Chiều 10/1, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tổ chức Hội nghị công chức, viên chức, người lao động tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Trương Thanh Hoài tham dự và chỉ đạo Hội nghị, cùng với sự tham gia của đại diện các Cục, Vụ liên quan và các đơn vị trực thuộc Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
Công tác xây dựng pháp luật kỹ thuật an toàn ngành Công Thương là điểm sáng
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Trịnh Văn Thuận cho biết, các hoạt động thực thi công vụ theo chức năng, nhiệm vụ của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trong năm 2024 đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức, giúp ngành Công Thương đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững ngành Công Thương trong thời gian qua, tạo tiền đề cho việc hoàn thành nhiệm kế hoạch trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2020 - 2025.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã hoàn thành xuất sắc các công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường ngành Công Thương, nổi bật với con số 14 văn bản quy phạm pháp luật được Cục chủ trì xây dựng và ban hành, chiếm 34,1% tổng số Nghị định, Thông tư ban hành của Bộ Công Thương theo kế hoạch từ đầu năm.
Tất cả nhiệm vụ chuyên môn bao gồm an toàn kỹ thuật, an toàn vệ sinh lao động và phòng cháy chữa cháy; quản lý an toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thủy điện; quản lý an toàn khoáng sản và vật liệu nổ công nghiệp; bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn; thường trực Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, Phòng chống khủng bố Bộ Công Thương... đều được Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thực hiện theo quy định.
Đáng chú ý, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã thực hiện nhiệm vụ về “thực trạng và giải pháp thúc đẩy xanh hóa công nghiệp” làm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng “Đề án xanh hóa công nghiệp giai đoạn đến 2030” trình Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 và Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030; tham mưu Lãnh đạo Bộ giải quyết dứt điểm kiến nghị kéo dài của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về vấn đề khí, bụi thải của trung tâm điện lực Vĩnh Tân (từ năm 2019 tới năm 2024).
Lãnh đạo một số Cục, Vụ và Công đoàn Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị
Để đảm bảo các mục tiêu phát triển chung của ngành Công Thương trong năm 2025 đã đặt ra theo hướng phát triển bền vững, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã nhận thức rõ trách nhiệm, nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý an toàn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương là hết sức nặng nề.
Trên tinh thần đó, Cục đặt ra một số kế hoạch nhiệm vụ trong năm 2025:
(1) Tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, công tác an toàn và bảo vệ môi trường trong ngành công thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
(2) Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao của Bộ Công Thương và công tác đầu mối phối hợp với Bộ Công an về phòng cháy, chữa cháy;
(3) Thực hiện công việc theo phân công của Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương và Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động;
(4) Tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn vận hành hồ chứa thủy điện và an toàn hệ thống lưới điện; kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện tại các công trình thủy điện thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác an toàn, an toàn vệ sinh lao động và phòng cháy chữa cháy trong ngành công thương;
(5) Tiếp tục đôn đốc các đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao trong Quyết định 1375/QĐ-TTg về kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025; xây dựng trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường ngành công thương năm 2025 từ nguồn sự nghiệp môi trường;
(6) Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường, nghiên cứu xây dựng đề xuất chiến lược phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất xây dựng dự thảo Đề án Xanh hóa công nghiệp đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức triển khai Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường giai đoạn 2025 - 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập trung xây dựng chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường giai đoạn 2025 - 2035
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đánh giá cao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, lũ lụt do bão và lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng nêu ra các vấn đề cần được quan tâm hơn nữa và những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đúng với chức năng, nhiệm vụ của Cục trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, khẩn trương công bố các kết quả nghiên cứu khoa học để tối ưu hóa các thông số kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Thứ hai, tập trung xây dựng chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường giai đoạn 2025 - 2035.
Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan để quản lý toàn diện các vấn đề về môi trường, tránh chồng chéo.
Thứ tư, xem xét việc thành lập một đơn vị chuyên trách về thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, cũng như bổ sung thêm nhiệm vụ cho Cục như quản lý vật liệu nổ, tiền chất nổ, quản lý khí thải và thu hồi CO2 từ các nhà máy nhiệt điện.
Thứ năm, tập trung xem xét lại vị trí, tổ chức bộ máy của Cục để đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về môi trường theo tinh thần Nghị quyết 18, giảm số lượng đầu mối quản lý, tập trung về một đơn vị chuyên trách.