Tác động của văn hóa doanh nghiệp đến mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh

ThS. LÊ THỊ THANH NHẬT (Giảng viên, Khoa Kinh tế và Kế toán, Trường Đại học Quy Nhơn) - HOÀNG Ý DUYÊN - HUỲNH THỊ BY BY - NGUYỄN VĂN TIẾN - TRẦN HÙNG VƯƠNG (Sinh viên, Khoa Kinh tế và Kế toán, Trường Đại học Quy Nhơn)

TÓM TẮT:

Thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) và công bố báo cáo TNXH đang dần trở thành một yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ công bố thông tin này hiện nay ở các DN là rất khác nhau. Trong khi đó, yếu tố văn hóa trước đây đã được nghiên cứu là có mối liên hệ mật thiết với các giá trị của kế toán. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm xem xét tác động của yếu tố văn hóa DN đến mức độ công bố báo cáo TNXH của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội, báo cáo trách nhiệm xã hội.

1. Đặt vấn đề

Phát triển bền vững là một trong những yêu cầu quan trọng của các DN trên thế giới và Việt Nam, nhất là trong tình hình đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của thiên tai, môi trường đến chất lượng cuộc sống hiện nay ngày càng khốc liệt. Nâng cao hiệu quả kinh doanh đồng thời vẫn đảm bảo các mục tiêu về phát triển bền vững vẫn luôn là điều được các nhà lãnh đạo DN và các bên liên quan quan tâm. Công bố báo cáo trách nhiệm xã hội (TNXH) giúp DN nâng cao lòng tin từ nhà đầu tư, đó còn là công cụ trong chính sách truyền thông, đem lại lợi ích ngắn hạn và lâu dài cho DN. Theo báo cáo của KPMG - là một trong những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới về ngành kiểm toán (2020), 96% các DN trong nhóm G250 và 80% các DN trong nhóm N100 đã trình bày báo cáo TNXH trong báo cáo thường niên. Cùng với xu hướng đó, ở Việt Nam trong những năm gần đây, các DN ngày càng quan tâm hơn đến việc thể hiện những thông tin gắn liền với xã hội như môi trường, bình đẳng giới, phúc lợi xã hội,… và phát hành báo cáo TNXH ra công chúng, nhất là sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC (sau này là Thông tư 96/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2021). Mặc dù vậy, mức độ công bố thông tin ở các DN vẫn còn rất khác nhau.

Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống những tư tưởng, ý niệm và giá trị chung được nắm giữ bởi các thành viên trong tổ chức, là giá trị tinh thần có thể phân biệt giữa tổ chức này và tổ chức khác. Một DN có nền văn hóa cởi mở, đề cao con người trong tập thể, coi trọng lợi ích của các bên liên quan thì thái độ đối với TNXH cũng sẽ khác. Ngoài ra, theo các nghiên cứu khá nổi tiếng của Hofstede (1980) và Gray (2003), các yếu tố của văn hóa có mối liên hệ mật thiết đến các giá trị của kế toán. Kết luận về mối quan hệ này của 2 tác giả trên, sau đó, là khởi điểm của rất nhiều nghiên cứu trên thế giới về ảnh hưởng của yếu tố văn hóa DN, văn hóa quốc gia đến các giá trị của kế toán như tính công khai, minh bạch, sự sẵn lòng áp dụng các chính sách, chuẩn mực mới. Vì vậy, nghiên cứu về tác động của văn hóa doanh nghiệp đến mức độ công bố báo cáo TNXH có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn tại Việt Nam.

2. Tổng quan nghiên cứu

Do chủ đề về công bố thông tin TNXH vẫn còn khá mới tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chính vì vậy, các nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa DN đến mức độ công bố thông tin TNXH vẫn còn rất hạn chế. Các đặc điểm văn hóa DN được nghiên cứu trước đây chủ yếu được tiếp cận ở khía cạnh là sự khác nhau về văn hóa giữa các quốc gia trong việc ảnh hưởng đến mức độ thực hiện và công bố thông tin TNXH (Haniffa, 1999). Một số ít các nghiên cứu tiến hành khám phá và tiếp cận văn hóa DN theo chiều sâu trong việc nghiên cứu tác động đến mức độ công bố thông tin TNXH của DN như sau. Tác giả Haniffa (1999) khi nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa DN và vấn đề quản trị công ty đến kết quả công bố thông tin TNXH đã kết luận rằng yếu tố văn hóa có tác động rõ ràng đến mức độ công bố thông tin TNXH ở các công ty đa quốc gia tại Malaysia. Tác giả cũng giải thích, vì các nền tảng văn hóa khác nhau đã tác động khác nhau đến tư tưởng và cách hành xử của nhà quản lý DN trong cách tiếp cận với vấn đề TNXH và minh bạch thông tin này.

