Quản lý hoạt động tín dụng tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Tam Đảo

NGUYỄN VĂN THÔNG (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng quản lý hoạt động tín dụng (HĐTD) tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Tam Đảo (Agribank Tam Đảo), đồng thời chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý HĐTD. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp và kiến nghị.

Từ khóa: tín dụng, quản lý tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Agribank Tam Đảo.

1. Đặt vấn đề

Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, hệ thống các ngân hàng thương mại đã có những bước phát triển vượt bậc, lớn mạnh về mọi mặt cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, hoạt động tín dụng (HĐTD) ngân hàng luôn là một trong những hoạt động kinh doanh không chỉ mang lại doanh thu cho ngân hàng, mà còn mang lại lợi ích cho nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng [2]. Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, nếu rủi ro xảy ra sẽ tác động mạnh đến kết quả kinh doanh cũng như sự phát triển của ngân hàng. Vì vậy, quản lý HĐTD có vai trò quan trọng đối với ngân hàng thương mại .

Agribank Tam Đảo là một trong những đơn vị của hệ thống Agribank cung ứng vốn cho nhiều dự án, công trình xây dựng cũng như các tổ chức, cá nhân góp phần vào sự phát triển của đất nước và kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018 - 2020 do chịu ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu suy giảm, khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, khiến HĐTD của Chi nhánh đã gặp nhiều vấn đề nảy sinh như tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay giảm (năm 2020, tốc độ tăng trưởng cho vay chỉ đạt 11,29%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm 2019 là 28,81%)[1]. Bên cạnh đó, giá trị nợ quá hạn, nợ xấu tại Chi nhánh đang có xu hướng gia tăng, kết quả thực hiện năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra.

Xuất phát từ những bất cập còn tồn tại và nhận thức được ý nghĩa trong việc quản lý HĐTD ngân hàng, tác giả lựa chọn chủ đề bài viết: “Quản lý hoạt động tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Tam Đảo”.

2. Thực trạng quản lý HĐTD tại Agribank Tam Đảo

2.1. Phân tích thực trạng quản lý HĐTD tại Agribank Tam Đảo

2.1.1. Chính sách tín dụng tại Agribank Tam Đảo

a. Chính sách tín dụng

Thứ nhất, chính sách về điều kiện cấp tín dụng tại Chi nhánh. Agribank Tam Đảo xem xét cho vay đối với những khách hàng cá nhân đảm bảo các điều kiện theo quy định của chi nhánh có nghề nghiệp và thu nhập ổn định; khách hàng có nợ vay/tổng tài sản < 75%; khách hàng có tổng nợ phải trả hàng tháng < 80% tổng thu nhập, thu nhập còn lại đủ mức chỉ tiêu tối thiểu tại địa bàn sinh sống; khách hàng có nơi cư ngụ < 35km với các điểm giao dịch của Chi nhánh; các hộ gia đình, cơ sở sản xuất - kinh doanh cá thể có thời gian hoạt động ngành nghề hiện hữu và liên tục trên 1 năm; có lịch sử tín dụng, lịch sử bản thân, quan hệ xã hội rõ ràng, tốt. Đối với khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp, Agribank Tam Đảo xem xét cho vay đối với những khách hàng đảm bảo các điều kiện như: có tư cách pháp nhân rõ ràng; hoạt động kinh doanh không bị lỗ trong 2 năm liên tiếp; các chiến lược kinh doanh, sử dụng vốn khả thi, cụ thể và doanh nghiệp phải chứng minh được mục đích sử dụng vốn cũng như xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo. Ngoài ra, chính sách về điều kiện cấp tín dụng tại Agribank Tam Đảo cũng quy định rõ không cấp tín dụng đối với một số các khách hàng, cá nhân kinh doanh những ngành nghề, như: ngành nghề, mặt hàng pháp luật cấm; dịch vụ tắm hơi; vay vốn để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt có quy mô nhỏ; vay vốn để đầu cơ sắt thép, đầu cơ kinh doanh bất động sản, kinh doanh cầm đồ, làm dịch vụ đảo nợ ngân hàng.

