TÓM TẮT:
Bài báo nhằm mục đích xác định các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến công bố báo cáo trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Bài báo sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, xử lý số liệu thông qua công cụ phân tích dữ liệu với phần mềm SPSS 20. Mẫu nghiên cứu là 155 doanh nghiệp tỉnh Bình Định. Kết quả cho thấy, có 4 nhân tố tác động trực tiếp cùng chiều với mức độ công bố báo cáo trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Định, bao gồm: (1) Nhận thức của người tiêu dùng, (2) Quy mô doanh nghiệp, (3) Hiệu quả tài chính, (4) Áp lực pháp lý.
Từ khóa: công bố báo cáo trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp, tỉnh Bình Định.
1. Đặt vấn đề
Trách nhiệm xã hội (TNXH) là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là ở các nước phát triển. Các doanh nghiệp chịu áp lực ngày càng cao về trách nhiệm xã hội đối với các bên liên quan như cổ đông, nhân viên, khách hàng, đối tác kinh doanh, cộng đồng và môi trường. Ở Việt Nam, mức độ công bố báo cáo TNXHcòn thấp, được thực hiện chủ yếu tại các doanh nghiệp lớn. Tại Bình Định, cuối năm 2020 có 6.742 doanh nghiệp đang hoạt động, là tỉnh có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có xếp hạng cao, ở vị trí số 22 trong 63 địa phương trên cả nước (Kết quả của Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam, 2021). Do đó, việc xác định nhân tố và mức độ tác động của các nhân tố tác động đến công bố báo cáo trách nhiệm tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Định để doanh nghiệp chủ động công bố báo cáo TNXH và nâng cao trách nhiệm, từ đó nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là rất có ý nghĩa.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Quy mô doanh nghiệp (QM)
Mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và mức độ công khai báo cáo trách nhiệm được nhiều học giả quan tâm. Bayoud và cộng sự (2012) phát hiện rằng, tuổi doanh nghiệp và loại hình ngành có ảnh hưởng đến mức độ tiết lộ TNXH của doanh nghiệp. Nghiên cứu của Ayman Issa (2017) cũng cho thấy yếu tố quy mô và lợi nhuận có mối liên hệ trực tiếp cùng chiều đến công bố TNXH. Các doanh nghiệp có quy mô lớn và những công ty có liên quan đến vấn đề môi trường thường công bố thông tin TNXH lớn (Stephen và Stephen, 2008). Do đó, giả thuyết H1 được đưa ra:
H1: Quy mô doanh nghiệp tác động trực tiếp cùng chiều đến mức độ công bố báo cáo TNXH tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Định.
2.2. Áp lực pháp lý (PL)
Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt và thúc đẩy các doanh nghiệp thực hành báo cáo TNXH (Jieqi Guan và Carlos Noronha, 2018). Waris và Jedrzej (2018) cũng cho thấy các hiệp hội và các quỹ đóng vai trò thúc đẩy công bố báo cáo TNXH. Sự có sẵn của quy định pháp lý sẽ ràng buộc các doanh nghiệp tuân thủ quá trình hoạt động của mình (Trần Minh Phương, 2017). Do đó, giả thuyết H2 được đưa ra:
H2: Áp lực pháp lý tác động trực tiếp cùng chiều đến mức độ công bố báo cáo TNXH tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Định.
2.3. Nhận thức của người tiêu dùng (TD)
Người tiêu dùng thường quan tâm hơn tới các doanh nghiệp có hoạt động vì môi trường, xã hội tốt. Hay nói các khác, người tiêu dùng quan tâm hơn đối với các doanh nghiệp có hành động vì cộng đồng, môi trường (Yung-Fu Huang và cộng sự, 2019). Nghiên cứu của Phạm Đức Hiếu (2011) cho thấy xu hướng mua sắm của người tiêu dùng có liên quan đến việc thực hiện TNXH của doanh nghiệp. Cảm nhận TNXH ảnh hưởng đến niềm tin thương hiệu cũng được chứng minh (Nguyễn Thị Kim Ánh và Nguyễn Thị Minh Hòa, 2018). Do đó, giả thuyết H2 là:
H3: Nhận thức của người tiêu dùng tác động trực tiếp cùng chiều đến mức độ công bố báo cáo TNXH tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Định.
