Thực trạng và giải pháp phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam

THS. NGUYỄN THỊ HIỀN (Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Ngành Nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Những biến động của của thế giới, khu vực và trong nước trong thời gian vừa qua đã tác động tiêu cực đáng kể tới các ngành công nghiệp và dịch vụ , nhưng ngành Nông nghiệp vẫn trụ vững và đóng vai trò như trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Bài viết đi sâu phân tích tình hình phát triển ngành Nông nghiệp của Việt Nam và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế cho Ngành.

Từ khóa: ngành Nông nghiệp, Viêt Nam, giải pháp, thực trạng.

1. Thực trạng phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam

Năm 2020, mặc dù phải gánh chịu thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, dịch Covid-19…), nhưng nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh, nên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. Giá trị sản xuất toàn Ngành trong năm ước 2020 tăng 2,75% so với năm 2019. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,7%; lâm nghiệp tăng 2,4%; thủy sản tăng 3,3%; GDP toàn ngành dự kiến tăng 2,65%, giúp bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Cùng với cây lúa, nhiều loại cây lương thực truyền thống, giá thị thấp cũng có xu hướng giảm mạnh về diện tích. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã chuyển đổi khoảng 200.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, đồng thời tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh thâm canh phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 22 nghìn tỷ đồng lên đến hơn 231 nghìn tỷ đồng (năm 2018). Sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp thể hiện ở việc các doanh nghiệp đã và đang triển khai tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Việc tăng cường chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm nhiều hơn đã tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cao hơn cho nông dân Việt Nam. (Xem Bảng)

Nguồn: Tác giả tổng hợp theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua các năm

Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp cả nước, có tới 95% doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Lĩnh vực này tại Việt Nam cũng thu hút chưa đến 1% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi mức trung bình trên thế giới vào khoảng 3%. Tính đến hết năm 2019, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ đạt 3,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng vốn FDI vào Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư cũng chưa nhiều, trong đó các nước như Đài Loan, quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Thái Lan đã chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư FDI vào nông nghiệp Việt Nam. Đây là những thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, có tới 85% - 90% lượng hàng nông sản của nước ta đưa ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài. Vì vậy, việc bị bán giá thấp, bị o ép vẫn là những câu chuyện thường ngày đối với hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu. Đó là chưa kể tới rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến tình trạng nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp đang thiếu những người lao động có chất lượng cao. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có khoảng 18 triệu lao động làm trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, trong đó có 4,31 triệu lao động đã qua đào tạo. Theo dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 100.000 doanh nghiệp nông nghiệp, 30.000 hợp tác xã, hàng trăm ngàn tổ tác xã, trang trại,… vì vậy sẽ cần một lượng lớn lao động trong lĩnh vực Nông nghiệp. Công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn còn thiếu và yếu, chưa thích ứng được với sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp vàgiúp đảm bảo ngành Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Hiện nay, cả nước có khoảng 54 cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu đào tạo đại học, sau đại học có liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp, với khoảng 325 ngành nghề, hàng năm có khoảng 10.000 cử nhân tốt nghiệp phục vụ các hoạt động khác nhau trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. So với yêu cầu về số lượng qua đào tạo, con số này còn nhỏ bé. Trong khi đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cóvai trò rất quan trọng và cấp thiết. Trong thực tế, phần lớn nguồn nhân lực qua đào tạo cũng mới chỉ tập trung cho khâu sản xuất sản xuất sản phẩm, chưa có đủ cho khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm, tạo dựng và bảo vệ thương hiệu để tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

2. Giải pháp phát triển kinh tế ngành Nông nghiệp phát triển bền vững

Để thực hiện thành công những chủ trương, định hướng quan trọng đó, cần có sự quyết tâm cao và nỗ lực hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ngành, nông dân và các doanh nghiệp. Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, bộ, ngành, bà con nông dân, các thành phần kinh tế khác trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, trong giai đoạn tới, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất quy hoạch cho sản xuất các mặt hàng nông sản chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Phát triển sản xuất các loại nông sản hàng hóa xuất khẩu có lợi thế, nông sản thay thế nhập khẩu với quy mô hợp lý. Nghiên cứu, phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển thức ăn chăn nuôi với quy mô lớn để phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong nước; Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi và các cơ sở chế biến.

Thứ hai, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Tái cơ cấu thị trường nội địa, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; chú trọng hơn nữa vào phát triển thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng khuyến khích phát triển doanh nghiệp xã hội, bảo đảm lợi ích người sản xuất trực tiếp. Đối với thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh; Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, cơ cấu sản phẩm, giá cả, tập quán buôn bán của các thị trường; Xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực về phân tích, nghiên cứu, dự báo thị trường để tham mưu, đề xuất chính sách có hiệu quả; Nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin, chiến lược phát triển sản xuất, liên kết trong kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng.

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; Ứng dụng công nghệ sinh học và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; Nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua các doanh nghiệp xây dựng mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, góp phần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; Duy trì thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết. Tiếp tục tiến hành tổng kết, đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; Có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn; Hình thành các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết dọc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, liên kết nông nghiệp với công nghiệp và kinh tế đô thị.

Thứ năm, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Mở rộng diện tích tưới tiêu cho rau màu, cây công nghiệp, cấp thoát nước để chủ động cho diện tích nuôi trồng thủy sản, làm muối; bảo đảm giao thông thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã, đáp ứng cơ bản có đường ô-tô tới các thôn, bản; Xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và hạ tầng nghề cá; Cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; Bảo đảm cơ bản điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn, tiến gần tới mức các đô thị trung bình; Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, nhất là hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển và rừng phòng hộ ven biển, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cư, đáp ứng yêu cầu phòng, chống bão, lũ, ngăn mặn và chống nước biển dâng; Bảo đảm điều kiện sản xuất và sống an toàn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và các vùng thường xuyên bị thiên tai; Chủ động triển khai các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thứ sáu, có chính sách huy động vốn và hỗ trợ tài chính thích hợp. Đa dạng hóa các nguồn vốn và đơn giản hóa, tối ưu hóa thủ tục tiếp cận vốn; Đầu tư phát triển mạnh hơn kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn; tiếp tục đầu tư phát triển giao thông nông thôn; Đầu tư để bảo đảm cung cấp đủ điện sinh hoạt và nước sạch cho cư dân nông thôn; Có chính sách cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai thực hiện mô hình liên kết.

Thứ bảy, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao vào làm việc trong ngành Nông nghiệp, đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đến công tác ở nông thôn; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ này ở cơ sở.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (2018), “Báo cáo Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”.
  2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (2020), “Báo cáo Tổng kết thực hiện kế hoạc phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020 và triển khai Kế hoạch năm 2021”.
  3. Văn phòng Trung ương Đảng, (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Miền, (2018), “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Những rào cản và giải pháp khắc phục”, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/ item/2606-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-nhung-rao-can-va-giai-phapkhac-phuc.html

Current development and solutions for promoting the growth of Vietnam’s agricultural sector

Master. Nguyen Thi Hien

Faculty of Political Theories, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The agricultural sector plays a very important role in the national economy. The recent global, regional and also domestic fluctuations have negatively affected many industries and sectors. However, the agricultural sector has still grown and played the backbone role of Vietnam’s economy. This paper analyzes in depth the development situation of Vietnam's agricultural sector and proposes solutions for promoting the sector’s growth.

Keywords: agricultural industry, solutions, status quo.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]