Tóm tắt:
Bài viết trình bày những điều chỉnh mới về trách nhiệm xã hội trong chính sách của Chính phủ Việt Nam về tai nạn lao động (TNLĐ) thông qua việc thực hiện Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, từ đó tác động đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi được Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các nghị định mới ban hành về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Khi doanh nghiệp áp dụng trách nhiệm xã hội về ATVSLĐ, doanh nghiệp sẽ được một đơn vị độc lập thứ ba phù hợp với quy định của Chính phủ đánh giá sự tuân thủ của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thích ứng trong bối cảnh hội nhập, khi áp dụng các tiêu chuẩn Quốc tế như tiêu chuẩn ISO 45001:2018 và SA 8000:2014.
Từ khóa: trách nhiệm xã hội, an toàn lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) bao gồm: trách nhiệm xã hội liên quan đến việc minh bạch thông tin về doanh nghiệp của mình, trách nhiệm về việc cung cấp sản phẩm một cách chất lượng, nghĩa vụ về tài chính và thuế,… Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập đến trách nhiệm xã hội đối với người lao động (NLĐ) về an toàn lao động (ATLĐ) liên quan đến việc Chính phủ hỗ trợ ban hành các chính sách, các qui định về việc sử dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BNN), khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng có trách nhiệm hơn liên quan đến lĩnh vực ATLĐ của mình.[1]
Khi TNLĐ xảy ra ngoài mong muốn, người bị TNLĐ là đối tượng bị tác động đầu tiên đến sức khỏe, thu nhập…, tác động liền kề với người bị tai nạn là chính, doanh nghiệp có người bị tai nạn phải đối diện với việc xử phạt từ cơ quan chức năng, xã hội sẽ gánh trách nhiệm khi phải cưu mang những hậu quả do TNLĐ này tác động lên xã hội. Nhằm ngăn ngừa TNLĐ xảy ra, Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể đã ban hành Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 và Nghị định 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020.
Lần đầu tiên một văn bản pháp quy mang tính khuyến khích áp dụng và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được Chính phủ hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho TNLĐ của doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn thông qua công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.
2. Khái quát pháp luật về công tác ATVSLĐ và bảo hiểm TNLĐ, BNN
2.1. Khái niệm pháp luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác ATVSLĐ
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thúc đẩy tầm nhìn về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với nhiều bên liên quan, bên cạnh các cổ đông và nhà đầu tư. Các lĩnh vực quan tâm chính là bảo vệ môi trường và phúc lợi của NLĐ, cộng đồng và xã hội dân sự nói chung, cả hiện tại và tương lai.[2]
Theo Ủy ban châu Âu, “Các công ty có thể trở nên có trách nhiệm với xã hội bằng cách tuân theo luật pháp; lồng vào trong các mối quan tâm về xã hội, môi trường, đạo đức, xã hội và nhân quyền, lồng vào chiến lược và hoạt động kinh doanh của họ ”(Ủy ban của Cộng đồng châu Âu o.J.). Phân tích các định nghĩa về CSR, Dahlsrud (2008) lưu ý 5 khía cạnh được coi là đặc điểm cốt lõi của sự kết hợp của CSR. Chiều hướng tự nguyện đề cập đến những hành động không được pháp luật quy định. Bốn chiều còn lại có thể được coi là các lĩnh vực hoạt động khác nhau, gồm: chiều kích môi trường đề cập đến việc chăm sóc môi trường tự nhiên; khía cạnh xã hội liên quan đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và xã hội; khía cạnh kinh tế bao gồm khía cạnh kinh tế xã hội hoặc tài chính; và chiều bên liên quan xem xét các tương tác với các bên liên quan như nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng.
Ủy ban Cộng đồng châu Âu (2001) phân biệt giữa CSR bên ngoài và bên trong. CSR bên ngoài liên quan đến cộng đồng địa phương, đối tác kinh doanh, nhà cung cấp, người tiêu dùng, và các vấn đề nhân quyền. CSR nội bộ liên quan đến quản lý nguồn nhân lực, sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, thích ứng với sự thay đổi, và quản lý các tác động môi trường và tài nguyên thiên nhiên.[3] Trách nhiệm xã hội với nội bộ của công ty là NLĐ được làm việc trong môi trường an toàn và duy trì sức khỏe để cộng tác lâu dài với doanh nghiệp. Vì vậy, công tác ATVSLĐ là một quy định không thể thiếu trong tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội được qui định tại ISO 26000:2013, và tổ chức lao động quốc tế ILO quy định tại SAI tiêu chuẩn SA8000.
Trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế (ISO) của tổ chức là doanh nghiệp đối với những tác động của các quyết định và hoạt động của tổ chức đến xã hội và môi trường thông qua sự minh bạch và hành vi đạo đức, nhằm: Đóng góp cho sự phát triển bền vững, bao gồm cả sự lành mạnh và thịnh vượng của xã hội; Tính đến những mong muốn của các bên liên quan; Phù hợp với luật pháp và nhất quán với chuẩn mực ứng xử quốc tế; và tích hợp trong toàn bộ tổ chức và thực thi trong các mối quan hệ của tổ chức [4]
CSR được thể hiện trước hết ở việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước qua việc đóng thuế, phí, lệ phí theo qui định của pháp luật.
Người đem lại của cải lợi nhuận cho doanh nghiệp để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ liên quan đến thuế, Nhà nước sử dụng công cụ thuế nhằm mang lại sự công bằng cho xã hội, đó chính là khách hàng. Khách hàng là những người tiêu dùng, họ có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp. Khách hàng là những người rất thông minh và có nhiều lựa chọn, họ sẽ chỉ sử dụng sản phẩm sạch, không phải sản phẩm bán từ cửa hàng mồ hôi - Sweat Shop. Trong báo cáo của Guardian năm 2017 cho biết, tại các nhà máy ở Cambodia cung cấp các mặt hàng cho các thương hiệu như Nike, đã có những phàn nàn về việc nhiệt độ tăng lên 370C. Báo cáo còn chỉ rõ: "hệ thống thông gió kém và hóa chất bên trong và bên ngoài nhà máy góp phần vào môi trường làm việc mệt mỏi". Điều kiện lao động của NLĐ là một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm với NLĐ để không gây ra TNLĐ và BNN.[5]
Để chuỗi giá trị bao gồm: nhà cung ứng là doanh nghiệp, khách hàng và NLĐ được bền vững. Doanh nghiệp phải có các quy định để bảo đảm ATLĐ, BNN được thực hiện theo quy định về điều kiện làm việc và môi trường làm việc để NLĐ được an toàn và giảm đi BNN trong khi lao động thông qua các quy định pháp luật, như: Luật An toàn, vệ sinh lao động - luật số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 quy định trách nhiệm bảo đảm ATVSLĐ; chính sách, chế độ đối với người bị TNLĐ; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác ATVSLĐ và quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Luật này cụ thể hóa chương 9: An toàn, vệ sinh lao động của Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Việc đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm của các doanh nghiệp theo qui định pháp luật trên, nếu làm tốt hơn quy định pháp luật, doanh nghiệp cần đầu tư một khoản chi phí không nhỏ cho hoạt động xác định mối nguy và rủi ro để có biện pháp cải thiện các điều kiện lao động trong doanh nghiệp để làm giảm các TNLĐ, BNN. Đây chính là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho NLĐ trong tổ chức của mình. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chăm lo cho NLĐ có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong quá trình lao động; khuyến khích doanh nghiệp và NLĐ áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động[6]. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến điểm mới của quy định pháp luật hỗ trợ công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng việc huấn luyện để ngăn ngừa TNLĐ và giám sát hoạt động ATVSLĐ, việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội sau khi doanh nghiệp thực hiện công tác an toàn có hiệu quả, để đem lại công bằng cho xã hội.
Như vậy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (được hiểu là: cam kết và đóng góp của doanh nghiệp về việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc thực hiện, tuân thủ các chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, ATLĐ, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… theo cách có lợi cho sự phát triển bền vững của xã hội và cả doanh nghiệp. Kết quả của hoạt động này có thể được chứng nhận bởi tổ chức độc lập thứ ba khi có nhu cầu.
2.2. Khái niệm về ATLĐ
Trong lĩnh vực ATVSLĐ, việc nhận thức được rủi ro và mối nguy gây ra tai nạn từ công việc hằng ngày của NLĐ rất cần đến công tác huấn luyện ATVSLĐ, hoạt động này là đặc biệt quan trọng, nhằm nâng cao ý thức của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ để hướng đến mục tiêu không để xảy ra TNLĐ, BNN, nâng cao chất lượng lao động và hiệu quả sản xuất. Muốn vậy, chúng ta cần huấn luyện để thay đổi nhận thức của NLĐ vì phần lớn TNLĐ xảy ra là do thái độ từ việc nhận thức của NLĐ.
