Tập đoàn Trung Quốc chốt nhà máy thanh silicon tại Nghệ An, thị trường pin năng lượng Việt Nam "béo bở" thế nào?

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam - Nghệ An cho biết mới đây đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy trị giá 293 triệu USD.

Thêm 1 nhà sản xuất tham gia cuộc chơi

Tập đoàn Rungergy được thành lập vào năm 2013. Thông qua thành viên tại Thái Lan là Runergy PV Technology, ngày 7/7 vừa qua Tập đoàn đã thành lập doanh nghiệp dự án tại Việt Nam với tên gọi là Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Việt Nam. Công ty có vốn điều lệ 1.364,2 tỷ đồng, ông Song Wen Xiang - Tổng giám đốc Runergy PV Technology Thái Lan là người đại diện pháp luật của công ty này.

Dự án của Runergy đặt tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.

Nhà máy có công suất thiết kế 14.635 tấn thanh silic/năm, 995 triệu tấm đĩa bán dẫn 182 mm/năm. Đây cũng là hai thành phần quan trọng trong sản xuất module pin năng lượng mặt trời. Ngoài hoạt động sản xuất, Runergy cũng đăng ký cung cấp dịch vụ cho thuê nhà xưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy đầu tư tại tỉnh Nghệ An trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày 28/6/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày 28/6/2023

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án hơn 28,6 ha, trong đó nhà xưởng cao 3 tầng (khoảng 15,6 ha); các hạng mục phụ trợ (khoảng 1,3 ha); cây xanh cảnh quan, đường giao thông (khoảng 11,6 ha). Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án hơn 6.821 tỷ đồng, tương đương 293 triệu USD.

Thời gian hoạt động của dự án đến ngày 26/2/2071. Dự án dự kiến hoàn thành các thủ tục để được bàn giao mặt bằng; triển khai xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc, thiết bị từ tháng 6/2023 đến tháng 10/2023; tháng 11/2023 sẽ sản xuất thử và sản xuất chính thức giai đoạn đầu của dự án; tháng 6/2025 đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.

Trước đó, Tập đoàn Runergy đã đến nghiên cứu, khảo sát địa điểm đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An 2 lần, lần gần nhất là tháng 3/2023.

Tháng 6/2023, Runergy cũng là 1 trong 7 Tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc đã được trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi tiếp ở Bắc Kinh nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới Trung Quốc.

Từ đầu năm đến ngày 20/6/2023, tỉnh Nghệ An đã thu hút 8 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 613,15 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn 5 dự án với số vốn điều chỉnh tăng thêm 107,79 triệu USD. Tổng số vốn đăng ký đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 720,94 triệu USD.

Lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 124 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.294,35 triệu USD, trong đó có 76 dự án thuộc Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp tỉnh Nghệ An với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.959,90 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 334,45 triệu USD.

Thị trường pin năng lượng Việt Nam đang "phình to"

Thị trường năng lượng nói chung và pin năng lượng mặt trời, pin lưu trữ tại Việt Nam đang nóng hơn bao giờ hết nhờ vào định hướng phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ tại Quy hoạch điện VIII cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm hiện thực hóa cam kết NetZero vào năm 2050 đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Điển hình, mới đây nhất, sau thông tin triển khai 2 đợt chào bán cổ phiếu nhằm thu về hơn 300 tỷ đồng phục vụ thương vụ mua lại nhà máy pin năng lượng mặt trời, thị giá cổ phiếu của Tập đoàn Create Capital đã bật tăng 14%.

Cụ thể, Tập đoàn Create Capital cho biết sẽ sử dụng 343 tỷ đồng thu được từ hai đợt phát hành trên để mua lại Công ty Cổ phần CRC Solar Cell thông qua việc nhận chuyển nhượng từ cổ đông hiện hữu. Qua đó, nâng sở hữu của Tập đoàn Create Capital tại CRC Solar Cell lên mức 98%. Thời gian diễn ra thương vụ này dự kiến trong quý III - quý IV/2023.

CRC Solar Cell là doanh nghiệp chuyên sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, thành lập từ năm 2011 với vốn điều lệ 350 tỷ đồng, đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Nhà máy của CRC Solar Cell có công suất 800.000 tấm pin năng lượng mặt trời/năm, tương đương 300MW/năm và 100.000.000 tấm Cell (tế bào quang điện)/năm, tương đương 500MW/năm.

