio-economic development stories. This paper presents the theoretical basis, analyzes the actual situation of implementing multi-dimensional poverty reduction policies in a specific locality, and proposes some solutions to improve the effectiveness of multi-dimensional poverty reduction policies.

Keywords: multidimensional poverty reduction, Hàm Thuận Bắc district, multidimensional poverty reduction policy in the period from 2018 to 2022.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]