Tăng cường liên kết chuỗi cung ứng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường ASEAN

THS. NGUYỄN THỊ NINH (Trường Đại học Dân lập Phương Đông)

TÓM TẮT:

Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng là một nội dung quan trọng trong bối cảnh hiện nay, tạo điều kiện liên kết sản xuất và tăng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường xuất khẩu. Mạng lưới liên kết chuỗi cung ứng hiệu quả là nội dung quan trọng nhằm đảm bảo dòng chảy hàng hóa và dịch vụ thông suốt. Bài viết phân tích về liên kết chuỗi trong thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang  thị trường ASEAN.

Từ khóa: liên kết chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam, thị trường, ASEAN.

1. Đặt vấn đề

ASEAN hiện là thị trường chung thống nhất, những rào cản thương mại cơ bản đã được được gỡ bỏ, tạo thuận lợi hóa cho việc tiêu thụ sản phẩm của các quốc gia thành viên của Khối. Vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là cần tập trung vào việc gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội để liên kết chuỗi cung ứng, đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.

Tuy nhiên trong thực tế, giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn một số nước khu vực ASEAN, như: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines. Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng hầu hết sản phẩm đều là gia công, lắp ráp. Do đó, lợi ích Việt Nam được hưởng từ xuất khẩu không nhiều. Năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực doanh nghiệp Việt còn thấp. Đây là tồn tại lớn nhất, là gốc rễ của vấn đề. Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu, cần có những chiến lược, chính sách vĩ mô của Nhà nước để tạo điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường xuất khẩu.

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính là chủ yếu. Trong đó, tác giả thu thập các dữ liệu thứ cấp về liên kết chuỗi trong thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang  thị trường ASEAN. Dữ liệu được cung cấp từ công bố chính thức trên các website của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổng cục Thống kê và một số tạp chí kinh tế.

2. Một số vấn đề cơ bản về liên kết chuỗi cung ứng

Liên kết chuỗi cung ứng là mô hình kinh doanh dựa trên việc kết nối các tổ chức để điều chỉnh các quyết định. Cũng như quy trình chiến lược trên hệ thống kết nối từ nhà cung ứng/ nhà sản xuất đến khách hàng cuối cùng nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh; sức mạnh tổng hợp cũng như hiệu suất/ hiệu quả công việc. Hoạt động của các chủ thể trong chuỗi giá trị không thể phát triển độc lập, mà phải phát triển trong mối tương quan với sự phát triển của các chủ thể khác.

Liên kết chuỗi cung ứng bao gồm liên kết theo chiều dọc và liên kết theo chiều ngang. Liên kết chuỗi cung ứng theo chiều dọc và ngang là những chiến lược quản lí chuỗi cung ứng được các công ty áp dụng để tận dụng những lợi thế sẵn có. Qua đó, tăng doanh thu và góp phần tăng năng lực cạnh tranh đối với các công ty khác. Một chuỗi cung ứng hiệu quả sẽ là thước đo cho sự thành công của doanh nghiệp, qua đó làm hài lòng khách hàng của họ.

Thương trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, chính vì vậy, việc liên kết là điều đương nhiên nhằm tăng hiệu quả và hạn chế rủi ro hơn thay vì thực hiện riêng lẻ. Đối mặt với các thách thức đặt ra khiến các doanh nghiệp buộc phải đưa ra những chiến lược cụ thể; an toàn và hiệu quả dựa vào khả năng hiện có của doanh nghiệp. Việc liên kết chuỗi cung ứng dọc và ngang là “kim chỉ nam” giúp các doanh nghiệp quản lí các tổ chức và mối quan hệ của họ với các công ty khác trong cùng một chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị.

Bằng việc cải thiện quy trình cũng như hiệu suất của chuỗi cung ứng. Thông qua đầu tư vào các giá trị gia tăng và các hoạt động nhằm giúp tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng đều có lợi; tích hợp chuỗi cung ứng dọc và ngang, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả, tăng sự hài lòng của khách hàng.

