TÓM TẮT:
Bài nghiên cứu đánh giá mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội (TNXH) của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp và các khuyến nghị đến các NHTM và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện TNXH song song với việc công bố thông tin TNXH của các NHTM.
Từ khóa: công bố thông tin trách nhiệm xã hội, ngân hàng thương mại, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Trong sự chuyển mình của thế giới số, ngành Ngân hàng đang phải chịu áp lực rất lớn trước những yêu cầu và kỳ vọng của các bên liên quan như nhà đầu tư, người tiêu dùng, của chính bản thân các nhân viên ngân hàng… về các trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh cũng như hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của TNXH trong lĩnh vực này, cũng như tăng nhu cầu tín nhiệm, trách nhiệm giải trình và sự minh bạch của việc công bố thông tin TNXH (CSR). Bên cạnh vai trò truyền thống của một cơ quan trung gian nhằm tiết kiệm tiền cho đầu tư của các thể chế tài chính thì việc phân bổ hiệu quả và quản lý rủi ro, nhu cầu về hành vi đạo đức và trách nhiệm đã dẫn đến các quy trình tài chính và đầu tư vượt quá sự bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và chủ sở hữu (Chiu, 2014). So với nhiều ngành khác, đặc điểm chính của ngành Ngân hàng là có ảnh hưởng lớn đến số lượng người và các tổ chức trong và ngoài quốc gia. Điều này dẫn đến sự bất đối xứng thông tin đáng kể cho những bên liên quan. (Przytuła et al., 2019)cho rang, các ngân hàng có cách để tác động đến xã hội bằng cách họ có thể tự mình thực hiện TNXH, hoặc tác động đến các doanh nghiệp thông qua việc cấp tín dụng cho các dự án của doanh nghiệp xử lý các vấn đề liên quan đến xã hội, đạo đức và môi trường.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sự ổn định của ngành Ngân hàng, tính minh bạch trong thông tin được đặc trưng bởi các quy định nghiêm ngặt hơn (Yamak & Ser, 2005) bởi trách nhiệm trong các lĩnh vực cho vay ngân hàng, quản lý đầu tư và quản lý tài sản, nơi mà việc chống hối lộ và rửa tiền là những vấn đề đặc biệt quan trọng, là yếu tố chính của chống tham nhũng và đó cũng là một phần quan trọng trong hoạt động TNXH của các ngân hàng (Viganó & Nicolai, 2009). Yeshmin, (2012) đã khảo sát thông tin về TNXH trong các NHTM tư nhân (PCBs) cho thấy, các ngân hàng đã đặt trọng tâm vào phát triển cộng đồng nhiều hơn các vấn đề khác, chiếm 36,67% trong tổng số các vấn đề trong TNXH. Bên cạnh đó, việc công bố TNXH đều được các PCBs tiến hành hầu hết các thông tin mang tính chất phản ánh chất lượng hơn là số lượng. Tuy nhiên, các hoạt động báo cáo về TNXH của một số ngân hàng được lựa chọn ở Bangladesh để xem xét các hành động tài chính năm 2010 và năm 2011 cho thấy các ngân hàng chỉ công bố các lĩnh vực CSR theo luật tài chính và đồng thời chỉ có 60% các ngân hàng tham gia vào việc công bố thông tin (Masud Ph.D. & Hossain, 2012).
Tại Việt Nam, một số các nghiên cứu khám phá về sự tác động của TNXH đến sự gắn kết với các tổ chức của các nhân viên ngân hàng (Hoang Thi Phuong Thao & Ho, 2015), Anh & Thao, (2017) xem xét về tác động nhận thức của người tiêu dùng đối với các hoạt động TNXH và sự chấp nhận công nghệ đối với ý định áp dụng ngân hàng di động. TNXH trong các ngân hàng tại Việt Nam nhưng chưa có nghiên cứu nào đi sâu vào tìm hiểu thực trạng giữa việc công bố thông tin TNXH với việc thực hiện TNXH của các NHTM tại Việt Nam trong các điều kiện áp dụng quy định và Luật Ngân hàng, cùng các tổ chức liên quan khác tại Việt Nam.
2. Thực trạng thực hiện TNXH của các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay
Để đánh giá về sự hiểu biết của các nhân viên và người quản lý trong ngân hàng về TNXH, các tác giả đã sử dụng phương pháp khảo sát, tổng hợp dữ liệu để nhận diện mức độ hiểu biết về TNXH tại các ngân hàng. Nhóm tác giả tiến hành khảo sát tại 6 NHTM gồm: Viettinbank, VCB, BIDV, Vietcombank, SeABank, OCB. Chúng tôi thu về 147 phiếu, trong đó có 140 phiếu hợp lệ cho 2 đối tượng là người quản lý chiếm 68,6% và nhân viên đạt 31,4%. Những cán bộ ngân hàng này hầu như có thâm niên công tác tại đơn vị trên 5 năm. Bảng câu hỏi được thiết kế theo bộ tiêu chuẩn GRI.4 (Bảng 1), đối tượng khảo sát sẽ đánh giá 18 câu hỏi liên quan đến 4 tiêu chí là người lao động, khách hàng, môi trường và cộng đồng để cho biết mức độ thực hiện TNXH theo thang đo Likert 5 bậc cụ thể: 1: Chưa nhận thức được; 2: Đã nhận thức được nhưng chưa thực hiện; 3: Đã lên kế hoạch để thực hiện; 4: Đã thực hiện một phần; 5: Đã thực hiện đầy đủ.
