TÓM TẮT:
Bài viết đưa ra khái niệm về du lịch xanh và chứng nhận du lịch xanh, đồng thời chỉ ra những lợi ích khi đạt được chứng nhận du lịch xanh đối với ngành công nghiệp du lịch. Khái niệm du lịch xanh sẽ rất hấp dẫn các công ty du lịch và các nhà khai thác do áp lực của Chính phủ ngày càng tăng nhằm cải thiện hiệu quả môi trường bằng cách áp dụng các kỹ thuật quản lý môi trường hữu hình và vô hình.
Hơn nữa, thành tựu và xúc tiến các giải thưởng môi trường quốc tế đã được công nhận sẽ là công cụ để các doanh nghiệp du lịch tiếp thị các dịch vụ của họ. Kết quả là nhiều bên liên quan và có trách nhiệm đã đưa ra các khuyến nghị cho các sản phẩm du lịch xanh để điều chỉnh các tác động tiêu cực của du lịch.
Từ khóa: Xanh, du lịch xanh, chứng nhận, du lịch bền vững.
1. Giới thiệu
Du lịch xanh (DLX) là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Trong những năm qua, sự phát triển của du lịch như một ngành công nghiệp chính, du lịch đã tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh tế toàn cầu. Sau ngành công nghiệp dầu hỏa và ô tô, ngành công nghiệp du lịch được xem là một trong những ngành có hoạt động phát triển nhanh nhất và có đóng góp cho hoạt động kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới [1].
Năm 2008, Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) đã đưa ra dự báo: Đến năm 2010, lượng khách du lịch quốc tế sẽ tăng lên 1,018 tỷ lượt người và dự kiến thu về trực tiếp là 1,55 nghìn tỷ USD. Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) vừa công bố dự báo “Tầm nhìn Du lịch 2020“ trong đó khẳng định du lịch thế giới sẽ liên tục tăng trưởng và sẽ đạt số khách du lịch quốc tế 1,6 tỷ lượt người vào năm 2020.
Nguồn thu từ hoạt động du lịch sẽ đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế của các nước đang phát triển, góp phần giải quyết việc làm và hiệu quả cán cân thanh toán. Chính vì vậy, ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, bên cạnh các lợi ích về kinh tế, DLX còn được xem như một giải pháp rất có hiệu quả để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình làm giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu của khách du lịch, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch. Do đó, nhiều nước đang phát triển đã bắt đầu tích cực theo đuổi DLX như một cách thức để tạo ra việc làm, đa dạng hóa nền kinh tế và thu ngoại tệ.
Trong số 3 tác động chính của kinh tế du lịch là văn hóa - xã hội và môi trường, tác động kinh tế đóng vai trò chi phối trong hoạch định chính sách [10]. Với việc tập trung vào những lợi ích kinh tế gắn liền với sự phát triển của du lịch, các tác động tiêu cực về văn hóa - xã hội và môi trường của du lịch đã được bỏ qua. Dựa trên những lợi ích kinh tế, phát triển du lịch được coi là một loại thuốc chữa bách bệnh cho nhiều vấn đề xã hội và kinh tế. Điều này đã dẫn đến sự tăng trưởng bừa bãi và không có kế hoạch của cơ sở hạ tầng du lịch ở nhiều nước, và ngay sau đó những ảnh hưởng tiêu cực dưới hình thức suy thoái xã hội và môi trường bắt đầu nổi lên.
Do tăng cường nhận thức về tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường, đã có nhiều nỗ lực để phát triển phương pháp tiếp cận để du lịch bền vững. Hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng về mối quan hệ giữa phát triển du lịch và chất lượng môi trường [3], với sự xuất hiện của du lịch đặc biệt bao gồm cả DLX.