Yilmaz và cộng sự (2008) trong một nghiên cứu về vai trò của các đặc điểm văn hóa DN đến mức độ minh bạch thông tin của các công ty niêm yết tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra rằng, trong 4 đặc điểm văn hóa DN được đưa vào nghiên cứu gồm: văn hóa tập thể, văn hóa kiểm soát, văn hóa sáng tạo, văn hóa theo định hướng sứ mệnh thì văn hóa tập thể có ảnh hưởng mạnh nhất đến mức độ công bố thông tin của DN. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, việc duy trì và kết hợp cân bằng 4 đặc điểm văn hóa trên sẽ giúp công ty đạt được mức độ công bố thông tin cao hơn và đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của nhà đầu tư. Cũng nghiên cứu văn hóa theo chiều sâu, tác giả Saeed Sadighi (2017) đã kết luận rằng văn hóa sáng tạo khiến cho khả năng ngại rủi ro của DN ít đi, từ đó thúc đẩy khả năng thực hiện TNXH của DN, tuy nhiên liệu điều này có tác động đến khả năng công bố các thông tin không thì chưa được tác giả nghiên cứu.

Khi nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện TNXH của các DN thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019, Vương Thị Thanh Trì (2019) đã chỉ ra rằng, có 4 nhân tố tác động tích cực gồm: Hoạch định chiến lược, yêu cầu của thị trường vốn, hệ thống pháp luật, văn hóa DN. Tác giả cũng giải thích thêm rằng, việc thực hiện và công bố thông tin TNXH của DN trước hết cần phải được xây dựng từ nhận thức đúng đắn của nhà quản lý, điều này góp phần hình thành nên đặc điểm văn hóa của DN theo hướng nhân văn, vì cộng đồng và xã hội.

Khi nghiên cứu về các nhân tố tác động đến mức độ công bố thông tin phi tài chính của 557 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE và HNX trong năm 2018 và xem xét kĩ ở đặc điểm nhà lãnh đạo, Dương Hoàng Ngọc Khuê (2019) đã kết luận rằng văn hóa, đạo đức của nhà lãnh đạo có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ DN thực hiện TNXH và minh bạch các thông tin này. Khi nhà lãnh đạo không ngại rủi ro, có tinh thần vì cộng đồng, thì văn hóa này sẽ lan tỏa và tạo thành nét văn hóa DN, tác động làm cho các hoạt động vì cộng đồng, xã hội được thực hiện nhiều hơn cũng như nỗ lực công bố các thông tin này. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả từ việc phỏng vấn sơ bộ, chưa xem xét kỹ yếu tố văn hóa DN theo chiều sâu.

3. Cơ sở lý thuyết

3.1. Các khái niệm liên quan

Báo cáo TNXH là nơi thể hiện các thông tin TNXH của DN trong nỗ lực công bố các thông tin này ra công chúng. Báo cáo TNXH gồm các thông tin TNXH của DN, thường được tích hợp trình bày trong Báo cáo thường niên hoặc được trình bày riêng thành báo cáo TNXH hoặc báo cáo phát triển bền vững. Trong báo cáo này, DN phải cung cấp đầy đủ các thông tin chi tiết về môi trường, các chế độ, chính sách đối với người lao động và các thông tin về hoạt động phục vụ cộng đồng nhằm giúp người sử dụng thông tin đưa ra các đánh giá và quyết định về kinh tế (Thông tư số 155/2015/TT-BTC). Báo cáo TNXH không những là công cụ quan trọng trong chiến lược hướng đến sự phát triển bền vững của DN, mà còn phục vụ nhu cầu thông tin cho các bên liên quan, đặc biệt là các nhà đầu tư có tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng.