Bảng 1. Nội dung công bố thông tin TNXH tại các ngân hàng
Nguồn: Tác giả
Căn cứ số phiếu hợp lệ, nhóm tác giả đã tổng hợp kết quả khảo sát và mô tả thực trạng hiểu biết và triển khai TNXH tại các ngân hàng trên góc độ của các cán bộ ngân hàng khi họ trực tiếp tác nghiệp công việc của chính mình.
Biểu đồ 1: Đánh giá mức độ nhận thức và thực hiện TNXH của các NHTM
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả
Trên góc độ từ nhận thức về TNXH đến việc thực hành và áp dụng vào trong các chính sách, quy định của từng ngân hàng hiện nay (đã được tổ chức Sáng kiến Fair Finance Việt Nam đánh giá và tìm hiểu dựa trên 10 ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước vào 30/6/2019 đã từng hoặc đang đầu tư, cho vay vào các dự án nhiệt điện than - một trong những dự án đang gây ra nhiều lo ngại về ô nhiễm môi trường và tác động tới sức khỏe và sinh kế của người dân), kết quả cho thấy,mặc dù hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định, chính sách và văn bản đề cập đến các chính sách về môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G), song nhìn chung các cam kết chính sách công khai về ESG của các ngân hàng này mới ở mức khởi đầu (Fair Finance Vietnam, 2021).
Bảng 2. Điểm trung bình cam kết ESG của từng NHTM
Nguồn: FFV,2021
3. Phương pháp nghiên cứu và mẫu nghiên cứu
Song song với việc kiểm tra và đánh giá việc áp dụng các chính sách về môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G), nhóm tác giả tiến hành đánh giá thực trạng việc công bố thực hiện TNXH trong các NHTM, nhằm có góc nhìn tổng quan hơn về việc áp dụng TNXH trong các hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Phạm vi khảo sát là 30 ngân hàng TMCP có công bố thông tin Báo cáo TNXH giai đoạn 2014 - 2020 để đánh giá thực trạng mức độ công bố thông tin và thực hiện TNXH của các ngân hàng trong bối cảnh trước và sau khi áp dụng Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 06/10/2015 về Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Phạm vi nội dung khảo sát là các công bố trên báo cáo TNXH được hiểu là công bố các thông tin về TNXH trên báo cáo TNXH, báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững hoặc các báo cáo tương tự khác được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như trang web của các ngân hàng, web trên sàn giao dịch điện tử, web trên các trang tài chính,… Do đó, các cụm từ công bố báo cáo TNXH, công bố thông tin TNXH và công bố thông tin trên báo cáo TNXH được hiểu tương tự trong phạm vi nghiên cứu.
Các tác giả sử dụng phương pháp phân tích nội dung không trọng số để đo lường các thông tin được công bố trên 4 nội dung chính là: TNXH đối với người lao động, sản phẩm, cộng đồng và môi trường. Việc công bố thông tin đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo quy định của GRI4. Chỉ số CSR trong nghiên cứu này được tính toán bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận chỉ số công bố thông tin không trọng số (Saleh và cộng sự, 2010) được sử dụng để đo lường công bố TNXH như một biến phân đôi. Nếu một ngân hàng công bố các mục TNXH trong báo cáo hàng năm của mình, nó sẽ được cho điểm “1”, trong khi các ngân hàng không công bố một mục sẽ được cho điểm “0” (Gujarati, 2009). Tổng giá trị điểm cho việc công bố thông tin TNXH được tổng hợp từ tất cả các điểm phụ của TNXH, bao gồm:
Trong đó:
CSRIj là chỉ số công bố TNXH của ngân hàng j trong kỳ t; nj là tổng số mục CSR cho ngân hàng thứ j; xij = 1 nếu mục thứ i^ được công bố; = 0 nếu mục thứ i^ chưa được công bố. Với 0 < CSR < 1.
4. Kết quả nghiên cứu
Về tổng quan khảo sát, các ngân hàng nhận thức khá rõ về TNXH, cho nên việc công bố thông tin TNXH của các ngân hàng được cải thiện, chú trọng và thay đổi theo từng năm. Tuy nhiên, ở mỗi một ngân hàng, việc công bố thông tin có sự biến động cũng như đầu tư trong việc trình bày và công bố thông tin chưa đồng đều. Việc công bố thông tin TNXH của các ngân hàng trong năm 2014 ít, nhưng sau khi Thông tư số 155/2015/TT-BTC được áp dụng đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt ở giai đoạn 2018 - 2020 tăng đột phá.
