TÓM TẮT:
Tự chủ đại học là sự tất yếu của giáo dục - đào tạo, và Trường Đại học Luật - Đại học Huế (Trường ĐHL, ĐHH) cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Để thực hiện thành công và phát triển bền vững khi chuyển đổi sang mô hình hoạt động tự chủ đại học như đã cam kết, việc xây dựng kế hoạch, công tác dự báo và có các giải pháp để tự chủ về tài chính được xem là thành tố quyết định cho sự thành công trong tự chủ đại học. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả tập trung phân tích các nội dung về tự chủ tài chính, những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện tự chủ đại học đối với Trường ĐHL, ĐHH.
Từ khóa: Trường Đại học Luật, Đại học Huế, tự chủ đại học, tự chủ tài chính, giáo dục.
1. Giới thiệu
Lịch sử phát triển của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy sự phát triển bền vững của một quốc gia luôn gắn liền với sự thành công của hệ thống giáo dục đại học, trong đó có giao quyền tự chủ đại học. Tự chủ đại học bao gồm tự chủ về nhân sự, tự chủ học thuật và tự chủ tài chính. Tự chủ đại học sẽ tạo động lực để các cơ sở giáo dục đại học đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động của mình, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục. Mức độ tự chủ đại học gắn liền với mô hình tự chủ và luôn được thay đổi cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Báo cáo tổng quan về xu thế quản trị đại học trên thế giới của World Bank 2008 đã khái quát 4 mô hình quản trị đại học với các mức độ tự chủ khác nhau, từ mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) như ở Malaysia, đến các mô hình bán tự chủ (semi-autonomous) như ở Pháp và New Zealand, mô hình bán độc lập (semi-independent) ở Singapore và mô hình độc lập (independent) ở Anh, Úc. Dù mô hình và mức độ tự chủ có khác nhau nhưng với mục tiêu tự chủ mở ra cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quản lý các nguồn tài chính, tiết kiệm các chi phí và huy động được các nguồn lực tài chính trong xã hội nhằm nâng cao các điều kiện giảng dạy, NCKH trong công tác đào tạo.
Trước xu thể đổi mới, hội nhập trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã có nhiều cải cách trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng nâng cao chất lượng, trao quyền tự chủ, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 tại Hội nghị thứ VII Ban chất hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập. Ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bước đầu đã tạo ra những thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở giáo dục đại học được giao thêm quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch các hoạt động của mình, linh hoạt trong việc tìm các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục trong xã hội. Tuy nhiên, việc giao quyền vẫn ở mức độ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; mặc dù trao quyền tự chủ nhưng vẫn khống chế mức trần thu học phí theo các văn bản quy định của Nhà nước và chưa được chủ động hoàn toàn về công tác nhân sự và bộ máy.
2. Bối cảnh tự chủ tài chính của trường đại học trong cơ chế hiện nay
Yêu cầu về tự chủ xuất phát từ nhu cầu nâng cao khả năng đáp ứng của trường đại học với môi trường xã hội, kinh tế và thích ứng với sáng tạo, công nghệ thay đổi. Với việc ban hành một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi và mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Về lý thuyết, tự chủ được xem như là một con đường để tìm kiếm phương cách thúc đẩy trong học thuật, trong quản lý tài chính, tổ chức và nhân sự trong quản trị của các cơ sở giáo dục.
Tự chủ trong học thuật là sự tự do của cơ sở giáo dục đại học trong việc quyết định những vấn đề thuộc về học thuật như là chương trình, tài liệu giảng dạy, phương pháp sư phạm, kỹ thuật đánh giá thành quả học tập của sinh viên.
Tự chủ trong quản trị tổ chức và nhân sự là sự tự do của cơ sở đào tạo trong việc sắp xếp và tổ chức các sự kiện, các mối quan hệ liên quan đến công việc lập kế hoạch, tổ chức và điều phối.
Theo thống kê, hiện nay, nguồn tài chính của các trường đại học công lập (ĐHCL) cơ bản là từ ngân sách nhà nước và thu từ học phí, đề tài khoa học.
