Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

ĐỖ VĂN TÍNH (Trường Đại học Duy Tân, TP. Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) trong thời gian qua, phân tích những đóng góp tích cực, cùng với những tồn tại và nguyên nhân từ lĩnh vực hoạt động này. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm thu hút vốn FDI cho VKTTĐMT.

Từ khóa: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thu hút vốn FDI.

1. Đặt vấn đề

VKTTĐMT bao gồm 5 tỉnh thành: Thừa Thiên Huế (thuộc vùng Bắc Trung bộ), TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (thuộc Vùng duyên hải Nam Trung bộ). VKTTĐMT có tổng diện tích tự nhiên là 27.976,7 km2, chiếm khoảng 29,1% diện tích tự nhiên Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ, và chiếm khoảng 8,4% diện tích tự nhiên của cả nước. Dân số trung bình năm 2019 khoảng 7 triệu người, bằng 7,6% dân số cả nước, với hơn 60% trong độ tuổi lao động. Cơ cấu lao động nông nghiệp chiếm 41%, công nghiệp - xây dựng chiếm 26%, dịch vụ chiếm 33%. Dân số đô thị chiếm 33,1% dân số của vùng (tỷ lệ này của cả nước là 29,6%).

Quá trình phát triển của VKTTĐMT thời gian vừa qua cho thấy, vai trò động lực, chức năng đầu tàu của vùng cho sự phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn khá hạn chế và mờ nhạt. Năm 2019, tỷ trọng đóng góp trong GRDP cả nước của VKTTĐMT chỉ vào khoảng 7,09%. Ngoài ra, cơ cấu kinh tế ngành của Vùng còn khá lạc hậu, đóng góp của ngành Nông nghiệp trong GRDP toàn Vùng còn chiếm tỷ trọng cao (14,12%), cao hơn mức bình quân 13,96% của cả nước, cá biệt tỷ trọng này của Quảng Ngãi là 17,13%, và Bình Định là 25,33%. Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người năm 2019 của VKTTĐMT chỉ ở mức 56 triệu đồng, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (58 triệu đồng năm 2018).

Sử dụng nguồn vốn FDI ở Việt Nam nói chung và VKTTĐMT nói riêng, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý, và tác phong lao động của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khả năng quản lý hiệu quả… FDI còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Vùng.

Bài viết nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của FDI đến sự phát triển của Vùng, cũng như tìm hiểu nhận thức và hành vi của các nhà quản lý trước những biến động của nguồn vốn FDI.

2. Hoạt động thu hút vốn FDI tại VKTTĐMT thời gian qua

Bảng 1.  Tốc độ tăng trưởng kinh tế các địa phương
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Tốc độ tăng trưởng kinh tế các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê các địa phương

Số liệu từ Niên giám thống kê các địa phương trong Vùng cho thấy, hầu hết các địa phương trong Vùng đều duy trì được mức tăng trưởng cao trong cả giai đoạn 2001 - 2019. Kim ngạch xuất khẩu VKTTĐMT tăng trung bình 25%/năm. Tốc độ tăng trưởng GRDP cao và khá ổn định (12,9%/năm), nhưng tốc độ tăng GRDP giữa các tỉnh, thành phố trong VKTTĐMT không đều nhau và chênh lệch khoảng 10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 28,5 triệu đồng/người (bằng 1,45 lần so với trung bình cả nước).

Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế Vùng còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2001, quy mô GRDP toàn vùng chỉ chiếm khoảng 5% GDP cả nước, đến năm 2019 cũng chỉ tăng lên mức 7,09%, cho thấy xuất phát điểm của kinh tế Vùng còn khá thấp, đóng góp kinh tế Vùng trong nền kinh tế quốc gia chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Vùng kinh tế động lực.

Theo thống kê năm 2019, tổng mức vốn đầu tư của toàn Vùng theo giá thực tế đạt 121.164 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 14,6% tổng vốn đầu tư của cả nước và tăng gấp 2,23 lần so với năm 2011. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GRDP bình quân của các địa phương trong giai đoạn này đạt 39,5%, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước là 22,7%.

