Theo đó, nhận thấy sản phẩm từ gạo lứt là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, giúp giảm cân bởi khi sử dụng gạo lứt người dùng có cảm giác no lâu, không thèm ăn, giảm đáng kể việc hấp thụ nhiều chất dư thừa thông qua các bữa ăn vặt. Một số món từ gạo lứt giúp giảm cân phải kể đến như cơm gạo lứt, nước gạo lứt, sữa gạo lứt,… Gạo lứt còn giúp làm giảm Cholesterol, giảm huyết áp, có lợi cho sức khỏe tim mạch cũng như người dùng.
Ngoài ra gạo lứt cũng có tác dụng tốt với hệ tiêu hóa, tăng cười sức đề kháng, hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer, cải thiện sức khỏe xương, giảm chứng mất ngủ và các vấn đề liên quan tới sức khỏe. Khi tìm hiểu về lợi ích của gạo lứt, liên tưởng đến những món ăn có thể đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tiện dụng trong cuộc sống, vì vậy ý tưởng chế biến món Phở khô gạo lứt của cơ sở sản xuất kinh doanh Thanh Bình được hình thành.
Xét thấy việc hỗ trợ sản xuất Phở khô gạo lứt từ nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông sản của địa phương là hết sức cần thiết. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam đã hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh Thanh Bình (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất Phở khô gạo lúa rẫy” với tổng nguồn vốn đầu tư đề án 408.000.000 đồng, trong đó: Vốn xin Nhà nước hỗ trợ mua 200.000.000 đồng; Vốn của đơn vị thụ hưởng 208.000.000 đồng.
Sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương 2023, cơ sở sản xuất kinh doanh Thanh Bình đã mạnh dạn đầu tư 2 máy mới 100%, xuất xứ Việt Nam gồm: Máy cán phở liên hoàn, năng suất 9-11 tấn/24 giờ; Máy sấy lạnh, năng suất 100kg/mẻ (lập trình sẵn theo chu trình, tuỳ vào sản phẩm).
Trước đây cơ sở sản xuất kinh doanh Thanh Bình sản xuất phở bằng thủ công, năng suất thấp 100kg/ngày, phụ thuộc vào thời tiết, nhiệt độ không ổn định ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tốn nhân công và thời gian, giá thành sản phẩm cao, thông đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốn diện tích sử dụng và dụng cụ để sản xuất.
Sau khi đầu tư, sản xuất phở bằng máy móc thiết bị mang lại năng suất cao đến 200kg/ngày, không phụ thuộc vào thời tiết, chủ động được thời gian sản xuất, giảm chi phí nhân công và thời gian sản xuất, giá thành thấp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm diện tích sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Đại điện Cơ sở sản xuất kinh doanh Thanh Bình vui mừng chia sẻ: “Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất chế biến đã tạo ra sản phẩm có mẫu mã mới đảm bảo số lượng và chất lượng, giải quyết được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương và các vùng lân cận khác trong địa bàn tỉnh. Đề án Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Namđi vào hoạt động đã giải quyết được một bộ phận lao động tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định cao hơn so với các nghề khác; bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng”.
Nhận xét về hiệu quả của đề án, ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam cho biết, việc hỗ trợ máy cán phở liên hoàn và máy sấy lạnh đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước... góp phần giải quyết việc làm cho lao động và lợi nhuận cho chủ đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh và mở rộng các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển theo hướng bền vững lâu dài, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.