Thứ hai, chính sách về danh mục tín dụng. Agribank Tam Đảo quy định cụ thể về thời hạn cho vay, mức cho vay và các gói sản phẩm cho vay tùy theo từng đối tượng khách hàng, từng sản phẩm và từng giai đoạn, khả năng đáp ứng vốn của Chi nhánh, căn cứ vào những quy định cụ thể của Hội sở và tình hình nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh từng thời kỳ.

Thứ ba, chính sách tài sản đảm bảo. Agribank Tam Đảo hiện tuân thủ chặt chẽ chính sách tài sản đảm bảo của Hội sở, bao gồm: Sổ tiết kiệm; các chứng từ có giá do Agribank hay các ngân hàng khác phát hành (danh sách các ngân hàng phát hành được Chi nhánh chấp thuận được công bố theo từng thời kỳ); Trái phiếu chính phủ; Nhà ở, đất thổ cư, căn hộ chung cư có đầy đủ giấy tờ hợp pháp; Nhà xưởng, văn phòng trên đất sở hữu gia đình và lâu dài có giấy tờ sở hữu đầy đủ và hợp pháp; Máy móc thiết bị, phương tiện vận tải thông dụng phổ biến trên thị trường; Hàng hóa là nguyên vật liệu dễ bảo quản, dễ xác định số lượng và chất lượng và được để tại kho của bên thứ 3. Áp dụng mức cấp tín dụng tối đa đối với 6 loại tài sản đảm bảo riêng biệt, quy định một số tài sản Chi nhánh không nhận thể chấp.

Thứ tư, chính sách về lãi suất tín dụng. Chính sách lãi suất cấp tín dụng tại Agribank huyện Tam Đảo được áp dụng theo sự thỏa thuận của khách hàng và ngân hàng căn cứ theo mức quy định chung của Hội sở và những quy định về mức trần và sàn lãi suất của NHNN. Nhìn chung, chính sách lãi suất cấp tín dụng tại Chi nhánh khá linh hoạt dựa theo các tiêu chí: Thời gian vay, giá trị khoản vay, tài sản đảm bảo các khoản vay có TSĐB khác nhau có lãi suất cho vay khác nhau.

Kết quả khảo sát cho thấy, cán bộ nhân viên Agribank Tam Đảo đánh giá cao sự chi tiết, rõ ràng, cụ thể của quy trình, thủ tục, chính sách tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, các chính sách QLTD cũng đã được Chi nhánh hoạch định căn cứ trên tình hình thực tế địa bàn hoạt động, song luôn bám sát các quy định của Hội sở, đạt 3,87 điểm và 3,77 điểm. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy những hạn chế trong quá trình hoạch định chính sách tín dụng của Agribank Tam Đảo như xác định điều kiện, mức vay với từng đối tượng khách hàng chưa được thực hiện chuyên nghiệp, nghiêm túc, cũng như chưa phổ biến đầy đủ và kịp thời các chính sách tín dụng đến khách hàng.

b. Kế hoạch tín dụng

Hàng năm, Agribank Tam Đảo đã xây dựng kế hoạch tín dụng căn cứ trên số liệu tổng hợp từ các phòng giao dịch. Các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng sau khi xây dựng và phê duyệt sẽ được gửi về Hội sở để tổng hợp thành kế hoạch hoạt động kinh doanh toàn hệ thống.

2.1.2. Tổ chức HĐTD tại Agribank Tam Đảo

a. Thiết lập hồ sơ tín dụng

Quy trình thiết lập hồ sơ khách hàng: Tiếp xúc khách hàng, tìm hiểu thông tin khách hàng Hướng dẫn khách hàng lập giấy đề nghị vay vốn. Yêu cầu khách hàng bổ sung giấy tờ cần thiết.