Trong tổng số dự án FDI thu hút vào toàn Vùng giai đoạn 2011 - 2019, TP. Đà Nẵng dẫn đầu với 62 dự án thực thi, các tỉnh còn lại đều chỉ ở mức khoảng 27 dự án. Trong các năm của giai đoạn này, năm 2011 là năm thu hút FDI của Vùng có bước phát triển mạnh mẽ, đạt gần 3,3 tỷ USD nhờ vào sự xuất hiện của một số dự án lớn. Toàn VKTTĐMT hiện có 19 khu công nghiệp (KCN), chiếm 5,8% số KCN cả nước. Bên cạnh đó, vai trò chuỗi đô thị động lực ven biển đã tạo nên diện mạo mới, một không gian kinh tế ven biển năng động của khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, hoạt động thu hút FDI vào VKTTĐMT trong những năm gần đây còn những điểm hạn chế, nhất là sự mất cân đối trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Bình quân trong giai đoạn này có tới 95% lượng vốn tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đặc biệt là kinh doanh bất động sản. Mất cân đối trong thu hút đầu tư đã dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển kinh tế của VKTTĐMT, thêm vào đó, mô hình phát triển các tỉnh có tính tương đồng, chủ yếu dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng - biển, nhân công giá rẻ, đầu tư phân tán, trùng lắp, thiếu liên kết, thậm chí còn xung đột lợi ích… nên hiệu quả không cao, tích lũy cho đầu tư phát triển chưa nhiều.

Số liệu từ Niên giám thống kê các địa phương cho thấy toàn Vùng đã có 512 dự án FDI được cấp giấy phép còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt giá trị khoảng 99.532,26 triệu USD. Riêng vốn FDI thực hiện tại khu vực này là rất thấp (chiếm 4,03% tổng vốn FDI thực hiện của cả nước). Như vậy lượng vốn FDI chảy vào VKTTĐMT là còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của vùng, đặc biệt là lợi thế về phát triển du lịch và kinh tế biển.

3. Đánh giá hoạt động thu hút vốn FDI tại VKTTĐMT

3.1. Những đóng góp tích cực từ nguồn vốn FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội VKTTĐMT

FDI đã có những tác động tích cực đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và VKTTĐMT nói riêng trong những năm qua, cụ thể: FDI đóng góp tới 25% tổng vốn đầu tư, khoảng 40% giá trị sản lượng công nghiệp (2011 - 2019). Đặc biệt trong việc bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, góp phần duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua đó, thu nhập của đội ngũ lao động dần cao hơn so với các khu vực khác, đồng thời từng bước nâng cao tay nghề; đội ngũ cán bộ quản lý được nâng cao về kiến thức, kinh nghiệm quản lý. Riêng năm 2019, nguồn vốn FDI ở tại các tỉnh, thành thuộc VKTTĐMT vẫn tăng trưởng khá và có nhiều đóng góp chung cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn Vùng. Các doanh nghiệp FDI đã tạo thêm hơn 155.000 việc làm, nộp ngân sách nhà nước khoảng khoảng 960 triệu USD.

Bảng 2. Đóng góp của các doanh nghiệp có vốn FDI
tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

ĐVT: triệu USD

Đóng góp của các doanh nghiệp có vốn FDI tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Nguồn: Tính toán từ số liệu Niên giám thống kê các địa phương và cả nước qua các năm

Đạt được những thành quả như trên là do cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông thoáng, minh bạch, các địa phương kịp thời điều chỉnh, bổ sung và ban hành danh mục dự án gọi vốn FDI phù hợp với tình hình thực tế, cùng với việc tích cực tuyên truyền, tiếp thị và quảng bá hình ảnh, môi trường và cơ hội đầu tư. Mặt khác, các địa phương đã tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo xúc tiến, vận động đầu tư, tổ chức đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.

