Nghiên cứu thực trạng và tiềm năng phát triển ngành Nhượng quyền bưu cục tại Việt Nam

ThS. Lâm Phạm Thị Hải Hà (Khoa Kinh tế vận tải, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải)

Tóm tắt:

Sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang tới nhiều thay đổi ở quy mô chưa từng có trong cả nền kinh tế nói chung, cũng như trong các ngành nghề kinh doanh ở Việt Nam nói riêng. Sự xuất hiện của một ngành mới - Nhượng quyền bưu cục được coi là lĩnh vực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giúp đưa đất nước bắt kịp nhịp phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp này. Bài viết đưa ra các phân tích về thực trạng, đánh giá tiềm năng phát triển ngành Nhượng quyền bưu cục ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: nhượng quyền bưu cục, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Từ năm 2018, Nhượng quyền bưu cục còn được biết đến là nhượng quyền dịch vụ chuyển phát nhanh được xem là một cái tên mới nổi, nhưng mang trong mình nhiều tiềm năng mà không phải ngành nào cũng dễ dàng có được. Ngành này được phát triển từ nhu cầu thực tế của dịch vụ chuyển phát và giao nhận nên chưa có nhiều đề tài nghiên cứu. Chính vì lý do đó, bài báo muốn mang đến cho độc giả một số thông tin liên quan và đánh giá về thực trạng cũng như tiềm năng phát triển ngành mới - Nhượng quyền bưu cục tại Việt Nam.

2. Thực trạng ngành nhượng quyền bưu cục tại Việt Nam

Mô hình nhượng quyền thương hiệu chuyển phát được xem là một giải pháp thông minh giúp tiết kiệm nhiều chi phí đầu tư ban đầu vì tận dụng được công nghệ, thương hiệu và mạng lưới có sẵn của đơn vị nhượng quyền. Theo ông Lê Thanh Hoài - CEO kiêm Founder của SuperShip - một doanh nghiệp nhượng quyền bưu cục thuần Việt cho biết, ưu điểm của mô hình này chính là chi phí mà khách hàng phải trả để sử dụng dịch vụ vận chuyển đơn hàng liên tỉnh sẽ được chia đều cho nhiều đơn vị liên quan đến quá trình giao hàng như đơn vị lấy hàng về kho, đơn vị giao hàng cho khách và đơn vị trung chuyển.

Hiện nay, tại Việt Nam, các ngành nghề kinh doanh nhượng quyền đang tồn tại và rất hấp dẫn các nhà đầu tư, bao gồm:

(1). Lĩnh vực ăn uống (như nhượng quyền chuỗi nhà hàng cà phê, nhượng quyền chuỗi bánh mì, nhượng quyền gà rán/đồ ăn vặt, nhượng quyền quán lẩu nướng,…)

(2). Lĩnh vực bán lẻ

(3). Lĩnh vực giáo dục và đào tạo

(4). Lĩnh vực sức khỏe và làm đẹp

(5). Lĩnh vực thể dục và thể thao

(6). Lĩnh vực thời trang

(7). Nhượng quyền giặt ủi/chỗ rửa xe

(8). Nhượng quyền nhà thuốc

(9). Kinh doanh nhượng quyền online

(10). Nhượng quyền nhà sách

Nhượng quyền bưu cục là hình thức mua nhượng quyền kinh doanh dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hóa. Mô hình nhượng quyền chuyển phát nhanh xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2018 và đang có xu hướng tăng trưởng nóng trong những năm gần đây. Nhượng quyền bưu cục dường như không còn là khái niệm xa lạ đối với những người kinh doanh nhượng quyền. Mô hình nhượng quyền bưu cục tập trung phát triển thương hiệu thật tốt tại một địa phương, một quốc gia và đầu tư vào nền tảng công nghệ như website, app,… sau đó bán lại nền tảng công nghệ này cho các đơn vị nhượng quyền tại nhiều địa phương và quốc gia khác. Doanh thu của doanh nghiệp nhượng quyền sẽ chuyển từ nguồn khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển toàn thế giới thành số phần trăm doanh thu, hay đó chính là hoa hồng họ nhận được từ các đại lý nhượng quyền thương hiệu.

