Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Việt Nam: Góc nhìn trong thời kỳ Covid-19

ĐỖ DUY KIÊN (Bộ môn nghiệp vụ, Trường Đại học Ngoại thương, Cơ sở II TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích và đánh giá hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Bài viết cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang chủ động thực hiện các hoạt động thể hiện trách nhiệm thông qua đóng góp xây dựng và các hoạt động khác, nhằm ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên quy mô lớn. Qua phân tích, nghiên cứu cũngcho thấy, Chính phủ đang đóng vai trò kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nước.

Từ khóa: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Covid-19, doanh nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong khoảng 2 năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến động theo các diễn biến khôn lường của đại dịch Covid-19.  Trong khi các chính phủ và xã hội đang phải trải qua thời kỳ khó khăn mang tính chính trị, kinh tế cùng với nhân đạo, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về sản xuất - kinh. Trong tình hình đó, các doanh nghiệp đã có động lực thúc đẩy để họ thực hiện các hoạt động đóng góp, xây dựng cho việc phòng, chống dịch thông qua nhiều hình thức.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đang tạo ra một xu hướng mới cho các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) theo chiều hướng tích cực. Các doanh nghiệp đã bắt đầu phản ứng nhanh và quyết liệt hơn trước các diễn biến của dịch, thông qua các hoạt động CSR tới cộng đồng. Các hoạt động CSR được diễn ra đồng loạt tại nhiều quốc gia và trong nhiều lĩnh vực. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc hỗ trợ và đóng góp vào các công tác phòng, chống dịch trên quy mô lớn. Bài nghiên cứu này sẽ đưa ra các phân tích và đánh giá về hoạt động CSR của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường.

2. Cơ sở lý thuyết

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - CSR có thể được hiểu bao gồm các hoạt động thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội. Trong bài viết này, CSR được hiểu là các hoạt động thể hiện trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp trên phương diện “kinh tế, pháp luật, đạo đức, và tự nguyện theo kỳ vọng của xã hội” (Carroll, 1979:500).

Nghiên cứu của Agudelo và cộng sự (2019) cho thấy, từ đầu những năm 1930, xã hội đã bắt đầu chú ý tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Kể từ thời điểm đó, các thay đổi trong thời kỳ công nghiệp hóa và chuẩn mực cho các hoạt động kinh doanh đã dần hình thành yêu cầu doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng. Song song với sự phát triển của xã hội, các học giả đã bắt đầu nghiên cứu nhiều về CSR. Các nghiên cứu cho thấy những vấn đề từ an toàn lao động, bảo vệ môi trường cho tới các sự vụ vi phạm pháp luật trong kinh doanh đã góp phần tăng cường nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội.

Những năm gần đây, CSR đang ngày càng trở thành chủ đề quan trọng và được nhắc tới nhiều trên các phương tiện truyền thông cũng như thông qua các hoạt động của doanh nghiệp. Toàn cầu hóa cũng góp phần đẩy mạnh các hoạt động CSR giữa các nước phát triển và đang phát triển, ví dụ như thông qua các công ty đa quốc gia (Agudelo và cộng sự, 2019). Với xu hướng hướng tới một xã hội phát triển bền vững, hoạt động CSR của các doanh nghiệp đã trở thành một chiến lược trong quá trình phát triển kinh doanh.

Để nghiên cứu về CSR, các học giả cũng đưa ra nhiều mô hình và lý thuyết có thể được dùng để phân tích và đánh giá CSR. Nếu nhìn nhận CSR theo Lý thuyết các bên liên quan (Stakeholder theory) của Freeman (Freeman và Dmytriev, 2017), các hoạt động của một doanh nghiệp có ảnh hưởng qua lại với nhiều nhóm đối tượng, bao gồm chính phủ, khách hàng, môi trường và nhân viên của công ty đó. Quan điểm về mối liên hệ giữa Lý thuyết các bên liên quan và CSR như trên thể hiện sự đối lập với trường phái thị trường tự do.

