Nguồn hàng dồi dào, sức mua giảm nhẹ
Báo cáo nhanh thị trường ngày 30 Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương cho biết, hôm nay, sức mua của người dân đã giảm dần tại các chợ truyền thống, người dân hầu hết chỉ tập trung mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh và hoa, quả do các mặt hàng khác (đồ khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát…) đã được mua sắm từ những ngày trước. Người dân mua sắm tại chợ, siêu thị tập trung đông vào buổi sáng 30 Tết.
Các địa điểm bán hàng, cửa hàng tiện lợi vẫn mở đến chiều ngày 30 Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân (hệ thống siêu thị Aeon mở cửa từ 8h sáng đến 20h và mở lại từ 12h đến 22h ngày mùng 1 Tết, Saigon Co.opmart mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa 30 Tết và mở lại từ mùng 2 Tết, hệ thống siêu thị VinMart mở cửa đến 12h ngày 30 Tết, hệ thống siêu thị Big C mở cửa đến 14h ngày 30 Tết, hệ thống Hapro và một số cửa hàng tiện lợi mở muộn tới tối ngày 30 Tết).
Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương khẳng định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý đối với hầu hết các mặt hàng phục vụ Tết.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng dự báo, trong ngày mùng 1 và mùng 2 Tết người dân chủ yếu vui xuân, chơi Tết hoặc hạn chế ra đường do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, do vậy thị trường hàng hóa chưa sôi động lại. Đồng thời, trong các ngày đầu năm mới, nhiều cơ sở kinh doanh nghỉ Tết và phần lớn người tiêu dùng đã mua hàng dự trữ từ những ngày trước đó nên dự báo hàng hóa không có biến động bất thường.
Hàng Việt chiếm 80% tại các hệ thống phân phối lớn
Ngành Công nghiệp thực phẩm: Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp sản xuất ngành CNTP đã có kế hoạch sản xuất và hệ thống các nhà phân phối đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Đồng thời các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có phương án vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn cung hàng hóa dồi dào và được phân phối tại các kênh siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại sản phẩm thực phẩm và đồ uống phong phú, giá cả ổn định.
Tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Lotte Mart, Co.op mart…lượng hàng hóa bánh kẹo được sản xuất trong nước bởi các Công ty như Kinh Đô, Orion, Hải Hà, Bibica,… chiếm trên 80%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước trên thế giới.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ tết, chỉ trừ một số doanh nghiệp trong ngành Giấy, Xi măng,... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này. Một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ô tô... vẫn duy trì vận hành một số bộ phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô...), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới.
Ngành thép: các mặt hàng như thép xây dựng được quản lý nhằm bình ổn giá. Bộ sẽ có báo cáo trong trường hợp xảy ra đột biến về giá cũng như cung cầu của các mặt hàng bình ổn giá.
Ngành khoáng sản: Các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đều nghỉ trong dịp Tết.
Ngành dệt may – da giày: Đặc thù là ngành thâm dụng lao động, các doanh nghiệp dệt may, da giày phải sử dụng nhiều lao động di cư từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, do vậy, các doanh nghiệp đều cho lao động nghỉ Tết theo lịch công bố của Chính phủ. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành vẫn đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm trong ngành có tăng 35,6% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4% so với cùng kỳ; quần áo ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 01 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng giầy, dép da tháng 1 ước đạt 21,9 triệu đôi, tăng 3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 01 ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Ngành điện tử: Các doanh nghiệp điện tử đang đón đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất từ các tập đoàn điện tử đa quốc gia, mở ra cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp điện tử trong nước. Tháng 1/2021, ngành điện tử tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp điện tử thực hiện nghỉ Tết theo lịch công bố của Chính phủ, không phải duy trì sản xuất liên tục trong dịp Tết.
Ngành hoá chất: Trừ một số danh nghiệp do một số đặc thù công nghệ, các doanh nghiệp ngành hóa chất đã nghỉ Tết, các đại lý đã chủ động thu mua hàng hóa để cung ứng ra thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu trước, trong và sau Tết Nguyên Đán. Riêng đối với mặt hàng phân bón, do chuẩn bị canh tác cho vụ đông xuân ngay trong những ngày đầu năm mới nên hiện nay giá các loại phân bón đang có xu hướng gia tăng.
Không có vi phạm về hàng giả, hàng lậu
Đối với công tác trực Tết, thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, công văn số 430/BCT-VP ngày 25/1/2021 của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc bố trí lực lượng thường trực 24/24 trong những ngày nghỉ Tết để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại tại thị trường nội địa và trên khâu lưu thông.
Cùng với đó, tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như: bánh, kẹo, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm đóng gói sẵn, ATVSTP… đặc biệt kiểm tra các mặt hàng cấm như pháo các loại và đồ chơi nguy hiểm.
Cũng theo báo cáo nhanh của Bộ Công Thương, trong ngày 30 Tết và những ngày trước đó, hàng hoá được bày bán đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng, nhất là tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều là thực phẩm, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Lượng hàng hóa vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Giá cả một số hàng hoá thiết yếu có tăng nhẹ nhưng không có đột biến giá xảy ra. Không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng gây sốt giá hàng hóa, bao gồm cả các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường trong dịp Tết, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Bộ tăng cường bám sát địa bàn, duy trì công tác kiểm tra kiểm soát để ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, nhất là các loại pháo, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực và gây nguy hiểm
Ngoài ra, thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh, doanh nghiệp không bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Chú trọng kiểm tra đối với hàng hóa thực phẩm lưu thông trên thị trường trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng hàng hóa; về ghi nhãn hàng hóa; hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng, nhập lậu không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, các mặt hàng là thiết bị phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đáng chú ý, trong ngày 11/2/2021 (tính đến 11h00), qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; chưa phát hiện việc buôn bán, sử dụng pháo nổ các loại.
Cung cấp điện ổn định
Về tình hình cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt cho ngày 29 Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 của cả nước: Tình hình cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia được đảm bảo, không xảy ra sự cố về nguồn điện và lưới điện.
Về cung cấp điện cho các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong ngày 29 Tết: được thực hiện tốt.