Công tác huấn luyện ATVSLĐ được quy định tại Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động và quy định chi tiết tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ và Nghị định sửa đổi bổ sung số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện đầy đủ công tác huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ theo đúng đối tượng và chuyên môn được quy định.
Đối tượng tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ tại doanh nghiệp được chia thành 6 nhóm[7], bao gồm: Nhóm 1: Người đứng đầu doanh nghiệp, người làm công tác quản lý; Nhóm 2: Người làm công tác ATVSLĐ; Nhóm 3: NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; Nhóm 4: NLĐ không thuộc các nhóm 1, 2, 3, 5, 6 quy định tại khoản này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho NSDLĐ; Nhóm 5: Người làm công tác y tế; Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Việc phân chia 6 nhóm huấn luyện trong mỗi doanh nghiệp sẽ hỗ trợ người huấn luyện thiết kế bài giảng phù hợp với từng đối tượng, các nhóm được tập huấn tốt hơn như: NLĐ thuộc nhóm 3 là người trực tiếp tiếp xúc với các mối nguy, rủi ro cao sẽ được tập huấn về cách phòng ngừa các rủi ro liên quan đến mối nguy mà mình phải thường xuyên tiếp xúc. Như vậy chi phí cho từng nhóm đối tượng cũng sẽ khác nhau cho việc đầu tư cho hoạt động huấn luyện này.
Khi NLĐ nhận thức được các mối nguy và rủi ro qua hoạt động đào tạo, cần có một công cụ hoặc cơ chế biến nhận thức tốt đẹp trở thành hiện thực trong công việc hàng ngày của NLĐ và khuyến khích cho doanh nghiệp thực hiện để duy trì việc kiểm soát mối nguy và rủi ro nhằm giảm TNLĐ. Qua báo cáo TNLĐ hàng năm và mục tiêu giảm TNLĐ từ năm sau thấp hơn so với năm trước, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, BNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020. Nghị định này hỗ trợ doanh nghiệp nào có trách nhiệm xã hội đối với nội bộ là NLĐ khi tạo cho NLĐ một môi trường lao động ATVSLĐ.
2.3. TNLĐ, BNN được quy định trong Luật
Khi sự kiện tai nạn được xác định là TNLĐ thì tai nạn đó phải xảy ra trong quá trình lao động, nó gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động được người có trách nhiệm trong doanh nghiệp giao nhiệm vụ. Vì sự kiện này phát sinh, xảy ra trong quá trình NLĐ tham gia lao động cho NSDLĐ nên pháp luật có quy định trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ khi xảy ra TNLĐ, trừ các trường hợp như mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân, sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật… theo quy định phải được thực hiện. Việc chi trả cho các chi phí từ TNLĐ được trích một phần hoặc toàn bộ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN là quỹ thành phần của BHXH; việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật ATVSLĐ và Luật Bảo hiểm xã hội. quy định của việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, BNN được quy định như:
2.4. Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp[8]
Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do TNLĐ, BNN đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật An toàn vệ sinh lao động; trả phí khám giám định đối với trường hợp NLĐ chủ động đi khám, giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 47 của Luật An toàn vệ sinh lao động mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN, như: Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ; Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN; Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc; Chi phí quản lý bảo hiểm TNLĐ, BNN thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ, BNN hàng tháng.
Đối tượng áp dụng chế độ Bảo hiểm TNLĐ, BNN[9] là đối tượng được áp dụng chế độ Bảo hiểm TNLĐ, BNN và NLĐ tham gia BHXH bắt buộc; Trường hợp NLĐ giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ thì NSDLĐ phải đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Khi bị TNLĐ, BNN thì NLĐ được giải quyết chế độ Bảo hiểm TNLĐ, BNN theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định. Việc trao quyền quy định mức đóng bảo hiểm tai nạn và thanh toán TNLĐ, BNN cho Chính phủ để thuận tiện trong việc điều hành tuy nhiên khoản tiền thu và chi này sử dụng sao cho có hiệu quả và mang lại công bằng cũng như ý nghĩa hơn cho việc thể hiện trách nhiệm xã hội của mình chúng ta cùng tham khảo về mức đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phần sau.
