Hướng đi hữu hiệu để mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu
Những năm gần đây, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua kênh thương mại điện tử trở thành điểm nhấn nổi bật trong trong bức tranh thương mại Việt Nam. Đặc biệt, thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển và được coi là hướng đi hữu hiệu cho doanh nghiệp để thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trước bối cảnh đó, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã nhanh chóng triển khai các các mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến và hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam đem lại kết quả tích cực.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường.
Cụ thể, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba.com, TikTok, Amazon.com, Lazada, Tiki, Foodmap, Postmart, Voso, Shopee, Sendo,… triển khai các thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số nói chung cũng như sàn thương mại điện tử nói riêng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mới đây nhất, Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp với Alibaba.com triển khai, xây dựng và vận hành “Gian hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion” trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Đây sẽ là không gian hàng hoá Made-in-Việt Nam trên Sàn thương mại điện tử Alibaba.com, tập hợp giới thiệu các hàng trăm doanh nghiệp, thương hiệu uy tín và sản phẩm chất lượng, để đại diện xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, đồng thời; hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động kết nối thương mại kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế.
Doanh nghiệp cần đáp ứng những tiêu chí nào?
Chia sẻ về thông tin này, ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp chặt chẽ với sàn thương mại điện tử Alibaba.com xây dựng và phát triển "Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion" trên Alibaba.com, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm Việt Nam tới khách hàng quốc tế cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam ra toàn thế giới.
Ông Nguyễn Thành Dương đánh giá, với 260 triệu người dùng, 47 triệu nhà mua hàng, doanh nghiệp trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Alibaba.com là một sàn thương mại điện tử rất tiềm năng đối với những doanh nghiệp có ý định xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, mặt hàng mới thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Gian hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên Alibaba.com sẽ là nơi tập hợp của 100 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Gian hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion sẽ giúp nâng cao nhận thức về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đối với những khách hàng quốc tế, từ đó xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hoá Việt Nam tại thị trường quốc tế và thúc đẩy giao thương giữa nhà mua hàng quốc tế và nhà bán hàng Việt Nam.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho biết, Alibaba.com và Cục Xúc tiến thương mại đã và đang soạn thảo bộ tiêu chí, dự kiến sẽ công bố vào tháng 11/2023, tuyển chọn những doanh nghiệp có thể tham gia vào Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Alibaba.com.
Bộ tiêu chí sẽ gồm 14 tiêu chí thuộc 5 nhóm. Cụ thể, nhóm đầu tiên là nhóm bắt buộc phải có một gian hàng trên sàn Alibaba.com; nhóm thứ hai là tiêu chí doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm made-in-Việt Nam; nhóm thứ ba tập trung vào yếu tố về uy tín và chất lượng; nhóm thứ tư tập trung vào năng lực sử dụng thương mại điện tử thường xuyên vận hành hiệu quả; và nhóm cuối cùng là các ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp có thực sự có tiềm năng xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Phương Uyên cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào sàn thương mại điện tử nói chung và sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Alibaba.com nói riêng có ưu điểm về giá cả khá cạnh tranh và mẫu mã sản phẩm đa dạng. Đồng thời chất lượng của các sản phẩm Việt Nam không hề kém cạnh so với những nhà cung cấp khác đã tồn tại trên sàn Alibaba.com hơn 23 năm qua.
Ngoài ra, không thể không kể đến một lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam tự tin đẩy mạnh xuất khẩu đó là những lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Trong đó, lợi thế về thuế xuất nhập khẩu thấp hoặc đạt mức bằng 0 đối với các quốc gia như Anh hay EU sẽ là lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các nhà cung cấp khác mà doanh nghiệp Việt Nam nên nắm giữ và tận dụng.
Có thể thấy, Tại Việt Nam, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp còn rất lớn. Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt hơn 80 ngàn tỷ đồng.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thông qua thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 ngàn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn.
Việc hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương với các nền tảng thương mại điện tử nói chung và Alibaba.com nói riêng sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại đã cùng các đối tác tiến hành các hoạt động tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho các doanh nghiệp.
Qua đó, cùng với thế mạnh của các sàn thương mại điện tử, đặc biệt các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ thúc đẩy sản phẩm, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.