2.4. Hiệu quả tài chính (TC)
Nhân tố hiệu quả tài chính tác động đến mức độ công bố báo cáo TNXH cũng được quan tâm. Khả năng sinh lời là yếu tố quyết định chính đối với phần lớn thông tin công bố trách nhiệm xã hội (Khaled Hussainey và cộng sự, 2011). Nghiên cứu của Nguyễn Văn Linh và Đặng Ngọc Hùng (2019) cho thấy tác động của hiệu quả kinh doanh theo sức sinh lợi của tài sản với mức công bố thông tin phát triển bền vững là thuận chiều. Do đó, giả thuyết H4 được đưa ra:
H4: Hiệu quả tài chính tác động trực tiếp cùng chiều đến mức độ công bố báo cáo TNXH tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Định.
3. Mô hình và phương pháp nghiên cứu
3.1. Mô hình nghiên cứu
Hình 1: Mô hình nghiên cứu
Nguồn: Tác giả đề xuất
Từ mô hình đề xuất nêu trên, phương trình nghiên cứu dự kiến là:
TNXH = α + β1*QM+ β2*PL + β3*TD + β4*TC + ε
Trong đó:
- Biến phụ thuộc: TNXH: mức độ công bố báo cáo trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Định
- Biến độc lập: gồm 4 biến:
+ QM: Biến quy mô doanh nghiệp
+ PL: Biến áp lực pháp lý
+ TD: Biến nhận thức của người tiêu dùng
+ TC: Biến hiệu quả tài chính.
3.2. Phương pháp nghiên cứu
Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng bao gồm: phân tích độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy. Trong bài nghiên cứu này có 24 biến quan sát dùng để phân tích nhân tố khám phá, do đó cỡ mẫu tối thiểu là 120 (Hair và cộng sự, 1998). Tác giả gửi link Google form cho 170 đối tượng là các nhà quản trị cấp cao tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Mẫu được lựa chọn theo phương pháp thuận tiện đối với tất cả các doanh nghiệp không phân biệt loại hình kinh doanh, quy mô doanh nghiệp vào tháng 8/2021. Tác giả liên hệ trước cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng khảo sát để đảm bảo nhận được sự hợp tác và tỷ lệ phản hồi cao nhất, cùng với đó là gọi điện nhắc nhở sau 1 tuần đối với các phiếu khảo sát chưa nhận phản hồi. Kết quả thu về được 163 phản hồi phiếu khảo sát từ các doanh nghiệp, tác giả tiến hành lọc các phiếu khảo sát. Sau khi loại bỏ 8 phiếu trả lời không hợp lệ, còn lại 155 phiếu trả lời hợp lệ (chiếm tỷ lệ 95,09%), tác giả tiến hành mã hóa, nhập liệu trên Excel và sử dụng công cụ phân tích SPSS 20 để tiến hành phân tích dữ liệu.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Phân tích độ tin cậy thang đo
Mục đích của phân tích độ tin cậy thang đo và dữ liệu khảo sát nhằm đánh giá sự tương quan giữa các biến quan sát trong từng nhóm các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố báo cáo TNXH tại các doanh nghiệp Bình Định để xem các biến có quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc đo lường hay không. Kết quả phân tích độ tin cậy thang đo, Cronbach’s Alpha của thang đo các biến mức độ công bố báo cáo TNXH (TNXH), biến quy mô doanh nghiệp (QM), biến áp lực pháp lý (PL), biến nhận thức của người tiêu dùng (TD) và biến hiệu quả tài chính (TC) lần lượt là 0,938; 0,936; 0,861; 0,953; 0,929. Kết quả này cho thấy thang đo của biến phụ thuộc và tất cả các biến độc lập đều đáp ứng độ tin cậy của thang đo (Cronbach’s Alpha) là lớn hơn 0,8 và gần tới 1. Đồng thời các hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item - Total Correlation) đều cao hơn 0,3 và các hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến của các biến (Cronbach’s Alpha if Item Deleted) đều nhỏ hơn hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo. Như vậy, tất cả các thang đo đều đạt độ tin cậy để sử dụng nghiên cứu.