Mức đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật quy định tại Điều 44 Luật An toàn vệ sinh lao động thì hàng tháng, đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên Nghị định số 44/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/4/2017, Chính phủ ban hành quy định giảm mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, NSDLĐ hàng tháng đóng bằng 0,5% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của NLĐ với mục đích khuyến khích doanh nghiệp sử dụng khoản chênh lệch 0,5% không đóng vào quỹ để đầu tư ngược lại cho doanh nghiệp sử dụng công cụ quản lý tiên tiến nhằm làm giảm TNLĐ, thể hiện trách nhiệm của mình trong trách nhiệm xã hội và hoạt động ATVSLĐ. Nghị định này đã hết hiệu lực ngày 15/7/2020, nó được thay thế bằng Nghị định số 58/2020/NĐ-CP.
Trên thực tế, doanh nghiệp nào áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 45001:2018 và SA 8000:2014 phải áp dụng các công cụ trong yêu cầu của tiêu chuẩn nhằm làm giảm tỷ lệ mất ATLĐ thông qua việc xác định mối nguy và đánh giá rủi ro để kiểm soát rủi ro nhằm không gây ra tai nạn, việc làm này xem như là một phần đòi hỏi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ khi áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trên. Tuy nhiên, việc này chưa tạo động lực để khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ trách nhiệm xã hội của chính mình, khi các doanh nghiệp chưa có nhu cầu phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 45001:2018 & SA 8000:2014 vì chưa có yêu cầu phải áp dụng từ khách hàng, từ thị trường. Việc thực hiện chính sách về trách nhiệm xã hội của Chính phủ thông qua nghị định trên chỉ mang tính hình thức, không thực chất và chưa được giám sát bởi tổ chức độc lập thứ ba phù hợp với quy định của Chính phủ.
3. Những chính sách mới về trách nhiệm xã hội được ban hành về lĩnh vực bảo hiểm TNLĐ, BNN
3.1. Những điểm mới của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP giúp NSDLĐ và NLĐ thể hiện trách nhiệm xã hội
Để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến trên thế giới như: ISO 45001:2018, SA 8000: 2014, ISO 26000:2013, nhằm làm giảm đi khoảng cách về hàng rào kỹ thuật trong hoạt động thương mại khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ sau một thời gian áp dụng Nghị định số 44/2017/NĐ-CP, ngày 1/6/2017, đã giảm mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, thì NSDLĐ hàng tháng đóng bằng 0,5% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của NLĐ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuế, còn các công cụ quản lý tiên tiến thì phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ.
Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020.
Những điểm mới mang tính trách nhiệm xã hội của Chính phủ trong Nghị định, bao gồm:
Trách nhiệm xã hội của Chính phủ đối với TNLĐ, BNN của NLĐ khi sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, như: Trách nhiệm xã hội về TNLĐ, BNN đối với NLĐ khi giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ[10]; Trách nhiệm xã hội cho NLĐ phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN[11]; Trách nhiệm xã hội khi quy định trình tự, thủ tục giải quyết và quy định trách nhiệm của Bộ Y tế về thời gian bảo đảm đối với BNN; danh mục BNN tương ứng với các nghề, công việc; hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và trường hợp hồ sơ không có số liệu quan trắc môi trường lao động[12]; Trách nhiệm xã hội khi hỗ trợ NLĐ từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: các mức hỗ trợ được tính thành mức tiền cố định tương đương chứ không phải dựa trên mức lương cơ sở.
Trách nhiệm xã hội của Chính phủ trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác huấn luyện ATVSLĐ. Đây là điểm hoàn toàn mới và rất có lợi cho doanh nghiệp thực hiện việc huấn luyện ATLĐ cho NLĐ thuộc doanh nghiệp của mình. Cụ thể doanh nghiệp được nhận hỗ trợ một lần trong vòng 24 tháng, với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế, nhưng tối đa không quá mức dưới đây:
i. Hỗ trợ huấn luyện lần đầu: Không quá 150.000 đồng/người với nhóm 6; Không quá 300.000 đồng/người với nhóm 1, nhóm 5; Không quá 600.000 đồng/người với nhóm 3; Không quá 700.000 đồng/người với nhóm 2.
ii. Hỗ trợ huấn luyện định kỳ không quá 50% mức hỗ trợ huấn luyện lần đầu theo quy định.
Như vậy, chỉ khi doanh nghiệp thực hiện TNXH về huấn luyện ATVSLĐ theo quy định của Nghị định trên, doanh nghiệp mới được hỗ trợ theo qui định của Nghị định này. Việc huấn luyện ATLĐ là để NLĐ sẽ có nhận thức về các mối nguy và đánh giá được các rủi ro, để có biện pháp kiểm soát giúp ngăn ngừa tai nạn có thể xảy ra. Việc này, doanh nghiệp phải thực hiện như Luật An toàn vệ sinh lao động qui định và Nghị định số 88/2020/NĐ-CP. Sự ra đời của Nghị định này được hỗ trợ kinh phí sẽ là cơ sở để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng.