Báo cáo TNXH cũng được các tổ chức quốc tế công bố và hướng dẫn thực hiện như: Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc (NGC), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO), Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) hay như hướng dẫn theo Thông tư 96/2020/TT-BTC về yêu cầu công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ công bố thông tin như thế nào tùy thuộc vào mỗi DN và chưa mang tính bắt buộc. Việc công bố phụ thuộc rất lớn vào tình hình mỗi DN và trên hết là vai trò của nhà quản lý, nét văn hoá riêng của mỗi DN.

Có rất nhiều khái niệm khác nhau về văn hóa DN. Theo tác giả Lewis (2002): “Văn hóa DN là một hệ thống các ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, nhận thức và phương pháp tư duy được mọi thành viên của một tổ chức cùng đồng thuận và có tác động ở phạm vi rộng đến cách thức hành động của từng thành viên”. Còn theo tác giả Schein (2010), văn hóa DN gồm “Sự tích hợp của các yếu tố hành vi con người bao gồm lời nói, hành động, sự tương tác lẫn nhau và phụ thuộc vào năng lực học hỏi và truyền tải kiến thức của từng người để tạo nên sự thành công”. Khái niệm này bao gồm hầu hết các khía cạnh của hành vi như: Chia sẻ các giá trị, niềm tin và các cách để thực hiện. Khái niệm này có thể áp dụng ở mọi cấp độ như: văn hóa quốc gia, văn hóa khu vực, văn hóa công ty,…

Các nghiên cứu về văn hóa DN khá nhiều, nhưng phần lớn đều dựa trên kết quả nghiên cứu của Schein (2010) để định hình các bước nghiên cứu về tác động của văn hóa DN đến các yếu tố khác. Vì vậy, nghiên cứu của nhóm tác giả cũng sẽ dựa trên cơ sở về các cấp độ văn hóa và các đặc trưng văn hóa DN của tác giả này. Schein (2010) đã thực hiện một số nghiên cứu toàn diện về các đặc điểm của văn hóa DN và phân tích ở một số cấp độ khác nhau. Kết quả, tác giả đã đưa ra một mô hình toàn diện về văn hóa DN với các đặc trưng riêng biệt, bao gồm: Văn hóa tập thể, Văn hóa đổi mới, sáng tạo và Văn hóa kiểm soát.

3.2. Các lý thuyết nền

Lý thuyết hợp pháp xem xét hoạt động của DN cần phù hợp với hệ thống chuẩn mực, giá trị của cộng đồng, nơi mà DN đang hoạt động. DN sẽ có xu hướng tự nguyện báo cáo thông tin và thực hiện các hành động đáp ứng được kỳ vọng của luật pháp và cộng đồng xã hội. Hiện nay, với yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng về sự phát biển bền vững, thực hiện TNXH và công bố thông tin này càng cần phải được thực hiện để phù hợp với quy định đó. Nghiên cứu này cũng dựa vào cơ sở lý thuyết các bên liên quan - lý thuyết cơ bản trong các nghiên cứu về môi trường và xã hội. Lý thuyết này cho rằng, DN chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững chỉ khi đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho các bên liên quan, chính là những cá nhân hoặc tổ chức có thể ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng đáng kể từ DN. Cả hai lý thuyết trên đều hàm ý rằng, nhà quản lý phải xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh của tổ chức và gắn liền với lợi ích của các bên liên quan cũng như hành xử đúng pháp luật và tuân theo các chuẩn mực chung của xã hội. Vì vậy, nhà quản lý phải có đạo đức tốt và tinh thần vì cộng đồng, noi gương cho nhân viên và lan tỏa tinh thần này thành giá trị văn hóa DN, từ đó tác động đến TNXH của DN và nỗ lực công bố các thông tin này.

4. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu đã sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng như sau:

- Giai đoạn 1: Nghiên cứu định tính được thực hiện bằng cách tổng quan tài liệu trước đây, xem xét dựa trên cơ sở lý thuyết. Nhóm tác giả cũng tiến hành dựa vào quy định của Thông tư 96/2020/TT-BTC để xây dựng thang đo của biến phụ thuộc (mức độ công bố thông tin TNXH) và chỉ số văn hóa tổ chức (OCI), bảng khảo sát văn hóa tổ chức (OCS) để xây dựng thang đo biến độc lập; từ đó xây dựng bảng câu hỏi khảo sát. Trước khi gửi bảng câu hỏi khảo sát rộng rãi, nhóm đã tiến hành gửi cho các chuyên gia để hỏi ý kiến. Kết quả từ cuộc thảo luận cùng chuyên gia đã giúp nhóm điều chỉnh lại một số thang đo và khái niệm phù hợp hơn với điều kiện kinh tế và nền văn hóa đặc thù của Việt Nam, từ đó đưa ra mô hình nghiên cứu chính thức như mô tả ở Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu chính thức

Mô hình nghiên cứu chính thức

- Giai đoạn 2: Nhóm tiến hành gửi bảng câu hỏi khảo sát rộng rãi. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, nhóm sử dụng phương pháp PLS_SEM để đánh giá kết quả, xem xét đặc điểm văn hóa DN nào có ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin TNXH của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Đối tượng tham gia khảo sát là các chuyên gia phụ trách hoạt động TNXH trong DN. Ngoài ra, tác giả mời thêm các nhà quản lý DN, trưởng bộ phận nhân sự.

5. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Đầu tiên, nhóm tác giả tiến hành kiểm định độ phù hợp của mô hình nghiên cứu đề xuất với dữ liệu thu thập được từ việc khảo sát. Kết quả cho thấy hệ số SRMR của mô hình < 0.08 và NFI nằm trong khoảng (0; 1), như vậy, mô hình đề xuất ban đầu phù hợp với dữ liệu thực tế. Khi tiến hành kiểm định mô hình, nhằm đảm bảo độ tin cậy với hệ số Cronbach’s Alpha > 0.7 và hệ số tải (Loading) của từng nhân tố > 0.5, nhóm tác giả tiến hành điều chỉnh, loại bớt nhân tố không phù hợp và chạy lại mô hình 2 lần. Sau khi chạy lại mô hình lần 3, thang đo của các nhân tố đã đạt được độ tin cậy phù hợp. Cụ thể, các biến Văn hóa tập thể, Văn hóa kiểm soát bao gồm 4 thang đo, biến Văn hóa sáng tạo được đo lường bởi 3 thang đo. Nhóm tác giả cũng tiến hành đo lường hệ số HTMT giữa các biến đều < 0.9, nhằm khẳng định sự phù hợp của các thang đo sử dụng trong nghiên cứu. Khi kiểm tra về hiện tượng đa cộng tuyến thì các hệ số VIF đều nằm trong ngưỡng < 2. Ở bước cuối cùng, nhóm tiến hành đánh giá các mức ý nghĩa thống kê của các mối quan hệ giữa các nhân tố để xem xét các giả thuyết đưa ra ban đầu có được chấp nhận hay không.

Bảng 1. Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Vì vậy, có thể thấy rằng yếu tố văn hóa tập thể có tác động tích cực đến mức độ công bố thông tin TNXH của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Các tổ chức với đặc điểm văn hóa này luôn coi trọng việc gắn kết sức mạnh của từng cá nhân thành sức mạnh của tập thể, luôn thể hiện sự công bằng trong đánh giá công việc, tôn trọng sự hợp tác lẫn nhau để hoàn thành mục tiêu của tổ chức. Trong nền văn hóa tập thể, nhà quản lý có xu hướng kết nối đến nhân viên của mình nhiều hơn, khoảng cách quyền lực cũng được rút ngắn, từ đó DN cũng quan tâm hơn đến quyền lợi của cấp dưới cũng như cộng đồng xung quanh và thực hiện các TNXH tốt hơn. Điều này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Yilmaz và cộng sự (2008).

Yếu tố văn hóa kiểm soát có tác động ngược chiều, làm giảm khả năng thực hiện TNXH và công bố thông tin. Văn hóa kiểm soát thường được các nhà lãnh đạo thiết lập ra để kiểm soát và đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của nhân viên cấp dưới. Văn hóa kiểm soát sẽ giúp công việc được thiết lập theo đúng quy trình cụ thể, hạn chế sai sót, rủi ro. Tuy nhiên, bởi việc áp đặt quy trình, thủ tục của văn hóa kiểm soát nên dễ làm mất đi sự sáng tạo cũng như tạo ra khoảng cách quyền lực giữa nhà quản lý và cấp dưới, nhà quản lý ít có khả năng quan tâm đến nhân viên và cộng đồng xã hội.