4.2. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng để thu nhỏ và tóm tắt dữ liệu. Khi đưa tất cả các biến thu thập được sau khi đã kiểm định độ tin cậy của thang đo vào phân tích, các biến có thể liên hệ với nhau. Khi đó, chúng sẽ được gom thành các nhóm biến có liên hệ để xem xét và trình bày dưới dạng các nhân tố tác động đến mức độ công bố báo cáo TNXH. Các bước để tiến hành phân tích nhân tố khám phá, bao gồm:
Bước 1: Kiểm định tính thích hợp của EFA: bài báo sử dụng kiểm định KMO để kiểm định tính thích hợp.
Bảng 1. Kiểm định tính thích hợp EFA, kiểm định phương sai trích
của biến phụ thuộc
Nguồn: Kết quả tính toán của tác giả
Kiểm định tính thích hợp của biến phụ thuộc: Theo kết quả Bảng 1, ta thấy giá trị KMO của biến phụ thuộc là 0,773 thỏa mãn điều kiện 0,5 < KMO < 1 chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích là thích hợp. Kiểm định Bartlett có Sig. là 0,000 < 0,05 có thể kết luận rằng các biến quan sát trong nhóm nhân tố mức độ công bố báo cáo TNXH có mối quan hệ tương quan với nhau.
Bảng 2. Kiểm định tính thích hợp EFA, kiểm định phương sai trích
của biến độc lập
Nguồn: Kết quả tính toán của tác giả
Kiểm định tính thích hợp của biến độc lập: Theo kết quả Bảng 2, ta thấy giá trị KMO của biến độc lập là 0,885 > 0,5, do đó thỏa mãn điều kiện. Điều này chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích là thích hợp. Kiểm định Bartlett có Sig là 0,000 < 0,05, vì vậy các biến quan sát của biến độc lập có sự tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.
Bước 2: Tiến hành phương pháp trích yếu tố và phương pháp xoay yếu tố.
Đối với biến phụ thuộc: Kết quả phân tích EFA cho thấy với phương pháp trích yếu tố, phép quay Varimax cho phép trích được một yếu tố với 6 biến quan sát và tổng phương sai trích là 76,704%.
Đối với biến độc lập: Kết quả ma trận xoay nhân tố cho biết các hệ số tải nhân tố (Factor loading) lớn hơn 0,55 nên các nhân tố đảm bảo được giá trị hội tụ và phân biệt khi phân tích EFA. Ngoài ra, kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho thấy không có sự xáo trộn nào giữa các biến quan sát của các nhân tố với nhau. Điều này cho thấy, thang đo đang sử dụng để kiểm định là khá phù hợp. Có 4 yếu tố từ 18 biến quan sát và phương sai trích là 80,979% > 50% là đạt yêu cầu.
Bảng 3. Kết quả phân tích EFA
Nguồn: Kết quả tính toán của tác giả
4.3. Phân tích hồi quy
Thực hiện hồi quy thu được kết quả như Bảng 4.
Bảng 4. Kết quả hồi quy
Nguồn: Kết quả tính toán của tác giả
Kết quả hồi quy tuyến cho thấy tất cả các biến độc lập đều có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy 90% (hệ số sig < 0,1). Điều này cho thấy các biến quy mô doanh nghiệp (QM), áp lực pháp lý (PL), biến nhận thức của người tiêu dùng (TD), biến hiệu quả tài chính (TC) có tác động đến mức độ công bố báo cáo TNXH tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Định. Trong đó, tất cả các biến đều tác động trực tiếp cùng chiều đến biến mức độ công bố báo cáo TNXH. Điều này phù hợp với các giả thuyết H1, H2, H3, H4 tác giả đặt ra lúc đầu.
Từ Bảng 4, ta có được mô hình hồi quy đánh giá mức độ tác động của biến độc lập lên biến phụ thuộc như sau:
TNXH = 0,940 + 0,183*QM+ 0,154*PL + 0,292*TD+0,165*TC + ε
Đồng thời, mô hình hồi quy chuẩn hóa được xác định như sau:
TNXH = 0,225* QM + 0,159* PL + 0,353* TD +0,171* TC + ε
Theo mô hình hồi quy chuẩn hóa ta có thể thấy được cơ cấu tác động của các nhân tố đến mức độ công bố báo cáo TNXH tại các doanh nghiệp Bình Định được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: biến nhận thức của người tiêu dùng (TD), biến quy mô doanh nghiệp (QM), biến hiệu quả tài chính (TC), biến áp lực pháp lý (PL).