2.1. Liên kết theo chiều dọc

Liên kết theo chiều dọc là mô hình liên kết các công ty hoạt động trong cùng một chuỗi giá trị ngành như các công ty cung ứng vật liệu, sản xuất, vận tải, bán hàng,… Liên kết theo chiều dọc có thể là tích hợp ngược - hướng về bên trái chuỗi giá trị như công ty sản xuất: công ty sản xuất mua lại hoặc đầu tư vốn vào các công ty cung ứng nguyên liệu cho mình; tích hợp xuôi - hướng về bên phải chuỗi giá trị như công ty sản xuất mua lại hoặc đầu tư vốn vào một công ty để tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất.

Như vậy, liên kết dọc là mô hình kinh doanh, trong đó mục tiêu chính là tạo mối liên kết giữa bản thân doanh nghiệp với các đối tác liên quan như các nhà cung cấp và nhà phân phối. Liên kết dựa trên nguyên lý cộng sinh.

Với sức mạnh của sự liên kết này, công ty mẹ là công ty có tiềm lực kinh tế mạnh nhất, nắm giữ các bộ phận then chốt nhất trong dây chuyền công nghệ, thị trường của tập đoàn, đồng thời thực hiện chức năng quản lý, điều phối và định hướng chung cho cả tập đoàn. Còn các công ty con thì được tổ chức theo sự phân công chuyên môn hóa và phối hợp, hợp tác hóa theo đặc thù công nghệ của ngành.

2.2. Liên kết theo chiều ngang

Liên kết theo chiều ngang là sự kết hợp giữa các công ty có các sản phẩm, dịch vụ liên quan với nhau và có thể sử dụng cùng một hệ thống phân phối để gia tăng hiệu quả. Cơ cấu tập đoàn gồm công ty mẹ và các công ty con, cũng giống như mô hình liên kết dọc, nhưng ở mô hình liên kết này, công ty mẹ còn trực tiếp kinh doanh những dịch vụ, khâu liên kết chính của tập đoàn.

2.3. Liên kết hỗn hợp đa ngành, đa lĩnh vực là sự kết hợp giữa liên kết dọc và liên kết ngang.

Tập đoàn liên kết các doanh nghiêp hoạt động trong nhiều ngành, nghề và lĩnh vực có hoặc không có mối quan hệ về công nghệ, quy trình sản xuất,… nhưng buộc phải có mối quan hệ chặt chẽ về tài chính. Công ty mẹ không nhất thiết phải trực tiếp sản xuất kinh doanh một sản phẩm cụ thể mà chủ yếu làm nhiệm vụ đầu tư, kinh doanh vốn, điều tiết, phối hợp kinh doanh giữa các lĩnh vực. Các công ty con bằng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh doanh thống nhất, thực hiện điều hoà vốn, lợi nhuận giữa các công ty con, lĩnh vực kinh doanh hoặc điều chỉnh, chuyển dịch vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả cao.

3. Thực tế liên kết chuỗi của các doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực ASEAN

Trong bối cảnh các quốc gia không ngừng hội nhập và một thế giới đang phục hồi sau đại dịch Covid, việc đương đầu với những biến động là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp để duy trì và phát triển. Đặc biệt là đối phó với các khủng hoảng và giải quyết thách thức để duy trì chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Các phương thức vận hành chuỗi cung ứng trong quá khứ đã không thể đáp ứng vận hành một cách tối ưu ở bối cảnh hiện tại. Do đó, các doanh nghiệp thành công là những tổ chức có khả năng thích ứng tốt với sự thay đổi liên tục và không ngừng cải tiến.

Nhằm đẩy mạnh mối liên kết kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, thời gian qua chính phủ các nước đã có những chính sách và quy định chung nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp các nước, tăng cường sử dụng sản phẩm của nhau, tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa khu vực.