3.2. Những điểm mới của Chính phủ trong Nghị định số 58/2020/NĐ-CP và những biểu hiện TNXH khi hỗ trợ doanh nghiệp giảm đóng bảo hiểm TNLĐ trong hoạt động đóng bảo hiểm TNLĐ bắt buộc
Khi huấn luyện cho NLĐ nhận thức được mối nguy và đánh giá rủi ro cao nhằm kiểm soát, nhưng làm sao kiểm soát tính hiệu quả khi sử dụng nguồn tài chính hỗ trợ từ hoạt động huấn luyện và hoạt động tuân thủ quy định pháp luật về ATVSLĐ.
Thực tế theo số liệu thống kê của Cục An toàn vệ sinh lao động, năm 2020, trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ TNLĐ làm 8.610 người bị nạn, trong đó: Số người chết vì TNLĐ: 966 người, so với năm 2019 giảm 13 người tương ứng 1,34%, trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 661 người, tăng 51 người tương ứng với 8,36% so với năm 2019; khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động: 305 người, giảm 64 người tương ứng với 17,34% so với năm 2019; Số vụ TNLĐ chết người: 919 vụ, so với năm 2019 giảm 8 vụ tương ứng 0,87%, trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 629 vụ, tăng 57 vụ tương ứng với 9,97% so với năm 2019; khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động: 290 vụ, giảm 65 vụ tương ứng với 18,31% so với năm 2019; Số người bị thương nặng: 1.897 người, trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 1.617 người, tăng 25 người tương ứng với 1,57% so với năm 2019; khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động: 280 người, giảm 20 người tương ứng với 6,57% so với năm 2019[13];
Điểm mới của Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020, Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020. Có những điểm mới để khuyến khích như:
Những điểm mới của Nghị định: Mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN[14]; Các trường hợp áp dụng mức đóng 0,3%[15]; Tổ chức đánh giá[16]; Trình tự, thủ tục áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp [17]; Thời hạn áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN[18]; Thu hồi, hủy bỏ Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp [19]; Xử lý NSDLĐ vi phạm[20]; Xử lý tổ chức đánh giá gian lận[21].
Việc sử dụng một đơn vị thứ ba đánh giá độc lập, lập báo cáo gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện một cách chuyên nghiệp, đơn vị độc lập thứ ba này được xem xét năng lực và cấp phép bởi cơ quan quản lý hành chính thuộc Chính phủ sẽ giúp Chính phủ và Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mang tính công bằng về việc khuyến khích khi áp dụng các quy định trên.
4. Đánh giá sự tác động của những chính sách mới về lĩnh vực Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với doanh nghiệp
Dưới khía cạnh trách nhiệm xã hội của Chính phủ khi ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP và Nghị định số 58/2020/NĐ-CP là nguồn động lực để doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đến NLĐ.
4.1. Nghị định số 88/2020/NĐ-CP đối với biểu hiện trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp được khuyến khích bởi Chính phủ
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội của mình là tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện về ATVSLĐ cho NLĐ, người học nghề, tập nghề, người thử việc trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm ATVSLĐ trong quá trình lao động, phù hợp với vị trí công việc được giao. Như vậy, ở đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc phải được thực hiện mà còn là trách nhiệm xã hội ở tất cả các doanh nghiệp khi trang bị kiến thức giúp NLĐ tránh gặp rủi ro khi làm việc tại hiện trường. Để tiết kiệm một khoản không nhỏ cho chi phí huấn luyện ATLĐ như trước đây, phần lớn các doanh nghiệp đã không tổ chức huấn luyện hoặc có tổ chức huấn luyện cũng không có chất lượng, chỉ mang tính đối phó với các quy định, thông qua Nghị định số 88/2020/NĐ-CP thì khoản chi phí thực hiện công tác huấn luyện này được trích từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và mức hỗ trợ lên đến 70%. Thay vì doanh nghiệp phải mất toàn bộ chi phí cho công tác huấn luyện này như trước đâu, thì hiện nay doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn lại khoản chi phí này, giúp doanh nghiệp có động lực thực hiện trách nhiệm xã hội của mình với NLĐ và giúp doanh nghiệp giảm tải đáng kể về chi phí huấn luyện ATVSLĐ, giảm chi phí hoạt động cho giá thành sản phẩm hàng năm, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Thứ hai, để nhận được khoản hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua công tác huấn luyện đầy đủ và đúng theo quy định. Phải phân loại đúng nhóm đối tượng lao động, thời lượng và chương trình huấn luyện phải đúng theo chương trình khung đã được quy định. Như vậy, công tác huấn luyện ATVSLĐ tại doanh nghiệp lúc này đã được đảm bảo về chất lượng, thay vì mang tính chất đối phó như thực trạng trước đây tại nhiều doanh nghiệp.