2. Khái niệm du lịch xanh
Khái niệm về một sản phẩm xanh là một khái niệm dễ sử dụng hơn là để xác định. DLX được sử dụng để chỉ ra du lịch thân thiện với môi trường, nhưng có sự tập trung và ý nghĩa khác nhau. Thông thường, các phát biểu này sử dụng những thuật ngữ thiếu các định nghĩa được chấp nhận hoặc các định nghĩa chuẩn [9]. Những thuật ngữ này được sử dụng cho 2 mục đích:
(1) Để nói với khách hàng rằng điểm đến kỳ nghỉ của họ sẽ đẹp và nguyên sơ. DLX hoặc một thuật ngữ khác liên quan đến vấn đề môi trường chủ yếu được sử dụng để mô tả các kỳ nghỉ thiên nhiên cùng với những điểm đến có vẻ đẹp hoang sơ [12].
(2) Tuyên bố DLX có thể được sử dụng để cho biết các hoạt động du lịch diễn ra ở nơi đó không gây hại cho môi trường [4].
Hiểu theo một cách khác, một sản phẩm hoặc dịch vụ có thể được xem là xanh khi nó mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng mà không gây tổn hại cho môi trường. Khó khăn bắt đầu khi một bên liên quan cố gắng đo lường những ảnh hưởng tiêu cực các hoạt động của họ đối với môi trường, ngay cả trong trường hợp đo lường có vẻ khả thi. Khó khăn tiếp theo phát sinh khi đồng ý các tiêu chí cần được xem xét và “mức ngưỡng” ảnh hưởng không thể chấp nhận được. Du lịch theo truyền thống được coi là một ngành công nghiệp tương đối xanh, ngoại trừ các vấn đề về giao thông vận tải và phát triển đất đai và vì lý do này DLX là một lĩnh vực bắt đầu được quan tâm gần đây [4].
Trong bài báo này, DLX là một bộ phận quan trọng của du lịch bền vững, được định nghĩa là du lịch mà điểm đến ở đó thảm thực vật, động vật và di sản văn hóa là điểm thu hút chính. Theo Machado (2003) du lịch bền vững là các hình thức du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch, ngành du lịch, và cộng đồng địa phương nhưng không ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Du lịch khả thi về kinh tế, nhưng không phá huỷ tài nguyên mà tương lai của du lịch phụ thuộc vào đó, đặc biệt là môi trường tự nhiên và kết cấu xã hội của cộng đồng địa phương.
Du lịch bền vững là việc di chuyển và tham quan đến các vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá cao tự nhiên (và tất cả những đặc điểm văn hoá kèm theo, có thể là trong quá khứ và cả hiện tại) theo cách khuyến cáo về bảo tồn, có tác động thấp từ du khách và mang lại những lợi ích cho sự tham gia chủ động về kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương (World Conservation Union,1996).
Định nghĩa về DLX được tiếp tục mở rộng để bao gồm du lịch bền vững với môi trường các điểm đến, nơi các tác động về khí hậu được giảm thiểu nhằm mục đích tôn trọng và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng các chương trình nhằm phù hợp với bối cảnh các nguồn tài nguyên dễ bị phá hủy [6, 9]. DLX rất quan trọng để khuyến khích du lịch có thể hỗ trợ các khía cạnh tự nhiên và văn hóa, đồng thời khuyến khích sự tôn trọng và bảo tồn các nguồn tài nguyên đô thị và sự đa dạng văn hóa. Theo Dodds và Joppe (2001), khái niệm DLX có thể được chia thành 4 thành phần:
(1) Trách nhiệm môi trường - bảo vệ, bảo tồn để nâng cao chất lượng và sức khỏe môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe lâu dài của hệ sinh thái bền vững.
(2) Năng lực kinh tế địa phương - hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để đảm bảo sức mạnh kinh tế và tính bền vững.
(3) Đa dạng văn hóa - tôn trọng và đánh giá cao văn hóa và sự đa dạng văn hóa để đảm bảo bảo tồn các nền văn hóa hoặc tổ chức địa phương.
(4) Kinh nghiệm phong phú - cung cấp kinh nghiệm phong phú và sự thỏa mãn thông qua việc tham gia tích cực của các cá nhân có ý nghĩa quan trọng vào việc bảo tồn thiên nhiên, con người, địa điểm và nền văn hóa.
