Nhu cầu và mong muốn của sinh viên về các dịch vụ tại Trường Đại học Văn Hiến

ThS. VÕ THỤYTHANH TÂM - TS. HỒ CAO VIỆT - ThS. MAI THỊ HỒNG ĐÀO - ThS. PHẠM PHƯƠNG MAI (Trường Đại học Văn Hiến)

TÓM TẮT:

Với mục đích tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của sinh viên Trường Đại học Văn Hiến về các dịch vụ tại trường, nghiên cứu thực hiện khảo sát 385 sinh viên thuộc 4 khoa lớn: Kinh tế, Khoa học xã hội và Nhân văn, Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, Du lịch. Kết quả cho thấy: 1/2 lượng sinh viên khảo sát có nhu cầu ăn tại căn-tin trường; 30% sinh viên có nhu cầu đi xe buýt của trường; 40% sinh viên có nhu cầu tham gia hoạt động thể thao.

Ngoài ra, sinh viên mong muốn được tư vấn lựa chọn ngành học, môn học và giới thiệu việc làm trong khi học cũng như sau khi tốt nghiệp. Đối với trung tâm hỗ trợ người học, sinh viên mong muốn nhân viên nhiệt tình, vui vẻ, cách thức đăng ký đơn giản và kết quả phúc đáp nhanh chóng. Nhóm tác giả cũng đưa ra những đề xuất khuyến nghị cho lãnh đạo nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu và mong muốn chính đáng của sinh viên.

Từ khóa: Nhu cầu, mong muốn, dịch vụ, sinh viên, đại học.

1. Đặt vấn đề

Đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về nhu cầu và mong muốn của sinh viên đại học (Negovan và Bogdan, 2013; Andreea-Laura, 2013; Chircu, 2014; Nguyễn Thị Kim Dung, 2013; Lại Vũ Kim và cộng sự, 2016). Điều đó chứng tỏ, đây là vấn đề được quan tâm trong xã hội nói chung và trong các trường đại học nói riêng. Trường Đại học Văn Hiến (VHU), tuy mỗi năm tiếp đón hàng nghìn sinh viên mới nhập học nhưng dựa trên số liệu thống kê của Phòng đào tạo VHU, tỷ lệ sinh viên bỏ học cũng tương đối cao, dao động trong khoảng 10 - 15% mỗi năm. Sự gia tăng số lượng sinh viên đã kéo theo nhu cầu tăng cường và giám sát chất lượng của trường nhằm giữ chân các bạn đang theo học cũng như tạo sự truyền miệng, thu hút lượng sinh viên mới.

Trong nghiên cứu của Saleem và cộng sự (2017), có hai điểm quan trọng khi đề cập đến chất lượng của một trường đại học là chất lượng đào tạo và chất lượng dịch vụ. Chất lượng đào tạo nhấn mạnh vào kết quả học tập trong khi chất lượng dịch vụ tập trung vào các mảng dịch vụ được triển khai tại trường. Do đó, nghiên cứu “Nhu cầu và mong muốn của sinh viên về các dịch vụ tại trường Đại học Văn Hiến đã được thực hiện. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra đề xuất kiến nghị đến Ban lãnh đạo trường nhằm đáp ứng nhu cầu và mong muốn chính đáng của sinh viên.

Theo Kotler (2000), nhu cầu là cảm giác thiếu hụt một thứ gì đó mà con người cảm nhận được, còn mong muốn là sự ao ước hoặc khát khao có được một thứ cụ thể để thoã mãn nhu cầu. Nghiên cứu giới hạn tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của sinh viên về căn-tin, xe buýt của trường, các hoạt động thể thao cũng như sự hỗ trợ của nhà trường trong quá trình học tập.

3. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên nền tảng của cơ sở lý thuyết về nhu cầu và mong muốn của sinh viên đại học, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu sơ bộ bằng phương pháp định tính. Cụ thể, thảo luận chuyên gia với 4 giảng viên và chuyên viên đã cộng tác 5 năm tại Trường theo bảng câu hỏi bán cấu trúc và thảo luận với 4 nhóm sinh viên trên một dàn bài soạn sẵn để khai thác các vấn đề xung quanh đề tài. Từ đó, hình thành nên bảng câu hỏi. Nhóm đã tiến hành khảo sát trực tiếp 10 sinh viên nhằm điều chỉnh hình thức bảng hỏi và câu từ trong nội dung để giúp đáp viên hiểu rõ hơn về bảng hỏi. Giai đoạn kế tiếp là triển khai phát phiếu khảo sát đến các lớp học phần.

