Phát triển công nghệ tài chính - xu hướng, động lực và cơ hội cho Việt Nam

TS. PHẠM HOÀI NAM (Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Công nghệ tài chính (Fintech - Financial Technology) đã trở thành một hiện tượng, một xu thế phát triển nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp tài chính, các nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Fintech đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, góp phần thay đổi bộ mặt của lĩnh vực tài chính trên thế giới. Với điều kiện hiện tại của Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, triển vọng phát triển Fintech tại Việt Nam rất lớn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, quản lý rủi ro, đặc biệt là an ninh thông tin và an ninh mạng cho cả ngành tài chính. Vì vậy, bài viết này tập trung đi sâu vào nhận diện những xu hướng mới, những cơ hội và động lực phát triển cho Fintech Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: fintech, công nghệ tài chính, xu hướng, động lực, cơ hội.

1. Tổng quan về Fintech

1.1. Khái niệm Fintech      

Công nghệ thông tin và mạng Internet đang ngày càng phát triển vượt bậc đã chi phối và ảnh hưởng hầu hết mọi lĩnh vực, mọi hoạt động của các đối tượng tham gia, ngành tài chính ngân hàng - một trong những ngành kinh tế hiện đại cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các ứng dụng công nghệ thông tin được ví những làn sóng mới, làm thay đổi toàn bộ hệ thống cung ứng và vận hành các dịch vụ tài chính truyền thống. Và thuật ngữ Fintech đã ra đời từ chính những làn sóng đó. Fintech là sự kết hợp giữa Finance (tiền tệ, tài chính) và Technology (công nghệ), hiểu một cách đơn giản đó là công nghệ tài chính. Fintech đề cập đến việc tận dụng sự sáng tạo công nghệ để sử dụng trong các hoạt động, dịch vụ tài chính. Fintech không bắt nguồn từ những hệ thống tiền tệ hiện có mà nó đánh dấu sự xâm lấn của công nghệ thông tin vào những hệ thống tiền tệ đó. Như vậy, Fintech có thể bao hàm cả những ứng dụng, quy trình, sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh mới trong dịch vụ tài chính, nhưng tựu chung sẽ bao gồm yếu tố dịch vụ tài chính là cơ bản và được cung cấp trên nền tảng dịch vụ qua Internet. Các dịch vụ này phát sinh từ các nhà cung cấp dịch vụ liên kết với nhau, bao gồm ít nhất một đơn vị tài chính - ngân hàng hoặc một hãng bảo hiểm.

Khác với thị trường tài chính truyền thống chỉ bao gồm 2 đối tượng là các định chế tài chính và khách hàng, đối với Fintech các đối tượng sẽ bao gồm 3 bên, có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Bao gồm:

(1) Các công ty Fintech: là các công ty độc lập, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực tài chính. Khách hàng của các công ty Fintech có thể là người sử dụng cuối cùng và cũng có thể là các định chế tài chính.

(2) Các định chế tài chính: là các thực thể quan trọng trong ngành tài chính như ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, chứng khoán, công ty tài chính,… Do nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ, các định chế tài chính này ngày càng có sự hợp tác sâu rộng với các công ty Fintech. Đồng thời tiến hành đầu tư trực tiếp vào các công ty Fintech hoặc các hoạt động nghiên cứu, từ đó chủ động nắm giữ công nghệ mới và chiếm lĩnh thị trường.

(3) Khách hàng: là người sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính, khách hàng chính là người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự cạnh tranh giữa các định chế tài chính, các công ty Fintech hay những tiện ích mà công nghệ mới mang lại.

1.2. Những nhóm sản phẩm chính của Fintech

Các công ty Fintech đang cung cấp các dịch vụ tài chính rất đa dạng từ công nghệ ngân hàng, thanh toán, hỗ trợ tài chính doanh nghiệp, tài chính cá nhân, các loại tiền kỹ thuật số, các dịch vụ thay thế dịch vụ lõi của hệ thống tài chính - ngân hàng,… Có thể chia thành 2 nhóm sau đây:

Nhóm thứ nhất: các sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng, các công cụ kỹ thuật số và công nghệ khác. Mục đích của nhóm sản phẩm này nhằm cải thiện quy trình vay, quản lý tiền bạc và tài trợ vốn cho các start-up.

Nhóm thứ hai: các sản phẩm công nghệ “back - office”. Nhóm sản phẩm này hỗ trợ hoạt động của các định chế tài chính cũng như chính các công ty Fintech.