Để du lịch trở nên bền vững, cần phải đạt được những tiêu chí sau:
- Thân thiện môi trường, du lịch bền vững có tác động thấp đến nguồn lợi tự nhiên và khu bảo tồn biển nói riêng. Nó giảm thiểu các tác động đến môi trường (động thực vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm…) và cố gắng có lợi cho môi trường.
- Gần gũi về xã hội và văn hóa: Nó không gây hại đến các cấu trúc xã hội hoặc văn hóa của cộng đồng nơi chúng được thực hiện. Thay vào đó là tôn trọng văn hoá và truyền thống địa phương. Khuyến khích các bên liên quan (các cá nhân, cộng đồng, nhà điều hành tour, và quản lý chính quyền) trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát, giáo dục các bên liên quan thực hiện tốt vai trò của họ.
- Đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng, tạo ra những thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như càng nhiều bên liên quan khác càng tốt. Nó mang lợi ích cho người chủ, cho nhân viên và cả người xung quanh. Nó không bắt đầu một cách đơn giản để sau đó sụp đổ nhanh do các hoạt động kinh doanh nghèo nàn. Một đơn vị kinh doanh du lịch có đủ 3 tiêu chí trên, “sẽ kinh doanh tốt nhờ làm tốt”.
Điều này có nghĩa, việc thực hiện kinh doanh du lịch trong nhiều cách có thể không phá huỷ các nguồn lợi tự nhiên, văn hoá và kinh tế, nhưng cũng khuyến khích đánh giá cao những nguồn lợi mà du lịch phụ thuộc vào. Việc kinh doanh được thực hiện dựa trên 3 tiêu chí này có thể tăng cường việc bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, đánh giá cao giá trị văn hóa, mang lợi tức đến cho cộng đồng và có thể cũng sẽ thu lợi tức (International Ecotourism Society, 2004).
3. Quy trình chứng nhận du lịch xanh
Chứng nhận được định nghĩa là một thủ tục tự nguyện đánh giá, kiểm tra và đảm bảo bằng văn bản một cơ sở, sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể và trao tặng một biểu tượng cho những người đáp ứng hoặc vượt qua các tiêu chuẩn cơ bản. Mục đích của việc chứng nhận là để đạt được các tiêu chuẩn tự nguyện về thành tích đạt được hoặc vượt qua các tiêu chuẩn cơ bản hoặc luật pháp. Cơ quan chứng nhận phải là nơi không có xung đột lợi ích và các chỉ số cho các tiêu chuẩn phải được công nhận bởi một cơ quan có chức năng. Người nộp đơn hoặc doanh nghiệp sau đó được đánh giá theo các chỉ số, nếu thành công sẽ được công nhận, thường là dưới dạng một biểu tượng, thông báo cho người tiêu dùng rằng doanh nghiệp đã đáp ứng các tiêu chí tối thiểu [7].
Mục đích của việc cấp chứng nhận là để thúc đẩy hành vi có trách nhiệm bảo vệ môi trường, xã hội và văn hoá, cung cấp một sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Để được coi là đáng tin cậy, các chương trình chứng nhận cần phải có đánh giá của bên thứ ba và để đánh giá hiệu quả các tiêu chuẩn công nhận cần được xác định rõ ràng. Trong đó, chứng nhận áp dụng cho các giải thưởng dành cho doanh nghiệp, sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ; chứng nhận áp dụng cho quá trình hội đủ điều kiện, xác nhận và cấp phép cho các thực thể thực hiện chứng nhận; công nhận là xác nhận người chứng nhận [4].
Chứng nhận đặt ra các tiêu chuẩn và giúp phân biệt các doanh nghiệp DLX với những doanh nghiệp khác; đây là một trong số các công cụ để thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện hiệu suất môi trường, xã hội và kinh tế. Theo Batta (2009), có 4 lý do để chứng nhận là quan trọng ở Bảng 1.