Tổng số câu hỏi của nghiên cứu là 56. Theo Hair et al. (2009), điều kiện cần thiết để đảm bảo kiểm tra và thống kê là có ít nhất 5 quan sát cho mỗi biến. Do đó, mẫu tối thiểu của nghiên cứu này là n = 56 * 5 = 280 quan sát. Với mong muốn tăng tính đại diện cho tổng thể và loại trừ các phiếu không hợp lệ, tổng cộng có 420 bảng câu hỏi đã được gửi đến sinh viên.

Phương pháp lấy mẫu chỉ tiêu thuận tiện. Cách chọn mẫu dựa trên tỷ lệ: 1:2:2:3 tương ứng với tổng số sinh viên các khoa: Khoa học xã hội và Nhân văn; Du lịch; Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài; Kinh tế. Các lớp học phần được chọn ngẫu nhiên để tiến hành khảo sát.

Tổng số phiếu khảo sát nhận về là 392 phiếu. Sau khi mã hóa và làm sạch dữ liệu, tổng số phiếu hợp lệ có được là 385, đáp ứng yêu cầu về kích thước mẫu. Các kết quả được tổng hợp và phân tích bằng phần mềm SPSS để thống kê mô tả nhu cầu của đáp viên. Phân tích mode để xác định những giá trị xuất hiện nhiều nhất đối với mong muốn của sinh viên và kiểm định Chi-square để tìm hiểu sự khác biệt về nhu cầu giữa nam sinh và nữ sinh, năm vào học và các khoa.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Nhu cầu và mong muốn về căn tin

Khi trả lời cho câu hỏi: “Bạn có nhu cầu ăn ở căn-tin trường không?”, tỷ lệ thu về là 50,1% - 49,9% cho câu trả lời Có - Không. Để hiểu rõ hơn liệu có tồn tại sự khác biệt về nhu cầu ăn tại căn-tin của sinh viên nam và nữ, các khóa và các khoa hay không, kiểm định Chi-square được thực hiện. 

Bảng 1. Kết quả kiểm định chi bình phương về

nhu cầu ăn ở căn tin theo giới tính, năm vào học và các khoa

ket_qua_kiem_dinh_chi_binh_phuong

Dựa theo kết quả ở Bảng 1, p-value (sig.) của 3 biến: Giới tính, Năm vào học và Khoa đều lớn hơn a=0,05. Có thể kết luận, không có sự khác biệt về Nhu cầu ăn ở căn-tin giữa sinh viên nam và nữ, năm vào học và khoa học.

Đối với mức độ mong muốn về căn-tin, sinh viên mong muốn nhất là: Căn-tin thông thoáng, mát mẻ; thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn; nhân viên nhiệt tình, vui vẻ.

Bảng 2. Mức độ mong muốn đối với căn-tin trường

muc_do_mong_muon_doi_voi_can-tin_truong

3.2. Nhu cầu và mong muốn về xe buýt trường

Với ý định tạo thêm sự thuận lợi cho sinh viên, giảm thiểu lượng xe máy, câu hỏi “Bạn có nhu cầu được đi xe buýt của trường” được đặt ra. Tuy nhiên, chỉ có 28,6% sinh viên có nhu cầu đi xe buýt. Đối tượng có nhu cầu đi xe buýt trường chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai với tỷ lệ “Có - Không” lần lượt là 35,6 - 64,4; 30,8 - 69,2 (Bảng 3). Do sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai còn lạ đường và trường có nhiều địa điểm giảng dạy, nên việc di chuyển bằng xe buýt trường khiến các bạn cảm thấy an tâm hơn. Bảng 3 cũng cho thấy, tỷ lệ sinh viên nữ có nhu cầu đi xe buýt chiếm gần 1/3 trên tổng số nữ sinh trong khi các nam sinh có xu hướng tự chạy xe. 

Bảng 3. Nhu cầu đi xe buýt trường của sinh viên phân theo giới tính,

năm vào học và khoa

nhu_cau_di_xe_buyt_truong_cua_sinh_vien_phan_theo_gioi_tinh

Khi được phỏng vấn về mức độ ưu tiên đối với xe buýt trường thì tiêu chí thường được các bạn sinh viên chọn hàng đầu là xe buýt phải hiện đại, mát mẻ và đặc biệt là cần phải an toàn. Kế tiếp, các bạn mong muốn có nhiều tuyến xe buýt để đáp ứng thời gian học. Tài xế vui vẻ hoặc giá vé chưa được các bạn để tâm nên vẫn đang xếp vị trí cuối bảng ưu tiên (Bảng 4).