Tại Việt Nam, thị trường nhượng quyền bưu cục bắt đầu sôi động từ khi có sự tham gia của các tên tuổi nước ngoài nổi tiếng, như: J&T Express, ZTO Express, Best Express. Trong đó, J&T Express là thương hiệu chuyển phát nhanh được thành lập vào năm 2015 tại Indonesia, hiện đã có mặt tại 7 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm: Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Cambodia. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2018, J&T Express chính thức phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành phố, với hơn 1.500 bưu cục và 20.000 nhân viên. Trong đó, để nhận được quyền kinh doanh bưu cục, đại lý nhận quyền cần đầu tư khoảng 50 triệu đồng phí sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm trong một năm, thêm nữa là thanh toán tiền ký quỹ khoảng 70 triệu đồng và phí nhượng quyền là 50 triệu đồng.

Best Express thuộc Tập đoàn BEST Inc đã chính thức bước vào Việt Nam dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu từ nửa cuối năm 2019, với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh hàng đầu. Đây là công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh ra đời ở Mỹ năm 2007, thương hiệu này lên sàn chứng khoán New York vào năm 2017 và hiện nay đã có mặt tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau hơn một năm triển khai thị trường Việt Nam từ năm 2019, Best Express có 7 trung tâm khai thác, hơn 100 bưu cục, ngoài ra số lượng bưu cục tại một tỉnh có thể từ 3 đến 20 chiếc, ngoại trừ Hà Nội có 20 bưu cục và thành phố Hồ Chí Minh có 26 bưu cục. Trong đó, để nhận được quyền kinh doanh bưu cục, đại lý nhận quyền cần đầu tư khoảng 500 triệu đồng vốn đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, thêm nữa là thanh toán tiền ký quỹ khoảng 200 triệu đồng và phí nhượng quyền là 175 triệu đồng.

Đến khoảng giữa năm 2019, ZTO express vào thị trường và triển khai mô hình nhượng quyền của mình tại Việt Nam. Mô hình nhượng quyền của ZTO đã trải khắp cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, tuy nhiên số lượng có vẻ hạn chế hơn so với Best express, hiện có khoảng 12 bưu cục. Chi phí nhượng quyền của ZTO vào khoảng 165 triệu đồng tiền ký quỹ, 33 triệu đồng tiền bảo trì hệ thống cho hợp đồng và mỗi bưu cục chỉ khai thác một quận, huyện cụ thể.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, tên tuổi của SuperShip được xem là thuần Việt, tính đến tháng 8/2020, hiện doanh nghiệp này đã có khoảng 269 bưu cục. Tổng chi phí nhượng quyền cho 1 bưu cục SuperShip tầm 150-200 triệu đồng. Trong đó, mức ký quỹ là 50 triệu đồng với thời hạn thường là 3 năm, chi phí thiết lập ban đầu, chuyển giao công nghệ, quản lý đào tạo, marketing là 30 triệu đồng; chi phí sử dụng thương hiệu SuperShip trong 3 năm là 20 triệu đồng; chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất 50-100 triệu đồng, phụ thuộc vào điều kiện mặt bằng hiện có của khách hàng, chi phí dự trù trong khoảng 1-3 tháng đầu: 50-100 triệu đồng.