3.2. Những tồn tại và nguyên nhân

Hiện nay, lượng vốn FDI  vào VKTTĐMT vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của Vùng, nguyên nhân là hạ tầng và điều kiện tự nhiên của vùng không thuận lợi, thị trường nhỏ hẹp, phân tán theo lãnh thổ, sức mua thấp, hệ thống tài chính còn yếu, trong khi các cơ sở hạ tầng tài chính có ý nghĩa rất lớn đến sự thành công của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các lĩnh vực về tín dụng, bảo hiểm, thanh toán ngoại thương, thị trường chứng khoán, chi phí đầu tư khá cao, đặc biệt là chi phí vận tải. Dòng chảy đi của lao động có kỹ năng đã gây cho vùng tình trạng thiếu lao động có tay nghề. Tính cục bộ địa phương trong thu hút FDI trong vùng còn nặng nề, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng đã phá vỡ thế cân bằng chung, đồng thời, tính hợp tác và liên kết trong thu hút đầu tư chưa được chú trọng.

Mặt khác, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Vùng. Công tác xúc tiến đầu tư bị hạn chế, không thể tiếp xúc trực tiếp với đối tác tiềm năng. Hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư chưa rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau làm cho các địa phương gặp nhiều lúng túng trong quá trình xử lý. Cùng mối quan ngại của các chủ thể đầu tư FDI về mức độ rủi ro cao so với đầu tư ở trong nước của họ là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm lượng vốn FDI. Thêm vào đó, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô - nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng vẫn chưa được cải thiện.

Ngoài ra, bí quyết công nghệ kỹ thuật còn khó tiếp cận, các địa phương chưa tranh thủ thời cơ để học hỏi công nghệ - kỹ thuật, dẫn đến việc chuyển giao công nghệ là một trong những vấn đề nan giải đối với không ít các tỉnh, thành tiếp nhận vốn đầu tư.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng gặp khó khăn khi việc chuyển giao công nghệ, tranh chấp lao động có nguy cơ gia tăng do xu hướng khai thác tối đa sức lao động của các doanh nghiệp FDI cùng những khác biệt về sắc thái văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ… nên khu vực FDI thường dễ xảy ra tranh chấp lao động hơn.

Ý thức trong việc khai thác nguồn tài nguyên và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường của khu vực FDI còn hạn chế, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường khá cao, công tác quản lý của các địa phương trong Vùng kém do tình trạng lạm dụng kẽ hở của luật pháp để trốn thuế, gian lận trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ môi trường…

4. Giải pháp thu hút vốn vốn FDI tại VKTTĐMT

Thứ nhất, tập trung công tác quy hoạch đầu tư. Xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển cho VKTTĐMT cần đứng trên cách tiếp cận Vùng, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh của mỗi địa phương nội Vùng trong phát triển bền vững, cần đặt các yếu tố cấu thành các nền kinh tế địa phương trong mối tương tác và liên vùng. Cần hướng đến xóa bỏ tính cát cứ địa phương trong xây dựng quy hoạch Vùng. Công tác quy hoạch Vùng cần được đặt trong sự tổng hòa quy hoạch phát triển nhiều lĩnh vực then chốt của phát triển Vùng như xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, xây dựng đô thị, sử dụng tài nguyên môi trường ven biển,… Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển Vùng cần dựa trên nguyên tắc lấy thị trường làm cơ sở chủ đạo để phân bổ nguồn lực, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò định hướng, khơi thông những nút thắt, những trở lực của thị trường gây ra.

Ngoài ra, cần tăng cường sự tham vấn ngay từ đầu của các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Vùng. Quy trình lập kế hoạch, quy hoạch phát triển Vùng cần rõ ràng, minh bạch, mang tính định hướng dài hạn dựa trên quan điểm phát triển bền vững, chú trọng tham vấn của các viện nghiên cứu Vùng, các hiệp hội, cộng đồng. Từ đó, cung cấp cơ sở pháp lý để các địa phương nội Vùng xây dựng quy hoạch phát triển riêng cho địa phương mình.