Bảng 1. Kết quả thiết lập hồ sơ tín dụng tại chi nhánh

ĐVT: Khách hàng

Kết quả thiết lập hồ sơ tín dụng tại chi nhánh

Nguồn: Agribank Tam Đảo và tính toán của tác giả

Bảng 1 cho thấy tốc độ tăng bình quân số lượng khách hàng có nhu cầu vay vốn được tiếp cận  trong 3 năm (2018 - 2020) là 13,62%, tương tự số lượng khách hàng đủ điều kiện thiết lập hồ sơ tín dụng bình quân tăng 17,57%/năm. Trong khi đó, tỷ lệ khách hàng đủ điều kiện thiết lập hồ sơ tín dụng đạt mức chưa cao, tuy nhiên đang có xu hướng tang. Năm 2018, chỉ đạt 71,97% thì đến năm 2020 là 77,07%, đây là tiền đề giúp chi nhánh gia tăng doanh số cũng như dư nợ của HĐTD.

b. Thẩm định tín dụng

Công tác thẩm định tín dụng, xếp hạng khách hàng tại Agribank Tam Đảo luôn tuân thủ theo các tiêu chí đã ban hành của Hội sở và có sự điều chỉnh của Chi nhánh để phù hợp với địa bàn hoạt động.

c. Quyết định tín dụng

Bảng 2. Quyết định tín dụng tại Agribank Tam Đảo

Đơn vị: Khách hàng

Quyết định tín dụng tại Agribank Tam Đảo

Nguồn: Agribank Tam Đảo

Bảng 2 cho thấy số lượng khách hàng được cho vay tối đa nhu cầu, cho vay hạn mức t đều có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, số khách hàng bị hạn chế cho vay cũng đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số khách hàng bị từ chối cho vay hàng năm cũng rất lớn, năm 2018 là 115 khách hàng và ở năm 2020 là 145 khách hàng. Việc đưa ra quyết định tín dụng tại Agribank Tam Đảo khá nghiêm ngặt, tuân thủ đúng các quy định của Hội sở. Tuy nhiên, từ chối cấp tín dụng đối với một số khách hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận từ HĐTD của Chi nhánh. Do đó, trong quản lý HĐTD, Agribank Tam Đảo cần tính toán kỹ lưỡng, cân đối lợi ích giữa việc giảm thiểu rủi ro và tổn thất xảy ra với lợi nhuận kinh doanh đạt được.

d. Ký hợp đồng tín dụng và giải ngân

Kết quả khảo sát đánh giá của khách hàng đối với Agribank Tam Đảo về việc xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ tín dụng là rõ ràng, hợp lý và tuân thủ các quy định, văn bản hướng dẫn của Hội sở để áp dụng thống nhất trong toàn chi nhánh đạt mức khá (3,83 điểm trung bình). Trong quá trình quản lý, cung cấp dịch vụ tín dụng đến khách hàng thì đội ngũ cán bộ tín dụng tại Chi nhánh luôn kịp thời đưa ra hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho khách hàng, tạo tâm lý thoải mái, an tâm của khách hàng vay vốn (kết quả khảo sát đạt 3,72 điểm). Ngoài ra, đối với các sự cố về an toàn, bảo mật thông tin khách hàng, Chi nhánh luôn có những biện pháp khắc phục nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tạo ra uy tín và niềm tin đối với khách hàng vay vốn, đạt 3,77 điểm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế như việc thực hiện chưa đảm bảo nghiêm túc, bài bản, chỉ tiêu này chỉ được khách hàng đánh giá chỉ đạt 3,02 điểm (mức trung bình).

e. Thu hồi nợ gốc và lãi

Trong quá trình QLTD, đã phát sinh một số khách hàng không hoàn thành đúng nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi vay đến hạn, cán bộ tín dụng tại Agribank Tam Đảo đã tiến hành gọi điện và gặp trực tiếp khách hàng để đôn đốc, thúc giục. Tuy nhiên trong năm 2020, mặc dù nhiều khách hàng phát sinh nợ xấu song do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nên số lượng khách hàng ngân hàng gặp trực tiếp giảm đáng kể.

f. Phòng ngừa rủi ro tín dụng

Công tác phòng ngừa rủi ro tín dụng được tiến hành chủ yếu qua việc kiểm tra tài khoản của khách hàng hàng ngày. Những biến động bất thường trong tài khoản sẽ phản ánh phần nào những khó khăn của khách hàng. Ngoài ra, Agribank Tam Đảo còn tiến hành phòng ngừa rủi ro thông qua giám sát các thông tin liên quan đến khách hàng, qua đó có những thông tin kịp thời đánh giá về tình hình tài chính, trả nợ của khách hàng. Tuy nhiên, còn một số khách hàngsử dụng vốn không đúng mục đích vay. Khách hàng nhiều khi còn né tránh không muốn cho cán bộ tín dụng đến thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình. Điều này gây khó khăn trong việc đưa ra các quyết định QLTD của Chi nhánh.