3. Tiềm năng phát triển ngành Nhượng quyền bưu cục tại Việt Nam

Để đánh giá được tiềm năng thị trường hay tiềm năng phát triển ngành cần xem xét một số các tiêu chuẩn, như: thị trường đo lường được, thị trường đủ lớn hay thị trường có thể làm marketing được. Trong khi đó, tại thị trường Đông Nam Á, thương mại điện tử ở Việt Nam được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất của khu vực. Do đó, dịch vụ vận chuyển, chuyển phát nhằm hỗ trợ cho thương mại điện tử cũng phải mở rộng để kịp thời đáp ứng nhu cầu giao nhận đơn hàng ngày càng lớn của khách hàng. Trong đó phải chú trọng vào dịch vụ giao hàng chất lượng, không những phải đáp ứng được tiêu chí về giá cước hợp lý mà còn phải đáp ứng được yêu cầu về khả năng giao hàng nhanh, hiệu quả cho khách hàng, hạn chế các đơn hàng bị hư hỏng đổ vỡ,... Để đáp ứng các nhu cầu thỏa mãn tiêu chuẩn của khách hàng, nhiều đơn vị tư nhân đã tham gia vào ngành giao nhận bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu chuyển phát nhanh để có thể cạnh tranh đáp ứng dịch vụ cho khách hàng. Chính nhờ mô hình nhượng quyền thương hiệu chuyển phát nhanh, những người có đam mê kinh doanh có thể tự mở một bưu cục do chính mình vận hành và khai thác lợi nhuận từ hoạt động giao hàng này.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), với tốc độ tăng trưởng 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số năm 2020. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain & Company, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Tại Việt Nam, theo số liệu mới nhất của Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp ngành Bưu chính đạt khoảng 47.100 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018.

Toàn thị trường hiện có 435 doanh nghiệp hoạt động trong ngành Bưu chính, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân. Riêng 5 doanh nghiệp có vốn nhà nước là Vietnam post, Vietel post, EMS, SPT, Nasco Express dù chỉ chiếm 1% doanh nghiệp nhưng nắm trong tay 60% thị phần doanh thu dịch vụ bưu chính.

Xu hướng nhượng quyền trong lĩnh vực chuyển phát nhanh đã nở rộ trên thế giới và đã được chứng minh là mang lại nhiều thành tựu to lớn cho các quốc gia như YTO Express, STO Express, SF Express, In Express,… Ở Trung Quốc, các hãng chuyển phát lớn như ZJS Express, SF Express, STO Express đều khởi sắc khi áp dụng phương thức đại lý nhượng quyền để mở rộng mạng lưới giao hàng của mình, đặc biệt trong thời kì dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Tuy nhượng quyền kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh hay nói cách khác là nhượng quyền bưu cục mới nổi lên là một ngành có nhiều tiềm năng do nhu cầu chuyển phát các gói hàng nhỏ tăng cao cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành Thương mại điện tử. Đặc biệt trong thời kì dịch Covid-19 đang hoành hành, nhu cầu mua bán online tăng cao, dẫn tới cung và cầu trong dịch vụ chuyển phát nhanh cũng nhờ thế mà tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo Economy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đầu năm 2020 đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Còn theo VECOM, năm 2020, có gần 44.8 triệu người mua sắm trực tuyến và dự đoán đến năm 2025, tổng mức chi tiêu này lên đến 35 tỷ USD. Có thể nói với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử như vậy, xu hướng tất yếu của việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ chuyển phát cho thương mại điện tử là chuyển phát nhanh cũng sẽ phát triển với tốc độ nhanh chóng. Việc kinh doanh nhượng quyền bưu cục được xem là giải pháp để các doanh nghiệp truyền thống tận dụng được công nghệ và chu trình quản lý của doanh nghiệp nhượng quyền và cũng chính là cơ hội nở rộ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp start-up trong mảng công nghệ.

4. Kết luận

Nhượng quyền bưu cục đang ngày càng trở thành một xu hướng và động lực mới với nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Qua phân tích thực trạng và tiềm năng ngành Nhượng quyền bưu cục, ta có thể thấy đây đang được xem là một xu hướng phát triển mới cho không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, mà còn là một “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà đầu tư nước ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. https://andrews.edu.vn/
  2. https://jtexpress.vn/
  3. https://www.best-inc.vn/
  4. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM (2020). Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020.

THE CURRENT SITUATION AND THE DEVELOPMENT POTENTIAL OF  POSTAL FRANCHISE MODEL IN VIETNAM

Master. Lam Pham Thi Hai Ha

Faculty of Transport Economics, University of Transport Technology

Abstract:

The Industry 4.0 has brought many significant changes in the whole economy in general and in many business sectors in Vietnam in particular. The emergence of postal franchise which is a new business mode has contributed to Vietnam’s economic development. This paper analyze the current situation and assess the development potential of  postal franchise model in Vietnam.

Keywords: postal franchise, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 8, tháng 4 năm 2021]