[Quốc tế nổi bật] Mỹ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Một nước muốn gia nhập NATO cần được sự phê chuẩn của toàn bộ 31 thành viên liên minh. Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Mỹ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Nhà Trắng
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông "rất nóng lòng mong chờ tư cách thành viên của Thụy Điển" trong NATO. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí rằng hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius, Lithuania sắp tới là thời điểm phù hợp để hoàn tất việc kết nạp Thụy Điển vào liên minh. Một nước muốn gia nhập NATO cần được sự phê chuẩn của toàn bộ 31 thành viên liên minh. Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Trong cùng ngày 5/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đồng thời nhấn mạnh "tầm quan trọng của sự đoàn kết NATO vào thời điểm này", đồng thời phía Mỹ cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO.

Ukraine không dễ dàng gia nhập NATO

Karine Jean-Pierre
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre vừa đưa ra thông báo cho biết về trường hợp của Ukraine khi nước này phải thực hiện cải cách trước khi có thể gia nhập NATO. Theo bà Karine Jean-Pierre, Washington vẫn cam kết với chính sách mở cửa của NATO, song nhấn mạnh “bất kỳ quyết định nào” về việc mở rộng phải được sự ủng hộ của tất cả các thành viên của liên minh. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington sẽ không “đơn giản hóa" tiến trình gia nhập NATO cho Ukraine. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO không có kế hoạch thảo luận về quá trình gia nhập của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7, ông Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.

Pháp đã chấm dứt bạo loạn

Gerald Darmanin
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin vừa đưa ra lời tuyên bố bạo loạn đã chấm dứt trên toàn bộ quốc gia này. Giới chức Pháp cũng đã tiến hành điều tra cái chết của một thanh niên 17 tuổi bị một cảnh sát bắn chết khi đang dừng chờ đèn giao thông. Được biết, nạn nhân đã không tuân thủ theo yêu cầu của cảnh sát. Sau khi sự việc xảy ra, mẹ của nạn nhân đã đăng một video lên nền tảng TikTok kêu gọi một cuộc nổi dậy để đòi lại công lý cho con trai bà. Sự việc đã thổi bùng làn sóng phẫn nộ, dẫn đến bạo loạn.

Giải pháp chấp dứt chiến tranh của Nga

Dmitry Medvedev
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng nếu Mỹ và đồng minh ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev sẽ kết thúc nhanh chóng. Ông Dmitry Medvedev cho rằng nếu Mỹ và đồng minh ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev sẽ kết thúc nhanh chóng. Ngoài ra, ông Dmitry Medvedev cũng lên tiếng phản đối việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan, cảnh báo rằng điều này có thể gây ra một cuộc xung đột hạt nhân.

Đức thắt chặt chi tiêu cho năm 2024

Christian Lindner
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner

Chính phủ Đức vừa thông qua dự thảo ngân sách năm 2024 và kế hoạch ngân sách tới năm 2027, theo đó sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu sau nhiều năm chi mạnh tay để ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng như giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột ở Ukraine. Dự thảo này đề xuất mức chi tiêu cho năm 2024 là 445,7 tỷ euro, ít hơn 30 tỷ euro so với mức kế hoạch của năm 2023. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đánh giá bản dự thảo là bước quan trọng hướng tới bình thường hoá tài khoá sau nhiều năm ngân sách bị phình to do các khoản nợ mới hàng trăm tỷ euro để đối phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, theo đó tất cả các bộ, trừ Bộ Quốc phòng, phải tham gia nỗ lực "thắt lưng buộc bụng" này.

Bulgaria thắt chặt quan hệ với Ukraine

Volodymyr Zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có chuyến thăm đầu tiên tới Bulgaria theo lời mời của chính phủ Bulgaria. Chuyến thăm của ông Zelensky là một dấu hiệu cho thấy chính sách đối ngoại đã thay đổi của Bulgaria sau khi có chính phủ mới. Cho đến nay, Chính phủ Bulgaria đã gửi vũ khí cho Ukraine thông qua các giao dịch trung gian, nhưng Sofia đã hạn chế công khai điều này với công chúng Bulgaria. Vấn đề trên của Bulgaria được giải thích là do sự hiện diện của Đảng Xã hội Bulgaria thân Nga trong chính phủ trong những tháng đầu tiên khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Canada cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật

Canada cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật
Canada cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật

Chính phủ Canada đã công bố quyết định cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật, nước này trở thành quốc gia thứ 45 thông qua luật cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật, theo Humane Society International. Thử nghiệm mỹ phẩm trước đây bao gồm “thử nghiệm độc tính”, trong đó động vật được sử dụng để tiêu thụ hoặc hít một số hóa chất, hoặc bôi hóa chất lên da hoặc mắt của chúng. Tổ chức Nhân đạo Quốc tế cho biết, ngoài việc tàn nhẫn một cách không cần thiết, các thử nghiệm trên động vật cũng kém hiệu quả hơn so với các hình thức đánh giá mới hơn như mô hình máy tính hoặc thử nghiệm sử dụng tế bào người.

Linh Đan