Trong đó, ngân sách nhà nước chiếm từ 30% - 40% tổng thu của các trường đại học hàng năm. Nguồn tài chính quan trọng thứ hai cho các trường là thu từ hoạt động sự nghiệp, bao gồm nguồn thu từ sinh viên và các nguồn thu khác chiếm khoảng 60% - 70% tổng nguồn thu của các trường. Bình quân các trường đại học tự đảm bảo cân đối chi thường xuyên được khoảng 75% từ nguồn thu sự nghiệp. Tuy nhiên, với tỷ lệ chi thường xuyên này vẫn chưa thể đảm bảo đủ nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giảng viên hàng năm.
Trước thực trạng này, các trường nói chung và ĐHL, ĐHH nói riêng, sẽ phải tự cân đối bù đắp chi thường xuyên đối với khối đào tạo chính quy tập trung từ các khoản thu của các hệ đào tạo liên kết trong và ngoài nước, đào tạo bằng đại học thứ 2, đào tạo thường xuyên… và các khoản thu khác.
Hiện, nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục đại học còn hạn chế, cơ chế phân bổ ngân sách vẫn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với các tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra, điều này dẫn đến tình trạng thiếu động lực cạnh tranh giữa các trường đại học.
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ chủ yếu giao quyền tự chủ một số nhiệm vụ chi, chưa giao quyền tự chủ về huy động nguồn lực tài chính từ học phí do người học đóng góp và chưa cấp bù học phí, lệ phí cho sinh viên thuộc diện chính sách.
Đối với các trường thuộc khu vực miền Trung, có nhiều sinh viên thuộc diện chính sách đến học, chiếm từ 20-30% tổng số sinh viên, được Nhà nước miễn, giảm học phí, nhưng Nhà nước lại chưa cấp bù đủ số kinh phí này.
Do nguồn ngân sách được cấp là nguồn thu chủ yếu và lại phụ thuộc rất lớn vào quy mô hay cụ thể hơn là số lượng sinh viên đầu vào của Trường, cho nên để gia tăng nguồn thu chỉ có thể có được khi tăng quy mô sinh viên.
Mặc dù, việc cải cách, đổi mới chính sách học phí, lộ trình tăng học phí của các trường đại học trong thời gian qua đã được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, việc thực hiện cải cách này vẫn còn nhiều hạn chế về việc phân loại nhóm ngành, mức học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành và các loại hình đào tạo bậc đại học và sau đại học.
3. Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của Đại học Luật, Đại học Huế
Trường Đại học Luật - Đại học Huế theo kế hoạch là 1 trong 3 trường đại học thành viên của Đại học Huế (Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Luật) sẽ thực hiện tự chủ đại học vào năm 2021. Thực hiện cam kết theo Đề án thành lập Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế và Kế hoạch số 26/KH-ĐU ngày 27/4/2018 của Đảng ủy Đại học Huế, Trường Đại học Luật đã thành lập Ban xây dựng Đề án Tự chủ đại học để có thể hoàn thành và trình các cấp phê duyệt vào năm 2021. Đối với Trường ĐHL, ĐHH việc chuyển đổi cơ chế hoạt động sang tự chủ có những thuận lợi nhất định, nhưng cũng không ít thách thức trong quá trình triển khai và thực hiện, trong đó tự chủ về tài chính sẽ phải tự đảm bảo kinh phí cho việc chi thường xuyên và chi đầu tư.
3.1. Về nguồn thu
Nguồn thu qua 3 năm (từ 2017 đến 2019): Nguồn thu của Trường vẫn chủ yếu là thu từ học phí của các hệ đào tạo chiếm hơn 80% tổng nguồn thu, thu từ học phí của các hệ đào tạo không chính quy có chiều hướng giảm dần, nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong kinh phí đào tạo khoảng 10%.
Các khoản thu khác: Bên cạnh hoạt động đào tạo các hệ đào tạo dài hạn, Trường cũng đã triển khai các hoạt động đào tạo ngắn hạn, cung cấp dịch vụ pháp lý và tư vấn chính sách theo hình thức hợp đồng cho các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên và nguồn thu từ các hoạt động này chiếm khoảng 7% trên tổng nguồn thu của đơn vị (Bảng 1).