Bảng 4. Mức độ ưu tiên về mong muốn xe buýt trường

muc_do_uu_tien_ve_mong_muon_xe_buyt_truong

3.3. Nhu cầu và mong muốn về các hoạt động thể thao

43,1% sinh viên có nhu cầu tham gia hoạt động thể thao. Trong đó, có sự khác biệt về giới tính (Sig. = 0,00 < 0,05) và năm vào học (Sig. = 0,037 < 0,05) (Bảng 5). Chưa có bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của khoa đến nhu cầu tham gia thể thao tại trường của sinh viên (Sig. = 0,169 > 0,05) (Bảng 6).

Bảng 5. Nhu cầu tham gia hoạt động thể thao

nhu_cau_tham_gia_hoat_dong_the_thao

Bảng 6. Kết quả kiểm định chi bình phương

Nhu cầu tham gia hoạt động thể thao theo giới tính, năm vào học và khoa

1_nhu_cau_tham_gia_hoat_dong_the_thaoCác hoạt động thể dục thể thao sinh viên mong muốn tham gia là: Cầu lông (25,8%), Bơi lội (17,1%), Võ thuật (11,9%), Bóng chuyền (9,7%).

3.4. Mong muốn về sự hỗ trợ người học

Ưu tiên hàng đầu của sinh viên là được tư vấn lựa chọn ngành học, môn học. Song song với đó là mong muốn được giới thiệu việc làm ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường đến khi tốt nghiệp. Sinh viên chưa nghĩ đến tư vấn tâm lý hay giới thiệu học bổng nước ngoài.

Bảng 7. Vấn đề mong muốn được hỗ trợ

van_de_mong_muon_duoc_ho_tro Đối với trung tâm hỗ trợ người học, sinh viên đặt ưu tiên: Thứ nhất là, nhân viên cần nhiệt tình, vui vẻ; Thứ hai là, cách thức đăng ký đơn giản dễ dàng; Thứ ba là, kết quả phúc đáp nhanh chóng. Mong muốn về sự giám sát chặt chẽ từ Ban giám hiệu nhà trường về vấn đề dịch vụ sinh viên hiện đang xếp vị trí cuối bảng.

Bảng 8. Mong muốn đối với dịch vụ sinh viên

mong_muon_doi_voi_dich_vu_sinh_vien

4. Kết luận và kiến nghị

Bên cạnh chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của một trường đại học nhằm thỏa mãn, giữ chân sinh viên và tạo hiệu ứng truyền miệng, thu hút các thế hệ mới. Dựa trên kết quả thu thập được, nhóm nghiên cứu đưa ra các đề xuất.

Về căn-tin trường: Trong thời gian tới, căn-tin cần đa dạng món ăn theo buổi, ngày, tuần phù hợp với sở thích ăn uống của sinh viên. Bên cạnh đó, thực phẩm cần đảm bảo nguồn gốc, các khâu chế biến cần tuân thủ nguyên tắc an toàn và vệ sinh. Hơn thế nữa, nhân viên phục vụ cần lịch sự, vui vẻ và nhiệt tình. Ngoài ra, căn-tin nên tổ chức thêm nhiều chương trình kích cầu như giảm giá, giờ vàng, giá combo cho đội nhóm kết hợp truyền thông quảng bá rộng rãi hơn để xây dựng đội ngũ khách hàng trung thành.

Về xe buýt trường: Trường nên mở lại tuyến xe buýt chất lượng cao và ứng dụng công nghệ số như Grab để sinh viên có thể cập nhật được thời gian di chuyển của xe buýt và đến nơi đón đúng giờ. Điều này vừa thể hiện sự văn minh, vừa giúp cho sinh viên có thể sử dụng tối ưu thời gian rảnh vào việc đọc sách, học tập hay thư giãn. Không nhất thiết phải miễn phí giá vé mà Trường có thể trợ giá cho sinh viên với các mức giá hợp lý để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Về hoạt động thể thao: Các hoạt động thể dục thể thao là hoạt động nâng cao thể chất giúp sinh viên có sức khỏe để học tập tốt. Đề xuất tổ chức các giải thi đấu thể thao giữa sinh viên các khoa và sinh viên các trường, chú trọng vào các bộ môn như cầu lông, võ thuật, bóng chuyền - những môn trường có thể tổ chức. Trong tương lai sắp tới, khi chuyển qua cơ sở mới, trường nên dành một khoảng sân để xây dựng khu thể thao phức hợp và khuyến khích tinh thần rèn luyện thể thao của sinh viên.

