[Tọa đàm trực tuyến] Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tọa đàm “Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công Thương tổ chức sẽ phát trực tuyến trên nền tảng Tạp chí Công Thương điện tử và Fanpage Tự hào hàng Việt Nam vào 9h30 ngày 09/10/2023.
Thương hiệu của sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Để làm rõ hơn về câu chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm "Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi"

Những năm gần đây cuộc sống của đồng bào bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có thay đổi đáng kể. Những Chính sách của cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động sôi động của doanh nghiệp đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng và kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế tại địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay đã có các doanh nghiệp, tổ chức xã hội phối hợp cùng các địa phương có các chương trình, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra các sản phẩm tạo lập các thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với những những truyền thống văn hóa tập tục, điều làm nên sự hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng hiện đại. 

Từ đó, trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương được tiêu thụ ở các kênh phân phối và xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc ở các địa phương. 

Cũng chính lực lượng này đã góp phần quan trọng vào hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa của bà con được thị trường trong nước và quốc tế biết đến như: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong rừng Sơn Động, chè Shan tuyết Mộc Châu, cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn, bí xanh Ba Bể (Bắc Kạn)…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số chưa có thương hiệu uy tín được đưa ra thị trường, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các đơn vị sản xuất cũng như bà con chưa nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế, tính mỹ thuật, văn hóa cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này. 

Vì vậy, Tạp chí Công Thương tổ chức toạ đàm “Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” để cùng thảo luận và làm rõ hơn về vấn đề này.

Toạ đàm có sự tham dự của các vị khách mời:

- TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

- Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam

- Bà Lê Thị Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Detech

Tại Toạ đàm, đại diện Hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia sẽ cùng thảo luận, chia sẻ về cách xây dựng và tạo lập thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu riêng của bà con.

Qua đó, đưa sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối, đến gần hơn với người tiêu dùng không chỉ tại thị trường trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Streaming:

Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt

https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn

Website Tạp chí Công Thương

http://tapchicongthuong.vn

và Kênh Youtube Tạp chí Công Thương

https://www.youtube.com/@tapchicongthuongofficial

Huyền My