Bảng 1. Cơ cấu nguồn thu qua 3 năm từ 2017-2019
Nguồn: Báo cáo quyết toán của Trường ĐHL, ĐHH
3.1. Về chi
Chế độ trả lương cho người lao động: Đại học Luật xây dựng chế độ trả lương, thu nhập và thực hiện thang bảng lương, mức lương cơ bản theo quy định hiện hành, nguồn chi trả 100% từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị (NSNN không cấp);
Trường xây dựng phương án phân phối thu nhập tăng thêm theo hệ số quản lý đảm bảo ổn định và gia tăng thu nhập thực tế của người lao động theo đúng quy định và hợp lý.
Xây dựng và hoàn chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm trên khung pháp lý quy định của Nhà nước, thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch.
Trích lập các quỹ: Sau khi thực hiện bù đắp các chi phí thường xuyên, đảm bảo chất lượng cam kết và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, phần chênh lệch thu chi sẽ được phân phối: Đảm bảo trích tối thiểu 25% cho quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.
Chế độ miễn, giảm, chính sách học bổng: Trường luôn thực hiện đầy đủ việc miễn, giảm cho người học theo đúng quy định của Nhà nước, phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước và mức học phí sẽ được Trường cấp bù toàn bộ để đảm bảo các quyền lợi cho sinh viên.
Quỹ học bổng sinh viên: Trích 8% đến 12% từ nguồn thu học phí đại học hệ chính quy để lập quỹ học bổng khuyến khích học tập, theo quy định tại Thông tư số 31/2013/TT-BGDĐT ngày 01/8/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất: Trường đã lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp để đầu tư cơ sở vật chất theo quy định chung của Nhà nước; Lập dự án hợp tác đầu tư các hạng mục hỗ trợ công tác đào tạo như: khu thể thao, căng tin, dịch vụ. Ngoài ra, khai thác hiệu quả các tài sản; Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về mua sắm tài sản công, quy định về đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ quan quản lý Nhà nước (Bảng 2).
Bảng 2. Cơ cấu chi qua 3 năm từ 2017-2019
ĐVT: nghìn đồng/ tỷ lệ %
Nguồn: Báo cáo quyết toán của Trường ĐHL, ĐHH
4. Những thuận lợi khi tự chủ tài chính
4.1. Về tài chính
Học phí: Do nhu cầu xã hội cao, nên việc tuyển sinh của Trường HHL, ĐHH vẫn đảm bảo chỉ tiêu theo đăng ký. Đặc biệt là đối với hệ đào tại đại học chính quy dài hạn và hệ đào tạo cao học, do đó nguồn thu học phí ổn định. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định số 86/NĐ-CP làm cho tỷ lệ tăng học phí hàng năm, nên cũng góp phần tăng từ nguồn thu này.
Việc được giao tự chủ xác định mức thu học phí giúp Trường tính tương đối đầy đủ các chi phí cần thiết cấu thành trong giá dịch vụ đào tạo, từ đó chủ động được các khoản chi và tích lũy để đầu tư.
Thu sự nghiệp, dịch vụ: Trường thực hiện các hoạt động cung cấp các dịch vụ pháp lý, tư vấn chính sách, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, khoản thu từ các hoạt động này được công khai trên cơ sở lấy thu bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý. Đây chính là việc đa dạng hóa các nguồn thu nhằm tăng thu, đảm bảo hoạt động, tăng tích lũy.
Tiền lương và thu nhập: Trường là đơn vị mới thành lập, đội ngũ cán bộ còn ít nên nguồn chi trả quỹ tiền lương, tiền giảng dạy và các hoạt động chi cho con người chưa nhiều trên tổng cơ cấu nguồn chi chiếm khoảng 25% trong năm qua.
Việc sử dụng nguồn thu: Khi thực hiện tự chủ ngoài việc đa dạng nguồn thu, đơn vị sẽ gửi các khoản thu từ học phí và các khoản thu sự nghiệp khác vào ngân hàng thương mại để tăng thêm nguồn thu từ lãi tiền gửi ngân hàng.
Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại được trích lập quỹ theo quy định.