Bảng 1. Lợi ích khi được chứng nhận DLX
Nguồn: Adapted from Batta, 2009 (trích trong Furqan và cộng sự, 2010)
Các bên liên quan ngành Du lịch có thể xem xét việc thực hiện chứng nhận DLX là một sự lựa chọn khả thi để kiểm soát các tác động tiêu cực trực tiếp của du lịch đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên của các điểm đến. Trong thực tế, một doanh nghiệp du lịch tìm kiếm chứng nhận phải đáp ứng các tiêu chuẩn được xác định bởi chương trình kiểm định môi trường do bên thứ ba cung cấp [8]. Các thủ tục về chứng nhận DLX có thể được phân loại thành 6 bước [5] như sau:
Bước 1 - Lựa chọn ngành Du lịch: Sự tham gia mạnh mẽ của một hội đồng đại diện cho sự lựa chọn của các bên liên quan đến ngành công nghiệp du lịch bao gồm: Các nhà quy hoạch du lịch và các quan chức Chính phủ, các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch tư nhân, các tổ chức phi Chính phủ, các nhóm công dân địa phương và khách du lịch. Các bên liên quan chọn một thể loại cụ thể từ danh sách các ngành Du lịch (các nhà tổ chức du lịch, các cơ quan du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, và các dịch vụ du lịch khác).
Bước 2 - Đánh giá tác động môi trường: Tất cả các tác động môi trường có thể có của ngành Du lịch sẽ được ghi lại. Bước này bao gồm các tác động môi trường (ví dụ ô nhiễm không khí và nước, ô nhiễm tiếng ồn, chất thải rắn, sự thay đổi thành phần của hệ thực vật, xói mòn đất, thay đổi địa vật lý, sử dụng nguyên liệu và tiêu thụ năng lượng) và tiếp theo là môi trường quan trọng nhất tác động của ngành Du lịch được xác định.
Bước 3 - Chỉ số phát triển: Một chỉ số sơ bộ về các tiêu chí để giảm các tác động môi trường liên quan đến ngành Du lịch được xác định trong Bước 2 được xem xét bởi Hội đồng của các bên liên quan đến du lịch tham gia trong Bước 1.
Bước 4 - Lựa chọn chỉ số cuối cùng: Trên cơ sở sự nhất trí của các chuyên gia và các bên liên quan, một cơ quan DLX đã xác định được một chỉ số cuối cùng về các tiêu chí thuộc tính, nhiều thuộc tính hạn chế cho các tác động môi trường liên quan đến ngành Du lịch.
Bước 5 - Chứng nhận DLX: Một doanh nghiệp du lịch đăng ký cho một giải thưởng DLX sẽ chỉ nhận được nếu doanh nghiệp vượt qua hoặc ít nhất đạt được các tiêu chí cuối cùng về tác động môi trường liên quan đến lĩnh vực ngành Du lịch. Nếu doanh nghiệp du lịch đáp ứng được các tiêu chí cuối cùng, sau đó sẽ phải trả phí bản quyền cho cơ quan để sử dụng chứng nhận, biểu tượng hoặc logo của doanh nghiệp trong quá trình tiếp thị và quảng cáo cũng như các hoạt động hàng ngày.
Bước 6 - Tái thẩm định theo định kỳ: Chỉ tiêu các tiêu chí tác động đến môi trường được đánh giá lại, thường là ba năm một lần qua đó để xác định liệu các tiêu chí hiện tại có phù hợp với tiến bộ công nghệ và sáng tạo trong ngành Du lịch. Nếu các tiêu chí mới được tăng cường (để tạo ra những cải thiện môi trường bổ sung) được thông qua bởi cơ quan DLX, các doanh nghiệp du lịch đã có chứng nhận trước đây, thì chỉ cần nộp đơn xin cấp chứng chỉ.
Chứng nhận cho ngành Du lịch sẽ đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp du lịch thông qua toàn bộ hoạt động của họ. Do sự phụ thuộc nhiều nguồn lực của ngành Du lịch, đánh giá hoạt động sẽ không hiệu quả trong việc xác định toàn bộ quy mô và phạm vi tác động môi trường do các doanh nghiệp du lịch tạo ra. Cơ quan chứng nhận phải biết rõ phạm vi tác động của các ngành khác nhau trong lĩnh vực du lịch trước khi thực hiện phân tích tác động và cải tiến các giai đoạn phân tích đánh giá [11].