Xem thêm Bài viết "Tập đoàn Create Capital (CRC): Cổ phiếu bật tăng 14% sau thông tin mua lại nhà máy pin mặt trời" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Thị trường pin năng lượng Việt Nam đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, đặc biệt ở lĩnh vực pin năng lượng mặt trời và pin lưu trữ năng lượng
Thị trường pin năng lượng Việt Nam đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, đặc biệt ở lĩnh vực pin năng lượng mặt trời và pin lưu trữ năng lượng

Tháng 5/2023, VinES (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Marubeni Green Power Việt Nam (thuộc Tập đoàn Marubeni) đã ký kết hợp tác chiến lược để thúc đẩy việc sử dụng hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) tại Việt Nam.

Theo đó, Marubeni sẽ tiến hành khảo sát đánh giá cùng VinES, sau đó sẽ đầu tư, lắp đặt và vận hành BESS tại nhiều địa điểm kinh doanh của các công ty thuộc Tập đoàn Vingroup, nhằm cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cân bằng phụ tải và quản lý điện năng thông minh. Hệ thống BESS cũng có khả năng được mở rộng để tích hợp cùng các hệ thống năng lượng tái tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của Vingroup.

Đến tháng 7, VinES tiếp tục ký hợp tác với SolarBK, theo đó SolarBK sẽ là đơn vị phân phối chính thức cho sản phẩm pin lưu trữ của VinES, triển khai giải pháp tích hợp điện mặt trời mái nhà kèm pin lưu trữ năng lượng (Solar+BESS) cho phân khúc nhà ở, văn phòng của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam ở lĩnh vực pin năng lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Được biết, ngoài Runergy, một doanh nghiệp khác của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và pin lưu trữ là Công ty Xiamen Hithium Energy Storage Technology (Hithium) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương về dự định đầu tư nhà máy khoảng 900 triệu USD tại đây.

Hay Growatt New Energy, công ty Trung Quốc chuyên sản xuất hệ thống pin và bộ biến tần lưu trữ năng lượng - vốn đã có sẵn nhà máy tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng - cũng đang xem xét sẽ bỏ thêm 300 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất.

Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới trong hoạt động sản xuất pin năng lượng mặt trời, chiếm thị phần khoảng trên 80% cả thế giới, bao gồm cả khâu sản xuất polysilicon cho đến phần hoàn thiện tấm pin. Theo ngay sau là Ấn Độ cũng chỉ nắm được thị phần khoảng 3% về tấm pin và 1% về cell.

Pin năng lượng mặt trời Việt Nam hiện đang được miễn thuế chống lẩn tránh, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, theo "Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp cho phép gia hạn tạm thời và nhập khẩu miễn thuế pin và module năng lượng mặt trời từ Đông Nam Á" do Tổng thống Biden ký đăng trên trên Website của Nhà Trắng ngày 6/6/2022.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố sẽ miễn thuế 24 tháng với các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố sẽ miễn thuế 24 tháng với các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh cuộc điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) diễn ra từ ngày 1/4/2022 và dự kiến ngày 18/8/2023 mới kết thúc được cho là làm đình trệ các dự án năng lượng mặt trời ở Hoa Kỳ, vì phần lớn các module năng lượng mặt trời lắp đặt tại Hoa Kỳ được nhập khẩu, chủ yếu từ Đông Nam Á (chiếm khoảng 3/4 số module nhập khẩu).

Cụ thể, theo Tuyên bố của Tổng thống Joe Biden, tế bào quang điện và module quang điện của Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Thái Lan được nhập khẩu vào Hoa Kỳ, hoặc xuất kho để tiêu dùng trước ngày 6/6/2024; và tế bào quang điện và module quang điện được nhập khẩu vào Hoa Kỳ sau ngày 15/11/2022, nhưng được sử dụng trước ngày 3/12/2024 sẽ được miễn các mức thuế phòng vệ thương mại nói trên.  

Việc miễn thuế chắc chắn là động lực lớn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất pin năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu, đặc biệt khi thời hạn 2 năm sẽ nhanh chóng qua đi và quyết định của Hoa Kỳ sau đó là chưa rõ ràng. Các nhà sản xuất và nhà đầu tư được khuyến cáo nên tận dụng thời gian này để mở rộng kinh doanh và đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Thy Thảo