Thương hiệu và logistics: Những điểm chạm khi doanh nghiệp Việt tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới

Được ví như cánh tay nối dài của doanh nghiệp Việt khi tham gia cuộc chơi quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức, trong đó thương hiệu và logistics là những vấn đề quan trọng cần lưu ý.

Thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon

Tín hiệu tích cực từ thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer (Mỹ), Việt Nam thuộc top 5 thế giới về mức tăng trưởng doanh số thương mại điện tử bán lẻ trong năm 2022. 

Chỉ riêng trên sàn thương mại điện tử Amazon, lượng đối tác bán hàng Việt Nam đã tăng hơn 80%, gần 10 triệu sản phẩm bán từ các nhà bán hàng Việt Nam được bán đến tay khách hàng Amazon trên toàn cầu, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch và suy giảm kinh tế. Giá trị xuất khẩu của các nhà bán hàng Việt Nam tăng 45%. Số lượng nhà bán hàng Việt đạt doanh số trên 500.000 USD tăng đến 60%, … 

Đây là những con số ấn tượng trong Báo cáo hoạt động năm 2022 của Amazon Global Selling “thể hiện sự hào hứng của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới này”, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling tại Việt Nam nhận định tại Toạ đàm “Mở đường, Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt nhập cuộc thương mại điện tử xuyên biên giới” được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua.

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling tại Việt Nam
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling tại Việt Nam

Xuất khẩu và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử quốc tế đã mở ra một động lực kinh tế mạnh mẽ đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.

Sau khoảng một năm bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon, các sản phẩm thủ công trang trí được làm từ cỏ cây, mây trẻ Việt đến từ thương hiệu ChicnChill đã đạt mức tăng trưởng doanh thu đến đến 700%. Có được khởi đầu thuận lợi này, ông Trần Tuấn Dũng, chủ thương hiệu ChicnChill và đội ngũ đã dành nhiều tháng tìm hiểu trên các website về lối sống ở thị trường châu Âu, châu Mỹ, nghiên cứu, phân tích các xu hướng trang trí nhà cửa với các vật liệu từ thiên nhiên. Từ đó, ông đã xác định dòng sản phẩm chủ lực đầu tiên, kết hợp bản sắc Việt để bước chân vào thị trường quốc tế.

AnEco, thương hiệu sản xuất và cung cấp các sản phẩm từ nhựa có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn và thân thiện với môi trường như túi, dao, nĩa, ống hút, màng bọc thực phẩm, … cũng gặt hái thành công nhờ bán hàng xuyên biên giới qua sàn thương mại điện tử Amazon. Đáng nói, doanh số 7 tháng đầu năm 2022 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2021 khi chưa tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Một thương hiệu Việt khác cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng khi xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới là LAFOOCO trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nhân điều. Sau hai tuần mở bán trên Amazon, 3 trong tổng số 4 loại hạt điều của doanh nghiệp Việt đã lọt vào top 10 sản phẩm hạt điều mới bán chạy nhất trên nền tảng này, riêng hai dòng sản phẩm hạt điều rang muối biển vị caramel và hạt điều rang muối biển vị dừa lọt top 100 sản phẩm hạt điều tại gian hàng Amazon ở Mỹ.

Năm 2022, doanh nghiệp Việt đã bán gần 10 triệu sản phẩm trên các gian hàng trực tuyến của Amazon toàn cầu, giá trị xuất khẩu ctăng hơn 45%
Năm 2022, doanh nghiệp Việt đã bán gần 10 triệu sản phẩm trên các gian hàng trực tuyến của Amazon toàn cầu, giá trị xuất khẩu ctăng hơn 45%

Thương hiệu - linh hồn của doanh nghiệp

Thương mại điện tử xuyên biên giới là một mô hình kinh doanh mới đầy tiềm năng, song song với đó là không ít thách thức. Tham gia thị trường quốc tế, sản phẩm tốt là một khởi đầu tuyệt vời tuy nhiên chưa đủ để doanh nghiệp tham gia cuộc chơi toàn cầu. Để đạt được sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có một chiến lược dài hạn, hiệu quả, phù hợp, đặc biệt là đầu tư về thương hiệu.

Với những thị trường lâu đời và khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, các nước châu Âu,… khách hàng có thói quen tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, đánh giá mức độ uy tín trước khi quyết định mua hàng lần đầu. Lúc này, thương hiệu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng chính là điểm khác biệt để doanh nghiệp kể câu chuyện của mình với khách hàng. Một thương hiệu tốt giúp khách hàng phân biệt và ghi nhớ sản phẩm của doanh nghiệp trong ma trận những sản phẩm tương tự đến từ nhiều nhà cung cấp.

Chính vì vậy, việc đăng ký thương hiệu, bảo hộ thương hiệu và xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết khi cung cấp đầy đủ các thông tin chính thống từ doanh nghiệp đến khách hàng, tạo dấu ấn riêng khi nhập cuộc vào một sân chơi lớn.