Thứ hai, tăng cường công tác xúc tiến, khai thác và lựa chọn đối tác đầu tư. Các tỉnh, thành thuộc VKTTĐMT cần chủ động tìm kiếm đối tác để đầu tư vào những dự án theo quy hoạch. Cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong Vùng để tạo ra thế cân bằng chung, tăng cường tính hợp tác và liên kết trong thu hút đầu tư. Thông qua các quan hệ hiện có giới thiệu những lĩnh vực, những dự án đang cần các nhà đầu tư, các cuộc hội thảo quốc tế, các bộ ngành trung ương, các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế.            

Thứ ba, ổn định kinh tế vĩ mô hướng đến thu hút đầu tư. Các địa phương trong Vùng cần nỗ lực để giảm thiểu sự biến động của giá cả, cân đối cung cầu, thì mới có thể thu hút lớn các nguồn lực để phát triển nền kinh tế. Đó là thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực và kể cả các nước châu Âu vì khu vực này đang bất ổn và khó khăn. Thêm vào đó là nền kinh tế nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì thuế xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng cũng giảm đi. Và như vậy, sẽ là thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước nói chung, cũng như các doanh nghiệp thuộc VKTTĐMT đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa.       

Thứ tư, cải thiện môi trường đầu tư. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến môi trường kinh doanh theo hướng tạo ra sự hấp dẫn, minh bạch, nhất quán và ổn định. Phân tích đặc điểm cụ thể của từng địa phương để tạo ra những cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù, nhằm ưu tiên phát triển các ngành khai thác lợi thế của từng địa phương trong Vùng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ khuyến khích đầu tư, bao gồm công cụ tài chính như: miễn giảm thuế, lựa chọn phương pháp khấu hao, trợ vốn, tiếp cận tín dụng giá rẻ,... cho một số ngành cần khuyến khích phát triển, hoặc thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ theo hướng xanh, sạch, hiện đại. Căn cứ vào tính chất của từng ngành, từng đối tác, tình trạng cụ thể của vùng mà chọn hình thức khuyến khích đầu tư phù hợp. Cần có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư hướng vào xuất khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành kinh tế xanh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh nội vùng. Mọi thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là hoạt động FDI phải hết sức gọn nhẹ, không tăng chi phí (nhất là thời gian thực thi các thủ tục hành chính), không gây khó khăn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tạo niềm tin và luôn sát cánh với nhà đầu tư trước, trong và sau hoạt động đầu tư. Về phương diện điều tiết vĩ mô, cần tập trung xóa bỏ những cản trở ách tắc trong đầu tư hơn là đưa ra các biện pháp khuyến khích đặc biệt, cố gắng hoàn chỉnh các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế một cách nhất quán, hạn chế thay đổi chính sách thường xuyên. Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn FDI có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Theo đó, các địa phương nội vùng cần loại bỏ tư duy “thu hút FDI bằng mọi giá”, cần chủ động lựa chọn dự án và đối tác đầu tư, kiên quyết từ chối cấp giấy phép các dự án FDI không đảm bảo các tiêu chuẩn công nghệ gắn với bảo vệ môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi theo hướng khuyến khích thu hút các dự án FDI có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, các dự án có công nghệ thân thiện với môi trường, các dự án hoạt động dịch vụ môi trường.

Thứ năm, phát triển công nghệ kỹ thuật và ý thức bảo vệ môi trường. Phối thức hóa các chương trình khoa học công nghệ trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Quản lý, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ quản lý khoa học kỹ thuật và công nghệ với đội ngũ công nhân lành nghề, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu đào tạo và phổ biến thông tin. Quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các loại tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng chính sách và biện pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường một cách chủ động và có hiệu quả.

Thứ sáu, chính sách chiến lược trong việc thu hút vốn đầu tư. Các chính sách kinh tế vĩ mô cần hướng đến giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng vốn của các doanh nghiệp đầu tư chưa thể giải ngân để đưa công trình vào hoạt động, tác động cùng với các doanh nghiệp, tạo sợi dây liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, nhằm thu hút vốn nước ngoài. Cần xác định rõ vai trò chủ đạo của hệ thống tài chính của Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng, để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận được với thị trường vốn và các tổ chức tài chính tín dụng trong nước. Cần thấy các cơ sở hạ tầng tài chính có ý nghĩa rất lớn đến sự thành công của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các lĩnh vực về tín dụng, bảo hiểm, thanh toán, ngoại thương, thị trường chứng khoán.