Một số sản phẩm, dịch vụ chính do Fintech cung cấp được liệt kê ở Bảng 1:

Bảng 1. Một số sản phẩm, dịch vụ chính do Fintech cung cap

Một số sản phẩm, dịch vụ chính do Fintech cung cap

Nguồn: “Fintech Industry Overview 2016, SparkLabs Global Venture” và “Basel Committee on Banking Supervision, 2017”.

2. Xu hướng, động lực và cơ hội khi phát triển Fintech ở Việt Nam

2.1. Sơ lược về thực trạng các công ty Fintech Việt Nam       

Theo Báo cáo Fintech Việt Nam 2020 thống kê về tình hình phát triển của các công ty Fintech cho thấy, các công ty này được chia thành 2 nhóm để phát triển. Nhóm đầu tiên với xấp xỉ 50% là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số giúp cải thiện các phương án cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup như ví điện tử, bitcoin, thương mại trực tuyến B2C, mPOS,…; và nhóm thứ hai với 48% các công ty “back - office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số như 2C2P, VTPay, VTCPay, BankPlus, VNPay,… Cũng theo báo cáo này, số lượng những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam tăng hơn 179% trong giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% số lượng các công ty khởi nghiệp Fintech. Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam có 39 nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến năm 2019, có 4,2 triệu người dùng ví điện tử trên tổng số 100 triệu dân. Số liệu này cho thấy vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển trong lĩnh vực thanh toán trong nước có tính cạnh tranh cao với ngày càng nhiều công ty tham gia đầu tư. Đồng thời, giai đoạn vừa qua cũng chứng kiến sự xuất hiện của công nghệ bảo hiểm, ngân hàng kỹ thuật số và các doanh nghiệp tài chính vừa và nhỏ; đây là các phân khúc chưa có sự tham gia của các công ty kinh doanh trước đó. Tuy đã có những bước tiến đáng kể trong giai đoạn vừa qua, xong lĩnh vực Fintech của Việt Nam vẫn còn non trẻ khi so sánh với các quốc gia khác trên thế giới. Hơn nữa, còn một số phân khúc chưa có công ty thành lập và hoạt động kinh doanh như quản lý dữ liệu/tín dụng/tính điểm và huy động vốn cộng đồng.

2.2. Xu hướng phát triển mới của Fintech

Lĩnh vực Fintech đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Cùng với thời gian và sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, Fintech đã góp phần đẩy mạnh sự hữu dụng của các phần mềm, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ. Cụ thể: (1) Làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống: Fintech thâm nhập ngày càng mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, bên cạnh những lĩnh vực truyền thống vốn là thế mạnh của ngân hàng. Hơn nữa, Fintech sẽ tiếp tục phát triển sang các lĩnh vực có nhiều tiềm năng khác như dịch vụ chuyển tiền quốc tế, P2P (cho vay ngang hàng), gọi vốn cộng đồng,…(2) Hỗ trợ các ứng dụng công nghệ cao: Fintech sẽ tiếp tục đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới, nâng cao tiện ích cho người sử dụng cũng như mức độ bảo mật cho khách hàng, áp dụng rộng rãi công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, sử dụng các công nghệ hiện đại và dữ liệu từ mạng xã hội để nâng cao các quyết định đầu tư,…; (3) Thị trường lao động của các lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng có sự thay đổi đáng kể. Công nghệ được dự đoán sẽ thay thế cho một lượng lớn nhân viên từ các tổ chức tài chính, bảo hiểm, công ty chứng khoán, ngân hàng,… Thay vào đó, nhu cầu nguồn lực chất lượng cao (giỏi cả về công nghệ thông tin lẫn chuyên môn nghiệp vụ tài chính) được chú trọng.

Hiện tại, dù trải qua thời kỳ dịch bệnh kéo dài với nhiều biến động xong trong thời gian ngắn tới có thể sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong lĩnh vực Fintech. Có thể liệt kê một số xu hướng Fintech nổi bật như Tiền điện tử, Cho vay ngang hàng (P2P Lending), Ví điện tử (Ví tiền online),…  Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước dự kiến từ năm 2021 sẽ chính thức tiến hành tiếp nhận hồ sơ và chấp thuận cho các ngân hàng, công ty cung ứng giải pháp Fntech tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Khi tham gia Cơ chế thử nghiệm theo dự thảo Nghị định đang được xây dựng thì thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng, hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn,… sẽ là những lĩnh vực mà Fintech được góp mặt, xong cần có sự kiểm soát và đánh giá chặt chẽ của các cơ quan quản lý.

