TCCT
Thương mại điện tử là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của thị trường Logistics. Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp logistics đang nỗ lực đầu tư, trang bị những lợi thế cho riêng mình.
Đón đầu sự phát triểnthương mại điện tử
Thời gian qua, đã chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử Việt Nam với việc vươn lên top 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Trên thị trường này, Việt Nam chỉ xếp sau những “ông lớn” như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đức.
Bộ Công Thương cũng đang kỳ vọng năm 2020, thương mại điện tử sẽ cán mốc 10 tỷ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ. Lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến tăng nhanh khiến nhu cầu dịch vụ logistics cho thương mại điện tử tăng cao và trên thực tế đang vượt quá khả năng đáp ứng. Theo dự báo của Công ty Giao Hàng Nhanh, số lượng đơn hàng tăng trưởng ở mức trung bình 45% giai đoạn 2015-2020 và có thể đạt tới 530 triệu đơn hàng vào năm 2020, với giá trị dịch vụ giao hàng đạt 472 triệu USD.
Trong điều kiện đó, các công ty thương mại điện tử lớn đều đang xây dựng hệ sinh thái của mình, trong đó logistics là một trụ cột quan trọng. Điển hình, LEL Express - công ty giao nhận trực thuộc Tập Đoàn Lazada đã đầu tư hệ thống phân loại hàng hóa tự động thứ hai với diện tích gần 1 ha, được đặt tại Trung tâm Logistics Hateco, Khu Công Nghiệp Sài Đồng B, Long Biên, Hà Nội. Hệ thống tại Hà Nội với công suất lên tới 10.000 sản phẩm/giờ được kì vọng sẽ đáp ứng sản lượng hàng hóa của Hà Nội trong khoảng 2 năm tới.
Bên cạnh đó, các trung tâm hoàn tất đơn hàng phát triển ngày càng mạnh ở Việt Nam với nhiều doanh nghiệp thành công như Viettel Post, Vietnam Post... Đồng thời, một số doanh nghiệp trẻ Việt Nam cũng bắt đầu đầu tư vào trung tâm hoàn tất đơn hàng khoảng 5 năm gần đây, trong đó Giaohangnhanh, Giaohangtietkiemlà những đại diện điển hình và thành công. Nhờ hệ thống mạng lưới điểm giao dịch và phương tiện vận chuyển linh hoạt, hoạt động sôi động tại nội thành các đô thị, các doanh nghiệp này có thể giao và lấy hàng trong 6 giờ đồng hồ.
Xung quanh vấn đề này, ông Đinh Duy Linh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco nhận định, sau một thời gian tham gia mảng logistics, Hateco nhận thấy còn nhiều khoảng trống lớn trong lãnh địa này, khi số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử gia tăng mạnh, cùng với nhu cầu thuê mặt bằng lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng… Một số doanh nghiệp ban đầu đến Hateco còn mang tính thăm dò, nhưng hiện nay họ đang đẩy mạnh tốc độ đầu tư, đặc biệt vào những dây chuyền hiện đại nhằm gia tăng thị phần.“Chúng tôi đang cố gắng cùng với một số doanh nghiệp để làm hệ thống phân loại hàng hóa tự động, bằng robot với một kiện hàng chia tách chỉ mất khoảng 4 - 5s” - ông Đinh Duy Linh nói.
Giải “bài toán” chi phí
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thương mại điện tử sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới. Logistics cho thương mại điện tử cũng theo đà đó đi lên, tuy nhiên, ngành này ở Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức cần nhanh chóng hóa giải. Đầu tiên là áp lực dịch vụ tốt hơn và chi phí thấp hơn. Theo một nhà cung cấp dịch vụ, riêng với thương mại điện tử, chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm khoảng 30% doanh thu - một tỷ lệ rất cao so với các ngành nghề thương mại truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí logistics cho thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang cao …
Bên cạnh đó, vận tải hàng hóa hàng không là phương tiện chủ lực trong thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, tại TP HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nhưng chỉ có 2 ga hàng hóa hàng không và không có nơi nào được quy hoạch cho dịch vụ hàng thương mại điện tử. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cho thương mại điện tử phải thuê các địa điểm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vốn nằm xen lẫn với doanh trại quân đội hay khu dân cư, đường giao thông kết nối rất khó khăn, chia sẻ nhau hoặc tận dụng những khoảnh diện tích 2.000 - 3.000m2. Tại Nội Bài và Hà Nội, dù có không gian rộng lớn hơn so với TP.Hồ Chí Minh nhưng cũng chưa có khu vực quy hoạch dài hạn cho hàng hóa thương mại điện tử.
Đồng thời, phương tiện vận chuyển không đa dạng, thiếu và giá thành cao. Chủ yếu các nhà vận tải đang giao hàng bằng xe máy có sức chứa nhỏ, trong khi hiệu quả của xe tải không cao do chi phí đầu tư và vận hành đều cao. Trong khi đó, các dịch vụ hỗ trợ logistics cho thương mại điện tử còn yếu và thiếu, dịch vụ cho thuê phương tiện chuyển phát hàng hóa, phát triển phương tiện vận chuyển đặc thù còn chưa phát triển.Việt Nam cũng sử dụng tiền mặt nhiều nhất so với những nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này dẫn tới rủi ro cho nhân viên giao nhận khi phải mang theo lượng tiền mặt lớn.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử với những chi tiết cụ thể như hóa đơn chứng từ hàng hóa đi đường, các quy định quản lý giao thông; tạo điều kiện để khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ tự động, phát triển các phương tiện “xanh” phù hợp với EC-logistics; tạo điều kiện và hỗ trợ đểthanh toán điện tử được triển khai rộng rãi tại Việt Nam, hạn chế giao dịch tiền mặt; tạo “sân chơi” để các doanh nghiệp kết nối với nhau, cùng hỗ trợ nhau phát triển…
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), doanh nghiệp logistics Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng cần phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, tận dụng đòn bẩy phát triển thương mại điện tử để bứt phá.