Theo trường phái thị trường tự do, các hoạt động CSR không được khuyến khích. Tuy nhiên, các quan sát cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều thực hiện các hoạt động CSR khác nhau. Xu hướng các doanh nghiệp trên thế giới đang ngày càng tăng cường các hoạt động CSR phù hợp với xu hướng phát triển của các hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay. Một trong số các minh chứng cho xu hướng trên được thể hiện rõ trong Khảo sát toàn cầu về báo cáo bền vững (KPMG Survey of Sustainability Reporting 2020) của KPMG năm 2020, dựa trên số liệu của hơn 5.000 công ty tại 52 quốc gia. Theo khảo sát này, có 80% các công ty trên thế giới hiện nay đã thực hiện báo cáo phát triển bền vững, tại một số quốc gia như Nhật Bản, con số này lên tới 100%.

Do vậy, theo trường phái ủng hộ CSR, một doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xã hội đối với các bên liên quan ở trên. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa các hoạt động CSR của doanh nghiệp với Chính phủ và xã hội nói chung.

3. Tình hình doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, dịch vụ và du lịch. Báo cáo của NEU-JICA (2020) đã cho thấy, hầu hết các ngành nghề trong năm 2020 đều tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước đó. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp và sức mua giảm. Các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu đã chịu tác động trực tiếp từ suy giảm kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, bức tranh về hoạt động sản xuất - kinh doanh có thể được chia ra nhiều mảng. Bản điều tra của NEU-JICA (2020) cho thấy, mặc dù các ngành vận chuyển, du lịch, lưu trú chịu ảnh hưởng nặng nề thì các ngành tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin lại có tình hình kinh doanh tích cực hơn. Một số ngành nghề có thể được hỗ trợ nhiều hơn từ các chính sách tiền tệ và hỗ trợ vốn từ Chính phủ và hệ thống ngân hàng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn xuất phát từ đại dịch, các đợt giãn cách, khó khăn tiếp cận vốn cũng như từ việc suy giảm kinh tế của các đối tác xuất khẩu. Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng thời kỳ này lại chứng kiến các hoạt động CSR trên quy mô lớn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn. Các hoạt động này vừa xuất phát từ các chính sách kêu gọi của Chính phủ, vừa xuất phát từ các nỗ lực thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng.

4. Đại dịch Covid-19: CSR trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và xã hội

Đại dịch Covid-19 đã gây ra các tổn thất lớn đối với xã hội trên hầu hết các phương diện: hàng triệu người trên khắp thế giới bị nhiễm virus và tử vong, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, kinh tế sản xuất đình trệ, hàng chục triệu người mất việc. Đứng về phương diện nghiên cứu, đây  là bối cảnh quan trọng để thực nghiệm và đo lường các hoạt động CSR từ phía các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách có tác động trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp. Theo báo cáo của NEU-JICA (2020), Chính phủ đã chủ động trong việc điều tiết nền kinh tế và đưa ra các chính sách hợp lý để duy trì và phục hồi nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội vượt qua các khó khăn trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, Chính phủ đã chủ động cắt giảm chi tiêu thường xuyên và huy động vốn cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn. Chính phủ cũng có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ tiếp cận tín dụng và nguồn vốn cho các doanh nghiệp.

Một số chính sách hỗ trợ được thể hiện qua Chỉ thị số 11/CT-TTg ban hành ngày 04/03/2020 nhằm giảm khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và an sinh xã hội, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ban hành ngày 08/04/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đặc biệt là Chỉ thị số 11 đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan nhà nước cũng như các địa phương để đưa ra các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Trên phương diện chính sách tiền tệ, gói hỗ trợ tài chính trị giá 250 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng và một số gói hỗ trợ khác đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ khối doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh (Phòng Thương mại và Công nghiệp Viêt Nam - VCCI và Ngân hàng Thế giới - World Bank, 2020). Như vậy có thể thấy, mức độ hỗ trợ và ảnh hưởng từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có tác động trực tiếp và tích cực tới tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đối mặt với khá nhiều khó khăn xuất phát từ các nguyên  nhân khách quan, như:

Thứ nhất, các khó khăn về kinh tế và hạn chế giao thương và thương mại quốc tế gây sụt giảm doanh thu nghiêm trọng của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không là một trong hai ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Theo ước tính của VCCI và World Bank (2020), có đến gần 90% các doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng lớn và tiêu cực từ COVID-19. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các doanh nghiệp lớn.