Hiện nay, sự chuyển dịch mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam từ hình thức OEM (gia công, sản xuất phụ tùng gốc) sang hình thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình và trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đang trở thành xu hướng.

Đăng ký và bảo hộ thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ chính mình, tránh được các tình huống tranh chấp, kiện tụng không cần thiết
Đăng ký và bảo hộ thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ chính mình, tránh được các tình huống tranh chấp, kiện tụng không cần thiết

Ông Phạm Xuân Tùng, nhà sáng lập Anneco Group, cho biết, sự chuyển dịch này đã mang đến những cơ hội và đồng thời là thách thức với các doanh nghiệp Việt trong việc phải có tầm nhìn dài hạn và xây dựng thương hiệu từ những bước đầu tiên.

Ông Phạm Xuân Tùng đưa ra những ví dụ thực tế là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp Việt, trong đó từng có doanh nghiệp do không tính toán được rủi ro nên sau một năm kinh doanh thành công, thương hiệu có nguy cơ bị thu hồi do không được bảo hộ thương hiệu tại Mỹ vì đã có các doanh nghiệp khác đăng ký tên thương hiệu tương tự. Công sức đầu tư cho thương hiệu, xây dựng lượng khách hàng trung thành có nguy cơ phải “bỏ đi xây lại từ đầu” khi thiếu sự nghiên cứu, tư vấn và hỗ trợ của các đơn vị chuyên nghiệp trong ngành. 

Để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường có tính cạnh tranh cao, không còn cách nào khác các doanh nghiệp Việt cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đứng vững trong thị trường cả trong nước và quốc tế.

Logistics - điểm chạm khách hàng quốc tế

Nếu như thương hiệu là linh hồn của doanh nghiệp thì logistics lại là một điểm chạm khách hàng quan trọng trong thương mại điện tử xuyên biên giới, một hình thức mua - bán giữa một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia này với một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia khác thông qua việc đặt hàng và thanh toán trên các sàn thương mại điện tử và qua internet.

Với thương mại điện tử, giao dịch vẫn được thực hiện dù người bán và người mua không biết cũng như không gặp mặt nhau. Các giao dịch được thực hiện thông qua đối tác vận chuyển hoặc đơn vị hoàn thiện đơn hàng để đưa hàng đến khách hàng. 

“Là dịch vụ đứng sau nhưng logistics lại đóng vai trò quyết định trong việc hình thành trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng về doanh nghiệp”, ông Nguyễn Anh Minh, nhà sáng lập DPExpress - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ logistics thương mại điện tử chia sẻ.

Logistics góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới
Logistics góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã làm cho hàng hóa và sự vận động của chúng phong phú và phức tạp hơn, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, đặt ra yêu cầu mới đối với dịch vụ vận tải giao nhận. Đồng thời, để tránh hàng tồn kho, doanh nghiệp phải làm sao để lượng hàng tồn kho luôn là nhỏ nhất. Kết quả là hoạt động logistics phải đảm bảo yêu cầu giao hàng đúng lúc, kịp thời, mặt khác phải đảm bảo mục tiêu khống chế lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cho phép kết hợp chặt chẽ quá trình cung ứng, sản xuất, lưu kho hàng hóa, tiêu thụ với vận tải giao nhận, ngành logistics nói chung và năng lực của các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến đáng kể cả về lượng và chất. Các doanh nghiệp logistics đang từng bước tham gia tích cực hơn vào việc hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu.

Số doanh nghiệp logistics đăng ký thành lập mới trong 09 tháng năm 2022 là 5.500 doanh nghiệp, tăng 30,4%, tăng 85% về số vốn đăng ký và 24,6% về số lao động so cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, khu vực trong nước chiếm khoảng 89% tổng số doanh nghiệp logistics tại Việt Nam, doanh nghiệp liên doanh chiếm khoảng 10%; 1% còn lại là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã trở thành đối tác của nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon: DPExpress, Logistics Vinalink, Hợp nhất quốc tế,…

Việc lựa chọn đơn vị vận chuyển, có quy trình hậu cần chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn của hàng hóa, đa dạng phương thức vận chuyển (đường bộ, đường biển, đường hàng không) với các mức chi phí hợp lý là điều hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến luật pháp hay quy định ở quốc gia hàng hóa xuất, nhập khẩu cũng cần hết sức lưu ý. Nếu doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu thuộc danh mục hiếm hoặc trong danh mục bảo tồn thiên nhiên của nước xuất khẩu để sản xuất hoặc thiết kế sản phẩm, khi xuất khẩu ra nước ngoài, doanh nghiệp có thể bị phạt hoặc chịu quy định liên quan.

Để tối ưu nguồn lực đầu tư, giảm chi phí vận chuyển và hoàn thiện đơn hàng, rút ngắn thời gian vận chuyển, tránh các vấn đề rủi ro khi vận chuyển cũng như các vi phạm không mong muốn ở các thị trường mục tiêu, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ cần không ngừng trau dồi kiến thức, cập nhật những quy định, thông tin và quyết định thương mại tại nước sở tại và các nước mà hàng hóa sẽ được vận chuyển đến.

Ngọc Châm