5. Kết luận và hàm ý chính sách
5.1. Kết luận
Nghiên cứu này cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố báo cáo TNXH ở các doanh nghiệp Bình Định, bao gồm: nhận thức của người tiêu dùng, quy mô doanh nghiệp, hiệu quả tài chính, áp lực pháp lý.
5.2. Hàm ý chính sách
Thứ nhất, nhận thức của người tiêu dùng.
Nhận thức của người tiêu dùng có tác động lớn nhất đối với mức độ công bố báo cáo TNXH tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Định. Người tiêu dùng chính là khách hàng của doanh nghiệp, người tiêu dùng có cần nhận thức rõ việc doanh nghiệp công bố báo cáo TNXH để có thể ủng hộ mạnh mẽ những công ty có trách nhiệm đối với các bên liên quan như cổ đông, nhân viên, khách hàng cùng với các hoạt động thiện nguyện, chương trình vì cộng đồng và công bố những thông tin này. Ngược lại, người tiêu dùng cần có thái độ, thậm chí tẩy chay công ty không có trách nhiệm xã hội và cộng đồng, chỉ chạy theo lợi ích kinh tế. Điều này tạo áp lực cho doanh nghiệp cần phát triển theo hướng bền vững và có hoạt động vì cộng đồng.
Thứ hai, quy mô doanh nghiệp.
Quy mô doanh nghiệp càng lớn thì mức độ công bố báo cáo TNXH càng cao. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định khi thành lập doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu đạt lợi nhuận trong ngắn hạn, cần xác định mục tiêu phát triển bền vững. Mà việc công bố báo cáo trách nhiệm xã hội giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong lòng khách hàng, nâng cao uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Với thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc doanh nghiệp công bố trách nhiệm xã hội để đáp ứng các thông lệ quốc tế còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, hiệu quả tài chính.
Hiệu quả tài chính của doanh nghiệp càng cao thì mức độ công bố TNXH càng lớn. Doanh nghiệp hoạt động càng hiệu quả, lợi nhuận kinh tế lớn càng cần công bố các thông tin về trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Do vậy, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh càng hiệu quả, thể hiện qua các chỉ số tài chính như sức sinh lợi của tài sản, sức sinh lợi của doanh thu, sức sinh lợi của vốn chủ sở hữu cao sẽ thúc đẩy việc công bố báo cáo TNXH.
Thứ tư, áp lực pháp lý.
Nhà nước có vai trò xây dựng các hành lang pháp lý về trách nhiệm công bố các báo cáo TNXH bằng các Bộ luật, Thông tư, Nghị định để có thể hướng dẫn việc thực hiện báo cáo, thời gian thực hiện và các chế tài xử phạt khi không thực hiện đầy đủ các công bố để nâng cao mức độ công bố báo cáo TNXH tại các doanh nghiệp Bình Định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trần Minh Phương (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp tại Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bayoud, N. S., Kavanagh, M., & Slaughter, G. (2012). Factors influencing levels of corporate social responsibility disclosure Libyan firms: A mixed study. International Journal of Economics and Finance, 4(4), 13-29.
- Hair, J. F., Rolph, E., & Anderson, R. L. (1998). Multivariate Data Analysis. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall International.
- Jieqi Guan, Carlos Noronha. (2018). Corporate Social Resporting in China: Evolution, Drivers and Prospects, 1st ed. UK: Routledge.
FACTORS AFFECTING THE PUBLICATION
OF SOCIAL RESPONSIBILITY REPORTS OF ENTERPRISES
IN BINH DINH PROVINCE
• LE NU NHU NGOC
Lecturer, Faculty of Economics and Accounting
Quy Nhon University
ABSTRACT:
This study determines the factors affecting the publication of social responsibility reports of enterprises in Binh Dinh Province. Quantitative research methods and data analysis tools including SPSS Statistics 20 are used in this study. The study’s sample size is 155 enterprises in Binh Dinh Province. The study finds out that there are four factors that directly affect the publication of social responsibility reports of enterprises in Binh Dinh Province, namely (1) Consumer awareness, (2) Business size, (3) Financial performance, and (4) Legal pressure.
Keywords: releasing corporate social responsibility, enterprise, Binh Dinh Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2022]