Thứ ba, khi doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình thông qua công tác huấn luyện ATVSLĐ sẽ nâng cao hiểu biết và nhận thức của NLĐ về ATVSLĐ; từ đó giảm thiểu được TNLĐ và BNN tại doanh nghiệp, giảm thiểu gánh nặng cho xã hội, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Thứ tư, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội khi thực hiện đúng và đủ về công tác huấn luyện ATVSLĐ là doanh nghiệp đã đáp ứng được một phần yêu cầu của thanh tra nhà nước và tiêu chí đánh giá của khách hàng, thị trường trong lĩnh vực ATVSLĐ. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải bắt buộc tham gia các tiêu chuẩn Quốc tế về trách nhiệm xã hội như SA 8000:2014 và ISO 45001:2018 do nhu cầu từ khách hàng và từ thị trường, khi áp dụng việc huấn luyện này xem như tuân thủ một phần các yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế trên.
Thứ năm, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua công tác huấn luyện ATVSLĐ sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động huấn luyện ATVSLĐ theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020, cụ thể:
Phạt tiền đối với NSDLĐ có hành vi không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với tổ chức hoạt động huấn luyện không huấn luyện mà nhận kết quả huấn luyện theo một trong các mức sau đây: Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người; Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người; Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người; Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người; Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người trở lên.
4.2. Sự tác động của Nghị định số 58/2020/NĐ-CP đối với trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng
Thứ nhất, nếu doanh nghiệp nào thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về việc đảm bảo ATVSLĐ, thì sẽ đủ điều kiện và được cấp Quyết định điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 0,3% thay vì 0,5% và thời hạn áp dụng là 36 tháng. Như vậy, doanh nghiệp đã giảm được phần tài chính đáng kể về khoản chi phí đóng bảo hiểm cho NLĐ và càng hiệu quả đối với các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn.
Thứ hai, để đảm bảo trách nhiệm xã hội về ATVSLĐ này được thực hiện, doanh nghiệp phải đủ điều kiện bắt buộc, phải không vi phạm hành chính về ATVSLĐ, đồng thời thực hiện báo cáo định kỳ TNLĐ và ATVSLĐ chính xác, đầy đủ, đúng hạn theo đúng quy định bắt buộc của Luật An toàn vệ sinh lao động. Trước đây, một số doanh nghiệp thường chưa thực hiện trách nhiệm xã hội này, nên dữ liệu về ATVSLĐ thường chưa được cập nhật chính xác và có số liệu để các nhà khoa học về ATVSLĐ nghiên cứu, nhằm kiểm soát rủi ro, làm giảm đi các mối nguy gây ra mất ATVSLĐ.
Thứ ba, để hoàn thành hồ sơ đề xuất giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp bắt buộc phải hợp tác với tổ chức đánh giá độc lập. Đây là một tổ chức chuyên nghiệp và phải đảm bảo đủ điều kiện để được đánh giá theo quy định của pháp luật. Trong quá trình đánh giá công tác ATVSLĐ, bằng góc độ chuyên môn, tổ chức đánh giá sẽ nhận định thực trạng công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp, khuyến nghị đề xuất hướng khắc phục, cải thiện cho doanh nghiệp ngày một hoàn thiện về trách nhiệm xã hội liên quan đến ATVSLĐ. Từ đó, công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp không những được đảm bảo về yêu cầu của pháp luật mà còn được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ.
Thứ tư, khi doanh nghiệp đảm bảo được bộ tiêu chí đánh giá trong báo cáo đánh giá công tác ATVSLĐ là doanh nghiệp đã tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, như: ISO 45001:2018 về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và tuân thủ trách nhiệm xã hội theo quy định của tiêu chuẩn SA 8000:2014.