4. Kết luận
Việt Nam được UNWTO xếp hạng 6/10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới và được WTA bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chứng kiến nhiều bài học kinh nghiệm của các nước trong việc phát triển du lịch gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và văn hóa. Do đó, nhằm thúc đẩy phát triển DLX thông qua việc cấp chứng nhận DLX là một trong những yếu tố cần được quan tâm.
Để thúc đẩy phát triển DLX thông qua chứng nhận DLX, cần quan tâm 2 vấn đề cơ bản. Thứ nhất, vấn đề then chốt là từng doanh nghiệp, từng địa phương phải xây dựng “sản phẩm xanh” đặc thù cho riêng mình. Thứ hai, để được cấp nhãn DLX, các doanh nghiệp du lịch, các điểm tham quan cần có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo tồn các di sản, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và tích cực tham gia phát triển du lịch bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Batta, R.N. (2009). Green tourism certification manual. Tokyo: Asian Productivity Organization (APO). Retrieved April 27, 2010, from http://www.apo-tokyo.org/00e-books/GP-18_GreenTourism.htm# contents.
- Dodds, R. and Joppe, M. (2001). Promoting urban green tourism: The development of the other map of Toronto. Journal of Vacation Marketing, 7(3), pp. 261-267.
- Erdogan, N. and Tosun, C. (2009). Environmental performance of tourism accommodations in the protected areas: Case of Goreme Historical National Park. International Journal of Hospitality Management. (28), pp. 406-414.
- Font, X. and Tribe, J. (2001). Promoting Green Tourism: the Future of Environmental Awards. International Journal of Tourism Research, (3), pp. 9-21.
- Furqan A., Mat Som A.P. and Hussin R. (2010). Promoting green tourism for future sustainability. Theoretical and Empirical Researches in Urban Management, 8(17).
- Graci, S. and Dodds, R. (2008). Why Go Green? The Business Case for Environmental Commitment in the Canadian Hotel industry, Anatolia: An International Journal of Tourism and Hospitality Research, 19(2), pp. 251-270.
- Honey, M. and Rome, A. (2000). Ecotourism and Sustainable Tourism Certification. New York: Mohonk Mountain House.
- Mihalic, T. (2000). Environmental management of a tourist destination: A factor of tourism competitiveness. Tourism Management, 21, pp. 65-78.
- NCC. (1996). Green Claims: a Consumer Investigation into Marketing Claims about the Environment. National Consumer Council: London.
- Sinclair, M.T. (1998). Tourism and economic development: a survey. The journal of development studies, 34(5), pp. 1-51.
- Tzschentke, N., Kirk, D. and Lynch, P. (2008). Ahead of their time? Barriers to action in green tourism firms, The Service Industries Journal, 28(2), pp. 167-178.
- Wight, P. (1994). Environmentally responsible marketing of tourism. In Ecotourism: a Sustainable Option? Cater, E., and Lowman, G. (ed.). Wiley: Chichester , pp. 39-53.
- WTO (2008). UNWTO World Tourism Barometer. Vol.6, No.1. January 2008. Retrieved April 27, 2010, from www.world-tourism.org.
PROMOTING GREEN TOURISM
THROUGH GREEN TOURISM CERTIFICATION
● NGUYEN THI HOAI THANH
Faculty of Tourism and Culture - Arts, An Giang University,
Vietnam National University - Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This article introduces concepts of green tourism and green tourism certification, and points out benefits of obtaining a green tourism certification for the tourism industry. The green tourism concept will attract tourism companies and operators as goverments have urged tourism businesses to improve environmental efficiency by applying tangible and invisible environmental management techniques. Moreover, the achievement and promotion of recognized international environmental awards will serve as a tool for tourism businesses to promote their services. As a result, many stakeholders have made recommendations for green tourism products to correct the negative impacts of tourism.
Keywords: Green, green tourism, certification, sustainable tourism.