Để tăng cường các hoạt động liên kết chuỗi, dự án ASLN (mạng lưới logistics thông minh ASEAN) được khởi động vào tháng 11/2020 với dự án đầu tiên là phát triển Trung tâm Logistics kho vận nội địa Vĩnh Phúc (Siêu Cảng) giữa Singapore và Việt Nam. Đã có những tiến bộ đạt được và những cơ hội có thể mang lại cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực.

Mạng lưới logistics thông minh ASEAN (ASLN) là một nền tảng nhằm mục đích thúc đẩy sự liên kết và hội nhập logistics trong khối ASEAN. Ngoài việc cải thiện khả năng kết nối giữa nhóm 10 thành viên, ASLN còn tìm cách thúc đẩy việc sử dụng cơ sở hạ tầng logistics thông minh và bền vững, hỗ trợ Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025, là một chính sách thúc đẩy hội nhập giữa các thành viên ASEAN.

Mục tiêu của ASLN là thúc đẩy các ưu tiên hậu cần được nêu trong Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025. Logistics chỉ là một lĩnh vực trong kế hoạch tổng thể, cũng tập trung vào cơ sở hạ tầng bền vững, đổi mới kỹ thuật số, sự cải thiện về quy định và sự di chuyển của con người, cùng với các lĩnh vực khác. Về hậu cần, kế hoạch tổng thể nêu rõ 2 mục tiêu chiến lược: giảm chi phí chuỗi cung ứng ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN, cải thiện tốc độ và độ tin cậy của chuỗi cung ứng ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN.

Để theo đuổi 2 mục tiêu chiến lược này, kế hoạch tổng thể bao gồm 2 sáng kiến, đó là: (i) Tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN thông qua các tuyến thương mại và dịch vụ hậu cần được tăng cường; và (ii) Nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua giải quyết các điểm tắc nghẽn chính.

Các ưu tiên về hậu cần cũng được đưa vào các mục tiêu khác trong kế hoạch tổng thể, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng mềm để hỗ trợ hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và đưa ra các thước đo khách quan về tiến độ và các điểm nghẽn. Tuy nhiên, kế hoạch tổng thể lưu ý các sáng kiến trước đây nhằm cải thiện hậu cần ở ASEAN đã không phát triển nhanh chóng như mong đợi. Theo kế hoạch tổng thể, điều này là do sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và việc chia sẻ các phương pháp tốt nhất.

Cho đến nay, 2 dự án đã được khởi động trong khuôn khổ ASLN: một ở Việt Nam và một ở Campuchia. Các dự án này đưa ra cái nhìn về ASLN trên thực tế.

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc: Dự án đầu tiên thuộc ASLN là Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, nằm ở tỉnh Vĩnh Phúc. Việt Nam và Singapore đã cùng nhau khởi động dự án này vào tháng 11/2020Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam, kết nối 20 khu công nghiệp bằng đường sắt, đường bộ và đường hàng không, cũng như kết nối với Hà Nội, Sân bay quốc tế Hải Phòng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Dự án do Tập đoàn T&T của Việt Nam và Tập đoàn YCH của Singapore quản lý, có hơn 166 triệu USD tài trợ.

Khu liên hợp Logistics Phnom Penh: Vào tháng 3/2021, Bộ Giao thông Công chính Campuchia và Tập đoàn YCH của Singapore đã công bố một thỏa thuận khung để phát triển Khu liên hợp Logistics Phnom Penh ở Campuchia. Đây là dự án thứ hai được khởi động theo ASLN.

Theo thỏa thuận, Khu liên hợp Logistics Phnom Penh được thiết kế để trở thành một khu phức hợp hậu cần “hiện đại, đẳng cấp thế giới”, sử dụng công nghệ hậu cần để cải thiện khả năng phục hồi, khả năng hiển thị và quy trình hậu cần. Ở đây cũng sẽ có một học viện đào tạo và trung tâm khởi nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực của Campuchia trong lĩnh vực hậu cần. Giống như dự án ở Việt Nam, dự án này hướng tới mục tiêu tuân theo khái niệm “siêu cảng” của Tập đoàn YCH. Dự án có chi phí ước tính khoảng 200 triệu USD và sẽ bắt đầu khởi động vào năm 2022.