4.2. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học
Về cơ bản, Trường đã đảm bảo việc cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cũng như các hoạt động giảng dạy. Do vậy, nguồn kinh phí đầu tư cho nội dung này sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo. Khi thực hiện tự chủ đại học, nếu được sự đầu tư ban đầu của Nhà nước, Nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác cơ sở vật chất theo kế hoạch trung và dài hạn của Trường đã xây dựng theo hướng hiện đại để đáp ứng việc đào tạo các ngành chất lượng cao.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình trong khuôn viên của Trường, tạo môi trường xanh, sạch đẹp và thân thiện để thu hút ngày càng nhiều người đến học tập và NCKH.
Theo báo cáo thống kê của Trường, điều kiện cơ sở vật chất cụ thể như sau:
+ Tổng diện tích đất sử dụng của Trường (tính bằng m2): 100.000 m2.
+ Nơi làm việc: 4406,4m2. Nơi học: 8.669,6m2. Khu văn nghệ, thể thao: 8.300,16m2.
+ Tổng diện tích phòng học: 8.669,6m2.
+ Tỷ số diện tích phòng học trên SV chính quy: 8.669,6 /3.904 tương ứng 2,2 m2/SV.
+ Số đầu sách trong thư viện của Nhà trường: 30.880 cuốn.
Thư viện của Trường có tổng cộng 527 đầu sách; 128 giáo trình với 30.880 bản; 2.527 tài liệu tham khảo và 25 tạp chí chuyên ngành; hơn 2.550 khóa luận và luận văn. Ngoài ra, dự liệu thư viện điện tử của Trường còn được liên thông với Trung tâm Học liệu của Đại học Huế và một số cơ sở đào tạo ngành Luật trong nước.
4.3. Đảm bảo quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo
Trong những năm vừa qua, Nhà trường vẫn duy trì việc tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu do nhu cầu xã hội cao ở tất cả các hệ đào tạo từ đại học và sau đại học (Bảng 3).
Công tác tổ chức đào tạo đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và được xã hội đánh giá cao. Qua khảo sát độc lập các khóa tốt nghiệp những năm gần nhất, tỷ lệ sinh viên của Nhà trường có việc làm sau một năm là 94,2% và tỷ lệ làm việc đúng ngành nghề đã được đào tạo là 86,6%.
Bảng 3. Quy mô tuyển sinh từ năm 2017-2019
Nguồn: Báo cáo thống kê của Trường ĐHL, ĐHH
5. Hạn chế và nguyên nhân
- Trường là đơn vị mới thành lập (Thành lập theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 3/3/1015), do đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học chưa cao.
- Nguồn thu chủ yếu của Trường là từ thu học phí, tuyển sinh hệ chính quy và đào tạo sau đại học trong những năm qua có tăng lên nhưng bên cạnh đó các hệ đào tạo khác giảm đáng kể so với năm các trước. Nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu, nay lại phải chia sẻ cho người học (lập các quỹ hỗ trợ sinh viên), vì vậy tổng thu được sử dụng cho hoạt động của Trường bị giảm.
- Đối với các trường thuộc khu vực miền Trung, có nhiều sinh viên thuộc diện chính sách đến học, chiếm từ 20-30% tổng số sinh viên, được Nhà trường miễn giảm nhưng lại không được Nhà nước cấp bù đủ và kịp thời; bên cạnh đó, việc mức trần học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm / ngành và các loại hình đào tạo đại học và sau đại học.
- Trường là loại hình đơn vị sự nghiệp đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, chính vì vậy, hàng năm, kinh phí NSNN cấp cho mua sắm là không đáng kể. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nguồn thu của đơn vị.
Từ khó khăn trên cho thấy, trong thời gian tới, nguồn thu của Trường sẽ bị hạn chế hoặc bị giảm, trong khi các khoản chi tăng đáng kể, gồm: Học bổng, học phí cho các đối tượng chính sách, chi phí mua sắm trang thiết bị; tiền lương và thu nhập của giảng viên, cán bộ viên chức, nhân viên tăng cơ học về số lượng người để từng bước đáp ứng yêu cầu, tăng do Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ bản.