Thứ năm, khi doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc tuân thủ các qui định về ATVSLĐ. Doanh nghiệp sẽ đủ điều kiện được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thực hiện rất tốt về công tác ATVSLĐ. Từ đây, giúp doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng các tiêu chí đánh giá của khách hàng, đặc biệt đối với khách hàng là những tập đoàn, công ty nước ngoài; giúp nâng tầm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực ngành nghề.
Và khi thực hiện trách nhiệm xã hội về ATVSLĐ, doanh ngiệp sẽ không vi phạm các điều khoản thuộc Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020, như: Vi phạm quy định về báo cáo công tác ATVSLĐ[22]; Vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ[23]; Vi phạm quy định về phòng ngừa TNLĐ, BNN [24]; Vi phạm quy định về trách nhiệm của NSDLĐ đối với TNLĐ, BNN [25]; Vi phạm quy định về sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ[26]; Vi phạm quy định về hoạt động huấn luyện ATVSLĐ[27]; Vi phạm quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ [28]; Vi phạm quy định về quan trắc môi trường lao động[29].
5. Kết luận
Do không thực hiện tốt công tác trách nhiệm xã hội về ATVSLĐ, TNLĐ trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng. Cụ thể: báo cáo của Trung tâm Quốc gia về ATVSLĐ - Cục An toàn lao động - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2020, trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ TNLĐ, làm 8.610 người bị nạn. Như vậy, về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy định về ATVSLĐ nhằm làm giảm tai nạn có thể thấy, số người chết vì TNLĐ chỉ sau tai nạn giao thông tại Việt Nam. TNLĐ không chỉ để lại hậu quả cho người bị tai nạn là thương tật, thương tật vĩnh viễn hoặc chết, mà còn để lại những hậu quả và gánh nặng cho người thân và xã hội. TNLĐ cũng để lại những hậu quả cho NSDLĐ phải bồi thường, đối diện với điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là tù tội,… Hơn 90% tai nạn là do các hành động hay thái độ không an toàn; 50% biểu hiện thái độ không an toàn được tìm thấy ở bất kỳ nhà máy nào tại mọi thời điểm; 30-40% nhân viên thiếu nhận thức về an toàn đã dẫn đến những biểu hiện thiếu an toàn. Do đó, chúng ta cần tập trung nỗ lực vào những biểu hiện an toàn và thiếu an toàn trong quản lý an toàn. Thành công của việc quản lý an toàn hoàn toàn nằm trong tay của nhân viên, họ cần cảm nhận được quyền lực và trách nhiệm của họ trong vấn đề này.[30]
Những điều chỉnh mới về trách nhiệm xã hội trong chính sách về trách nhiệm xã hội liên quan tới TNLĐ, BNN thông qua 2 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 và Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020, Chính phủ đã quan tâm hỗ trợ rất lớn đến doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua công tác hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ giảm trừ số tiền đóng bảo hiểm tai nạn và BNN. Từ đó, giúp doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp qua những biểu hiện thiếu an toàn trong quản lý an toàn, nhằm làm giảm tỷ lệ TNLĐ, tiết kiệm chi phí sản xuất. Hơn nữa, điều này cũng giúp doanh nghiệp chuyển đổi nhận thức từ hình thức xử phạt khi mất an toàn như trước đây, sang hình thức khen thưởng khi phát hiện ra những biểu hiện không an toàn, giúp giảm các TNLĐ không mong muốn có thể xảy ra. Doanh nghiệp còn đạt được các giá trị kinh tế vô hình và xây dựng được hình ảnh doanh nghiệp trên trường quốc tế, khi tham gia các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, từ đó vượt qua được hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT: Tech. Barrier Trading), đáp ứng các tiêu chí của khách hàng quốc tế, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tài liệu trích dẫn:
1 Nguyễn Thị Yến (2021), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp Việt Nam. Truy cập tại <http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-theo-quy-dinh-tai-luat-doanh-nghiep-viet-nam-78506.htm>
2 K.Thulasivelu; head & associate professor department of management sciences sasurie college of engineering vijayamangalam - 638 056; Business Ethics, Corporate Social Responsibility and Governance Subject Code:BA7402.
3 Walter Leal Filho, HAW Hamburg, Hamburg, Germany; Social Responsibility and Sustainability; How Businesses and Organizations Can Operate in a Sustainable and Socially Responsible Way.
4 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 26000:2013 Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội [2013] do Tiểu Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC01/SC1 Trách nhiệm xã hội biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố; Tr.07.