2.3. Động lực phát triển Fintech

Những động lực chính của cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và của Fintech nói riêng là sự thay đổi trong kỳ vọng của người dùng, sự hội tụ của các công nghệ mới cùng với sự xuất hiện các mô hình kinh doanh mới. Năm 2016, PwC thực hiện khảo sát có tên “Công nghệ 4.0: Xây dựng công ty kỹ thuật số” trên phạm vi là 2.000 công ty ở 26 quốc gia. Kết quả cho thấy, tỷ lệ phần trăm kỹ thuật số hóa của những công ty sẽ tăng từ 33% lên 72% trong vòng 5 năm tới. Hơn nữa, các công ty này còn dành 5% doanh thu để đầu tư vào kỹ thuật số hóa. Cũng theo kết quả khảo sát này, lợi ích mà công nghệ 4.0 sẽ mang lại cho công ty trong khu vực châu Á, như tăng doanh thu 39%, tăng hiệu quả sản xuất 68% và giảm chi phí 57%. Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế mới nổi nói chung luôn là mảnh đất màu mỡ, tạo điều kiện và đón nhận sự phát triển của những ứng dụng mới, nhờ việc áp dụng nhanh chóng công nghệ, mức sử dụng điện thoại thông minh cao, tỷ lệ sử dụng internet tăng,… Hơn nữa, Việt Nam nằm trong khu vực ASEAN - khu vực đang được ghi nhận là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt, là một trong những khu vực phát triển cực kỳ năng động và dễ dàng thích nghi với những tiến bộ công nghệ mới. Những yếu tố này và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam cũng thu hút được đầu tư tốt hơn. Mặt khác, chính những lỗ hổng về quản lý tài chính và nhu cầu gia tăng về dịch vụ hiện đại đang nở rộ ở Việt Nam cũng khiến nước ta trở thành một thị trường  đầy tiềm năng cho các công ty Fintech tiếp cận và khai thác. Có thể dễ dàng nhận thấy số lượng quỹ đầu tư và vườn ươm khởi nghiệp lớn với các tên tuổi ở Việt Nam hiện nay khá nhiều như VIISA, VSV, Innovatube, NextTech, VinaCapital,... Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các công ty khởi nghiệp với Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp; và khuôn khổ pháp lý về Fintech cũng đang được các cơ quan chức năng thực sự quan tâm,…

2.4. Cơ hội phát triển Fintech

Do việc phát triển Fintech đang trở thành những ưu tiên chính sách hàng đầu của Chính phủ, nên Chính phủ đã đưa ra lộ trình để phát triển đầu tư cho các start-up, các công ty Fintech, đồng thời phát triển nền tảng cơ sở vật chất cho công nghệ cũng như hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển các công ty, nỗ lực bảo vệ cho người dùng. Có thể thấy khi phát triển Fintech thúc đẩy cơ hội hoàn thiện hệ thống tài chính của quốc gia song hành với thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế. Sự bùng nổ của các giải pháp Fintech do các tổ chức phi ngân hàng phát triển trong thời gian qua đã có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt trong việc thúc đẩy mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính. Do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông, không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng lớn, các công ty Fintech đã và đang thu hút được một lượng lớn khách hàng, đặc biệt là người dân sống ở khu vực vùng xa xôi. Đây là những đối tượng khách hàng mà các ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống còn chưa tiếp cận và phục vụ đầy đủ. Tuy nhiên, không vì thế mà các ngân hàng truyền thống đứng ngoài cuộc chơi. Có thể thấy, xu thế chủ đạo trong thời gian qua vẫn là mô hình kết hợp giữa Fintech và ngân hàng. Sự kết hợp giữa Fintech và ngân hàng tạo ra các dịch vụ tài chính, ngân hàng với chất lượng cao, nhiều trải nghiệm và tiện ích hơn, thời gian xử lý nhanh hơn trong khi chi phí dịch vụ lại có thể thấp hơn dựa trên nền tảng công nghệ rẻ hơn, quản lý rủi ro hiệu quả hơn, phân tán rủi ro khi đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, gia tăng sự liên kết và cạnh tranh số lượng người tham gia trên thị trường tài chính. Nhờ đó, ngân hàng có thể thu hút được thêm nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ giá trị gia tăng.

Fintech đang được kỳ vọng có thể mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính đang còn nhiều hạn chế. Có thể liệt kê như sau:

(1) Phát triển Fintech được coi là động lực thúc đẩy sự phát triển hệ thống tài chính, hay tài chính toàn diện. Việc tuân thủ quy định hành lang pháp lý quốc tế và sự an toàn - bảo mật cũng cần được đáp ứng nghiêm ngặt khi tham gia vào các hệ thống tài chính này. Với Việt Nam cũng như các nước đang phát triển vốn dĩ khó có thể đáp ứng ngay lập tức các yêu cầu đó thì việc tìm kiếm giải pháp từ công nghệ thông tin với chi phí rẻ, quảng báo rộng rãi hiệu quả được coi là giải pháp tối ưu.