6. Một số giải pháp
6.1. Về đào tạo, NCKH và hợp tác quốc tế
Phát triển các chương trình đào tạo gần với ngành Luật, trong đó có các chương trình liên kết với các tổ chức và cơ sở đào tạo nước ngoài.
Có định hướng và kế hoạch rõ ràng trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo và có nguồn thu từ hoạt động này.
Chuẩn hóa giáo trình và liên thông, liên kết giữa các đại học, liên kết với Hiệp hội các trường đào tạo Luật để trao đổi học thuật, luân phiên tổ chức các hội thảo khoa học và giao lưu sinh viên,…
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường còn khiêm tốn, chủ yếu là phục vụ cho hoạt động giảng dạy của giảng viên thông qua các đề tài cấp cơ sở. Với định hướng nghiên cứu ứng dụng, Trường đề xuất thực hiện theo cơ chế đặt hàng, hoặc tổ chức đấu thầu các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao cho các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, các Bộ, Ngành và các tổ chức xã hội có nhu cầu.
Trường dự kiến sẽ tập trung kinh phí để hỗ trợ các đề tài nghiên cứu, kết quả sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế được xếp hạng nhằm tăng uy tín và thương hiệu. Hướng phát triển nữa là số nghiên cứu này sẽ đăng ký với Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) để nhận tài trợ.
6.2. Phát triển đội ngũ giảng viên
Quá trình phát triển đội ngũ phải hài hòa giữa đào tạo lại nguồn lực hiện hữu và tuyển dụng mới; giữa cắt giảm quy mô tuyển sinh và bình ổn thu nhập cho giảng viên… Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép Trường có lộ trình phát triển đội ngũ, để đến năm 2020 sẽ đạt tiêu chuẩn về giảng viên (số lượng và chất lượng).
Xây dựng các chỉ tiêu thực hiện về đội ngũ, cụ thể đến năm 2022: 50% đội ngũ có trình độ tiến sỹ, GS, PGS; 100% giảng viên giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, 20% giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.
Đảm bảo tỷ lệ giảng viên đạt ở mức 25 sinh viên/giáo viên; tỷ lệ cán bộ phục vụ dưới 30% trên tổng số cán bộ giảng viên và lao động của Nhà trường.
6.3. Cơ sở vật chất cần có để phục vụ đào tạo và quản lý
Để đảm bảo chuẩn cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường đã quy hoạch chi tiết trên diện tích hiện có để đầu tư xây dựng giảng đường, thư viện… Ngoài vấn đề về quỹ đất, kinh phí đầu tư (theo Đề án, Trường sẽ đảm nhận đối với các dự án xây dựng mới trong giai đoạn 2018-2020), trình tự, thủ tục thực hiện dự án theo quy định hiện hành đối với đầu tư công sẽ kéo dài quá trình xây dựng cơ sở vật chất. Trường kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế tiếp tục phân bổ kinh phí đầu tư cho một số dự án đầu tư mới; tạo điều kiện cho Trường tiếp cận các quỹ hỗ trợ tín dụng ưu đãi của Trung ương và địa phương để vay vốn thực hiện.
6.4. Quản lý tài chính và tăng nguồn thu
Việc xác định mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý tài chính khi thực hiện tự chủ đại học là rất quan trọng, nhằm thiết lập một nguồn lực tài chính vững mạnh và ổn định, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập và đời sống của cán bộ giảng viên mới được thực hiên. Để thực hiện các mục tiêu trên, cần có các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư bằng các phương thức thức khác nhau, kêu gọi đầu tư, hợp tác đầu tư, các dự án hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao kết quả NCKH và các nguồn vốn vay của các tổ chức,…
Thứ hai, xây dựng thương hiệu mạnh, có uy tín trong đào tạo, đặc biệt là ở khu vực Miền Trung - Tây nguyên để người học dễ dàng nhận diện và tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo, cung cấp pháp lý và các dịch vụ khác cho các đối tượng có nhu cầu.
Thứ ba, có kế hoạch để tăng nguồn thu từ hoạt động KHCN, chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu, như: thương mại hóa giáo trình, tài liệu, các kết quả hợp tác với các cở sở đào tạo khác.