2.1.3. Kiểm tra HĐTD tại Agribank Tam Đảo

Kết quả khảo sát cho thấy, kết quả kiểm tra, kiểm soát HĐTD tại Chi nhánh phản ánh đúng thực tế HĐTD mà Chi nhánh đang thực hiện, đạt số điểm đánh giá cao là 3,89 điểm và 3,81 điểm. Qua đó cho thấy ngân hàng đã xây dựng được quy trình kiểm tra, kiểm soát HĐTD hợp lý nhằm phát hiện các sai sót, gian lận trong quá trình cung cấp tín dụng đến khách hàng, đảm bảo HĐTD có chất lượng cao nhất.

2.2. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến QLTD tại Agribank Tam Đảo

2.2.1. Phân tích yếu tố chủ quan

- Chất lượng đội ngũ cán bộ và nhân viên Agribank Tam Đảo: Tại Agribank Tam Đảo, do sức ép của việc mở rộng mạng lưới và mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, nên Chi nhánh đã liên tục tuyển dụng bổ sung nhân sự để đáp ứng khối lượng công việc phát sinh. Tính đến hết năm 2020, số lượng cán bộ, nhân viên Chi nhánh là 53 người, tăng 4 nhân sự so với năm 2019. Tuy nhiên, do số lượng khách hàng lớn, nên bình quân 1 cán bộ phải quản lý khá nhiều khách hàng, dẫn đến hiện tượng cán bộ đôi khi không nắm rõ thông tin khách hàng, khi thẩm định không chặt chẽ. Mặt khác, bộ phận phê duyệt cho vay cũng không có đủ thời gian để thẩm định lại khách hàng, dẫn đến rủi ro phát sinh ảnh hưởng đến hiệu quả QLTD. Cụ thể như trình bày tại Bảng 3.

Bảng 3. Trình độ nguồn nhân lực tại Agribank Tam Đảo

Trình độ nguồn nhân lực tại Agribank Tam Đảo

Nguồn: Agribank Tam Đảo

Bảng 3 cho thấy trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên tại Agribank Tam Đảo khá cao, chủ yếu nhân lực có trình độ đại học và sau đại học.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, có đến 75% cán bộ, nhân viên Agribank Tam Đảo có thâm niên dưới 3 năm. Mặt khác, do khối lượng công việc phát sinh hàng ngày lớn nên cơ hội và điều kiện được kèm cặp, đào tạo bị hạn chế. Trong HĐTD, phần lớn khách hàng đều tự tìm đến và tiếp cận khoản vay nên công tác tiếp thị, phát triển khách hàng không được chú trọng. Chính vì vậy, kinh nghiệm, kỹ năng tiếp thị, phát triển khách hàng, mở rộng tín dụng của đội ngũ cán bộ, nhân viên Agribank Tam Đảo còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác mở rộng quy mô khách hàng vay vốn, cũng như hiệu quả QLTD của Chi nhánh.

- Thông tin tín dụng: Hiện tại các thông tin tín dụng phục vụ công tác thẩm định, đưa ra quyết định tín dụng được Agribank Tam Đảo thu thập chủ yếu từ hồ sơ vay vốn do khách hàng cung cấp, ngoài ra cũng được thu thập thông qua công tác điều tra hiện trường. Cụ thể:

Năm 2020, chi nhánh có phân công nhiệm vụ cho 2 cán bộ tiến hành thu thập thông tin từ hồ sơ khách hàng gửi (tăng 1 cán bộ so với năm 2019); 3 cán bộ thu thập thông tin qua điều tra thị trường; 2 cán bộ thu thập thông tin qua bạn bè, người thân, đối tác của khách hàng. Tổng số lượng cán bộ đảm nhận nhiệm vụ thu thập hồ sơ thông tin khách hàng phục vụ quyết định tín dụng trong năm là 3 cán bộ.