Hình 1: Kết quả khảo sát tác động của Covid-19 tới doanh nghiệp

Kết quả khảo sát tác động của Covid-19 tới doanh nghiệp

Nguồn: Trích dẫn từ Báo cáo của VCCI và World Bank (2020, trang 30)

Thứ hai, các đợt bùng dịch tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội đã trực tiếp tác động tới doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty trong các ngành dịch vụ, du lịch. Các doanh nghiệp còn chịu phát sinh thêm nhiều chi phí liên quan tới gián đoạn sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, tiếp cận khách hàng được coi là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp được hỏi, sau đó tới yếu tố dòng tiền, lao động và chuỗi cung ứng (VCCI và World Bank, 2020).

Như vậy có thể thấy, đứng từ phía doanh nghiệp, đại dịch Covid -19 đã trực tiếp và gián tiếp gây ra rất nhiều khó khăn và tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và phát triển của các doanh nghiệp trên toàn quốc. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch đã tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp ứng phó để giảm thiểu các khó khăn. Trên khía cạnh vĩ mô, ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn cũng đã dẫn đầu trong việc thực hiện các hoạt động CSR. Khi Chính phủ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, các doanh nghiệp với quy mô lớn và nhỏ đều tham gia ủng hộ. Các tập đoàn lớn đã đóng góp những khoản tiền lớn như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đóng góp 1.450 tỷ đồng (Bằng Tâm, 2021), Vingroup đóng góp 480 tỷ đồng, Viettel đóng góp 450 tỷ đồng (Minh Quyên, 2021). Vietnam Airlines, một công ty cổ phần với tỷ trọng lớn vốn chủ sở hữu của Nhà nước cũng tham gia đóng góp tích cực trong việc nhận nhiệm vụ thực hiện các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về.

Một số doanh nghiệp như Vingroup trước đó đã đóng góp dựa trên việc phát triển và quyên góp các máy trợ thở cho các cơ sở khám chữa bệnh. Cụ thể, ngay sau một thời gian ngắn khi dịch bùng phát tại Việt Nam vào đầu năm 2020, Vingroup đã hỗ trợ ngay 100 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị y tế (Phương Linh, 2020). Có thể thấy Vingroup có thể đại diện cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động CSR trong giai đoạn này một cách quy mô, xuyên suốt và nhất quán. Xét trên khía cạnh nội bộ của doanh nghiệp, theo điều tra của VCCI và World Bank (2020), các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó như cung cấp trang thiết bị phòng dịch, triển khai hình thức làm việc từ xa và giãn cách nơi làm việc. Hiện tại, các doanh nghiệp đã bắt đầu có các chương trình cho cán bộ nhân viên tiêm vắc-xin theo quy định của Chính phủ.

5. Kết luận

Bài viết đã chỉ ra các hoạt động CSR của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra trong phạm vi toàn cầu. Có thể thấy, đây là giai đoạn chứng kiến các hoạt động CSR ở quy mô lớn và tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, thông qua các hoạt động trên, vai trò của chính phủ trong việc thúc đẩy các hoạt động CSR đã được thể hiện rõ thông qua thành công của việc gây quỹ Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19.

Thứ nhất, đại dịch Covid -19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đối với các doanh nghiệp trong nước. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và có ảnh hưởng tích cực ở một số mức độ nhất định tới việc ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, đứng trên góc độ khách quan, do tính chất kết nối toàn cầu của các doanh nghiệp và quốc gia, sự suy giảm các hoạt động kinh tế quốc tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, các doanh nghiệp đã chủ động nhiều giải pháp linh hoạt để góp phần giảm thiểu các khó khăn trong ngắn hạn và trung hạn. Trong thời kỳ này, các phân tích ở trên cho thấy các doanh nghiệp, mặc dù đang còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước mắt, vẫn có những hoạt động CSR ở quy mô lớn.

Về mặt vĩ mô, các doanh nghiệp bao gồm các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng lớn như Vingroup, Masan, Vietnam airlines đều tham gia tích cực vào việc ủng hộ về vật chất cũng như sản phẩm, dịch vụ cho chương trình phòng, chống Covid -19 của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương. Các hoạt động CSR diễn ra trên quy mô toàn quốc và trên nhiều phương diện khác nhau. Một số công ty đã tài trợ trực tiếp dưới dạng quyên góp tiền cho quỹ Covid -19 của chính phủ. Một số công ty tham gia sản xuất và tài trợ cho các sản phẩm, vật tư y tế phục vụ cho chiến dịch phòng chống và điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

