[Tọa đàm trực tuyến] Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ

Tọa đàm “Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ” do Tạp chí Công Thương tổ chức sẽ phát trực tuyến trên nền tảng Tạp chí Công Thương điện tử và Fanpage Tự hào hàng Việt Nam vào 9h30 ngày 27/10/2022.
Tọa đàm “Tận dụng “đòn bẩy” Hiệp định CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ”
Tọa đàm “Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ”

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được phê chuẩn vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019, được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng. 

Sau ba năm CPTPP đi vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện được khả năng vươn lên, thích ứng trong điều kiện bình thường mới để tận dụng, khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP, gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường đặc biệt là thị trường mới ở khu vực châu Mỹ.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này đạt 35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu sau 8 tháng ghi nhận đạt 6 tỷ USD, là mức cao nhất từ khi FTA này có hiệu lực, trong khi các năm đầu thực thi Hiệp định CPTPP, cán cân thương mại 2 chiều khá cân bằng.

Khác với khu vực Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu tương đối truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP, đặc biệt là các nước châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới. Trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này còn khiêm tốn, nhưng kể từ khi có CPTPP đã tăng lên đáng kể. 

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang cả 4 quốc gia thành viên CPTPP thuộc khu vực châu Mỹ (Canada, Mexico, Peru, Chile) đều đạt mức tăng trưởng cao, với kim ngạch 2 chiều khoảng 13,7 tỷ USD, tăng khoảng 31,2% so với năm 2020.

Theo các chuyên gia nhận định, năm 2022, các FTA, trong đó có CPTPP, sẽ tiếp tục mở ra những lợi thế về ưu đãi thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, từ đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần khai thác triệt để lợi ích từ Hiệp định CPTPP từ đó gia tăng thêm cơ hội để tiếp cận nhiều thị trường mới ở khu vực châu Mỹ.   

Nhằm cung cấp góc nhìn đa dạng và phân tích chuyên sâu hơn về vấn đề này, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ”.

Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời:

- Bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương)

- Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

- Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam

- Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP)

Nội dung Tọa đàm tập trung vào các vấn đề: (i) Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường thành viên CPTPP nói chung và thị trường các nước châu Mỹ nói riêng sau 3 năm thực thi Hiệp định; (ii) Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tận dụng ưu đãi, lợi thế Hiệp định CPTPP mang lại; (ii) Những đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu bền vững sang thị trường các nước thành viên CPTPP.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Streaming: Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt

https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn; Website Tạp chí Công Thương

http://tapchicongthuong.vn; và Kênh Youtube Tạp chí Công Thương

https://www.youtube.com/c/TạpchíCôngThương655.

Tạp chí Công Thương