Tuy nhiên, do số lượng nhân sự không đủ nên không có sự bố trí cán bộ thực hiện độc lập từng hình thức thu thập thông tin. Đồng thời, có khi khối lượng công việc lớn, cán bộ thường lấy luôn thông tin trong hồ sơ vay vốn của khách hàng, nên không đảm bảo tính chính xác của nguồn thông tin thu thập. Đây là những bất cập trong công tác QLTD của Agribank Tam Đảo thời gian qua.

- Công nghệ QLTD: Hiện nay, hệ thống Agribank nói chung và Agribank Tam Đảo nói riêng đang dùng phần mềm quản trị điều hành T24 để hỗ trợ QLTD. T24 có các tính năng theo dõi tình dư nợ, trả lãi, thông báo khách hàng và chấm điểm xếp hạng tín dụng của khách hàng,… tạo thuận lợi cho công tác quản lý HĐTD, nhân viên chi nhánh dễ dàng theo dõi, giám sát khoản vay của khách hàng, đảm bảo chất lượng cho vay cao hơn.

- Kênh phân phối: Với những nỗ lực trong đầu tư phát triển mạng lưới, cơ sở chấp nhận thẻ của toàn hệ thống Agribank, Agribank Tam Đảo đã vươn lên dẫn đầu thị trường về số lượng máy ATM. Cụ thể như tại Bảng 4.

Bảng 4. Hệ thống kênh phân phối của Agribank Tam Đảo
Hệ thống kênh phân phối của Agribank Tam Đảo

Nguồn: Agribank Tam Đảo

Bảng 4 cho thấy Agribank Tam Đảo hiện có 13 máy ATM; 356 thiết bị EDC/POS và 1 máy CDM. Hệ thống kênh phân phối của Agribank Tam Đảo đang ngày càng hoàn thiện và được đầu tư đồng bộ, việc tiên phong phát triển các thiết bị CDM là bước thành công lớn của ngân hàng trong việc nâng cao trải nghiệm đối với khách hàng.

2.2.2. Phân tích nhân tố khách quan

- Môi trường kinh tế - xã hội: Tình hình kinh tế - xã hội biến động đã gây ra nhiều cơ hội và thách thức đối với hoạt động kinh doanh, cũng như hoạt động QLTD của Agribank Tam Đảo giai đoạn 2018-2020. Trong giai đoạn này, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mở rộng và phát triển tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với công tác quản lý nợ xấu, rủi ro tín dụng của Chi nhánh do khả năng trả nợ của khách hàng giảm.

- Môi trường pháp lý: Hiện nay, cơ chế chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đối với HĐTD và QLTD còn nhiều hạn chế. Các quy định về cho vay, bảo đảm tiền vay, xử lý nợ xấu,… chưa hoàn thiện, còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tế, hay thay đổi [3] Mặt khác, sự phối hợp giữa các Ngân hàng và các Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường,… chưa thực sự nhịp nhàng. Các cơ quan có thẩm quyền chưa đủ mạnh để có thể giải quyết các tranh chấp, tố tụng về hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự và phát mại tài sản hoặc chưa thực hiện kịp thời cấp giấy tờ sở hữu cho các chủ sở hữu làm cho việc thế chấp vay vốn Chi nhánh khó khăn phức tạp.