Kết quả kiểm định cũng cho thấy yếu tố văn hóa sáng tạo không có tác động đến mức độ công bố. Điều này cũng phù hợp khi kết quả từ việc phỏng vấn sâu với chuyên gia và kết quả khảo sát đều cho thấy rằng quan điểm của các DN công bố thông tin là làm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Do hiện nay chưa có quy định hướng dẫn công bố thông tin theo mức độ nào, cũng như bắt buộc hoàn toàn các DN phải công bố nên các DN vẫn còn lơ là (thể hiện ở tỷ lệ khá cao báo cáo thông tin TNXH không được công bố hoặc công bố nhưng không có số liệu chứng minh cụ thể). Vì vậy, quan điểm của các DN là làm theo quy định, chứ không phụ thuộc là có sáng tạo hay không.

6. Hàm ý chính sách

Công bố báo cáo TNXH là một trong những mục tiêu quan trọng mà DN cần phải xây dựng ngay từ khi thành lập công ty và cũng là định hướng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, phù hợp với tiến trình hội nhập với nền kinh tế quốc tế và chiến lược phát triển bền vững của toàn xã hội. Từ kết quả nghiên cứu, ta thấy rằng, Nhà nước cần chú trọng nâng cao hành lang pháp lý, xây dựng các Bộ Luật liên quan đến việc thực hiện TNXH và trình bày báo cáo TNXH một cách chi tiết, cụ thể để các DN phải tuân theo và dần dần sẽ nâng cao ý thức thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình điều hành DN, các nhà quản lý nên phát huy tinh thần dân chủ, quan tâm đến các nhu cầu cũng như ý kiến đóng góp từ nhân viên và các bên liên quan. Có như vậy mới phát huy được sức mạnh của tập thể cũng như trách nhiệm của nhân viên trong công việc, cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của DN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính, (2015). Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 24 tháng 6 năm 2015 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
  2. Bộ Tài chính (2020). Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16 tháng 11 năm 2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
  3. Hofstede, G. (1980). Culture and Organizations. International Studies of Management & Organization, 10(4), 15-41.
  4. Hellen.A.Chilla., et al. (2014). Effects Of Organizational Culture On Organizational Performance In The Hospitality Industry. International Journal of Business and Management Invention, 3(1), 1-13.
  5. Lewis, D. (2002). Five years on The organizational culture saga revisited. Leadership & Organization Development Journal, 23, 280-287.
  6. Saeed Sadighi. (2017). Organizational Culture and Performance: Research on SMEs at Tele-Healthcare Industry, United Kingdom. A Thesis in fulfilment of the Requirements of Anglia Ruskin University For the degree of Doctor of Philosophy.
  7. Schein, E. H. (2010). Organizational culture and leadership, 2nd edition. USA: Jossey-Bass, Inc.
  8. Vương Thị Thanh Trì, (2019). Nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện trách nhiệm xã hội của các DN thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

IMPACT OF CORPORATE CULTURE ON THE CSR

REPORT DISCLOSURE LEVEL OF COMPANIES LISTED

ON THE HO CHI MINH CITY STOCK EXCHANGE

Ma. LE THI THANH NHAT1

• HOANG Y DUYEN2

• HUYNH THI BY BY2

• NGUYEN VAN TIEN2

• TRAN HUNG VUONG2

1Lecturer, Faculty of Economics and Accounting, Quy Nhon University

2Student, Faculty of Economics and Accounting, Quy Nhon University

ABSTRACT:

Fulfilling corporate social responsibility (CSR) and publishing CSR reports are gradually becoming an important requirement for businesses in Vietnam. However, the disclosure level of CSR report is very different among companies. Meanwhile, according to previous studies,  corporate culture has a close relationship with accounting values. This study is to examine the impact of corporate culture on the  CSR report disclosure level of companies listed on the Ho Chi Minh City Stock Exchange.

Keywords: corporate culture, corporate social responsibility (CSR), CSR report.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]