Thứ tư: xây dựng lộ trình tăng học phí phù hợp, phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các chương trình lên kết đào tạo với nước ngoài để tăng mức thu học phí.
Thứ năm, xây dựng kế hoạch, quản lý đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài chính; thực hiện việc trích lập các quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ phúc lợi, quỹ khen thương,… tối thiểu 25% trên tổng nguồn thu sự nghiệp của Trường.
Tự chủ tài chính tại các trường đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm cao trong hoạt động. Do đó, công tác quản lý tài chính phải được minh bạch, rõ ràng, đảm bảo nguồn lực tài chính để ổn định phát triển đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở giáo dục đào tạo đại học công lập.
Tài liệu tham khảo:
- Arthur M. Hauptman (2006), Tài chính cho giáo dục đại học, xu hướng và vấn đề, Kỷ yếu Hội thảo giáo dục. Hà Nội, năm 2008. Viện Nghiên cứu Giáo dục.
- Arben Malaj, Fatmir Mema, and Sybi Hida (2005), “Albania, Financial Management in the Education System: Higher Education”, http://www.uni- bamberg.de/fileadmin/.../pberg54.pdf
- Estermann, T. (2011), “The challenge of financial sustainability”, http://www.universityworldnews.com
- Estermann, T. & Pruvot, E.B (2011), “Financially Sustainable Universities II European universities diversifying income streams”, http://www.eua.be/.../Financially _Sustainable_Universities_; Copyright © by the European University Association 2011.
5. Estermann, T. & Pruvot, E.B (2011), “Financially Sustainable Universities II European universities diversifying income streams”. - Higher Education Finance and Cost-Sharing in Indonesia, http://www.e-ducare.org/.../higher-education-finance/
- Kim Gwang - Jo (2010), “I. Rationale of Study & Research Questions II. Indicators on Evolution of Higher Education. III. Results of the Pilot Test of Indicators. IV. Challenges and Reflections. 2. 6/21/2010. GJK, Benchmarking Education Systems for...”.
- Kohtamäki, V., University of Tampere, “How do Higher Education Institutions Enhance their Financial Autonomy?”, vuokko.kohtamaki@uta.fi; Higher Education Quarterly, 0951-5224 DOI: 10.1111/j.1468-2273.2010.00475.x; Volume 65, No. 2, April 2011, pp 164-185.
- Mitsopoulos, M and Pelagidis, T. (2008), “Comparing the Administrative and Financial Autonomy of Higher Education Institutions in 7 EU Countries”.
- Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 tại Hội nghị Ban chấp hành TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
- Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập.
- Luật Ggiáo dục đại học năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018.
- Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
- Báo cáo tự đánh giá đảm bảo chất lượng giáo dục của cơ sở đào tạo Trường Đại học Luật, Đại học Huế, năm 2018.
- Đề án đổi mới cơ chế hoạt động tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, năm 2015.
- Báo cáo Hội nghị tư chủ đại học tại Đại học Huế, năm 2018.
- Báo cáo thống kê giáo dục của Trường Đại học Luật, Đại học Huế từ năm 2017-2019.
- Trần Thị Nhật Anh, Cơ sở khoa học thực hiện tự chủ đại học tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế, năm 2018.
- Nguuyễn Tài Năng, Đánh giá sự hài lòng của người học về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và cơ chế tài chính chỉnh của Trường Đại học Luật, Đại học Huế, năm 2018.
THE CONTENT OF FINANCIAL AUTONOMY IN UNIVERSITY AUTONOMY: EXAMINING UNIVERSITY OF HUE – HUE UNIVERSITY
Master. NGUYEN TAI NANG
Universitty of Law, Hue University
ABSTRACT:
University autonomy is the indispensable trend of education and training and University of Law under Hue University is not out of this trend. To implement successfully and sustainably develop upon the transformation to university autonomy model, the planning, forecasting work and financial autonomy solutions are considered as decisive factors for success in university autonomy. This study analyses the contents of financial autonomy, advantages and disadvantages in implementing university autonomy for Universities of Law – Hue University.
Keywords: University of Law, Hue University, university autonomy, financial autonomy, education.