Hệ thống chính sách pháp luật điều chỉnh hoạt động tín dụng tại NHTM nói chung và của Agribank Tam Đảo nói riêng còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng đối với khách hàng cá nhân có bảo đảm bằng tiền lương cũng đang gặp nhiều thách thức. Nhiều trường hợp, khoản vay được xác nhận bảo lãnh khoản vay bởi thủ trưởng cơ quan, nhưng Chi nhánh gặp rất nhiều khó khăn nếu cơ quan, người trả thay không có thiện chí trả nợ. Một số cơ quan, dù đã kí thỏa thuận trích một phần lương cán bộ, công nhân viên vay vốn để trả nợ vay của cá nhân đó, nhưng không thực hiện đúng thỏa thuận, không tạo điều kiện giúp Chi nhánh thu nợ làm ảnh hưởng đến hiệu quả QLTD của ngân hàng do giá trị nợ quá hạn, nợ khó thu hồi tăng.

- Đối thủ cạnh tranh: Môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Agribank Tam Đảo đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn. Mỗi đối thủ cạnh tranh của Agribank Tam Đảo đều có những thế mạnh và điểm yếu riêng. Do đó, để quản lý tốt HĐTD, chi nhánh cần nắm chắc và am hiểu về đối thủ để có những chiến lược phù hợp.

2.3. Đánh giá hoạt động QLTD tại Agribank Tam Đảo

2.3.1. Kết quả đạt được

Agribank Tam Đảo thực hiện theo cơ chế chuyên viên khá bài bản, chuyên nghiệp, có sự chuyên môn hóa theo từng nghiệp vụ phát sinh trong quá trình xét duyệt tín dụng giúp tiết kiệm thời gian phê duyệt cho vay đối với khách hàng của Chi nhánh.

Agribank Tam Đảo đã triển khai áp dụng linh hoạt các chính sách tín dụng và chú trọng cung cấp sản phẩm cho vay mới đến khách hàng. Góp phần giúp hoạt động tín dụng tăng trưởng an toàn, bền vững.

Agribank Tam Đảo đã xây dựng được quy trình tổ chức tín dụng thống nhất, tất cả các khâu của HĐTD đều được quy định cụ thể và phân công cán bộ thực hiện chi tiết, góp phần giảm thiểu sự chồng chéo trong quá trình triển khai cung cấp các khoản tín dụng của Chi nhánh.

Agribank Tam Đảo đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tiến hành nhiều cuộc thanh tra, phúc tra tại các phòng giao dịch và hàng nghìn cuộc kiểm tra đối với từng khách hàng để sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các thiếu sót, sai phạm, chỉ đạo việc chỉnh sửa sau kiểm tra.

2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân

a. Hạn chế

Trong quá trình quản lý chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận nên phát sinh tình trạng hồ sơ vay vốn của khách hàng phải chuyển qua nhiều bộ phận khác nhau, khiến thời gian xét duyệt khoản vay kéo dài gây ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng vay vốn, giảm hiệu quả QLTD. Bên cạnh đó, việc thiết lập bộ máy quản lý theo cơ chế chuyên viên cũng có hạn chế khi đội ngũ chuyên viên chỉ phê duyệt được những khoản vay giá trị thấp. Đối với khoản vay giá trị lớn, hồ sơ vay vốn của khách hàng vẫn cần phải phê duyệt tập trung tại Agribank Vĩnh Phúc II.

Trong hoạt động đánh giá, thẩm định tín dụng, Chi nhánh chủ yếu sử dụng thông tin do khách hàng cung cấp, chưa xây dựng được hệ thống đánh giá tín dụng nội bộ nên việc đánh giá phân loại khách hàng còn gặp nhiều khó khăn.

b. Nguyên nhân của hạn chế

Một số cán bộ nhân viên tại Agribank Tam Đảo trình độ còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong quản lý và xét duyệt tín dụng, đặc biệt là nhân sự thực hiện công tác phân tích tín dụng và công tác tiếp cận khách hàng. Do phải chịu sức ép của việc mở rộng quy mô kinh doanh tại địa bàn hoạt động, Agribank Tam Đảo đã liên tục tuyển dụng nhân viên để đáp ứng nhu cầu nhân sự. Tính đến thời điểm khảo sát, có đến 75% nhân viên Chi nhánh có thâm niên dưới 3 năm và không nắm vững nghiệp vụ khi triển khai cho vay. Mặt khác, do phần lớn nhân viên phân tích tín dụng được bố trí tại các phòng giao dịch nên cơ hội và điều kiện được kèm cặp thực tế bị hạn chế do người đứng đầu phòng giao dịch không có kinh nghiệm hoặc ít kinh nghiệm về nghiệp vụ tín dụng.