Về sự hỗ trợ người học: Nhằm giảm bớt các thủ tục, tạo sự nhanh chóng và thoải mái nhất cho sinh viên, nhà trường cần bổ sung tính năng đăng ký hỗ trợ trực tuyến trên cổng portal, kèm theo đó là hiển thị bảng theo dõi tiến độ giải quyết vấn đề để sinh viên và các bộ phận liên quan có thể truy cập và xử lý tốt hơn, giúp giảm thiểu công tác giấy tờ tại trung tâm hỗ trợ người học cũng như sự chờ đợi của sinh viên. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa một số thủ tục không cần thiết khi xảy ra lỗi hoặc sai sót không phải của sinh viên. Bộ phận hỗ trợ sinh viên là nơi tiếp xúc với sinh viên nhiều nhất nên tạo thiện cảm với các bạn thông qua thái độ vui vẻ, trách nhiệm và chuyên nghiệp.

5. Giới hạn của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo

Do cỡ mẫu thu thập gồm 385 sinh viên, chiếm khoảng 3% tổng số sinh viên đang theo học tại trường nên kết quả nghiên cứu chưa thật sự có thể mang tính đại diện cho tổng thể. Vì vậy, cần có các nghiên cứu tiếp theo với cỡ mẫu lớn hơn và trải đều 7 khoa hiện có để có thể nắm bắt hết nhu cầu của sinh viên.

Mỗi thế hệ sinh viên có những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, phụ thuộc vào sự thay đổi của công nghệ, của kinh tế, đời sống văn hóa. Do đó, đề tài nhu cầu và mong muốn của sinh viên vẫn nên tiếp tục thực hiện định kỳ khi có sự chuyển biến rõ rệt về các đặc điểm của sinh viên nhằm cập nhật sớm nhất những nhu cầu và mong muốn mới phát sinh của các bạn. Từ đó, ban lãnh đạo có thể đưa ra những chính sách, phương án mới thay thế nhằm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của người học, tăng thêm uy tín, hình ảnh thương hiệu, góp phần tăng sự cạnh tranh trong môi trường giáo dục đào tạo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Andreea-Laura, B. (2013). Psycho-educational needs at students and the ability of assuming them, Procedia - Social and Behavioral Sciences, 76, 486 - 490.
  2. Chircu, S. (2014). Career counseling needs for students - a comparative study, Procedia - Social and Behavioral Sciences, 127, pp. 549 - 553.
  3. Hair, J. , Black, W.  C., Babin, B.  J., & Anderson, R.  E. (Eds.). (2009). Multivariate data analysis. Upper Saddle River, NJ, US: Prentice Hall.
  4. Lại Vũ Kim, Phạm Thị Phương Thảo, Đặng Đức Nhu, Nguyễn Trọng Tài (2016). Định hướng nghề nghiệp, nhu cầu học tập và mong muốn nơi làm việc sau tốt nghiệp của học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Nam, Tạp chí Y học dự phòng, 5, tr. 91 - 95.
  5. Maslow, A. H. (1943). A theory of human motivation. Psychological review, 50(4), 370 - 396.
  6. Negovan, V., & Bogdan, C. (2013). Learning Context and Undergraduate Students’ Needs for Autonomy and Competence, Achievement Motivation and Personal Growth Initiative, Procedia. Social and Behavioral Sciences, 78, 300 – 304. DOI: 10.1016/j.sbspro.2013.04.299.
  7. Nguyễn Thị Kim Dung (2013). Nghiên cứu nhu cầu thông tin của sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 1, tr. 31 - 35.
  8. Kotler, P. (2000), Những nguyên lý tiếp thị, tái bản lần 2, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  9. Saleem, S. S., Moosa, K., Imam, A., & Khan, R. S. (2017). Service Quality and Student Satisfaction: The Moderating Role of University Culture, Reputation and Price in Education Sector of Pakistan. Iranian Journal of Management Studies, 10(1).

 

NEEDS AND DESIRES OF STUDENTS FOR SERVICES ORGANIZED

BY VAN HIEN UNIVERSITY

Master. VO THUY THANH TAM

 Ph.D HO CAO VIET

Master. MAI THI HONG DAO

Master. PHAM THI PHUONG MAI

Van Hien University

ABSTRACT:

This study was conducted by interviewing 385 students from four major faculties, including Economics, Social Sciences and Humanities, Foreign Languages ​​and Culture, and Tourism at Van Hien University in order to understanding the needs and desires of students for the university’s services. This study’s results showed that surveyed students have the needs for some services organized by the university including cartering at the school’s canteen (50%), using the school bus (30%), sports activities (40%).

In addition, surveyed students have the needs for advice about choosing majors, courses and references for job placement during and after their graduation. For about the university’s student support center, surveyed students expect the staff be enthusiastic with quick responses and simple service registration. This study also makes recommendations to school leaders to meet the legitimate needs and desires of students.

Keywords: Needs, desire, services, students, university.