Thị trường Bắc Âu: Những điều chung nhất cần biết

Khu vực Bắc Âu bao gồm các nền kinh tế mở, phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm khá lớn; nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập, khai thác.
Thị trường Bắc Âu
 Thị trường Bắc Âu bao gồm các nền kinh tế mở, phát triển và có nhiều tiềm năng cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Thị trường Bắc Âu bao gồm các nước: Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, Litva, Latvia, Estonia và một số vùng lãnh thổ với tổng diện tích gần 1,5 triệu km²; dân số 32,95 triệu người.

Kinh tế phát triển, mức sống cao

Bắc Âu là khu vực nằm ở phía Bắc và ở các vĩ độ cao nhất của châu Âu, phần lớn diện tích nằm trong vùng ôn đới lục địa và lạnh, có bờ biển dài, nhiều đảo, hồ, đầm và các dãy núi lớn. Nhìn chung, khí hậu của Vùng lạnh giá vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè.

Tuy vậy, vẫn có sự khác nhau giữa hai bên của dãy núi Scandinavia. Ở phía Đông, Thuỵ Điển và Phần Lan có mùa đông rất giá lạnh, tuyết rơi từ tháng 10. Ở phía Tây, ven biển Na Uy không lạnh lắm, nước biển không bị đóng băng, vào mùa hạ thì mát mẻ và mưa nhiều. Iceland nằm giáp với vòng cực Bắc, được coi là xứ sở của băng tuyết.

Với những thuận lợi về tự nhiên, các quốc gia tại thị trường Bắc Âu có nhiều nguồn tài nguyên quan trọng như dầu mỏ ở vùng thềm lục địa Biển Bắc, rừng ở bán đảo Scandinavia, quặng sắt, đồng, uranium, nguồn thủy năng và cá biển. Iceland có diện tích đồng cỏ khá rộng lớn.

Về kinh tế, mặc dù quy mô khác nhau nhưng các nước khu vực thị trường Bắc Âu có nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân thuộc hàng cao nhất thế giới nhờ vào việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lí, hiệu quả.

Vùng có nguồn thủy điện dồi dào với giá rất rẻ nên đã tạo ra điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp của vùng. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng, các dân tộc ở đây từ xưa đã nổi tiếng về nghề hàng hải và đánh bắt cá. Na Uy và Iceland có đội thương thuyền hùng mạnh và cũng có đội tàu đánh cá hiện đại, nhờ vậy mà nền kinh tế biển ở đây rất phát triển.

Ngoài ra, ngành công nghiệp khai thác dầu khí rất phát triển ở vùng Biển Bắc; ngành công nghiệp khai thác rừng, sản xuất đồ gỗ và xuất khẩu giấy cũng đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho các quốc gia trên bán đảo Scandinavia. Ngành chăn nuôi và chế biển các sản phẩm từ chăn nuôi như bơ, pho mát, sữa, thịt... để xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp của vùng, tuy nhiên ngành trồng trọt không phát triển do điều kiện tự nhiên không thuận lợi.

Nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng hàng hóa khá lớn

Vói chính sách thương mại tự do, nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng hàng hóa của khu vực này khá lớn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu ổn định qua từng năm. Bên cạnh những đối tác thương mại lớn và truyền thống là các nước châu Âu và Hoa Kỳ, các quốc gia thị trường Bắc Âu đều có chính sách mở rộng hoạt động thương mại với các đối tác khác trên thế giới. Trong số các nước Châu Á, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của các nước Bắc Âu, tuy nhiên tỷ trọng trao đổi xuất nhập khẩu vẫn khiêm tốn. Mặt khác, do điều kiện tự nhiên, các nước Bắc Âu có nhu cầu nhập khẩu lớn các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp và các mặt hàng nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: nông sản, thủy sản, công nghiệp chế biến… có tiềm năng và dư địa phát triển tốt tại thị trường này. Tuy nhiên, so với khu vực thị trường truyền thống là các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Áo… thì đây vẫn là khu vực thị trường khá mới đối với cộng đồng doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.

Việc thực thi Hiệp định Thương mại tự Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các nước thành viên EU tại Bắc Âu bao gồm: Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Latvia. Khai thác được 4 thị trường thành viên EU này đồng nghĩa với việc khai thác được thị trường cả khu vực Bắc Âu do Na Uy và Iceland dù không thuộc EU nhưng thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA); nhiều hàng hóa Việt Nam được nhập khẩu vào hai nước này từ các đầu mối tại Đan Mạch và Thụy Điển.

Trên thực tế, sau hơn 3 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước Bắc Âu đã có sự tăng trưởng khả quan hơn, tuy nhiên tổng lượng hàng Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ tại khu vực này. Bên cạnh lý do thị trường mới, các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được hoặc còn tâm lý ngại thị trường nhỏ, địa lý xa xôi, các tiêu chuẩn khắt khe…

Việc tìm hiểu, đánh giá đầy đủ về thị trường Bắc Âu, những thuận lợi và khó khăn sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và thâm nhập tốt hơn thị trường nhiều tiềm năng này.

Việt Hằng