 (2) Thúc đẩy quá trình “toàn cầu hóa” về lĩnh vực tài chính. Dựa trên mạng lưới công nghệ thông tin vạn vật kết nối, các sản phẩm dịch vụ tài chính mà các công ty Fintech ở các nước kém phát triển hơn có thể có cơ hội tiếp cận với người dùng, khách hàng dễ dàng hơn. Điều này cũng mang lại cho người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính từ các ngân hàng, hãng bảo hiểm lớn trên thị trường.

(3) Làn sóng công nghệ đang góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả hơn. Thông qua thúc đẩy tài chính toàn diện, các công ty Fintech đã và đang giúp các doanh nghiệp thông qua mạng lưới thương mại điện tử và thanh toán điện tử có cơ hội tiếp cận và cung cấp sản phẩm của mình ra bên ngoài.

3. Kết luận

Sự bùng nổ của Fintech ở Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các định chế tài chính, các start - up, các công ty công nghệ cũng như Chính phủ. Với những đặc điểm, nhóm sản phẩm chính của Fintech được trình bày ở trên cho thấy Fintech đang là một xu hướng tất yếu để cải tiến hoạt động của hệ thống tài chính quốc gia và phát triển kinh tế trong thời đại công nghệ số. Thị trường Fintech Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất cao và sẽ tiếp tục thu hút nguồn tài trợ từ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, áp lực cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng gia tăng. Có thể dễ dàng nhận thấy Fintech sẽ trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư nóng nhất trên thị trường toàn cầu trong tương lai không xa. Việc tìm hiểu về Fintech, những cơ hội, những động lực phát triển cũng như những lo ngại xung quanh Fintech một cách cụ thể có thể giúp các công ty Fintech Việt Nam lựa chọn hướng đi đúng đắn cho mình trong tương lai. Đồng thời, xu hướng mới này rất cần thêm những động thái mạnh mẽ từ Chính phủ, cũng như của các nhà đầu tư để hiện thực hóa và phát triển Fintech một cách sâu rộng ở thị trường Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hà Văn Dương, Hà Phạm Diễm Trang, Nguyễn Hoàng Mỹ Lệ (2018). Fintech: Hệ sinh thái ở các nước và vận dụng tại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, 1, 32-39.
  2. Trần Lương Mộng Trinh (2021). Fintech xu hướng phát triển tài chính hiện đại. Tạp chí Công Thương, 4, 244-249.
  3. PwC. (2017). Financial Services Technology 2020 and Beyond: Embracing disruption. Truy cập tại https://www.pwc.com/gx/en/financial-services/assets/pdf/technology2020-and-beyond.pdf
  4. Vietnam IT Landscape. (2020). Vận hội mới của ngành IT Việt Nam trước sóng đầu tư (2020). Truy cập tại https://topdev.vn/TopDev_VietnamITLandscape_2020.pdf
  5. Fintechnews Singapore. (2020). Vietnam Fintech Report 2020. Truy cập tại https://fintechnews.sg/wp-content/uploads/2020/11/Vietnam-Fintech-Report-2020.pdf
  6. Fintechnews Singapore. (2021). Singapore Fintech Report 2021: Blockchain Dominates Singapore Fintech Scene. Truy cập tại https://fintechnews.sg/47131/studies/singapore-fintech-report-2021-blockchain-dominates-singapores-fintech-scene/
  7. Fintechnews Singapore. (2020). 2020 Fintech Vietnam Report and Startup Map: Fintech Startups Tripled since 2017. Truy cập tại https://fintechnews.sg/45354/vietnam/2020-fintech-vietnam-report-and-startup- map/

TRENDS AND OPPORTUNITIES

FOR THE DEVELOPMENT OF FINTECH IN VIETNAM

Ph.D PHAM HOAI NAM

Banking Academy  

ABSTRACT:

Fintech (Financial technology) is a development trend that has received much attention from financial enterprises, investors as well as regulatory agencies of many countries including Vietnam. Fintech is growing strongly and has great influence globally, contributing to changing the global financial sector. With the current conditions of Vietnam and the country’s current integration and development process, fintech has great development potential in Vietnam. The growth of fintech will help to enhance innovation activities, risk management, especially information and network security for the financial sector. This paper focuses on identifying new trends and opportunities for the development of fintech in Vietnam in the current period.

Keywords: fintech, financial technology, trend, driving force, opportunity

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]