Công tác thu thập thông tin tín dụng không được thực hiện bài bản, thiếu những công cụ thu thập thông tin, đánh giá khách hàng, do vậy không đảm bảo độ tin cậy của các quyết định tín dụng.

3. Giải pháp hoàn thiện quản lý HĐTD tại Agribank Tam Đảo

Thứ nhất, nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng. Agribank Tam Đảo cần nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ tín dụng, nâng cao phẩm chất đạo đức của nguồn nhân lực.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong QLTD. Agribank Tam Đảo cần nhanh chóng lắp đặt và sử dụng các công nghệ khi có chủ trương, nâng cao hiệu suất khai thác công nghệ. Chi nhánh cần củng cố và kế thừa các sản phẩm tín dụng mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại của Hội sở. Tăng cường công tác đào tạo, chuẩn hóa về trình độ công nghệ thông tin cho toàn bộ các cán bộ nhân viên trong cơ quan, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến nhân viên tác nghiệp nhằm tăng hiệu quả làm việc và chất lượng phục vụ khách hàng. Cải tiến quy trình nghiệp vụ từ trên xuống dưới nhằm tạo sự phù hợp về công nghệ mới cho Chi nhánh. Những nghiệp vụ không còn phù hợp nên có sự cải tiến hoặc cắt giảm. Khuyến khích việc áp dụng công nghệ mới vào các nghiệp vụ.

Thứ ba, hoàn thiện bộ máy QLTD tại Chi nhánh. Cần cơ cấu lại các bộ phận trong bộ máy QLTD, đặc biệt là bộ phận phục vụ khách hàng. Hiện tại mỗi nhân viên bộ phận phục vụ khách hàng phải xử lý quá nhiều công việc chuyên môn khác nhau bao gồm marketing, phân tích khách hàng, xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng, quản lý khoản vay sau khi giải ngân, thu hồi nợ, dẫn đến làm giảm hiệu quả công việc. Xây dựng quy trình luân chuyển hồ sơ thống nhất từ trên xuống. Nâng cao quyền tự chủ của Chi nhánh trong quá trình xét duyệt cho vay.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách tín dụng. Agribank Tam Đảo nên mở rộng đối tượng cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng chiến lược lãi suất hợp lý.

Thứ năm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định tín dụng. Agribank Tam Đảo cần xây dựng kênh thông tin phục vụ công tác thẩm định, nâng cao trình độ của cán bộ tín dụng trong hoạt động thẩm định, triển khai kịp thời các văn bản nghiệp vụ tín dụng đến toàn thể cán bộ.

4. Kết luận

Từ thực trạng phân tích hoạt động quản lý tín dụng tại Agribank chi nhánh huyện Tam Đảo, kết hợp với định hướng, mục tiêu quản lý tín dụng tại ngân hàng trong giai đoạn tới, tác giả đã đề xuất 5 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý tín dụng tại ngân hàng trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Agribank chi nhánh huyện Tam Đảo, Báo cáo kinh tế thường niên năm 2018, 2019, 2020.
  2. Nguyễn Đăng Dờn (2013), Tín dụng ngân hàng, NXB Thống kê, Hà Nội.
  3. Vũ Thu Thảo (2016), Phát triển cho vay khách hàng DNNVV tại ngân hàng TMCP Vietcombank chi nhánh Hải Dương. Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. UBND huyện Tam Đảo số 564/BC-UBND ngày 09/12/2020, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2021.

CREDIT MANAGEMENT OF THE VIETNAM BANK

 FOR AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT

- TAM DAO DISTRICT BRANCH

• NGUYEN VAN THONG

Thai Nguyen University of Economics and Business Administration  

ABSTRACT:

This study analyzes the current credit management of the  Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development - Tam Dao district branch (Agribank Tam Dao). The study points out the existing limitations in the banks credit management and proposes some solutions and recommendations.

Keywords: credit, credit management, Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]