Biểu đồ 2: Mức độ công bố thông tin TNXH của 30 NHTM
từ giai đoạn 2014 - 2020
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả
Nội dung công bố của từng ngân hàng có sự khác biệt rất lớn về các thông tin công bố, đặc biệt các thông tin liên quan đến sản phẩm, người lao động và cộng đồng được đặc biệt chú trọng (Biểu đồ 2). Tuy nhiên, khi kết hợp giữa Biểu đồ 1 đánh giá nhận thức của các nhân viên ngân hàng về TNXH với Biểu đồ 3 về thực trạng công bố TNXH cho thấy, mặc dù các hoạt động TNXH được nhận thức và thực hiện tương đối tốt, nhưng việc cung cấp các thông tin liên quan đến TNXH vẫn còn khoảng cách, đặc biệt là các vấn đề về môi trường còn chưa được nhiều ngân hàng quan tâm, trong khi các quy định, chính sách và văn bản đề cập đến các chính sách về ESG đã được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Tuy nhiên, từ năm 2018 - 2020, mức độ công bố thông tin cũng đã có chuyển biến tương đối nhiều, nhất là từ khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Biểu đồ 3: Thực trạng công bố các nội dung TNXH của các NHTM
từ giai đoạn 2014 - 2020
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả
5. Kết luận
Từ việc đánh giá nhận thức về TNXH tại các NHTM đến thực trạng công bố thông tin cho thấy vẫn còn nhiều nội dung chưa được phản ánh, công bố đúng với thực trạng của các NHTM. Các ngân hàng đều nhận thức và tiến hành thực hiện các hoạt động TNXH đối với các bên liên quan, nhưng trên thực tế khi thực hiện việc công bố TNXH vẫn còn có những nội dung chưa được chú trọng và phản ánh, như: các nội dung liên quan đến giải trình và công bố thông tin cho các bên liên quan, các nội dung công bố liên quan đến môi trường như việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải, các thông tin liên quan đến nỗ lực bảo vệ môi trường của các ngân hàng. Nghiên cứu này như là một dẫn chứng để các NHTM có thể xem xét lại và chú trọng hơn nữa những điểm yếu trong công tác công bố về TNXH gắn với phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh các ngân hàng, nhằm cung cấp các thông tin khách quan, toàn diện và đầy đủ; từ đó, giữ gìn hình ảnh và nâng cao vị thế của ngân hàng trước các nhà đầu tư, các khách hàng và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Ghi chú: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Anh, N., & Thao, N. (2017). Effects of consumer perception of CSR activities and technology acceptance on intention to adopt mobile banking: Evidence in Vietnam. [Online] Avalabile at http://veam.org/wp-content/uploads/2017/12/24.-Nguyen-Van-Anh.pdf
- Carroll, A. B. (1979). A Three-Dimensional Conceptual Model of Corporate Performance. The Academy of Management Review, 4(4), 479-505.
- Chiu, T.-K. (2014). Putting Responsible Finance to Work for Citi Microfinance. Journal of Business Ethics, 119, 219-234.
- Fair Finance Vietnam. (2021). Khuyến nghị chính sách - Hướng tới tài chính bền vững. Truy cập tại https://fairfinanceasia.org/files/media/base/Khuyen nghi chinh sach - Huong toi tai chinh ben vung.pdf
- Hoang Thi Phuong Thao, & Ho, H. L. (2015). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, niềm tin và sự gắn kết với tổ chức của nhân viên ngân hàng. Tạp chí Phát triển kinh tế, 26(8), 37-53.
- Idowu, S., & Filho, W. (2010). Professionals Perspectives of Corporate Social Responsibility. Berlin: Springer International Publishing.
- Masud Ph.D., M. A., & Hossain, M. (2012). Corporate Social Responsibility Reporting Practices in Bangladesh: A Study of Selected Private Commercial Banks. IOSR Journal of Business and Management, 6, 42-47.
- Przytuła, S., Ryszawska, B., Formanková, S., Dunay, A., & Ubreziová, I. (2019). Corporate Social Responsibility in Poland - Strategies, Opportunities and Challenges. USA: Springer International Publishing.
- Thompson, P., & Cowton, C. J. (2004). Bringing the environment into bank lending: Implication for environmental reporting. British Accounting Review, 36(2), 197-218.
- Viganó, F., & Nicolai, D. (2009). CSR in the European banking sector: Evidence from a survey. [Online] Avalabile at https://www.academia.edu/1800447/CSR_in_the_European_banking_sector_evidence_from_a_ sector_ survey
- Yamak, S., & Ser, ư. (2005). State as a stakeholder. Corporate Governance: The International Journal of Business in Society, 5(2), 111-120.
- Yeshmin, F. (2012). Visualization of Corporate Social Responsibility Information of Commercial Bank in Bangladesh. World Journal of Social Sciences, 2, 114-127.
THE INFORMATION DISCLOSURE
OF CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY:
CASE STUDY OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS
• TRAN THI THANH HUYEN1
• NGUYEN THI MAI HUONG2
1Nguyen Tat Thanh University
2Banking University of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study evaluates the corporate social responsibility information disclosure level of commercial banks in Vietnam. Based on the study’s findings, some solutions and recommendations are proposed to help commercial banks improve their fulfillment and their information disclosure of corporate social responsibility.
Keywords: corporate social responsibility disclosure, commercial banks, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2021]