Xét về lý thuyết các bên liên quan đã nêu ở trên, lý thuyết này cũng góp phần giải thích mối quan hệ liên quan tới nhau giữa các doanh nghiệp và các bên liên quan như Chính phủ và cộng đồng, xã hội. Việc sử dụng lăng kính của lý thuyết các bên liên quan trong trường hợp này chỉ ra mối quan hệ có ảnh hưởng lẫn nhau, trực tiếp và gián tiếp, giữa các doanh nghiệp và Chính phủ. Cũng như các bên liên quan khác, Chính phủ có thể đóng vai trò kiến tạo, thúc đẩy và hình thành các hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động CSR được phát triển. Tương tự, các doanh nghiệp có thể chủ động đưa ra các giải pháp và đóng góp hữu ích đối với cộng đồng như các hoạt động CSR trong thời kỳ dịch Covid-19.

Có thể thấy các hoạt động CSR trên quy mô lớn của các doanh nghiệp trong thời kỳ này mang tính chất quan trọng và quyết định cho việc nâng tầm hoạt động CSR tại Việt Nam. Vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các hoạt động CSR cũng được thể hiện rõ thông qua các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 nói trên. Hơn thế, các hoạt động này đã góp phần quảng bá, nhân cao nhận thức và tạo một tiền lệ tốt cho các hoạt động CSR trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bằng Tâm. (2021). Quỹ vaccine phòng COVID-19: Tinh thần xung kích của người dân và doanh nghiệp TPHCM. Báo Chính phủ, truy cập tại http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=433842
  2. Carroll, A. B. (1979). A three-dimensional conceptual model of corporate performance. Academy of management review, 4(4), 497-505.
  3. Minh Quyên (2021). Hơn 6.600 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Tạp chí Lao Động và Xã hội, truy cập tại http://laodongxahoi.net/hon-6600-ty-dong-ung-ho-quy-vac-xin-phong-covid-19-1319104.html
  4. Latapí Agudelo, M.A., Jóhannsdóttir, L. and Davídsdóttir, B. (2019). A literature review of the history and evolution of corporate social responsibility. Int J Corporate Soc Responsibility, 4(1), 1-23.
  5. NEU và JICA. (2020). Báo cáo của NEU-JICA: Đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và các khuyến nghị. Truy cập tại https://www.jica.go.jp/vietnam/vietnamese/office/topics/c8h0vm00009crmm6-att/210305_01 _vn.pdf
  6. KPMG. (2020). The KPMG Survey of Sustainability Reporting 2020. [Online] Avalabile at https://home.kpmg/xx/en/home/insights/2020/11/the-time-has-come-survey-of-sustainability-reporting.html
  7. Phương Linh (2020). Các tỷ phú Việt tài trợ những gì cho công tác chống dịch COVID-19?. Tạp chí Nhà đầu tư, truy cập tại https://nhadautu.vn/cac-ty-phu-viet-tai-tro-nhung-gi-cho-cong-tac-chong-dich-covid-19-d35657.html
  8. VCCI và World Bank (2020). Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ Điều tra doanh nghiệp năm 2020. Truy cập tại https://www.dropbox.com/sh/ydm454t44ig2xh0/ AABUUnKVFxxxhLGIGMkAQ0Vra/VN?dl=0&preview=3.+WB-VCCI_BAO+CAO+COVID-9_Web_version.pdf& subfolder_nav_tracking=1
  9. Freeman, R. E. và Dmytriyev, S. D. (2017). Corporate Social Responsibility and Stakeholder Theory: Learning From Each Other. Symphonya. Emerging Issues in Management, 1, 7-15.

CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY

OF VIETNAMESE BUSINESSES

DURING THE COVID-19 PANDEMIC: A REVIEW

• DO DUY KIEN

Profesional Department, Foreign Trade University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

This study analyzes and evaluates the corporate social responsibility (CSR) activities of Vietnamese enterprises during the complicated developments of the Covid-19 pandemic. Vietnamese businesses are actively performing their corporate social responsibilities by contributing to the country’s Covid-19 vaccine fund as well as through other activities to help fight the pandemic. This study also shows that the Vietnamese government plays an important role in furthering and promoting Vietnamese businesses to fullill their corporate social responsibilities.

Keywords: corporate social responsibility, Covid-19, enterprise, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]