Những lĩnh vực Việt Nam tham gia liên kết chuỗi cung ứng khu vực có thể kể tới, như: liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, da giày, hàng công nghiệp,… trong đó chủ yếu là liên kết chuỗi hàng nông sản.

Chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản chủ yếu có 3 mắt xích gồm: nhà sản xuất (hộ gia đình và các hợp tác xã), doanh nghiệp thu mua và doanh nghiệp xuất khẩu. Trên thực tế, chuỗi giá trị xuất khẩu hàng nông sản có hai hình thức. Hình thức thứ nhất, chuỗi giá trị chỉ có hai mắt xích là nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu. Trong hình thức này, doanh nghiệp xuất khẩu kiêm chức năng thu mua, sơ chế trước khi xuất khẩu. Hình thức thứ hai, chuỗi giá trị có ba mắt xích là nhà sản xuất, doanh nghiệp thu mua và doanh nghiệp xuất khẩu. Trong hình thức này, nhà sản xuất chủ yếu là các hộ gia đình đáp ứng được tiêu chuẩn trong xuất khẩu. Doanh nghiệp thu mua gồm các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hoặc các doanh nghiệp trong hoặc ngoài địa bàn tỉnh có khả năng kết nối với thị trường nước ngoài. Các đơn vị này tổ chức thu mua nông sản và bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Thông thường, các đơn vị thu mua chịu trách nhiệm phân loại, đóng gói theo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu đảm nhiệm khâu chiếu xạ diệt vi khuẩn theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tổ chức xuất khẩu.

4. Giải pháp tăng cường liên kết chuỗi cung ứng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN

Bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, các nước ASEAN đang có nhu cầu lớn trong nhập khẩu hàng hóa, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào khu vực này. Hiện các nước ASEAN đẩy nhanh triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch như các cam kết về mở cửa thị trường, đảm bảo các chuỗi cung ứng. Thuận lợi hóa thương mại sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này.

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước đối thoại và các đối tác bên ngoài đã tham dự hội thảo “Xây dựng Cơ sở dữ liệu về các tuyến thương mại và khuôn khổ đánh giá hiệu quả chuỗi cung ứng ASEAN”. Hội thảo trực tuyến này là một dự án thuộc Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN 2025 hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và cạnh tranh thông qua việc cắt giảm chi phí chuỗi cung ứng, tăng tốc độ và nâng cao sự tin cậy của chuỗi cung ứng trên toàn khu vực.

4.1. Giải pháp tập trung phát triển logistic

Logistics là ngành cốt lõi trong phát triển thương mại, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để triển khai đồng bộ kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Logistics. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, tái cơ cấu dịch vụ, tận dụng và khai thác hiệu quả kinh tế số, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

4.2. Giải pháp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại,

Kết nối các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, tích cực đưa hàng hóa tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử. Đổi mới cách thức tổ chức xúc tiến thương mại, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp có thể giảm bớt tỷ lệ chi đoàn đi, tăng tỷ lệ chi cho hiệp hội, doanh nghiệp đầu tàu có kế hoạch dài hơi thâm nhập một thị trường mới, chi đi gặp đối tác để trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu (sở hữu trí tuệ).

4.3. Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cho liên kết chuỗi thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Nhằm đẩy mạnh phát triển các liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân cũng như mở rộng xuất khẩu nông sản, thời gian tới ngành Nông nghiệp, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản đến người dân; quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các điều kiện của thị trường nhập khẩu sản phẩm. Các huyện, thành phố và doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm; đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các HTX, nông dân, doanh nghiệp kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp; chủ động cung cấp kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về các điều kiện để nông sản thực phẩm vào kênh phân phối hiện đại; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, chế biến sâu; kết nối doanh nghiệp liên kết với nông dân thông qua HTX, tổ hợp tác theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Để việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thực sự phát triển bền vững thì các ngành, địa phương cần có kế hoạch phát triển cụ thể, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, tạo cơ chế thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực tham gia tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.