Thứ bảy, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho hoạt động thu hút vốn đầu tư. Theo đó, giáo dục bậc đại học trở lên cần chuyên môn hóa cho các đại học vùng, phát triển các đại học vùng lên tầm khu vực và quốc tế nhằm đảm bảo đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho toàn Vùng. Nên tập trung phát triển TP. Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên theo mô hình đại học vùng trọng điểm (hoặc đại học quốc gia tại miền Trung). Có thể bổ sung tỉnh Thừa Thiên - Huế thành trung tâm đào tạo đại học chất lượng cao cho tiểu vùng Bắc Trung bộ.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên cả 2 phương diện nhân lực lãnh đạo, quản lý điều hành và nhân lực lao động, chuyên môn kỹ thuật. Lao động lành nghề cần có kế hoạch đào tạo một cách thường xuyên, liên tục, đặc biệt chú trọng cán bộ trực tiếp tham gia trong các liên doanh. Cần chuẩn bị những cán bộ có kiến thức đối ngoại, am hiểu Luật Đầu tư nước ngoài, các luật lệ khác có liên quan, thông thạo ngoại ngữ,… Cần chú ý đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, có kiến thức chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế có thể tham gia hội nhập quốc tế, phải được bổ sung liên tục vào thị trường lao động. Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ và sử dụng nguồn nhân lực, cần lưu ý khoảng cách thực tế hiện nay giữa đào tạo và sử dụng, giữa trình độ và năng lực thực tế, giữa năng lực và phẩm chất đạo đức của người lao động.

Tóm lại, hiện nay VKTTĐMT đã thu hút được một lượng vốn FDI đáng kể, tác động tích cực đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Song, việc quy hoạch phát triển cần được thống nhất, tạo cơ hội và động lực cho các nhà đầu tư, hướng đến việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, có nguồn vốn lớn, tạo bước đột phá lớn cho các địa phương trong Vùng. Đồng thời, VKTTĐMT cần có các chính sách, cơ chế phù hợp để chủ động đón làn sóng đầu tư FDI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê TP. Đà Nẵng (2019). Niên giám thống kê TP. Đà Nẵng năm 2019. TP. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên - Huế (2019). Niên giám thống kê tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2019. Tỉnh Thừa Thiên - Huế: NXB Thống kê.
  3. Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam (2019). Niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam năm 2019. Tỉnh Quảng Nam: Nhà xuất bản Thống kê.
  4. Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi (2019). Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 2019. Tỉnh Quảng Ngãi: Nhà xuất bản Thống kê.
  5. Cục Thống kê tỉnh Bình Định (2019). Niên giám thống kê tỉnh Bình Định năm 2019. Tỉnh Bình Định: Nhà xuất bản Thống kê.
  6. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết 50-NQ-TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
  7. Các website: http://centralinvest.mpi.gov.vn/, http://www.gso.gov.vn/, http://www.mpi.gov.vn, http://www.danangcity.gov.vn/, http://www.binhdinh.gov.vn, http://quangnaminvest.vn/eb-quangnam/index.html, http://www.quangngai.gov.vn, http://xtdt.thuathienhue.gov.vn

ATTRACTING FOREIGN DIRECT INVESTMENT

INTO THE CENTRAL KEY ECONOMIC REGION OF VIETNAM

• DO VAN TINH

Duy Tan University

ABSTRACT:

This paper evaluates the current foreign direct investment (FDI) attraction in the Central Key Economic Region of Vietnam in recent years. This paper analyzes the positive contributions from FDI and the shortcomings as well as the causes in the attraction of FDI into the Central Key Economic Region. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to lure more FDI into the Central Key Economic Region in the coming time.

Keywords: foreign direct investment, the Central Key Economic Region of Vietnam, attracting FDI.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]