5 Walter Leal Filho, HAW Hamburg, Hamburg, Germany; Social Responsibility and Sustainability; How Businesses and Organizations Can Operate in a Sustainable and Socially Responsible Way
6 Quốc hội (2015), Luật An toàn vệ sinh lao động - Luật số: 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 06 năm 2015-Điều 4-khoản 1.
7 Chính phủ (2018), Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 - Điều 1.
8 Quốc hội (2015), Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 - Điều 42.
9 Quốc hội (2015), Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 - Điều 43.
10 Chính phủ (2020), Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020- Điều 4.
11 Chính phủ (2020), Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 5.
12 Chính phủ (2020), Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 5
13 Bộ LĐTBXH (2020), Tình hình tai nạn lao động năm 2020 Truy cập tại http://huanluyenantoan.gov.vn/tinh-hinh-tai-nan-lao-dong-nam-2020.html.
14 Chính phủ (2020). Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 4.
15 Chính phủ (2020). Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 5.
16 Chính phủ (2020). Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 7.
17 Chính phủ (2020). Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 8.
18 Chính phủ (2020). Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 9.
19 Chính phủ (2020). Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 10.
20 Chính phủ (2020). Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 10.
21 Chính phủ (2020). Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 - Điều 10.
22 Chính phủ (2020). Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 - Điều 19.
23 Chính phủ (2020). Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 - Điều 20.
24 Chính phủ (2020). Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 - Điều 21.
25 Chính phủ (2020). Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 - Điều 22.
26 Chính phủ (2020). Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 - Điều 23.
27 Chính phủ (2020). Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 - Điều 24.
28 Chính phủ (2020). Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 - Điều 25.
29 Chính phủ (2020). Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 - Điều 26.
30 H L Kaila,India 2006 Bahavior basic safety training [năm:2006] <https://www.ijoem.com/article.asp?issn=09732284; year=2006;volume=10;issue=3;spage=102;epage=106;aulast=>
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2019). Bộ luật Lao động - Bộ luật số: 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019.
- Quốc hội (2014). Luật Bảo hiểm xã hội - Luật số: 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014.
- Quốc hội (2015). Luật An toàn, vệ sinh lao động - Luật số: 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015.
- Quốc hội (2016). Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016.
- Chính phủ (2017). Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017.
- Chính phủ (2018). Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018.
- Chính phủ (2020). Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020.
- Chính phủ (2020). Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020.
- Chính phủ (2020). Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020.
- Tiêu Chuẩn Quốc Gia TCVN ISO 26000:2013 Hướng hẫn về trách nhiệm xã hội do Tiểu Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC01/SC1 Trách nhiệm xã hội biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố;
- Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,(2018), Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 45001:2018 Hệ thống Quản lý an toàn, vệ sinh lao động - các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
- Tiêu chuẩn SA8000:2014 -SAI -Social Accountability International (2014).
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2020). Mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới nhất. Truy cập tại: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222985
- Cục An toàn lao động - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2021). Tình hình tai nạn lao động năm 2020. Truy cập tại: http://huanluyenantoan.gov.vn/tinh-hinh-tai-nan-lao-dong-nam-2020.html
- Rhys McKay (2018). The Truth Behind The Alleged Nike Sweatshops Does Nike use sweatshops to this day? From: https://www.who.com.au/nike-sweatshops-does-nike-use-sweatshops
- Nguyễn Thị Yến (2021). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp Việt Nam. Truy cập tại: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-theo-quy-dinh-tai-luat-doanh-nghiep-viet-nam-78506.htm
- H L Kaila (2006). Bahavior basic safety training. From: https://www.ijoem.com/article.asp?issn=09732284;year=2006;volume=10; issue=3; spage=102;epage=106;aulast.
NEW LEGAL CONTENTS ON SOCIAL RESPONSIBILITIES OF ENTERPRISES TOWARDS OCCUPATIONAL ACCIDENT INSURANCE AND OCCUPATIONAL DISEASE
Master in economic law, Attorney Vũ Gia Kiên
Lecturer, Binh Duong University
Abstract:
This paper presents new adjustments on social responsibilities under Vietnam’s policies on occupational accidents by implementing the Job Accident Insurance Fund. These adjustments are expected to encourage enterprises to actively apply newly issued decrees on job safety and occupational health. When enterprises implement social responsibility regulations on job safety and occupational health, a third independent organization which are permitted by the government will assess the compliance of enterprises with regulations. It would help enterprises better integrate into the international business environment and meet international standards such as ISO 45001:2018 and SA 8000:2014.
Keywords: social responsibility, occupational safety, occupational accident insurance, occupational disease, enterprise.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]