4.4. Giải pháp tăng cường công tác quản lý chất lượng của các doanh nghiệp xuất khẩu

Doanh nghiệp xuất khẩu là mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo hàng hóa xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường sở tại. Các cơ quan có chức năng kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cần tăng cường năng lực kiểm tra kiểm nghiệm để có thể phát hiện sớm những doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các chế tài phù hợp với pháp luật để ngăn chặn những doanh nghiệp này tham gia vào hoạt động xuất khẩu những mặt hàng có nguy cơ vi phạm cao. Cân nhắc việc giới hạn số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trên cơ sở lựa chọn những doanh nghiệp có hệ thống quản lý chất lượng tốt, có năng lực chế biến xuất khẩu.

Quản lý chất lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp nuôi trồng, xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Bên cạnh công tác quản lý chất lượng của các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến công tác quản lý chất lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp nuôi trồng ,vì đây chính là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Thực tế các vụ việc vướng mắc liên quan đến vấn đề vệ sinh kiểm dịch của hàng nông sản xuất khẩu cho thấy, trong nhiều trường hợp, mặc dù quy trình sản xuất của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn liên quan nhưng hàng hóa vẫn không đạt các tiêu chí về vệ sinh kiểm dịch do ngay từ đầu vào, nguyên liệu đã có dư lượng hóa chất vượt quá mức cho phép. Vì vậy, cần phải kiểm soát theo chuỗi cung ứng ngay từ khâu cung cấp đầu vào sản xuất cho đến xuất khẩu mới là giải pháp bền vững.

4.5. Giải pháp tăng cường hỗ trợ của Nhà nước

Bộ Công Thương chủ trì xây dựng hệ thống tìm hiểu thông tin thị trường tại các nước, huy động hệ thống tham tán thương mại, kết nối với các tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường ở các nước xuất khẩu.

5. Kết luận

Nâng cao giá trị và tăng trưởng xuất khẩu bền vững hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN là một mục tiêu quan trọng cần đẩy mạnh. Gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm hướng đến sự phát triển bền vững ở toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, với chuỗi giá trị vốn phức tạp và khác biệt đối với từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ, việc xây dựng sơ đồ chuỗi cung và trao đổi thông tin, số liệu để tháo gỡ các trở ngại về logistics cũng ngày càng trở nên cấp bách nhằm đảm bảo tính liên tục của liên kết chuỗi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. David J. Ketchen, Jr. William. (2008). Best value Supply Chais: A key Competitive Weapon for the 21st Century. Business Horizons, 51, 235-243.
  2. Chopa Sunnil & Peter Meindl. (2012). Supply Chain Management – Strategy, Planning, and Operation, tái bản lần thứ 5.
  3. Nguyễn Thành Hiếu (2015), Giáo trình Quản trị chuỗ cung ứng, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân
  4. http://supplychainsinght.vn
  5. Một số website: gov.vn, vietrade.gov.vn, baocongthuong.com.vn, dddn.com.vn…

 Strengthening supply chain linkages to promote Vietnamese enterprises’ exports of goods to the ASEAN market

Master. Nguyen Thi Ninh

Phuong Dong University

ABSTRACT:

Promoting the export of goods by participating in supply chain is an important content in the current context. It facilitates production linkages and promotes exports of goods. An effective supply chain network is vital to ensuring the smooth flow of goods and services. This paper analyzes the supply chain linkages in promoting the exports of goods to the ASEAN market.

Keywords: supply chain linkages, exports of goods, Vietnamese enterprises, markets, ASEAN.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]